Kinh tế Bangladesh

0
81
(ảnh minh hoạ)

1. Bangladesh đứng thứ hai về tăng trưởng xuất khẩu

Theo báo cáo hàng năm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bangladesh đã đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu cao thứ hai trên toàn cầu trong thập kỷ qua (2008-2018) và cao nhất trong số các quốc gia Nam Á. Bangladesh vượt qua mức tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia đang phát triển do lượng xuất khẩu hàng may mặc cao.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu trên toàn thế giới, đứng đầu danh sách với mức tăng xuất khẩu 14,6% trong khi Bangladesh tăng 9,8%. Xuất khẩu của hai nền kinh tế khổng lồ, Trung Quốc và Ấn Độ, lần lượt tăng 5,7% và 5,3%.

WTO cho biết: “Xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh đã tăng hơn gấp ba lần từ năm 2008 đến năm 2018”. Theo báo cáo, xuất khẩu máy móc điện của Việt Nam đã tăng gần 30 lần từ năm 2008 đến năm 2018. Bangladesh hiện là nhà xuất khẩu lớn thứ 42 và nhà nhập khẩu lớn thứ 30 trên thế giới. Bangladesh giành vị trí là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai trên toàn thế giới với 6,4% thị phần, trong khi Trung Quốc duy trì vị thế thống trị với 31,3% mặc dù mức tăng trưởng giảm nhẹ trong năm 2018. Tỷ trọng của Việt Nam trong thương mại hàng may mặc tăng lên 6,2%, Ấn Độ 3,3% và Thổ Nhĩ Kỳ 3,1%.

Năm tài chính vừa qua FY20, doanh thu xuất khẩu hàng hóa đạt 40,53 tỷ USD và lĩnh vực dịch vụ là 6,33 tỷ USD. Xuất khẩu đã đạt mức tăng trưởng chung là 14,30%, 10,55% trong các chuyến hàng hóa và 46,06% trong lĩnh vực dịch vụ và riêng xuất khẩu các mặt hàng may mặc trị giá 34,13 tỷ USD, tăng 11,49% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả về doanh thu xuất khẩu trong năm tài chính trước, chính phủ Bangladesh đã đặt mục tiêu xuất khẩu mới cho năm tài chính hiện tại (FY21) là 54 tỷ USD, cao hơn 15,20% so với năm tài chính trước; trong đó dự kiến 45,50 tỷ USD từ xuất khẩu hàng hóa và 8,50 tỷ USD từ xuất khẩu dịch vụ, như vậy với xuất khẩu hàng hóa mục tiêu tăng trưởng là 12,25% và dịch vụ là 34,10% so với năm tài chính trước. Như thường lệ, mục tiêu xuất khẩu cao nhất đã được ấn định cho ngành may mặc trong năm tài chính hiện nay là 38,20 tỷ USD, cao hơn 11,91% so với thành tích của năm tài chính trước. Trong đó, 18,85 tỷ USD là hàng dệt kim và 19,35 tỷ USD từ lĩnh vực dệt thoi.

2. Bangladesh có cần phải nhập khẩu gạo

Theo Viện nghiên cứu về lúa Bangladesh (BRRI), với nguồn dự trữ hiện tại, Bangladesh đủ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lương thực cho đến mùa thu hoạch tiếp theo. Trong một năm mà nhiều quốc gia đang lo lắng về an ninh lương thực đại dịch Covid-19 kéo dài, nông nghiệp Bangladesh có kết quả khá tốt, đạt sản lượng lương thực chính là gạo vượt qua năng suất của năm trước.

Tuy nhiên, Bộ Lương thực hiện đang xem xét nhập khẩu gạo, ý kiến này nguyên nhân phần lớn do Tổng cục Lương thực thất bại trong việc thu mua đủ ngũ cốc của nông dân để bổ sung lượng lương thực dự trữ đang cạn kiệt nhanh chóng. Với yêu cầu khối lượng thu mua gần hai triệu tấn thóc gạo, Tổng cục Lương thực mới chỉ có thể mua nửa triệu tấn cho đến 09/8/2020. Việc thu mua kéo dài 4 tháng, sẽ kết thúc vào cuối tháng này. Các chuyên gia lo ngại sẽ không thu mua được dù chỉ là một nửa mục tiêu.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng Lương thực và các Bộ này đã đưa các chuyên gia an ninh lương thực và các cơ quan liên quan của Chính phủ tham gia một cuộc Hội thảo trực tuyến để phân tích, đánh giá, cân nhắc giải pháp tốt nhất thay vì nhập khẩu gạo để bù đắp sự thiếu hụt trong việc mua lương thực dự trữ.

