
1. Bangladesh có dấu hiệu phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch
Khi nền kinh tế toàn cầu đang bất ổn do dịch Covid-19, hầu hết các chỉ số chính ở Bangladesh đều cho thấy sự lạc quan về triển vọng kinh tế của đất nước.
Dòng kiều hối đổ về đã vượt qua kỳ vọng khi nó tiếp tục tăng lên các tầm cao mới trong thời kỳ đại dịch. Dự trữ ngoại hối cũng đang trên đà vượt qua mốc 40 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường vốn dường như cũng đã hồi sinh trở lại sau một đợt sụt giảm kéo dài. Mặc dù thu nhập của các hộ gia đình đã giảm xuống, nhưng doanh số chứng chỉ tiết kiệm lại tăng lên nhanh chóng. Thu nhập từ xuất khẩu cũng đang tăng lên, với Bangladesh hiện đang có thặng dư lớn trong cán cân thanh toán. Dòng vốn tín dụng vào khu vực tư nhân cũng đang tăng lên.
Khi Bộ trưởng Tài chính AHM Mustafa Kamal tin rằng nền kinh tế đang thoát ra khỏi tình trạng suy thoái do đại dịch gây ra, các chuyên gia đã khuyến cáo cần thận trọng trong việc đối phó với tình hình.
Đại dịch Covid-19 đã làm chao đảo các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng như của các nước láng giềng như Ấn Độ, khiến GDP của nước này giảm khoảng 1/4.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự đoán vào tháng 6 rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu thiệt hại 12 nghìn tỷ USD do đại dịch. Trước đó vào tháng 4, cơ quan này cho biết nền kinh tế thế giới sẽ giảm 3% vào năm 2020. Kể từ đó, họ đã điều chỉnh con số đó xuống là 4,9%. Theo IMF, sẽ mất hai năm để sản lượng kinh tế toàn cầu trở lại mức của năm 2019.
Không có nền kinh tế lớn nào trên thế giới miễn nhiễm với ảnh hưởng của đại dịch. Nền kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ giảm 6% trong năm nay. Ngoài ra, các quốc gia sử dụng đồng euro có khả năng nền kinh tế của họ giảm hơn 10%. Dự báo về nền kinh tế Anh cũng không kém phần gay gắt, với mức tăng trưởng dự kiến giảm 10,2%.
Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã ghi nhận sự đi lên trong các hoạt động kinh tế của Bangladesh và trên cơ sở đó, họ dự đoán tăng trưởng GDP có thể tăng lên 6,8% trong năm tài chính hiện tại (FY2020-21). Chính phủ đã dự báo tăng trưởng GDP 8,2% cho năm tài chính hiện tại. Các nhà kinh tế chê bai mục tiêu ‘quá tham vọng’, nhưng Bộ trưởng Kamal vẫn lạc quan, “Nền kinh tế Bangladesh đã có bước chuyển mình. Tất cả các chỉ số đều khả quan. Tôi tin rằng tăng trưởng GDP của chúng ta sẽ từ 8,1% đến 7,2% trong thời gian này. Và ngay cả khi điều đó không xảy ra, nó vẫn sẽ không phải là một điều tồi tệ.”
Từ tháng 7 đến 9 của năm tài chính hiện tại (FY21), phân tích về động lực của nền kinh tế trong ba tháng này sẽ giúp thấy được tác động của đại dịch trong quý cuối cùng của năm tài chính 2019-20 (từ tháng 4 đến tháng 6). Ngoài nhập khẩu, đại dịch dường như không có quá nhiều ảnh hưởng bất lợi đối với nền kinh tế Bangladesh.
