Kinh tế Bangladesh

0
61
(Internet)
(Internet)

1. Giá đay cao kỷ lục buộc 40 nhà máy phải đóng cửa hoạt động

Hiệp hội các nhà máy đay Bangladesh (BJMA) cho biết các nhà máy đay đang đóng cửa do không thể mua được sợi đay tự nhiên do giá đạt mức cao kỷ lục và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Chủ tịch BJMA Mohammad Mahbubur Rahman Patwari cho biết các nhà máy đang hoạt động dưới công suất. 40 nhà máy đay đã tạm ngừng hoạt động trong 1-2 tháng qua.

Giá đay thô đã tăng lên 5.800-6.300 Tk/maund (1 maund = 1 bó khoảng 37kg) vào tuần trước, mức cao nhất trong kỷ lục, từ 5.000-5.500 Tk/maund vào tuần trước đó. Giá đay thô bắt đầu tăng từ khi bắt đầu thu hoạch hồi tháng 7-8 năm ngoái với nhiều suy đoán cho rằng sản lượng sẽ giảm do lũ lụt và thời tiết không thuận lợi. Giá đay thô đã vượt 3.000 Tk/maund vào tháng 9, do những bên trung gian tích trữ hàng và nông dân bán chậm nhằm kiếm lời. Patwari nói: “Trước đây chưa từng có mức giá như vậy”.

Dù có nhiều đơn hàng xuất khẩu nhưng không thể xuất khẩu do thiếu đay nguyên liệu. Các nhà máy cho biết sản lượng đạt 5,5 triệu kiện trong mùa trước trong khi nhu cầu hàng năm là 6 triệu kiện từ các ngành sản xuất sợi đay, sợi xe, bao tải và túi. Tổng nhu cầu đối với đay thô, bao gồm cả trong nước và xuất khẩu là 7,3 triệu kiện, nghĩa là thiếu 1,8 triệu kiện.

BJMA đề nghị chính phủ triển khai các tòa án lưu động để ngăn chặn việc tích trữ bất hợp pháp, điều đang tạo ra cuộc khủng hoảng.

2. Chính phủ Bangladesh đặt mục tiêu kiều hối là 150 tỷ USD trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 8

 Chính phủ đã đặt mục tiêu đầy tham vọng trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 8 là thu được 150 tỷ USD thông qua kiều hối từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2025. Để đạt được mục tiêu, Bộ Phúc lợi và việc làm ngoài nước sẽ đưa ra một lộ trình mở rộng thị trường việc làm ở nước ngoài do Nhóm đặc trách Mở rộng Thị trường mới phụ trách. Mục tiêu đã được đưa ra trong Chương trình nghị sự 10 điểm về việc làm ở nước ngoài và phúc lợi của người lao động di cư trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 8.

Theo Chương trình nghị sự “Kế hoạch 5 năm lần thứ 8: 7/2020-6/2025 – Thúc đẩy Thịnh vượng và Tăng cường tính Bao trùm”, Bangladesh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về việc làm và di cư ra nước ngoài. “Các bên liên quan tin tưởng rằng việc làm và di cư ra nước ngoài có thể đóng một vai trò quan trọng hơn đối với sự phát triển của đất nước, ngoài kiều hối”.

Chương trình nghị sự 10 điểm bao gồm các sáng kiến ​​cải cách thể chế và luật pháp, nâng cao năng lực, mở rộng thị trường, phát triển kỹ năng, tiếp cận dịch vụ, tiếp cận tài chính, bảo vệ quyền và phúc lợi, số hóa, sự tham gia của khu vực tư nhân, chi phí di cư, và tái hòa nhập.

Hiện tại, việc làm ở nước ngoài giới hạn ở khoảng 20 quốc gia. Thị trường đã mở rộng từ khoảng 2,6 triệu lao động trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 6 lên gần 8 triệu lao động trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 7. Để mở rộng thị trường, Bộ Phúc lợi và việc làm ngoài nước đặt mục tiêu đưa ít nhất 5 triệu lao động mới ra nước ngoài, với gần một nửa trong số họ là người có tay nghề cao. Bộ nhắm mục tiêu đến 20 quốc gia ở 4 khu vực địa lý mới.

