Kinh tế Ai Cập : Những khó khăn hậu Covid-19 và bài toán sinh kế

0
283
Đường phố đông ngịt người ở Thủ đô Cairo trước giờ giới nghiêm, tháng 4/2020. (Nguồn: AP)

Sau khi chạm mức đỉnh với gần 1.800 trường hợp mắc COVID-19 mới vào ngày 19/6, tình hình dịch bệnh tại Ai Cập đã giảm dần trong tháng Bảy, và ổn định trong suốt tháng Tám và tháng Chín vừa qua. Trong vài tháng qua, Ai Cập dần mở cửa trở lại nền kinh tế kể từ khi bắt đầu nới lỏng các hạn chế liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đường phố đông ngịt người ở Thủ đô Cairo trước giờ giới nghiêm, tháng 4/2020. (Nguồn: AP)

Ai Cập đã trải qua một mùa Xuân đầy khó khăn khi số ca nhiễm bệnh được xác nhận tăng đều đặn trong suốt tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu từ cuối tháng 4/2020. Lệnh giới nghiêm một phần được chính phủ nước này áp dụng từ 5 giờ chiều đến sáng hôm sau, kéo dài trong cả dịp lễ Eid al-Fitr (Lễ xả chay) sau đó, khi các nhà hàng công cộng, bãi biển, trung tâm thương mại và các nhà cung cấp dịch vụ không thiết yếu đều phải đóng cửa.

Tất cả công nhân được yêu cầu đeo khẩu trang, người dân được khuyến khích ở nhà và duy trì giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp làm việc tại nhà và hầu hết các cuộc tụ họp đã bị hủy bỏ. Các câu lạc bộ thể thao, rạp chiếu phim, nhà thờ Hồi giáo và trường học đều đóng cửa trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, trung tâm thành phố lại là một câu chuyện khác. Hàng trăm người vẫn tụ tập tại các bến xe buýt, nhà ga và khu chợ nhỏ, trong khi cảnh sát phải cố gắng giám sát hoạt động đóng cửa các cửa hàng tạm và kêu gọi mọi người về nhà lúc 9 giờ tối. Không hề có khẩu trang hay bất kỳ sự giãn cách xã hội nào. Chính phủ liên tục cảnh báo người dân, và một số chiến dịch nâng cao nhận thức đã được thực hiện, nhưng kết quả mang lại rất ít.

Giống như những gì đã xảy ra ở nhiều quốc gia khác, một sự phân chia rõ ràng đã xuất hiện trong xã hội Ai Cập: Một mặt, có những lời kêu gọi chính phủ thực hiện đóng cửa hoàn toàn, và mặt khác, nhiều người coi việc đóng cửa nền kinh tế là một thứ xa xỉ. Nền kinh tế của Ai Cập đơn giản là không đủ khả năng để thực hiện điều đó. Các nhà hoạch định chính sách một lần nữa phải đối mặt với tình thế khó xử giữa sinh kế và sinh mạng của người dân.

Sinh kế hay đóng cửa

Đại dịch đã đặt ra nhu cầu cải thiện giao tiếp toàn quốc và quản lý khủng hoảng. Ai Cập đã công bố kế hoạch ba giai đoạn để mở cửa trở lại với các chỉ dẫn hướng tới cả khu vực tư nhân và công cộng. Tuy nhiên, phần lớn khu vực không được kiểm soát và khu vực phi chính thức lại không được nằm trong số này, và mâu thuẫn này thực sự là một mối đe dọa lớn. Làm thế nào có thể duy trì sinh kế nếu việc đóng cửa hoàn toàn được thực thi?

Việc đóng cửa các trường học có nghĩa là một nửa lực lượng lao động bị giới hạn, khi các bậc phụ huynh buộc phải ở nhà và các doanh nghiệp phải thực hiện những biện pháp để thích ứng điều này. Bên cạnh đó, hàng loạt gói bồi thường được đưa ra với mục đích giảm thiểu tác động của việc sa thải người lao động hàng ngày.

Theo số liệu thống kê, khu vực kinh tế phi chính thức chiếm tới 70% nền kinh tế Ai Cập, và 90% tổng nền kinh tế được cấu thành từ các doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa (MSME). Hơn một nửa lực lượng lao động Ai Cập làm việc trong các doanh nghiệp MSME, và do đó những tác động của đại dịch được cảm nhận rõ nhất đối với những người có thu nhập thấp nhất, ở dưới cùng của kim tự tháp thu nhập.

Những nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đối với lao động phi chính thức cho thấy nhu cầu về dữ liệu và các sáng kiến đưa ra quyết định dựa trên kiến thức và sự bao hàm xã hội nhiều hơn. Trong vài tháng qua, dựa vào nhận thức của cộng đồng để thực hiện các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ là chưa đủ để giảm tỷ lệ lây nhiễm hoặc tốn nhiều thời gian để xây dựng các bộ phận kiểm dịch và cách ly mới tại bệnh viện.

