Kinh tế Bangladesh

0
114
(Internet)
(Internet)

1. Bộ Thương mại tham vấn, cố gắng xua tan lo ngại về FTA

Bộ Thương mại Bangladesh đã có một động thái mới để thuyết phục các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và chuyên gia liên quan về lợi ích của việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). MoC đã quyết định tổ chức thêm các cuộc tham vấn để xoa dịu sự lo lắng về các thỏa thuận loại này và tìm kiếm sự ủng hộ trong việc ký kết thỏa thuận thương mại với các nước tương lai. Việc ký kết các thỏa thuận này được coi là cấp thiết trong bối cảnh Bangladesh sẽ ra khỏi nhóm nước kém phát triển (LDC).

Ủy ban Doanh thu Quốc gia lo ngại sẽ mất doanh thu đáng kể trong khi một bộ phận doanh nghiệp lo ngại mất thị trường với hàng nhập khẩu giá rẻ.

Bangladesh đã thay đổi lập trường vào năm 2018 theo hướng ủng hộ mở cửa thị trường bằng cách ký kết các thỏa thuận FTA. Cuối năm 2018, Bộ Tài chính đã chuyển tiếp danh sách các quốc gia tiềm năng mà Bangladesh có thể cố gắng đàm phán để ký kết các thỏa thuận FTA. Văn phòng Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan thực hiện các bước để ký kết các hiệp định FTA song phương và đa phương.

Bộ Tài chính đã đề xuất Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Pakistan, Nhật Bản, Argentina, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Australia, Sri Lanka và Ả Rập Saudi là các quốc gia tiềm năng để ký kết hiệp định. Lúc đó, khi đề xuất danh sách các quốc gia trên, Bộ Thương mại đã lý luận “Khoảng cách mất cân bằng thương mại lớn của Bangladesh với nhiều nước có thể được giảm thiểu thông qua việc ký kết các thỏa thuận FTA vì nó sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa”. Sau đó, Bộ Thương mại đã tiến hành một nghiên cứu khả thi về việc ký kết các thỏa thuận FTA với một số quốc gia và khối. Bangladesh cũng đã bắt đầu cuộc đàm phán và trao đổi với Indonesia, Malaysia và Sri Lanka để ký kết các FTA hoặc hiệp định thương mại ưu đãi (PTA).

Phó Thư ký Bộ Thương mại (phụ trách FTA) Shahidul Islam cho biết, qua nghiên cứu, Bangladesh cần giảm thuế nhập khẩu khi ký kết FTA với bất kỳ quốc gia hoặc khối nào. Ông cho biết mức thuế nhập khẩu trung bình của Bangladesh là 14% và cần được giảm xuống còn khoảng 4% để có thể ký FTA với bất cứ một quốc gia nào của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). “Nếu chúng ta không cắt giảm thuế nhập khẩu, chúng ta sẽ không thể ký FTA với bất kỳ nước thành viên ASEAN nào”. Ông Islam cũng cho biết Ủy ban Doanh thu Quốc gia (NBR) không đồng ý giảm thuế quan vì doanh thu sẽ giảm. Ông cho rằng: “Chúng ta phải cân nhắc lợi ích lâu dài các FTA, chúng sẽ giúp tăng xuất khẩu và thu hút nhiều đầu tư hơn”.

Một quan chức khác của Bộ Thương mại cho biết về lâu dài, doanh thu mới sẽ được tạo ra do các khoản đầu tư mới. Ngoài việc tạo ra việc làm, các khoản đầu tư cũng sẽ tạo ra thuế giá trị gia tăng từ việc bán sản phẩm và thuế thu nhập từ các công ty và cá nhân. Ông cho biết Ủy ban Thương mại và Thuế quan Bangladesh đã được yêu cầu chuẩn bị một tài liệu để sớm tổ chức các cuộc tham vấn, thuyết phục thêm về vấn đề này. Tham vấn sẽ có sự tham dự của các quan chức từ các bộ ban ngành liên quan, các quan chức chính phủ cấp cao nhất, NBR, Ngân hàng Trung ương Bangladesh, Cơ quan Phát triển Đầu tư Bangladesh (BIDA), các tổ chức thương mại, các nhà kinh tế, các think-tank và đại diện truyền thông.

2. Kinh tế-xã hội: Bangladesh đạt đủ điều kiện để trở thành nước đang phát triển

Hôm 26/2/2021, Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên hợp quốc (UN CDP) đã đưa ra đánh giá cuối cùng rằng Bangladesh đủ điều kiện ra khỏi nhóm các nước kém phát triển (LDC) để trở thành quốc gia đang phát triển.

UN CDP cũng khuyến nghị rằng Bangladesh nên có 5 năm, thay vì 3 năm, để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi, sau khi xem xét tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Bangladesh. Vì thế, Bangladesh dự kiến ​​sẽ chính thức trở thành một quốc gia đang phát triển vào năm 2026. Cho đến năm 2026, quốc gia này sẽ tiếp tục được hưởng các lợi ích thương mại với tư cách là một nước LDC.