Kiều hối: Làn sóng sa thải nhân viên và tình trạng khó khăn đang diễn ra trên thế giới trong bối cảnh đại dịch, dòng kiều hối được cho là sẽ giảm xuống nhưng thay vào đó, nó đang trong một quỹ đạo đi lên. Trong quý đầu tiên (tháng 7-9) của năm tài chính 2020-2021, kiều hối Bangladesh đã đạt kỷ lục mới hơn 6,71 tỷ USD trong bối cảnh đại dịch. Số tiền này nhiều hơn 48,57% so với số kiều hối trong cùng kỳ năm ngoái. Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương, chỉ riêng trong tháng 9, kiều hối hơn 2,15 tỷ USD, cao thứ hai trong một tháng sau 2,6 tỷ USD vào tháng 7.
Bộ trưởng Tài chính Kamal bày tỏ hy vọng rằng dòng kiều hối trong năm tài chính 2020-2021 sẽ đạt tổng cộng hơn 24 tỷ USD. Ông cảm ơn những người lao động ở nước ngoài và nói rằng họ đã giúp chính phủ có đủ can đảm để giải quyết cuộc khủng hoảng đại dịch. Ông Kamal đã khẳng định một lần nữa ưu đãi 2% về chuyển tiền và đơn giản các thủ tục. Ông cho biết dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Bangladesh vượt qua 39 tỷ USD nhờ lượng kiều hối cao.
Dự trữ ngoại tệ: Dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Bangladesh cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 39 tỷ USD trong bối cảnh đại dịch. Các quan chức Ngân hàng Bangladesh hy vọng rằng dự trữ ngoại hối sẽ vượt mốc 40 tỷ USD vào giữa tháng 10. Theo tiêu chuẩn quốc tế, một quốc gia phải có dự trữ ngoại tệ tương đương với chi phí nhập khẩu trong ba tháng. Chính phủ tin rằng dự trữ ngoại hối hiện tại mang lại tiềm năng kinh tế của đất nước trong làm ăn với phần còn lại của thế giới và cũng sẽ tạo niềm tin hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường vốn: Sau một thời gian dài, thị trường vốn của Bangladesh cũng đã trở lại xu hướng tăng giá. Bên cạnh mức tăng của chỉ số chính, giao dịch trên thị trường chứng khoán hàng đầu của quốc gia này cũng đã chứng kiến sự khởi sắc, được thúc đẩy bởi sự lạc quan mới của các nhà đầu tư. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 2010, một số sáng kiến đã được thực hiện để thúc đẩy cổ phiếu. Mặc dù đôi khi có sự gia tăng, các biện pháp này không có tác động lâu dài. Thị trường vốn bị ảnh hưởng bởi một sự thụt lùi khác vào tháng 1 năm 2020 khi hầu hết cổ phiếu chạm đáy.
Giao dịch trên hai sàn giao dịch của Bangladesh đã bị đóng cửa trong hai tháng sau khi Covid-19 bùng phát vào tháng Ba. Các sàn giao dịch sau đó đã mở lại vào ngày 31/5. Chỉ số DSEX, chỉ số chính của Sở giao dịch chứng khoán Dhaka, đã giảm xuống dưới 4.000 điểm vào tháng 6 giữa đợt dịch bệnh. Kể từ đó, nó đã đạt được động lực trong những tháng tiếp theo, đóng cửa ở mức 5.000 điểm vào ngày 01/10.
Khi được hỏi điều gì đã khiến thị trường chứng khoán sôi động trở lại, Giám đốc Shakil Rizvi của Sở giao dịch chứng khoán Dhaka cho biết: “Thành thật mà nói, ngay cả chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên. Chúng tôi không ngờ thị trường vốn lại có một xu hướng tích cực như vậy trong bối cảnh đại dịch”. “Tôi tin rằng có hai điều đang diễn ra ở đây. Thứ nhất, khi thị trường lao dốc, giá cổ phiếu cũng bị kéo theo. Đó là thời điểm tốt để đầu tư vào cổ phiếu. Các nhà đầu tư đã nắm lấy cơ hội đó. Thứ hai, các cơ quan quản lý đã trở nên tích cực hơn và điều này đã khắc phục sự mất kết nối giữa các cơ quan có thẩm quyền. Thị trường đang gặt hái những lợi ích từ việc lãi suất giảm”. Bộ trưởng Tài chính Kamal đã chỉ ra yếu tố thứ ba đằng sau sự hồi sinh của thị trường vốn, “Một phần lượng kiều hối mà người nước ngoài gửi về nước đang được bơm vào thị trường vốn”.