Tất cả các tổ chức, công ty và tổ chức phi chính phủ đã được huy động để ứng phó với cuộc khủng hoảng với mục tiêu làm dịu các tác động tức thời và điều quan trọng là mối quan hệ đối tác được hình thành giữa họ vẫn còn nguyên vẹn trong dài hạn, vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Chính phủ Ai Cập có thể đã do dự về việc thực thi một đợt phong tỏa mở rộng do ảnh hưởng đến thị trường việc làm, nhưng sự miễn cưỡng này đi kèm với cái giá là tất cả các ngành nghề không có khả năng lên kế hoạch hành động trước.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, những nỗ lực đã được thực hiện để tư vấn quản lý khủng hoảng. Tuy nhiên, làm thế nào để nỗ lực tập thể này được phổ biến đến phần lớn lực lượng lao động Ai Cập là một câu hỏi cấp bách, khi những người không quá quen thuộc với các nguồn tài nguyên kỹ thuật số.

Quỹ đạo kinh tế của Ai Cập

Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo  rằng toàn bộ khu vực Trung Đông-Bắc Phi sẽ chứng kiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm 4,7% trong năm 2020, nhịp độ tăng trưởng của Ai Cập trong năm dự kiến sẽ vẫn ở mức dương, chỉ giảm từ mức 5% trong dự báo trước đây xuống còn 2%.

Vì vậy, trong khi các nền kinh tế phát triển có thể đối mặt với viễn cảnh suy thoái sâu, thì Ai Cập lại phải vượt qua một lực cản trên lộ trình đi lên của nền kinh tế, có thể đẩy đất nước ra khỏi con đường cải cách và phục hồi vốn có kể từ sau những bất ổn kinh tế từ làn sóng Mùa xuân Arab hồi năm 2011.

Khi lượng khách du lịch và tăng trưởng kinh tế phục hồi sau khi đồng nội tệ của Ai Cập được thả nổi vào năm 2018 và sự gia tăng nhẹ về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm 2019, dịch COVID-19 đã khiến đất nước Ai Cập đi chệch hướng.

Điều này buộc Ai Cập phải tính đến các mục tiêu phát triển bền vững đi kèm lộ trình tăng trưởng kinh tế. Tầm nhìn 2030 đặt ra những mục tiêu về sinh kế bền vững và cung cấp những dịch vụ tốt hơn về chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, bảo trợ xã hội và giáo dục, ưu tiên những mục tiêu đó nhằm thúc đẩy sự ổn định của Ai Cập và mở đường cho các chính sách đáp ứng nhu cầu của phần lớn dân số trẻ.

Dịch COVID-19 chắc chắn đã ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch kinh tế và xã hội. Các tình huống không lường trước đã gây ra sự gián đoạn cho cả khu vực công và tư nhân. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Ai Cập và ngành ngân hàng nước này đã hành động nhanh chóng để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển mô hình ưu tiên cho hoạt động kinh doanh và các nhóm dễ bị tổn thương.

“Người thắng” và “kẻ thua” đã xuất hiện từ trong đại dịch. Các ngành chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và các doanh nghiệp “xanh” nhìn thấy cơ hội phát triển, trong khi sản xuất, xuất khẩu và xây dựng đều phải chịu thua lỗ.

Đại dịch đã bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu và quản lý khủng hoảng. Các quốc gia có khả năng phục hồi thấp hơn và các nền kinh tế vẫn đang phục hồi như Ai Cập có thể không đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc (LHQ) vào năm 2030.

Tính dễ bị tổn thương của nhóm thu nhập thấp, phụ nữ, người lao động và doanh nghiệp nhỏ ngày càng tăng lên. Chăm sóc sức khỏe, việc làm và giáo dục đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi các nguồn lực của chính phủ được dành để giải quyết những tác động trước mắt và ngắn hạn trên toàn quốc.

Những gì cần được xem xét hiện nay là các tác động sâu rộng hơn của đại dịch, chẳng hạn như các nhóm dễ bị tụt hậu, sự thiếu hụt nguồn nước và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong trung và dài hạn.

Thách thức xã hội và môi trường

Ở Trung Đông, và đặc biệt là Ai Cập, lối sống cũng là yếu tố cần phải cân nhắc. Giãn cách xã hội có thể không dễ chấp nhận vì cấu trúc gia đình. Người Ai Cập có xu hướng tồn tại những hộ gia đình lớn hơn, với ông bà, cha mẹ và con cái sống cùng nhau. Việc cách ly người cao tuổi với con cái là rất khó khăn, vì người già thường sống ở nhà và trẻ em thường không rời khỏi mái ấm gia đình cho đến khi kết hôn. Giãn cách xã hội cũng đi ngược lại các tiêu chuẩn chào hỏi, tụ họp và tương tác vốn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống ở phần lớn các nước Trung Đông và Bắc Phi.