Các chuyên gia BRRI đã đưa ra số liệu thống kê cho thấy, với nguồn dự trữ hiện tại, Bangladesh đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu gạo của 170 triệu dân cho đến vụ thu hoạch tiếp theo, tức là từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2020. Vụ Boro thu hoạch vào tháng 5 vừa rồi có sản lượng là hơn 20 triệu tấn, cao hơn gần 4% so với vụ trước. Theo ước tính của BRRI, Bangladesh vẫn có hơn 5 triệu tấn gạo sau tháng 11, khi bắt đầu thu hoạch vụ mùa tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Tiến sĩ Mohammad Abdur Razzaque cho rằng lựa chọn giải pháp nhập khẩu gạo nên được coi là biện pháp cuối cùng. Ông cho biết nếu Bộ Lương thực không nhận được nhiều phản hồi từ các nhà xay xát gạo trong việc cung cấp ngũ cốc cho các kho dự trữ quốc gia với mức giá là 36 Tk/kg, Bộ Lương thực có thể tính đến tăng biên độ giá mua lên 38 Tk để Chính phủ có thể thu mua lượng gạo đúng mục tiêu và duy trì lượng lương thực dự trữ của Chính phủ.

Các chuyên gia cho rằng Bộ Lương thực và các Bộ liên quan nếu chủ động trong mua sắm sẽ giúp tiết kiệm nguồn dự trữ ngoại tệ quý giá của đất nước. Họ cho rằng Chính phủ đã phân bổ tiền thu mua gần hai triệu tấn gạo, điều này sẽ không chỉ giúp tăng dự trữ gạo của Chính phủ mà còn bơm tiền vào nền kinh tế nông thôn, nơi người nông dân được cho là sẽ được hưởng lợi từ giá do Chính phủ đưa ra. Chính việc Cục Lương thực không mua thóc trực tiếp từ nông dân và sự phụ thuộc quá nhiều vào các nhà xay xát gạo đã dẫn đến việc Bộ Lương thực đề xuất với Thủ tướng về nguyên tắc cho việc nhập khẩu gạo từ nước ngoài.

Để bào chữa cho mình, cả Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Lương thực đều cho biết nguyên nhân là vì nông dân bán gạo vụ Boro được giá cao trên thị trường, họ không quan tâm đến việc bán sản phẩm của mình cho các trung tâm thu mua lương thực của Chính phủ và các nhà xay xát cũng đang chào giá cao hơn. Nhưng các chuyên gia lưu ý rằng nếu Bộ Lương thực thực hiện việc thu mua sớm và trực tiếp với người nông dân, như cách làm ở bang Tây Bengal của Ấn Độ, thì cơ quan này có thể thu mua được cho kho dự trữ và nông dân cũng được lợi về giá. Vào thời điểm Bộ Lương thực thu mua, nhiều nông dân đã bán thóc của họ cho thương lái.

Bộ trưởng Lương thực Sadhan Chandra Majumder lập luận rằng nhập khẩu gạo không phải là một lựa chọn tồi nếu xét đến việc có thể thiệt hại và mất mùa trong vụ Aman do tình trạng lũ lụt kéo dài trên toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Razzauqe nhắc lại kinh nghiệm trước đây khi mất hai triệu tấn gạo do trận lũ quét 2017, Chính phủ đã cho phép nhập khẩu gạo với mức thuế bằng 0, dẫn đến việc tràn ngập thị trường nội địa với hơn 4 triệu tấn gạo, chủ yếu là từ Ấn Độ, ảnh hưởng đến thị trường gạo ở Bangladesh và ông đề nghị rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng đến tình hình sản xuất trong nước, thị trường, nguồn cung và tình hình dự trữ lương thực, và nhập khẩu gạo nên là lựa chọn cuối cùng.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here