Cán cân thanh toán: Ngay cả khi đang xảy ra đại dịch, Bangladesh vẫn có thặng dư lớn trong tài khoản cán cân thanh toán vãng lai (BoP), điều này cho thấy sự khác biệt giữa thu nhập xuất khẩu của một quốc gia và chi tiêu nhập khẩu. Bangladesh thặng dư thương mại 3,3 tỷ USD trong hai tháng đầu năm tài chính 2020-2021 (từ tháng 7 đến tháng 8), so với mức 204 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu: Sau khi giảm mạnh khi bắt đầu đại dịch, thu nhập từ xuất khẩu đã tăng trở lại trong những tháng gần đây. Từ tháng 7 đến tháng 8, Bangladesh kiếm được 6,87 tỷ USD từ xuất khẩu, cao hơn 1% so với mục tiêu và tăng 2,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ xuất khẩu tăng 4,32% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2,97 tỷ USD vào tháng 8.
Theo dữ liệu của Cục Xúc tiến xuất khẩu, Bangladesh đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 3,91 tỷ USD trong tháng 7, vượt mục tiêu 13,4%. Con số này cũng cao hơn so với bất kỳ tháng nào trong năm tài chính cuối cùng 2019-2020 kết thúc vào ngày 30/6. Sau khi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc vào đầu năm 2020, thu nhập từ xuất khẩu của Bangladesh đã giảm xuống mức thấp nhất là 520 triệu USD vào tháng 4, bằng một nửa lượng kiều hối nhận được trong tháng đó và thấp hơn 85,37% so với cùng tháng năm trước. Thu nhập xuất khẩu quay đầu vào tháng 5, tăng gần 3 lần so với thu nhập tháng 4, nhưng với mức giảm 61,56% so với cùng kỳ năm trước, khi các nhà máy bắt đầu mở cửa trở lại với các hạn chế được nới lỏng.
Chính phủ đã đặt mục tiêu xuất khẩu 48 tỷ USD cho năm tài chính 2020-2021. Mục tiêu này cao hơn khoảng 20% so với thu nhập xuất khẩu nhưng thấp hơn 6 tỷ USD so với mục tiêu của năm tài chính vừa qua.
Chứng chỉ tiết kiệm: Chính phủ đã vay 74,55 tỷ Tk, tương đương hơn 37% số tiền đã đặt mục tiêu từ việc bán chứng chỉ tiết kiệm trong 2 tháng đầu năm tài chính 2020-2021. Chỉ riêng thu thuần trong tháng 8 đã lên tới 75,46 tỷ Tk, nhiều hơn doanh thu thuần của tháng 7 và tháng 8 năm ngoái và là mức cao nhất trong một tháng trong một năm rưỡi.
Doanh số ròng của chứng chỉ tiết kiệm được tính bằng cách trừ số tiền đã hoàn trả cho các chứng chỉ đã bán trước đó từ tổng doanh số.
Chính phủ đã đặt mục tiêu vay 270 tỷ Tk thông qua việc bán chứng chỉ tiết kiệm trong tài khóa 2019-20, nhưng đã điều chỉnh xuống 119,24 tỷ Tk sau khi doanh số bán giảm.
Tín dụng khu vực tư nhân: Dòng tín dụng dành cho khu vực tư nhân của Bangladesh cũng đang trên đà phục hồi từ mức tăng trưởng thấp trong một thập kỷ sau khi các khoản đầu tư lao dốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vào cuối tài khóa 2019-2020. Các ngân hàng đã giải ngân khoản vay trị giá 11,16 nghìn tỷ Tk vào cuối tháng 8 với mức tăng trưởng 9,36% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Ngân hàng Bangladesh. Tăng trưởng tín dụng đạt 10,95 nghìn tỷ Tk vào cuối tháng 7, đánh dấu mức tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ của khu vực tư nhân đã giảm xuống mức thấp nhất – 8,61% – vào tháng 6, tháng cuối cùng của năm tài chính trước đó.
