1. Bangladesh chuyển sang mua lúa mì Ukraine
Theo kế hoạch ngày 15/01/2021, nhằm kiềm chế sự gia tăng giá thực phẩm trong nước do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra, Bangladesh sẽ tăng mua lúa mì từ Ukraine để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga, nước đã công bố kế hoạch áp thuế xuất khẩu cao hơn đối với ngũ cốc từ ngày 01/3/2021.
Mosammat Nazmanara Khanum, quan chức hàng đầu của Bộ Lương thực Bangladesh cho biết “đang liên lạc với Ukraine để nhập khẩu lúa mì”.
Theo một thỏa thuận ngoại giao, Nga được cho là sẽ xuất khẩu 400.000 tấn lúa mì sang Bangladesh trong năm tài chính hiện tại (tính đến tháng 6/2021). Cho đến nay, Moscow đã cung cấp 200.000 tấn lúa mì cho Dhaka. Ông Khanum cho biết hiện có vẻ như Nga sẽ không thể cung cấp phần còn lại.
Khanum cho biết “đang nhập khẩu lúa mì thông qua đấu thầu quốc tế và từ tháng 6, chúng tôi sẽ bắt đầu thu mua lúa mì tại địa phương trong nước”. Dhaka đặt mục tiêu nhập khẩu 600.000 tấn lúa mì đến tháng 6 năm nay.
Bangladesh nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn lúa mì hàng năm, trở thành một trong những nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Bangladesh là nước mua lúa mì lớn thứ 3 của Nga sau Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.
Dhaka đang gấp rút nhập khẩu gạo và lúa mì để bổ sung cho lượng dự trữ cạn kiệt sau khi bị lũ lụt năm ngoái tàn phá mùa màng, khiến giá lương thực trong nước lên mức cao kỷ lục.
2. Kinh tế: Bangladesh có thể mất 6,0 tỷ Tk doanh thu xuất khẩu
Hiệp hội các nhà xuất khẩu thực phẩm sống và đông lạnh Bangladesh (BLCFEA), với 218 thành viên, gần đây đã yêu cầu cơ quan liên quan thực hiện các bước cần thiết để nối lại xuất khẩu cua và cá chình sống (mud crab and eel fish) sang Trung Quốc. Bangladesh dự kiến sẽ mất khoảng 6,0 tỷ Tk doanh thu xuất khẩu do cá chình và cua sống xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị dừng lại hơn 6 tháng qua. Họ cũng lo ngại rằng Bangladesh sẽ mất dần thị trường xuất khẩu các sản phẩm này ở Trung Quốc và cho rằng việc Trung Quốc cản trở nhập khẩu những mặt hàng này như một “thủ đoạn để gây áp lực cho Bangladesh”.
Theo BLCFEA, trong thư gửi đến cơ quan có thẩm quyền nhà nước, trong hoàn cảnh bị Trung Quốc dừng nhập khẩu mặt hàng này với lý do tiêu chuẩn kiểm dịch, hầu hết các công ty liên quan đã ngừng kinh doanh do kinh doanh thua lỗ liên tục. Hiệp hội cũng đề nghị, nếu cần thiết, Thủ tướng can thiệp để nối lại xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc.
Vào tháng 6/2020, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu cua và cá chình sống từ Bangladesh vì phát hiện vi khuẩn nguy hại cho sức khỏe trong một số lô hàng cùng với giấy chứng nhận chất lượng giả. Phía Trung Quốc đã yêu cầu Bangladesh thực hiện các hành động pháp lý đối với 5 công ty xuất khẩu trình giấy chứng nhận giả. Họ cũng kêu gọi ngừng xuất khẩu hàng này từ Bangladesh sang Trung Quốc càng sớm càng tốt. Cục Kiểm dịch Động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã chuyển quyết định về lệnh cấm nhập khẩu tạm thời hàng hóa tới Đại sứ quán Bangladesh tại Bắc Kinh.
Chính phủ Bangladesh đã yêu cầu cơ quan thực thi pháp luật có hành động pháp lý đối với 5 công ty xuất khẩu về vấn đề này và rà soát, chỉ định một số công ty làm đầu mối xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh với thương mại song phương hàng năm đạt trên 13 tỷ USD.
Doanh thu xuất khẩu cá và tôm đông lạnh là khoảng 45 tỷ Tk mỗi năm (khoảng gần 550 triệu USD). Xuất khẩu cua và cá chình khoảng 6,0 tỷ Tk (khoảng hơn 70 triệu USD) trong năm tài chính vừa qua. Phần lớn cua và cá chình xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)