1. Bộ trưởng Tài chính Bangladesh cho rằng đề xuất ngân sách năm tài khóa 2020-2021 là linh hoạt và khả thi
Ngày 13/6/2020, Bộ trưởng Tài chính AHM Mustafa Kamal vẫn tiếp tục phải đối đầu với thách thức khi cho rằng kế hoạch ngân sách do Bộ Tài chính vừa đề xuất có thể vừa bảo vệ mạng sống và sinh kế cho người dân, vừa kích thích khôi phục kinh tế thông qua ngân sách đề xuất cho năm tài khóa 2020-2021 (FY21).
Ông cho rằng đất nước đang đứng trước thử thách và khó khăn chưa có tiền lệ, vì vậy đề xuất ngân sách năm FY21 vẫn phải được xây dựng trên nguyên tắc thông thường và phải tính đến tác động của dịch bệnh còn chưa đánh giá được đầy đủ và toàn diện vì vẫn đang tiếp tục diễn biến khó lường. Ngân sách năm FY21 vẫn phải hướng đến mục tiêu phát triển, còn nguồn tài chính sẽ được tiếp tục nghiên cứu và bổ sung, đặc biệt là các khoản hỗ trợ, cho vay của các định chế tài chính quốc tế để khắc phục hậu quả đại dịch.
Ông khẳng định sẽ cấp thức ăn cho người dân và thu xếp việc làm cho người bị mất việc. Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn chưa trả lời câu hỏi làm thế nào để quản lý nguồn tiền dùng cho mục tiêu trên. Bộ trưởng cho biết do đại dịch Covid-19, số liệu kinh tế vĩ mô chưa đầy đủ nên ông phải dựa vào những thành tích và kinh nghiệm trước đó của Chính phủ, mong muốn của người dân, ý kiến của các think-tank trong và ngoài nước, tổ chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác phát triển khác để xây dựng đề xuất ngân sách. “Bản đề xuất ngân sách có thể không nhất quán đối với một số người, tuy nhiên, Chính phủ không còn cách nào khác trong xây dựng ngân sách để điều hành đất nước”.
Chính phủ Bangladesh sẽ triển khai ngân sách 5.680 tỷ cho năm FY21. Bộ trưởng cho rằng tỷ lệ giữa số thu ngân sách so với GDP chỉ khoảng 10% là khá thấp và chỉ có thể tăng lên thành 15% nếu Bangladesh nhanh chóng tự động hóa thuế quan. Đại dịch đã trì hoãn việc mua sắm các thiết bị tài chính điện tử, trong đó có máy đăng ký bán hàng nhằm kiểm soát các giao dịch tại cửa hàng, nhằm hỗ trợ giảm thiểu việc trốn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tỷ lệ nợ so với GDP là 34%, điều này đồng nghĩa Chính phủ vẫn có thể tiếp tục vay thêm. Bộ Y tế sẽ được cấp thêm ngân sách nếu cần thiết. Tuy nhiên, Bộ Y tế phải đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế. Cố vấn kinh tế của Thủ tướng Mashiur Rahman cho biết cần khắc phục yếu kém quản lý của ngành y tế. Đề xuất ngân sách phân bổ 236,92 tỷ Tk cho ngành y tế trong năm FY21.
Ông AHM Mustafa Kamal hy vọng đầu tư tư nhân sẽ tăng nhanh hơn nữa. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tìm cách đầu tư vào Bangladesh. Ông cho biết Chính phủ đã biết cách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Chính phủ đã triển khai thành lập 100 khu kinh tế và 17 trong số đó sắp hoàn thành; đơn giản hóa luật lệ và quy định để thuận lợi hóa đầu tư. FDI đã tăng lên đến 3 tỷ USD trong vòng 2 năm qua. Bên cạnh đó, giới hạn lãi suất cho vay 9% sẽ khuyến khích người dân đầu tư trong nước. Bộ trưởng cho biết tính thanh khoản trong ngành tài chính cũng đã cao hơn so với trước.
Chính phủ cũng sẽ gây quỹ từ thị trường vốn và có biện pháp để tăng cường thị trường này. Bộ trưởng cho biết Ủy ban Chứng khoán và hối đoái sẽ nhanh chóng đưa thị trường chứng khoán trở lại. Bên cạnh đó, Chính phủ Bangladesh cũng tìm cách hạn chế nạn rửa tiền bằng cách xây dựng và củng cố luật lệ. Trong 1 năm rưỡi qua, số tiền lớn đã chuyển ra khỏi đất nước nhưng không có hàng hóa nhập về.
