Kinh tế Bangladesh

0
141
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

1. Ô tô ‘Made in Bangladesh’ đầu tiên sẽ có mặt ở thị trường vào năm tới

Ngày 15/10/2020, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nurul Majid Mahmud Humayun, cho biết Dhaka sẽ đưa xe ‘Made in Bangladesh’ đầu tiên ra thị trường vào năm tới. “Chính sách phát triển công nghiệp ô tô 2020 sẽ sớm được hoàn thiện. Chúng ta sẽ bắt đầu sản xuất ô tô ở Bangladesh từ năm sau”.

Theo ông Nurul, công ty Pragati Industries Limited thuộc sở hữu nhà nước sẽ bắt đầu sản xuất ô tô với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản. Ông Nurul Majid cũng cho biết Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki đã thông tin với ông trong một cuộc họp rằng các doanh nhân ngành công nghiệp ô tô của quốc gia Đông Á này, bao gồm Tập đoàn Mitsubishi, “quan tâm đến việc tăng đầu tư vào Bangladesh”. “Ông ấy (Ito Naoki) cũng nói rằng Nhật Bản sẽ hỗ trợ kỹ thuật để sản xuất thương hiệu xe có động cơ riêng của Bangladesh. Ông ấy cũng đề nghị hỗ trợ Bangladesh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ liên quan đến ô tô và các ngành công nghiệp nhẹ và thành lập Cơ quan kiểm tra ô tô & Viện nghiên cứu ở Bangladesh”.

Bộ Công nghiệp đã xây dựng một kế hoạch hành động có thời hạn để phát triển ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp khác. “Kế hoạch hành động này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”, Nurul Majid nói. Về lợi thế của ô tô sản xuất trong nước, ông cho biết ô tô nhập khẩu giá cao đối với người tiêu dùng do thuế nhập khẩu khá cao. “Nếu sản xuất trong nước, giá xe cũng sẽ giảm. Người dân sẽ mua được với giá cả phải chăng. Nếu nước này sản xuất ô tô thương hiệu riêng thì sẽ không thiếu người mua”.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao thanh niên là “lực lượng lao động sáng tạo”. Ông tin: “Nếu ngành công nghiệp này được phát triển sẽ tận dụng lợi thế lực lượng lao động này, sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, có cơ hội xuất khẩu ô tô và xe máy ra thị trường thế giới”.

2. Bangladesh không thể hưởng lợi miễn thuế tại thị trường Trung Quốc ở mức tối đa

Vào tháng 6 vừa qua, Ủy ban Thuế quan của Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành thông báo về việc miễn thuế cho 97% sản phẩm của Bangladesh vào thị trường Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Với thông báo này, Trung Quốc đã đưa thêm 5.161 sản phẩm của Bangladesh được hưởng ưu đãi thuế quan bằng 0. Trước đó, 3.095 sản phẩm của Bangladesh đủ điều kiện để được miễn thuế vào thị trường theo Hiệp định Thương mại Châu Á – Thái Bình Dương.

Bộ Thương mại gần đây đã công bố danh sách 8.256 sản phẩm sẽ được miễn thuế vào Trung Quốc.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), các mặt hàng RMG sản xuất trong nước sẽ được miễn thuế nhưng không phải 100% sản phẩm RMG sẽ được hưởng cơ chế này.

Tổng giá trị xuất khẩu RMG của Bangladesh sang Trung Quốc trong năm tài chính 2018-2019 là 507 triệu USD, trong đó, 308,4 triệu USD được miễn thuế và 198 triệu USD phải chịu thuế. Theo cơ chế mới, sẽ có thêm khoảng 20 triệu USD hàng RMG sẽ được miễn thuế. “Gần 178 triệu USD hàng RMG xuất khẩu vẫn sẽ phải đối mặt với mức thuế từ 6 đến 12%, chiếm 33 đến 38% tổng xuất khẩu RMG của Bangladesh sang Trung Quốc”.

Lãnh đạo BGMEA cũng bày tỏ lo ngại về quy tắc xuất xứ là Bangladesh sẽ phải tạo ra 40% giá trị gia tăng để được miễn thuế tại Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng sẽ là một thách thức đối với các nhà xuất khẩu trong việc tuân thủ các quy tắc xuất xứ mới. Trước đó, mức quy định về gia tăng giá trị tại thị trường Trung Quốc là 30%.

Theo số liệu chính thức, xuất khẩu RMG của Bangladesh sang Trung Quốc giảm 34,35% xuống 72,21 triệu USD trong quý đầu tiên của năm tài chính 2020-2021, từ 109,99 triệu USD trong quý 4 của năm tài chính 2019-2020.

