2.3 Nguồn nhân lực chất lượng cao
Một nguyên nhân khác nữa lý giải cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ đó là Hàn Quốc đã có một nền giáo dục tốt và một đội ngũ lao động có trình độ. Xuất phát điểm là một quốc gia nghèo tài nguyên, Hàn Quốc không có gì ngoài nguồn nhân lực dồi dào. Tận dụng lợi thế này cùng với truyền thống hiếu học của dân tộc, ngay từ đầu Chính phủ Hàn Quốc đã đề cao vai trò của giáo dục, coi giáo dục như một ưu tiên chiến lược hàng đầu, là nền tảng để xây dựng đất nước.
Từ trước khi nền kinh tế cất cánh, giáo dục ở Hàn Quốc đã khá được coi trọng. Nhờ việc thực thi luật giáo dục bắt buộc năm 1948, tỷ lệ nhập học các cấp đã gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn 1945-1961. Tính đến năm 1960, có khoảng 56% dân số trưởng thành ở Hàn Quốc tiếp cận với giáo dục tiểu học và 20% đạt được giáo dục trung học, cao hơn nhiều so với con số của các nước đang phát triển lúc bấy giờ (lần lượt là 26% và 5%). Kết quả là, lực lượng lao động ở Hàn Quốc được trải qua đào tạo cơ bản từ rất sớm. Sau đó, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, song vai trò của giáo dục không vì thế mà bị lơ là. Kể từ những năm 1960, chính sách giáo dục của Hàn Quốc liên tục thay đổi để có thể đạt được các mục tiêu đề ra trong các kế hoạch kinh tế và đáp ứng sự thay đổi nhu cầu của thị trường. Trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc đặt nhiều sự quan tâm đến giáo dục trung học cơ sở nhằm cung cấp một đội ngũ lao động thích hợp và kịp thời cho sản xuất quy mô lớn trong các ngành chế tạo. Tuy nhiên, kể từ đầu những năm 1980, chính phủ lại hướng sự tập trung vào phát triển giáo dục phổ thông và đại học với mục đích tạo ra một đội ngũ lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao. Điều này được thể hiện rõ trong chi tiêu của Chính phủ Hàn Quốc dành cho giáo dục. Theo số liệu của Viện phát triển giáo dục Hàn Quốc, tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục đại học trong GDP tăng từ 1% năm 1970 lên tới 1,9% năm 2000; trong khi đó, con số dành cho giáo dục tiểu và trung học giảm từ 4,3% xuống còn 3,9% trong cùng kỳ.
Nhờ sự coi trọng đầu tư cho giáo dục, Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Ngay từ năm 1970, tỷ lệ gia nhập bậc tiểu học đã đạt 100%. Tỷ lệ mù chữ giảm từ trên 10% năm 1970 xuống gần như bằng không năm 1997. Tỷ lệ nhập học bậc trung học đạt mức 40% năm 1970 và gần như phổ cập vào năm 1997. Còn đối với giáo dục phổ thông, Hàn Quổc đứng thứ 3 trong số các quốc gia OECD về trình độ đạt được, và có tới 84% số học sinh tốt nghiệp phổ thông gia nhập các trường đại học và cao đẳng vào năm 1998. Như vậy, có thể thấy, giáo dục ở Hàn Quốc phát triển khá nhanh chóng. Điều này giúp tăng năng lực cũng như trình độ của người lao động, giúp họ có thể tiếp thu những tiến bộ công nghệ và đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế. Biểu đồ dưới đây cho thấy trình độ của người lao động phân theo các cấp giáo dục ở Hàn Quốc tăng lên đáng kể trong giai đoạn 1960- 1995. Tính đến năm 1995, tỷ lệ này đã gần bắt kịp với các quốc gia tiên tiến khác như Nhật Bản và Mỹ.
