1. Nhà sản xuất xi măng kêu gọi rút lại quy định về thuế không điều chỉnh
Ngày 19/6/2020, trong cuộc họp báo trực tuyến, các nhà sản xuất xi măng trong nước kêu gọi hủy bỏ quy định về thuế không điều chỉnh lúc nhập khẩu và cung ứng. Họ cho rằng thuế thu nhập trả trước (advance income tax – AIT) không điều chỉnh được quy định trong 2 tiểu mục của pháp chế thuế thu nhập, là không phổ biến và không công bằng đối với họ vì theo đó, một công ty vẫn sẽ phải đóng thuế dù kinh doanh thua lỗ.
Theo quy định hiện tại, các công ty xi măng phải trả 3% thuế ở khâu nhập khẩu và 3% ở khâu cung ứng. Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng (BCMA) Alamgir Kabir cho biết thuế thu nhập trả trước 3% không nên áp dụng cố định do có những công ty xi măng không thể đạt 1% lợi nhuận trong tình hình khó khăn hiện tại. “Việc áp dụng thuế 3% là không công bằng và không phù hợp tại một đất nước dân chủ”.
Ông cũng cho biết 90% hoạt động sản xuất của các công ty xi măng đều bị ngưng trệ trong 2 tháng đầu phong tỏa và chỉ khôi phục được 40% công suất trong tháng cuối cùng. Các công ty đang phải chịu chi phí sản xuất và lương công nhân, tổng thiệt hại ước tính 30 tỷ Tk và có thể mất vài năm để có thể vượt qua được hậu quả Covid-19 gây ra.
Ngoài ra, BCMA cũng đề xuất giảm thuế nhập khẩu xuống còn 300 Tk/tấn clinker so với mức 500 Tk/tấn như hiện tại. Mức thuế nhập khẩu hiện tại tương đương khoảng 14% giá clinker nhập khẩu ở mức 42 USD/tấn, cao hơn so với thuế nhập khẩu đối với các ngành khác. Các công ty xi măng cũng kêu gọi Chính phủ hoàn lại tiền thuế AIT, vào khoảng 7,5 tỷ Tk tính lũy kế đến năm tài chính 2019-20.
Mặc dù có 75 nhà sản xuất xi măng đã thành lập tại Bangladesh, chỉ có 35 công ty lớn nhỏ đang hoạt động. Theo số liệu của BCMA, các công ty xây nhà ở tiêu thụ 50% sản lượng xi măng, các nhà thầu, đối tác phát triển chiếm 25%, và các dự án của Chính phủ chiếm 25%.
2. Trung Quốc cho phép 5.161 mặt hàng của Bangladesh được miễn thuế và không có hạn ngạch
Trung Quốc đã cấp phép cho 5.161 mặt hàng của Bangladesh được miễn thuế và không hạn ngạch. Như vậy, ưu đãi thương mại Trung Quốc dành cho Bangladesh như 1 quốc gia kém phát triển theo quy định của WTO đã lên đến 8.256 mã hàng hóa (mã HS), tương đương 97% dòng sản phẩm của Bangladesh.
Chính sách trên sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 01/7 và kéo dài đến khi Bangladesh chính thức trở thành nước đang phát triển, dự kiến vào năm 2024. Động thái này được cho là sẽ giúp tăng xuất khẩu và giảm mất cân bằng cán cân thương mại hai nước. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh với tổng kim ngạch hai chiều lên đến hơn 13 tỷ USD. Trong năm tài khóa 2018-19, Bangladesh nhập khẩu 12 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu gần 1 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Bangladesh cũng đang hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại châu Á – Thái Bình Dương (APTA) cho 3.700 mã hàng hóa.
Theo chính sách mới này, hàng hóa của Bangladesh phải đảm bảo giá trị gia tăng là 40%, cao hơn so với yêu cầu 35% của APTA. Theo Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Đối thoại chính sách Giáo sư Golam Moazzem, ông nghi ngờ khả năng của Bangladesh tận dụng tối đa những ưu đãi trên do yêu cầu 40% giá trị gia tăng trong sản phẩm vì vốn dĩ Bangladesh cũng chưa đẩy mạnh được xuất khẩu theo kênh APTA do yêu cầu 35% giá trị gia tăng.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)