Ngân hàng Bangladesh đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14,8% trong chính sách tiền tệ của mình cho giai đoạn 2019-2020. Mục tiêu vẫn giữ nguyên cho năm 2020-2021.
Các nhà nghiên cứu và chủ ngân hàng đã nói rằng dòng tín dụng đang tăng lên vì các ngân hàng đã bắt đầu giải ngân các khoản vay từ các gói kích thích Covid-19 của chính phủ trị giá hơn 1 nghìn tỷ Tk để hỗ trợ nền kinh tế khỏi ảnh hưởng của đại dịch.
Tuy nhiên, trong khi hầu hết các lĩnh vực khác của nền kinh tế đang bắt đầu có được dấu hiệu tích cực sau ảnh hưởng của đại dịch thì nhập khẩu vẫn đang bị tụt. Trong hai tháng đầu năm tài chính 21, nhập khẩu của Bangladesh ở mức 7,43 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cho biết giá dầu nhiên liệu thấp trên thị trường toàn cầu đã tác động đến nhập khẩu. “Về mặt nhập khẩu, giá dầu nhiên liệu thấp đã khiến chúng ta ở trong vùng an toàn”.
2. Thất nghiệp tăng kỷ lục, phục hồi tốt vào tháng 9/2020.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Bangladesh đã đạt mức cao kỷ lục 22,39% vào tháng 7, trước khi giảm mạnh xuống 4,0% vào tháng 9 vừa qua, theo Cục Thống kê Bangladesh (BBS). Tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2,3% ngay trước đại dịch Covid-19.
BBS lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh là do tác động tiêu cực của đại dịch đối với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ này lại giảm xuống 4,0% vào tháng 9 trong bối cảnh các hoạt động kinh tế dần dần khởi động lại.
Khi được hỏi, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD), Tiến sĩ GK Moazzem đánh giá cao cuộc khảo sát thời gian thực của BBS. “Nhưng dữ liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh xuống 4,0% từ hơn 22% trong vòng hai tháng là điều đáng nghi ngờ”. Ông đặt câu hỏi về việc làm thế nào mà tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống chỉ còn 4,0% từ hơn 22% khi khu vực công nghiệp và dịch vụ vẫn đang gặp khó khăn, tăng trưởng tín dụng, nhập khẩu nguyên liệu và máy móc đang có xu hướng yếu đi và nông nghiệp bị ảnh hưởng. Dữ liệu BBS cho thấy thu nhập hộ gia đình đã giảm 20,24% vào tháng 8.
“Khảo sát cảm nhận về thu nhập và chi tiêu” thông qua cuộc phỏng vấn qua điện thoại với 2.040 người trên cả nước trong thời gian từ ngày 13-19/9/2020.
Cuộc khảo sát cho thấy thu nhập của mỗi hộ gia đình đã giảm xuống còn 15.492 Tk vào tháng 8, thấp hơn 20,24% so với 19.425 Tk vào tháng 3. Cuộc khảo sát cũng cho thấy chi tiêu trung bình của hộ gia đình cũng giảm 6,14% xuống 14.119 Tk vào tháng 8. Vào tháng 3 năm nay, trung bình mỗi hộ gia đình trong cả nước đã chi 15,403 Tk cho chi phí sinh hoạt.
BBS cho biết trong thời gian ngừng hoạt động trên cả nước hoặc một phần từ tháng 3 đến tháng 7 vừa qua, khoảng 68,39% số hộ gia đình trên toàn quốc đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính. BBS cho biết chính phủ trong giai đoạn này (tháng 4-tháng 7) đã cứu trợ hoặc hỗ trợ tài chính cho 21,33% các gia đình bị ảnh hưởng. Các hộ gia đình có thu nhập bình quân hàng tháng dưới 20.000 Tk nhận được sự hỗ trợ của chính phủ.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)