Kinh tế Ấn Độ khởi sắc sẽ là “bệ phóng” cho Thủ tướng Modi?

0
332
Tăng trưởng GDP Ấn Độ thực tế được ước tính là 7,2% giai đoạn 2017-2018 và 7,23% giai đoạn 2018-2019
Tăng trưởng GDP Ấn Độ thực tế được ước tính là 7,2% giai đoạn 2017-2018 và 7,23% giai đoạn 2018-2019

Cuộc bầu cử với khoảng 900 triệu người sắp diễn ra ở Ấn Độ, hy vọng những nỗ lực nhằm củng cố và phát triển nền kinh tế đất nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều điểm nghẽn của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ giúp ông giành được niềm tin của công chúng và khẳng định được vị thế “trong lòng dân” của chính mình.

Bức tranh “sáng”

Khi Thủ tướng Modi trở thành Thủ tướng vào tháng 5/2014, Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông đã thành lập chính phủ đa số đầu tiên của Ấn Độ trong gần 30 năm. Nhiệm kỳ của ông Modi sẽ kết thúc vào tháng 5/2019 và dự kiến tới đây sẽ là một cuộc bầu cử gần như lớn nhất thế giới với sự tham gia của hơn 900 triệu người để chọn ra một chính phủ mới. Sẽ có một số yếu tố tác động tới sự lựa chọn của người dân Ấn Độ cho vị trí lãnh đạo đất nước cũng như việc liệu ông Modi có được tái đề cử hay không. Một trong những yếu tố tiên quyết ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bầu cử đó chính là những thay đổi trong bức tranh kinh tế của đất nước này trước sự lèo lái của ông Modi.

Trong nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Modi, tăng trưởng kinh tế và doanh thu thuế đã tăng lên trong khi lạm phát và thâm hụt ngân sách giảm. Ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng đã được cải thiện. Tăng trưởng GDP thực tế được ước tính là 7,2% giai đoạn 2017-2018 và 7,23% giai đoạn 2018-2019, con số này giai đoạn năm 2013-2014 của chính quyền trước là 6,39%. GDP bình quân đầu người tăng từ 5,3% năm 2017-2018 lên 5,94% năm 2018-2019. Năm 2013-2014, con số này chỉ ở mức 5,03%.

Chỉ số lạm phát CPI được ước tính đã giảm từ 9,6% năm 2013-2014 xuống 4,7% năm 2018-2019. Thâm hụt tài khóa tài khóa của chính phủ đã giảm từ 6,7% GDP năm 2013-2014 xuống còn 5,9% năm 2018-2019. Kết quả này có được là do những cải cách thuế mà Chính quyền ông Modi đưa ra được tuân thủ tốt hơn. Doanh thu thuế trực tiếp và gián tiếp dự báo cũng sẽ tăng từ 10,14% GDP năm 2013-2014 lên 12,13% GDP năm 2018-2019. Trong khoảng thời gian 5 năm, sự gia tăng này rất đáng ngưỡng mộ.

Triển vọng “tăng tốc” kinh tế cũng khá rõ nét. Sau một thời gian dài gián đoạn, tổng tiết kiệm (gross savings) dự kiến ​​sẽ tăng từ 28,8% năm 2017-2018 lên 30% năm 2019-2020. Trong cùng kỳ, tổng đầu tư sẽ tăng từ 30,6% lên 32,2%. Năm 2018, Ấn Độ đã nhận được hơn 38 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhiều hơn so với Trung Quốc là 32 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng là do nền tảng pháp luật ổn định, một số bộ luật tạo thuận lợi cho đầu tư được ban hành tháng 5/2016 và nhiều ngành nghề mới ở Ấn Độ đang thu hút giới đầu tư. Ấn Độ cũng đã cải thiện vị trí của mình trong bảng xếp hạng các đất nước dễ kinh doanh, hiện Ấn Độ đứng thứ 77 trong số 190 quốc gia.

Tuy nhiên, xét về kinh tế đối ngoại của Ấn Độ, gần đây cũng có một số dấu hiệu đi xuống. Tỷ lệ xuất khẩu trên GDP giảm từ 17,2% năm 2013-2014 xuống còn 11,9% so với năm 2017-2018. Nhập khẩu trên GDP giảm từ 25,1% xuống 18% trong cùng giai đoạn. Mặc dù vậy, dòng tài chính và thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ vẫn ổn định ở mức 1,9% GDP năm 2017-2018.

Tăng trưởng bao trùm

Đặc biệt, tăng trưởng cao hơn trong những năm gần đây cũng mang ý nghĩa bao trùm hơn. Tất cả các hộ gia đình ở Ấn Độ đều được tiếp cận với nguồn điện theo chính sách “một quốc gia, một lưới điện”. 80 triệu kết nối với mạng lưới điện đã được cung cấp cho người nghèo. Về chính sách nhà ở, dưới thời Thủ tướng Modi, 13 triệu ngôi nhà đã được xây dựng trong vòng 4,5 năm qua. Con số này rất đáng kể so với chỉ 2,5 triệu ngôi nhà trong vòng 10 năm của chính quyền trước đó.

Chương trình nâng cao khả năng tiếp cận tài chính “Pradhan Mantri Jan Dhan Yojana” đã thúc đẩy việc mở 340,3 triệu tài khoản ngân hàng với tổng số hơn 885,6 tỷ rupee (12,5 tỷ USD) được gửi vào các tài khoản này. Hiện nay, hầu hết người dân Ấn Độ đều có quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng với các quyền lợi bảo hiểm và trợ cấp liên quan.

Bên cạnh đó, có thể nói, Chính phủ dưới thời Thủ tướng Modi đã thành công đáng kể trong việc chống tham nhũng. Cơ quan thuế đã tịch thu tài sản trị giá 690 tỷ rupee (9,7 tỷ USD) trong hai năm qua trong khuôn khổ “Đạo luật chống tham nhũng Benami”. Nhiều công ty “rửa tiền”, làm ăn phi pháp đã bị đóng cửa. Trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2018, Ấn Độ xếp thứ 78 trên 180 quốc gia, trước Trung Quốc ở vị trí thứ 87 và Pakistan ở vị trí 117.

Thủ tướng Narendra Modi ngày 23/2 vừa qua cũng đã công bố tầm nhìn của ông đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế quy mô 10.000 tỷ USD, lớn thứ 3 thế giới, đồng thời bày tỏ mong muốn nước này sẽ có vô số những công ty khởi nghiệp và dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực ô tô điện. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh toàn cầu do Times Group tổ chức tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Modi nói: “Các cải cách trong 4 năm rưỡi qua đã làm thay đổi bức tranh. Ngày nay chúng ta đang chứng kiến những thay đổi rõ rệt”.

Ông Modi khẳng định, chính phủ của mình đang nỗ lực để xây dựng một “Ấn Độ Mới” của 1,3 tỷ dân ở quốc gia Nam Á này. Nhà lãnh đạo Ấn Độ đồng thời nhấn mạnh, Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) cầm quyền do đảng BJP đứng đầu đã đưa Ấn Độ vượt qua hàng loạt khó khăn kinh tế. Bên cạnh đó, những cải cách về thuế hàng hóa và dịch vụ đã tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Như vậy, có thể nói, dưới thời Thủ tướng Modi, bức tranh kinh tế Ấn Độ khá “sáng” và liệu những hiệu quả kinh tế này có đủ để cử tri một lần nữa  trao niềm tin vào tay ông hay không, câu trả lời sẽ có trong một vài tháng nữa!

Phạm Hằng (theo East Asia Forum)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here