Một thách thức tiềm tàng khác là tình trạng thiếu nước và việc sử dụng năng lượng trong nước ngày càng tăng do người dân có xu hướng ở nhà nhiều hơn. Bộ Môi trường Ai Cập xác nhận rằng mức độ ô nhiễm đã giảm ở các thành phố, chất lượng không khí đã được cải thiện do hoạt động công nghiệp và giao thông sụt giảm, song tình trạng thiếu lương thực, thiếu hàng nhập khẩu và sản xuất nông nghiệp chậm hơn sẽ khiến giá cả tăng trong thời gian tới. Chu kỳ của những cú sốc kinh tế vốn đã quá quen thuộc ở Ai Cập bỗng chốc có cường độ mạnh lên và tăng nhanh hơn.

Những người ủng hộ các mục tiêu phát triển bền vững được áp dụng trên toàn cầu cho rằng thời điểm này là lúc để củng cố các cam kết và xem xét lại những thách thức với trọng tâm lớn hơn là phòng ngừa và ngăn chặn. Khi vắc-xin phòng COVID-19 và khả năng phục hồi ngày càng dần trở nên khả thi, việc duy trì sự cân bằng xã hội, kinh tế và môi trường chưa bao giờ trở nên quan trọng như hiện nay. Một hiện tượng toàn cầu như đại dịch có khả năng “độc nhất vô nhị” là đưa các chính phủ và người dân xích lại gần nhau, và cần nắm bắt các cơ hội để sửa chữa những thiếu sót.

Từ một góc độ khác, đã xuất hiện những lời kêu gọi xem xét lại hoặc tái cấu trúc các lộ trình phát triển bền vững, vì các phân khúc mới như người sử dụng lao động và nhóm thu nhập trung bình hiện cũng được coi là nhóm dễ bị tổn thương, nhất là trong bối cảnh các khoản nợ và cho vay tăng lên.

Trước môi trường đầy thách thức này, làm thế nào để có thể tạo ra việc làm bền vững? Làm thế nào để xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu? Quyền con người sẽ được thúc đẩy ở đâu và như thế nào nếu các quyền tự do cơ bản bị cản trở bởi các lệnh cấm hoặc hạn chế? Trong một thế giới hội nhập thông tin, làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo các nhóm yếu thế cũng có quyền được tiếp cận?

Biện pháp ứng phó đối với dịch COVID-19 không thể bị loại bỏ hoàn toàn khỏi phát triển bền vững. Do đó, điều cực kỳ quan trọng là các chính phủ phải điều chỉnh phản ứng của mình với các hoàn cảnh kinh tế và văn hóa khác nhau.

Tiến sĩ Sherifa Fouad Sherif, Giám đốc điều hành của Viện Quản lý Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Ai Cập, đã lưu ý: “Sức khỏe con người là điểm khởi đầu để tối đa hóa tiến độ liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việc tăng tốc thực hiện các mục tiêu này hiện nay là cần thiết hơn bao giờ hết. Tăng cường khả năng tiếp cận bảo trợ xã hội, tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe mạnh mẽ, cũng như đầu tư vào nguồn nhân lực cần được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, cũng cần có sự hợp tác nhiều hơn và chia sẻ kiến thức toàn cầu về khoa học và công nghệ vì lợi ích cộng đồng”.

Việc xem xét lại các mục tiêu phát triển bền vững để tạo khả năng phục hồi và bình đẳng đòi hỏi phải có sự linh hoạt trong chính sách và dịch chuyển đầu tư khỏi mức tăng trưởng thông thường của nền kinh tế Ai Cập. Việc lập kế hoạch và thích ứng phải thúc đẩy khả năng phục hồi xã hội để Ai Cập có thể duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Gắn kết các doanh nghiệp và hình thành quan hệ đối tác là những nhân tố cần thiết để tạo ra các gói kích cầu thực sự bền vững, chứ không chỉ mang tính bề nổi. Ai Cập đã đề xuất một loạt biện pháp kích thích đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty trong lĩnh vực du lịch.

Tuy nhiên cần phải thực hiện nhiều điều hơn nữa để đem lại việc làm và trên hết, trọng tâm cần phải xây dựng là một kế hoạch tăng trưởng sạch hơn, ít sử dụng nhiên liệu hóa thạch hơn, thúc đẩy đổi mới, phát triển năng lượng tái tạo và phục hồi nông nghiệp. Các mục tiêu phát triển có liên kết với những mục tiêu môi trường cần được ưu tiên trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Nếu Ai Cập có thể nổi lên sau khủng hoảng, tăng trưởng bền vững cần phải là trọng tâm trong chiến lược tầm nhìn dài hạn của quốc gia Bắc Phi này.

Việt Khoa

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here