3. Chính phủ hướng đến nâng cao năng suất lên đến 5,6% vào năm 2031

Ngày 18/10/2020, tại cuộc họp trực tuyến lần thứ 15 của Hội đồng Năng suất Quốc gia (NPC) được tổ chức bởi Bộ Công nghiệp, Chính phủ Bangladesh đã quyết định chuẩn bị kế hoạch hành động nhằm tăng năng suất của đất nước lên 5,6% vào năm 2031 từ mức 3,8% hiện tại. Chính phủ cũng quyết định thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng để tăng trưởng cao hơn trong lĩnh vực công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nurul Majid Mahmud Humayun cho biết Bộ của ông đã đưa vào áp dụng một chiến lược, bao gồm kế hoạch 5 năm lần thứ 8, để tăng năng suất của đất nước.

Quốc Vụ khanh Công nghiệp Kamal Ahmed Majumder tại cuộc họp đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm địa phương. Ông cũng đề xuất lắp đặt máy móc hiện đại trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp (nhà nước và tư nhân) để tăng năng suất.

Cuộc họp đã quyết định phát sóng một chương trình có tiêu đề “Năng suất-Chiến lược phát triển” trên Đài truyền hình Bangladesh.

Một quan chức cấp cao có mặt trong cuộc họp nói rằng cuộc họp cũng đã quyết định thực hiện các chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đạt được mục tiêu về năng suất vào năm 2031.

4. Kinh tế Bangladesh: Sản lượng ngũ cốc tăng lên 45,3 triệu tấn

Bộ trưởng Nông nghiệp, Tiến sĩ Muhammad Abdur Razzaque phát biểu với tư cách là khách mời chính tại một cuộc hội thảo nhân Ngày Lương thực Thế giới 2020 tại Dhaka hôm thứ Sáu (16/10) cho biết sản lượng lương thực (gạo, lúa mì và ngô) đã tăng lên khoảng 45,3 triệu tấn trong năm tài chính hiện tại. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh nhu cầu trao đổi kiến thức và kinh nghiệm toàn cầu liên quan đến nghiên cứu và phát triển nông nghiệp.

Ông Razzaque nhận định Bangladesh đã đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng trong lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực trong một thập kỷ qua nhờ những bước đi kịp thời của chính phủ đương nhiệm. Ông cũng nhấn mạnh đến phát triển nông nghiệp bền vững, coi trọng hơn nữa việc phát triển các công nghệ nông nghiệp thông minh ứng phó biến đổi, phù hợp với khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.

5. Trung Quốc yêu cầu Bangladesh trừng phạt các công ty xuất khẩu cua, lươn với giấy tờ giả

Đại sứ quán Bangladesh tại Bắc Kinh đã khuyến cáo các nhà xuất khẩu Bangladesh cần thận trọng hơn về các tiêu chuẩn xuất khẩu cua và lươn tươi sống để đảm bảo nguồn cung thủy sản sang Trung Quốc không bị gián đoạn. Các quan chức ở Dhaka cho biết Đại sứ quán nhấn mạnh việc áp dụng các biện pháp như đình chỉ xuất khẩu đối với các doanh nghiệp trước đó đã nộp giấy chứng nhận ‘chất lượng tốt’ giả cho các nhà chức trách liên quan của Trung Quốc.

Đại sứ quán đưa ra khuyến nghị sau cuộc họp với Cục An toàn Thực phẩm Xuất nhập khẩu, Cục Kiểm dịch Động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), các nhà nhập khẩu cua và lươn của Trung Quốc.

Các khuyến nghị của phái đoàn đã gửi đến Bộ Thủy sản và chăn nuôi để có các biện pháp xử lý các công ty liên quan, nhằm khôi phục lại xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc trong tương lai gần.

Trước đó, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu cua bùn và lươn tươi sống từ Bangladesh, chính quyền Trung Quốc cho biết, vi khuẩn có hại đã được tìm thấy trong một số lô hàng cùng với các giấy chứng nhận giả mạo. Một số công ty bị cáo buộc đã trình những giấy tờ giả mạo cho chính quyền Trung Quốc khi xuất khẩu cua và cá lươn. Các nhà chức trách Trung Quốc đã tìm thấy sự hiện diện của các chất ô nhiễm, đặc biệt là estradiol và cadmium, vượt quá giới hạn cho phép đối với sức khỏe con người. GACC đã thông báo cho đại sứ quán Bangladesh tại Bắc Kinh quyết định về lệnh cấm tạm thời đối với hàng thủy sản.

Tham tán thương mại gần đây kêu gọi có các các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc không bị gián đoạn, yêu cầu các cơ quan hữu quan gửi phản hồi về vấn đề này cho GACC càng sớm càng tốt.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh với thương mại song phương hàng năm trên 13 tỷ USD. Trong năm tài chính 2018-19, Bangladesh đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 12 tỷ USD từ Trung Quốc, so với hàng hóa xuất khẩu trị giá dưới 1,0 tỷ USD sang Trung Quốc.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here