Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Ấn Độ chỉ đạt 4,5% trong quý III/2019 và giới chuyên gia dự báo nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới này tiếp tục giảm tốc thêm trong thời gian tới. Theo hãng tin Reuters, đây là mức tăng trưởng yếu nhất của kinh tế Ấn Độ kể từ quý I/2013. Hiện nay, các chỉ số quan trọng của Ấn Độ đang có xu thế giảm sút, đặc biệt sản xuất công nghiệp (tháng 9) chứng kiến mức giảm thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Trên cơ sở đó, một số chuyên gia giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 của Ấn Độ còn 5,1%, từ mức 5,8% đưa ra trước đó. Cũng tại thời điểm hiện tại, tình trạng suy giảm lợi nhuận của doanh nghiệp Ấn Độ được dự báo sẽ gây sức ép lên hoạt động đầu tư, tạo thêm việc làm và tăng lương cơ bản cho lực lượng lao động của nước này.
Tính đến quý 3, kinh tế Ấn Độ đã có 6 quý giảm liên tiếp. Ngành sản xuất của nước này giảm 1% trong quý 3, so với mức tăng 6,9% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành ô tô của Ấn Độ phải cắt giảm hàng trăm nghìn việc làm. Mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp giảm một nửa.
Nhằm giải quyết những vấn đề trong tăng trưởng kinh tế, vào tháng 9, Chính phủ Ấn Độ tung một gói kích cầu trị giá 20 tỷ USD, chủ yếu thông qua hình thức cắt giảm thuế. Bộ tài chính nước này đang đề xuất Quốc hội thông qua một khoản ngân sách bổ sung 2,7 tỷ USD cho ngân sách trị giá 388 tỷ USD cho năm tài khoá 2019-2020. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã tiến hành hạ lãi suất 1,35 và để ngỏ khả năng tiếp tục cắt giảm lãi trong trường hợp cần thiết.
Trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, vừa qua, Quốc hội Ấn Độ đã diễn ra một cuộc tranh luận về sự giảm tốc của nền kinh tế và tình trạng mất việc làm do tăng trưởng kinh tế đi xuống gây ra. Một số thành viên của các đảng đối lập cho rằng Ấn Độ đang đứng trước “tình trạng khẩn cấp về kinh tế”. Về phía Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính, bà Nirmala Sitharaman, thừa nhận kinh tế đang trong tình trạng giảm tốc, nhưng khẳng định sẽ không có suy thoái./.