Chủ tịch Ủy ban Thu ngân sách (NBR) Rahmatul Muneen cho biết Cơ quan Thuế sẽ phải đối mặt với các thách thức trong việc đạt được mục tiêu thu ngân sách năm FY21 nếu đại dịch tiếp tục kéo dài. Bộ trưởng chỉ ra rằng không thể thu thêm ngân sách do chính sách tập trung vào việc tăng thuế thay vì mở rộng mạng lưới thuế và đối tượng nộp thuế. Do đó gia tăng áp lực cho những người đang đóng thuế hiện tại và càng xuất hiện tình trạng trốn thuế. Ông cũng cho rằng việc tăng thuế bổ sung đối với các dịch vụ điện thoại, gồm gọi thoại, internet, tin nhắn SMS, từ 10% lên 15% sẽ không tăng chi phí sử dụng điện thoại quá nhiều.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch cho rằng người dân mong muốn tăng ngân sách cho ngành y tế và nông nghiệp, và Chính phủ đã phản hồi yêu cầu đó. Ngành nông nghiệp được đề xuất phân bổ 270,18 tỷ Tk trong năm FY21.
2. Chính phủ dự định cắt giảm chi thường xuyên trong 3 năm tài khóa tới
Theo “Triển vọng kinh tế vĩ mô trung hạn 3 năm” của Bộ tưởng Tài chính đưa ra hôm 11/6, Chính phủ tìm cách giảm chi tiêu ngân sách thường xuyên (xét về tỷ lệ phần trăm trong tổng chi tiêu) trong 3 năm tài khóa tới. Tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo 8,2% cho năm tài khóa 2020-2021 (FY21), 8,3% cho năm FY22, và 8,4% cho năm FY23.
Phân tích triển vọng cho thấy mức chi ngân sách thường xuyên là 54,9%; 54,4% và 54,5% lần lượt trong năm FY21, FY22, FY23. Con số này vào năm FY17 và FY19 là 61,6% và 56,7%. Chi thường xuyên gồm tiền lương trả cho cán bộ, nhân viên nhà nước, mua sắm hàng hóa – dịch vụ, trợ cấp và chi phí thanh toán, trả lãi suất cho các khoản vay trong và ngoài nước. Trong năm FY23, tiền lương và trợ cấp cho cán bộ nhân viên dự kiến là 869,8 tỷ Tk, chiếm 12,5% tổng chi ngân sách. Con số này lần lượt là 16,7%; 14,8%; 12,2%; 11,6% trong các năm FY16, FY18, FY20, FY21.
Ngoài ra, theo phân tích triển vọng, nợ vay và đầu tư sẽ tăng trong 3 năm tài khóa tới. Trong năm FY23, chỉ tiêu đầu tư được đề ra ở mức 35,6% GDP, trong đó 27,7% từ tư nhân và 7,9% từ khu vực công.
Vay nước ngoài được dự báo ở mức 855,8 tỷ Tk trong năm tài khóa FY 23, trong khi con số này là 561 tỷ Tk trong năm tài khóa hiện tại (FY20). Vay ngân hàng cũng sẽ ở mức cao trong vòng 3 năm tài khóa tới, với 849,8 tỷ Tk trong năm FY21, 802 tỷ Tk trong năm FY22 và 947 tỷ Tk trong năm FY23.
3. Đề xuất ngân sách năm tài khóa 2020-2021 đầy tham vọng nhưng chưa đúng hướng
Bộ trưởng Bộ Tài chính AHM Mustafa Kamal đã trình bản đề xuất về ngân sách năm tài khóa 2020-2021 (FY21) với Quốc hội vào hôm 11/6 trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống và kinh tế Bangladesh.
Bài thuyết trình của Bộ trưởng đưa ra những chỉ số kinh tế như nguồn thu ngân sách, giá trị xuất khẩu, lượng kiều hối đều không khả quan. Dự báo về tình hình kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng cũng làm gia tăng nỗi lo.
Tình hình hiện tại là chưa từng có và đòi hỏi những biện pháp mới mẻ, tuy vậy, Bộ trưởng đưa ra bản đề xuất theo lối mòn và được cho là quá nhiều tham vọng.
Cá nhân và doanh nghiệp đóng thuế chắc chắn sẽ vui mừng do được giảm thuế theo như bản đề xuất, nhưng việc này sẽ khiến khả năng đạt được chỉ tiêu thu 3,3 nghìn tỷ Tk từ thuế trong năm sau dường như là không thể, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Nguồn thu từ thuế trong năm tài chính hiện tại cũng đang thiếu hụt khá nhiều so với mục tiêu. Tuy nhiên, nếu các cơ quan thuế triển khai kịp thời những cải cách đang bị chậm trễ, khả năng đạt được chỉ tiêu năm sau sẽ là khả thi, mặc dù yêu cầu cải cách vào thời điểm hiện tại là quá mức kỳ vọng.
Thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa hiện tại (FY20) được dự báo sẽ khoảng 1,53 nghìn tỷ Tk, tương đương 5,5% GDP, tăng 0,5% so với mức được dự báo trước đó, trong đó, đa phần là vay ngoài nước và vay ngân hàng nội địa. Chi ngân sách đề xuất cho năm sau lớn hơn 660 tỷ Tk so với chi ngân sách năm hiện tại (đã điều chỉnh); dự kiến sẽ vay 850 tỷ Tk từ các ngân hàng, khiến gia tăng áp lực cho các ngân hàng đang chịu gánh nặng từ các gói cứu trợ đã công bố cho các ngành kinh tế.