Liên quan đến phát triển kỹ năng, Bộ sẽ thành lập một trung tâm đào tạo kỹ thuật ở mỗi huyện để cung cấp cho người lao động tiềm năng được đào tạo dài hạn. Bộ Kế hoạch, cùng với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khác, cũng sẽ thúc đẩy việc công nhận quốc tế và công nhận kỹ năng lẫn nhau của ít nhất 20 quốc gia vào cuối giai đoạn. Bên cạnh đó, Bộ sẽ phát triển chính sách phân loại kỹ năng cho lao động di cư để thay thế 4 loại truyền thống – ít kỹ năng, bán lành nghề, lành nghề và chuyên nghiệp – bằng một hệ thống phân loại dựa trên năng lực mới.

3. Thời tiết khắc nghiệt làm giảm sản lượng lúa, không phải Covid

Thông cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố hôm 25/2 cho biết sản lượng gạo của Bangladesh có khả năng giảm 550.000 tấn (1%) trong trong năm thị trường (MY) 2020-21 (5/2020-4/2021) so với năm trước, xuống còn 35,3 triệu tấn, do lốc xoáy, mưa lớn và lũ lụt triền miên.

“Đại dịch Covid-19 không có tác động đáng kể đến sản lượng ngũ cốc MY2020-21 của Bangladesh. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt ở Bangladesh, bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 8, đã ảnh hưởng đến sản lượng gạo và ngô của Bangladesh”. Dự báo được đưa ra vào thời điểm giá gạo đang tăng trong bối cảnh suy đoán về lượng thu hoạch giảm do lũ lụt và việc tích trữ của nông dân và thương nhân.

USDA cho biết tiêu thụ và nhập khẩu gạo của Bangladesh dự kiến ​​sẽ tăng trong năm nay. Nhập khẩu gạo có thể tăng lên 500.000 tấn trong MY2020-21 do chính phủ gặp khó khăn trong việc thu mua gạo từ thị trường nội địa. “Giá bán lẻ gạo đang tăng bất kể chủng loại. Các nhà phân tích cho rằng việc tăng giá trong nước là do hiện tượng đầu cơ do hậu quả của đại dịch Covid-19”. Báo cáo ghi nhận dự trữ lương thực của chính phủ giảm, việc bổ sung dự trữ gạo thông qua thu mua là rất quan trọng để ổn định thị trường nội địa và đảm bảo nguồn lương thực sẵn có.

4. Thách thức với Bangladesh hậu LDC

Nền kinh tế Bangladesh có thể bị ảnh hưởng đáng kể sau khi chuyển thành một nước đang phát triển vào năm 2026 vì nước này chưa sẵn sàng. Bảo hộ thuế quan trong nước cao, thiếu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như công nghiệp chưa được chuẩn bị tốt để có thể đối mặt với những thách thức là những khó khăn chính có thể xảy ra trong thời kỳ hậu LDC (nước kém phát triển).

Ngày 26/2/2021, Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên hợp quốc đánh giá Bangladesh là quốc gia có thể ra khỏi LDC do duy trì cả ba tiêu chí trong cả lần đánh giá đầu tiên (năm 2018) và lần thứ hai (năm 2021). Bangladesh cùng với Nepal và Lào sẽ chuyển từ LDC sang nước đang phát triển vào năm 2026.

Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chính sách Bangladesh (PRI), Tiến sĩ Ahsan H Mansur cho biết, mặc dù nền kinh tế Bangladesh có cơ sở tương đối vững chắc, nhưng khu vực công nghiệp ở trong tình trạng rất kém. “Các ngành công nghiệp và doanh nghiệp của chúng ta hoàn toàn không được chuẩn bị để chống chịu trong thời kỳ hậu LDC. Mặc dù chúng ta đã nói về những thách thức từ năm 2017, chính phủ và các ngành công nghiệp vẫn chưa có bất kỳ sự chuẩn bị nào”. Theo ông, Bangladesh không có cuộc đàm phán tích cực nào với EU, ASEAN hoặc các đối tác thương mại quốc tế khác trong vòng 4-5 năm qua, để chuẩn bị cho thời kỳ hậu LDC. Ông cho biết: “Mức thuế trung bình của Bangladesh là gần 27%. Nhưng ở các nước ASEAN, chỉ là 4,7%, vì vậy, nếu Bangladesh tiến hành các cuộc đàm phán song phương với các quốc gia Đông Á, liệu họ có hứng thú đàm phán với một nền kinh tế được bảo hộ cao hơn này không?”. Ông đề nghị chuẩn bị từ bây giờ trên mọi mặt để đối mặt với những thách thức sắp tới sau năm 2026.

Giáo sư kinh tế Đại học Dhaka, Tiến sĩ Selim Raihan cho rằng việc ra khỏi LDC không cho Bangladesh “thần dược” mà mang đến nhiều nhân tố rủi ro hơn. Ông chỉ ra xuất khẩu có thể giảm khá mạnh ở những thị trường mà Bangladesh được hưởng ưu đãi miễn thuế khi là một nước LDC. “Những lợi ích tiềm năng khi thoát khỏi LDC không phải là tự nhiên đến mà phải phấn đấu khá nhiều để hiện thực hóa những lợi ích tiềm năng đó”.  Vì vậy, Bangladesh phải chuẩn bị trong vòng 5 năm tới để đối phó với những thách thức này. Tuy vậy, Tiến sĩ Raihan cho biết việc ra khỏi LDC làm hình ảnh đất nước được cải thiện và các cơ quan xếp hạng quốc tế xếp hạng môi trường đầu tư của Bangladesh cao hơn.

Theo Kế hoạch Tầm nhìn mới nhất 2021-2041 (Perspective Plan), tổng xuất khẩu hàng năm của Bangladesh có khả năng bị giảm là 11% hoặc tương đương khoảng 7,0 tỷ USD sau khi trở thành nước đang phát triển. Báo cáo của Cục Kinh tế tổng hợp cho biết Bangladesh có thể mất thị trường xuất khẩu, đặc biệt là ở EU, Canada, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Bangladesh cũng có thể bị mất đi thuận lợi từ các khoản vốn vay ưu đãi của các đối tác phát triển đa phương và song phương hậu LDC.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, Tiến sĩ Rubana Huq cho biết: “Ra khỏi LDC mang lại niềm tự hào quốc gia to lớn cho chúng ta, điều đó cũng sẽ mang đến nhiều thách thức”. Theo bà, khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Bangladesh cũng sẽ bị ảnh hưởng vì các chương trình trợ cấp hiện tại của các chính phủ có thể không được tiếp tục trong thời kỳ hậu LDC như hiện nay. “Thiếu sự đa dạng hóa trong và ngoài ngành RMG cũng là một điều bất lợi đối với kế hoạch tăng trưởng chiến lược của Bangladesh, đặc biệt là trong tình hình mà ngành kiếm được nhiều tiền nhất, ngành RMG, phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp cận thị trường”. Bà cho là Bangladesh sẽ cần tìm kiếm sự đồng cảm của các đối tác về những thách thức này, đặc biệt là của  EU để kéo dài chương trình ưu đãi dành cho Bangladesh hiện nay trong ít nhất từ 7 đến 10 năm nữa.

Tiến sĩ Huq khuyến nghị: “Cần bắt đầu thảo luận với Ủy ban Châu Âu về tiêu chí ngưỡng nhập khẩu 7,4% đối với chương trình GSP Plus”. “Chương trình GSP cho năm 2023 mà EU hiện đang xem xét sẽ sớm được hoàn thiện. Nếu chúng ta có thể vận động thành công EU để sửa lại các tiêu chí đối với Bangladesh từ ‘nhập khẩu theo GSP của EU’ thành ‘nhập khẩu tổng thể của EU’, điều này có thể giải quyết vấn đề. Bà cũng đề nghị Bangladesh cần tiến hành các cuộc thảo luận FTA song phương với EU và các đối tác thương mại khác.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here