
1. Kinh tế: Bangladesh sẽ không rơi vào bẫy thu nhập trung bình
Sau cuộc họp Nội các 12/01/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính AHM Mustafa Kamal cho biết không có khả năng Bangladesh rơi vào bẫy thu nhập trung bình sau khi ra khỏi Nhóm nước kém phát triển (LDC), nhờ vào động lực kinh tế vốn có của Bangladesh.
Bình luận của Bộ trưởng Kamal được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Kế hoạch MA Mannan bày tỏ lo ngại trước dự báo của các nhà kinh tế rằng Bangladesh có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không thể giải quyết tốt các thách thức.
Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, bẫy thu nhập trung bình là tình trạng một quốc gia có thu nhập trung bình không thể chuyển sang thu nhập cao do chi phí tăng và khả năng cạnh tranh giảm. Nhiều nước Mỹ Latinh và Trung Đông đã sa vào bẫy thu nhập trung bình, và gần đây một số quốc gia ở Đông Á cũng đang trong tình trạng khó khăn tương tự.
Bộ trưởng Kamal khẳng định không thể so sánh Bangladesh với các quốc gia khác đã mắc bẫy vì nhiều lý do khác nhau. Dẫn ra một ví dụ, ông cho rằng đầu tư vào Việt Nam hầu hết đều đến từ các nguồn nước ngoài; do đó, khi thị trường quốc tế gặp biến động, thì đầu tư nước ngoài vào đây cũng bị tác động. Nhưng ở Bangladesh hoàn toàn trái ngược do phần lớn là từ đầu tư của trong nước.
2. Kinh tế: Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng GDP của Bangladesh lên 6,4% trong năm tài chính 2021-22
Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm trên toàn cầu do dịch Covid-19, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (GEP) hôm 12/01/2022, WB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Bangladesh tăng lên mức 6,4%, cao hơn 1,3% so với dự bảo của WB hồi tháng 6/2021. Nền kinh tế Bangladesh thậm chí có thể tăng với tốc độ cao hơn trong năm tài chính tiếp theo 2022-2023 với 6,9%.
Theo báo cáo GEP, tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ nhờ nhu cầu hàng may sẵn từ nước ngoài và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng trở lại, cùng với việc thu nhập người lao động được cải thiện và dòng kiều hối cao đã giúp Bangladesh phục hồi sau tác động của Covid-19.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo tăng trưởng GDP của Bangladesh ở mức 6,8% vào năm 2022.
Chính phủ Bangladesh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 7,2% trong năm tài chính 2021-2022. Do tác động kinh tế của Covid-19, nền kinh tế đang lên của Bangladesh đã đối mặt với một cú sốc trong năm tài chính 2019-2020 và 2020-2021 với mức tăng trưởng giảm xuống lần lượt là 3,5% và 5,0%.
Ngược lại, WB dự báo tăng trưởng toàn cầu thấp hơn, có khả năng giảm tốc rõ rệt từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% năm 2022 và 3,2% vào năm 2023. Sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, nền kinh tế toàn cầu đang đi vào sự suy thoái rõ rệt do các mối đe dọa mới từ các biến thể Covid-19 và sự gia tăng lạm phát, nợ và bất bình đẳng thu nhập ở các nước đang phát triển.
Đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng dự kiến sẽ giảm từ 6,3% năm 2021 xuống 4,6% năm 2022 và 4,4% năm 2023. WB dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế các nước phát triển sẽ giảm từ 5% vào năm 2021 xuống 3,8% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023 – một tốc độ có thể đủ để khôi phục sản lượng và đầu tư về như trước đại dịch.
Đến năm 2023, tất cả các nền kinh tế phát triển sẽ đạt được sự phục hồi toàn bộ về sản lượng. Tuy nhiên, sản lượng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ vẫn thấp hơn 4% so với trước đại dịch.
Báo cáo GEP cũng chỉ ra 3 trở ngại đang nổi lên đối với sự phục hồi lâu dài ở các nền kinh tế đang phát triển: nợ không bền vững (unsustainable debt), tác động của chu kỳ biến động lên xuống của giá hàng hóa và tác động của COVID-19 đối với bất bình đẳng toàn cầu.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)