Chính phủ đã đặt chỉ tiêu giữ mức lạm phát ở 5,4% cho năm tài khóa FY21 và vẫn giữ mức 5,5% cho năm tài khóa hiện tại. Mức lạm phát trong tháng 5/2020 giảm còn 5,35% từ mức 5,96% trong tháng 4/2020. Các nhà kinh tế kỳ vọng rằng mức lạm phát trong năm FY21 sẽ không cao đến thế do kinh tế đất nước đã chịu ảnh hưởng từ cú sốc do đại dịch gây ra. Bangladesh có mức lạm phá khá dễ chịu trong những năm qua do giá dầu và thực phẩm trên thế giới gần như ổn định. Quốc gia này đã phải chịu tác động nặng nề bởi lạm phát trong những năm tài khóa FY2007 và FY2010 do giá dầu và thực phẩm tăng đột biến.
Bộ trưởng đã đặt ra một vài ưu tiên, hàng đầu là phòng chống dịch Covid-19. Ông cho biết Chính phủ đã chuẩn bị một kế hoạch toàn diện. Chính phủ sẽ cắt giảm chi tiêu xa xỉ và ưu tiên chi tiêu để tạo việc làm, tái phân bổ ngân sách từ các dự án cơ sở hạ tầng lớn mà tạo ra ít việc làm cho các dự án cần nhiều nhân công. Ngoài ra, Chính phủ sẽ mở rộng các chương trình an sinh xã hội, nhằm đảo ngược chiều hướng tăng tỷ lệ nghèo đói do đại dịch. Thách thức được đặt ra là làm sao để chương trình an sinh xã hội mang lại lợi ích cho đúng nhóm đối tượng.
Nhiều người mong muốn ngành y tế sẽ được phân bổ thêm lượng lớn ngân sách trong năm sau, tuy nhiên, mức tăng trong bản đề xuất chưa được như kỳ vọng. Bộ trưởng cũng đề xuất để riêng 100 tỷ Tk cho các trường hợp khẩn cấp liên quan đến Covid-19. Bên cạnh đó, Chính phủ hiện đã đang triển khai 2 dự án do WB và ADB tài trợ, tổng trị giá 25 tỷ Tk.
Trong nỗ lực giúp người nghèo ứng phó với hậu quả của Covid-19, bản đề xuất phân bổ 95,74 tỷ Tk cho lĩnh vực an sinh xã hội, chiếm 16,83% ngân sách năm FY21. Trong ngân sách điều chỉnh năm nay, lĩnh vực này được phân bổ 81,86 tỷ Tk. Trong năm tài khóa tới, Bộ trưởng đề xuất mở rộng phạm vi của chương trình an sinh xã hội trong nhiều lĩnh vực. Thêm khoảng 0,5 triệu người già, 0,35 triệu góa phụ và phụ nữ bị ruồng bỏ tại 100 huyện dễ nghèo đói nhất do dịch Covid-19 sẽ được hưởng trợ cấp; số người khuyết tật được nhận trợ cấp cũng sẽ được tăng lên đến 1,8 triệu người. Do đó sẽ cần thêm 7,39 tỷ Tk để thực hiện các chương trình an sinh xã hội này.
Ngoài ra, các chương trình khác vẫn sẽ tiếp tục được triển khai. Bộ trưởng cũng đề xuất phân bổ 1 tỷ Tk trong năm FY21 cho chương trình Dịch vụ xã hội nông thôn để tạo đà phát triển kinh tế nông thôn hậu Covid-19 và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho dân nghèo nơi đây. Bộ trưởng cho biết Chính phủ tăng phân bổ ngân sách cho lĩnh vực an sinh xã hội hàng năm để cải thiện điều kiện sống cho người nghèo, tính đến nay, ¼ hộ gia đình trên cả nước được đưa vào các chương trình an sinh xã hội.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi trọng trong năm FY21 với mức phân bổ 32,17 tỷ Tk cho các dự án phát triển của Văn phòng Thủ tướng. Mức phân bổ cho FDI trong năm FY20 cũng được điều chỉnh lên thành 31,15 tỷ Tk, so với 29,64 tỷ Tk lúc ban đầu. Một số cơ quan về đầu tư thuộc Văn phòng Thủ tướng gồm Cơ quan quản lý khu chế chiến xuất khẩu (BEPZA), Cơ quan Phát triển đầu tư (BIDA), Cơ quan Đối tác công tư (PPPA). Bộ trưởng đề cập đến việc lập 100 khu kinh tế để tạo 10 triệu việc làm mới; 93 khu kinh tế đã được chấp thuận, trong đó 11 khu kinh tế thuộc lĩnh vực tư nhân và 8 trong số đó đã bắt đầu hoạt động.
Sụt giảm luồng kiều hối cũng gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Bản đề xuất nên có những biện pháp về tài chính…, để kích cầu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đề xuất bị phụ thuộc vào thời gian dịch bệnh kéo dài. Trong bối cảnh hiện tại, kỳ vọng tăng trưởng 8,2% là không thực tế. Nền kinh tế chắc chắn sẽ hồi phục nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và ngăn chặn. Nhưng hiện tại, chưa có điều gì là chắn chắn.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)