Các khuyến nghị của UN CDP sẽ được gửi tới Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) để thông qua vào tháng 6 và Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến ​​sẽ thông qua đề xuất vào tháng 9.

Taffere Tesfachew, Chủ tịch Tiểu ban về LDCs của CDP, đã chia sẻ tại cuộc briefing sau đợt đánh giá thứ hai mỗi ba năm về LDC của UN CDP hôm 26/2: “Bangladesh đã đáp ứng lần thứ hai cả 3 tiêu chí điều kiện, liên quan đến thu nhập bình quân đầu người, chỉ số tài sản con người (HAI) và chỉ số dễ bị tổn thương về kinh tế và môi trường (EVI)”.

Bangladesh vượt qua tiêu chí tổng thu nhập quốc dân (GNI) với mức thu nhập bình quân đầu người là 1.827 USD vào năm 2019, so với ngưỡng 1.222 USD. Trong tiêu chí HAI, điểm của Bangladesh là 75,4 điểm, cao hơn nhiều so với yêu cầu 66. Trong EVI, điểm yêu cầu là nhỏ hơn 32, điểm của Bangladesh là 27,3.

Mặc dù khái niệm về các nước LDC có nguồn gốc từ cuối những năm 1960, nhưng nhóm LDCs đầu tiên được LHQ đưa vào danh sách năm 1971. Các nước LDC thường là các nước có thu nhập thấp, với những trở ngại nghiêm trọng về cấu trúc đối với phát triển bền vững. Có 25 quốc gia trong danh sách các nước LDC vào năm 1971, bây giờ là 47. Cho đến nay, đã có tổng cộng 5 quốc gia ra khỏi tình trạng LDC. Đó là – Botswana (1994), Cape Verde (2007), Maldives (2011), Samoa (2011) và Equatorial Guinea (2017).

Khi Bangladesh được đưa vào nhóm LDC vào năm 1975, tỷ lệ nghèo đói của đất nước là 83%. Năm 1981-82, con số này là 74%. Tỷ lệ nghèo đói của nước này đã giảm xuống còn 40% vào năm 2005 và còn 20,5% vào năm 2019, theo dữ liệu từ báo cáo của Bangladesh. Tương tự, tỷ lệ cực nghèo cũng giảm mạnh từ 25,1% năm 2005, xuống còn 10,5% vào năm 2019. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác nhau cho biết tỷ lệ nghèo đói đã tăng lên một chút do Covid-19.

Trong đợt đánh giá lần này, Myanmar và Lào cũng đã lần thứ hai liên tiếp đạt tiêu chuẩn. Nepal đã đáp ứng các tiêu chí vào năm 2018. Tuy nhiên, CDP đã trì hoãn quyết định về Myanmar và Timor Leste đến đợt đánh giá mỗi ba năm vào năm 2024.

Hôm 27/2/2021, Thủ tướng Sheikh Hasina chính thức công bố Bangladesh ra khỏi nhóm LDC. “Bangladesh hiện tại và đất nước trước đây không giống nhau. Bangladesh của ngày hôm nay là một Bangladesh đã thay đổi”. Thủ tướng cho biết thu nhập bình quân đầu người hiện là 2.064 USD, cao gấp 1,7 lần ngưỡng yêu cầu. GDP của Bangladesh hiện đã tăng lên 330,2 tỷ USD và thu nhập xuất khẩu là 40,54 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại hối đã đạt 44,03 tỷ USD. Bên cạnh đó, Bangladesh đã tự chủ về sản xuất lương thực, cá, trứng, thịt và rau, trong khi là quốc gia thứ ba trên thế giới về sản xuất lúa gạo.

Thủ tướng cho biết Bangladesh sẽ đạt được một tầm cao mới trên toàn cầu sau khi ra khỏi nhóm LDCs, trở thành một nước đang phát triển. “Chúng ta sẽ phải duy trì thành tựu này và sẽ phải làm cho nó bền vững”. Bà Hasina cho rằng đây là một bước tiến đặc biệt của quốc gia trong nỗ lực đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2031 và một quốc gia phát triển vào năm 2041.

Thủ tướng cho biết việc xây dựng một số dự án lớn như Cầu đa năng Padma, Tàu điện, Đường cao tốc trên cao, Đường hầm dưới sông Karnaphuli, Nhà máy điện hạt nhân Rooppur, Dự án phát triển tích hợp Maheshkhali – Matarbari sẽ hoàn thành trong năm nay hoặc năm tới.  Hơn nữa, chính phủ cũng đã và đang phát triển 100 đặc khu kinh tế và hơn 20 khu công nghệ cao trên khắp cả nước. Việc hoàn thành xây dựng các dự án lớn sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước.

Sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, Bangladesh sẽ phải cạnh tranh trên toàn cầu sau khi việc ra khỏi LDC chính thức có hiệu lực. Nhưng Liên minh châu Âu trước đó cho biết họ sẽ tiếp tục cho phép Bangladesh hưởng ưu đãi thương mại cho đến năm 2027.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here