Lực lượng lao động có trình độ cao là nhân tố chính dẫn tới năng suất lao động tăng nhanh ở Hàn Quốc. Nếu như giữa những năm 1970, Hàn Quốc chỉ mới đạt khoảng 40% năng suất lao động trong ngành sản xuất chế tạo của Nhật Bản và 20% của Mỹ, thì đến khoảng năm 1996, năng suất lao động của Hàn Quốc đã đạt 70% của Nhật Bản và gần 50% của Mỹ. Điều này là nhờ tốc độ tăng nhanh chóng về năng suất lao động của Hàn Quốc trong thập kỷ 1980 và 1990 (lần lượt là 8% và 10%); trong khi ở Nhật Bản và Mỹ, con số chỉ ở mức lần lượt là 6% và 3%.
2.4. Chú trọng đến phát triển khoa học công nghệ và không ngừng đổi mới
Ở Hàn Quốc, vai trò của khoa học và công nghệ đã được chú ý từ đầu những năm1960. Cùng với sự ra đời của kế hoạch phát triển kinh tế lần thứ nhất là bản kế hoạch thúc đẩy công nghệ 5 năm đầu tiên. Qua thời gian, Chính phủ Hàn Quốc thực hiện những điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với các giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Cụ thể, chính phủ chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghệ trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa và chuyển hướng sang phát triển những công nghệ mũi nhọn về sau này.
Đầu những năm 1960, hai cơ quan được thành lập, bao gồm cơ quan nghiên cứu Viện Khoa học – Kỹ thuật Hàn Quốc (KIST) (1966) và Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) (1967) đã mở đường cho công cuộc phát triển khoa học công nghệ ở Hàn Quốc. Chiến lược chính của thời kỳ này là tăng cường nhập khẩu công nghệ nước ngoài, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thúc đẩy giáo dục, đào tạo. Trong những năm 1970, phát triển khoa học công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế do công nghệ dành cho các ngành công nghiệp xuất khẩu cần nhiều lao động cũng như các ngành công nghiệp nặng và hóa chất có thể dễ dàng đạt được từ nước ngoài. Nhìn chung, trong thời kỳ đầu, chính sách khoa học công nghệ của Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào việc giới thiệu, tiếp thu và áp dụng công nghệ nước ngoài. Chỉ từ những năm 1980, chính sách khoa học công nghệ mới có những thay đổi đáng kể, hướng đến nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D). Năm 1982, chương trình R&D quốc gia ra đời. Kể từ đó, các hoạt động khoa học và công nghệ ở Hàn Quốc bắt đầu nở rộ. Điều này được thể hiện qua số liệu về chi tiêu cho R&D. Nếu như năm 1963 chi tiêu cho R&D chỉ chiếm 0,25% GDP thì đến năm 1991 con số này đã tăng lên tới 1,74% và tiếp tục gia tăng trong những năm sau đó. Đến năm 1996, chi tiêu cho R&D chiếm tới 2,26% GDP, cao hơn so với mức trung bình của các nước OECD (2,01%).
Với sự đầu tư thích đáng cho khoa học công nghệ, hiệu suất của nền kinh tế Hàn Quốc nhờ vậy mà tăng lên. Chúng ta có thể thấy rằng, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 1982- 1995 (44%) – gia tăng vượt bậc so với con số chi 6% giai đoạn 1970-1982. Tóm lại, Hàn Quốc đã cho thấy sự đúng đắn khi sớm đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ bởi đến một thời điểm nào đó, khi các nhân tố đầu vào như lao động và vốn không còn là lợi thế so sánh của quốc gia đó nữa thì sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật hay năng suất các nhân tố tổng hợp sẽ chính là yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
- Một số bài học rút ra
Qua nghiên cứu kinh nghiệm vượt bẫy thu nhập trung bình của Hàn Quốc, có thể rút ra những bài học sau:
Thứ nhất, vai trò của nhà nước trong việc điều tiết và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là không thể thiếu. Mặc dù mức độ can thiệp của chính phủ như thế nào đang còn là một dấu hỏi lớn và không giống nhau ở mỗi nước, song trường hợp của Hàn Quốc cho thấy vai trò quan trọng của chính phủ đối với thành công của nền kinh tế. Có thể nói, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra những đườnglối chính sách hết sức thích hợp, đúng mức và đúng thời điểm. Bài học rút ra là các chính phủ nên có một tầm nhìn dài hạn, thiết lập mục tiêu rõ ràng và theo đuổi đến cùng những mục tiêu đó. Các chính sách đưa ra phải được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên năng lực sẵn có hay lợi thế so sánh của quốc gia và điều chỉnh sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế cũng như bối cảnh kinh tế quốc tế. Khi nhận thấy những bất cập và thất bại, chính phủ cần rút ra bài học và nhanh chóng đưa ra sự chuyển đổi cần thiết. Vai trò của chính phủ không nên lấn át hay hoàn toàn thay thế cho thị trường mà cần bổ sung và tạo điều kiện thuận lợi cho sự vận hành của thị trường, đi từ can thiệp trực tiếp trong thời kỳ đầu phát triển tiến tới tự do hóa và sau đó là tự do hóa hoàn toàn. Ngoài các yếu tố trên, chính phủ cần đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô, công bằng xã hội, kết nối tốt với khu vực tư nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh. Tóm lại, để vượt bẫy thu nhập trung bình thành công, điều kiện tiên quyết là quốc gia đó cần một chính phủ có năng lực, có tầm nhìn dài hạn và có quyết tâm.
Thứ hai, để tránh bẫy thu nhập trung bình, các nước cần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, lựa chọn chính sách công nghiệp phù hợp với điểu kiện của quốc gia và bối cảnh kinh tế quốc tế. Rõ ràng, chính sách công nghiệp định hướng xuất khẩu đã tỏ ra khá hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ trong trường hợp của Hàn Quốc mà còn ở nhiều quổc gia khác. Điểm đáng chú ý là ở chỗ Hàn Quốc đã theo đuổi chính sách này ngay từ những năm đầu phát triển và chuyển đổi cơ cấu khá hợp lý khi đi từ công nghiệp nhẹ đến công nghiệp nặng và sau đó hướng đến phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, nói cách khác là đi từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. Chính phủ Hàn Quốc cũng cho thấy năng lực của họ trong việc lựa chọn, tập trung nguồn lực để thúc đẩy những ngành công nghiệp mũi nhọn và chuyển hướng chính sách đúng thời điểm khi nhận ra những bất cập trong quá trình phát triển. Bài học rút ra là: các quốc gia nên khai thác tối đa lợi thế so sánh trong nước để tiến hành công nghiệp hoá, song cần có điều chỉnh theo hướng gia tăng chất lượng và giảm về số lượng. Các quốc gia cần phải cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng khi lựa chọn các ngành công nghiệp mũi nhọn và nên dựa trên những tiêu chuẩn như tính liên kết ngược và xuôi giữa các ngành, đóng góp tới tăng trưởng kinh tế, chi phí cơ hội, và bối cảnh quốc tế sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Chính sách công nghiệp cũng nên được hoạch định trong dài hạn để có thể có sự chuẩn bị về nguồn vốn, nhân lực và cơ sở hạ tầng tốt hơn.
Thứ ba, đầu tư cho giáo dục và khoa học công nghệ có ý nghĩa lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu trường hợp Hàn Quốc cho thấy, nhờ có sự chú trọng phát triển giáo dục từ rất sớm và đầu tư lớn cho khoa học công nghệ, nước này nhanh chóng xây dựng được một nền kinh tế có tính độc lập tự chủ cao, đủ năng lực để chuyển dịch nền kinh tế từ các ngành có giá trị gia tăng thấp sang các ngành có giá trị gia tăng cao. Khi nền kinh tế càng phát triển thì những lợi thế về lao động và vốn sẽ mất dần đi, lúc này nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với tiến bộ khoa học công nghệ sẽ là những nhân tố giúp nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Điểm nổi bật trong việc hoạch định chính sách giáo dục và khoa học công nghệ của Hàn Quốc là chính phủ sử dụng cách tiếp cận thực tiễn và từng bước theo từng giai đoạn phát triển kinh tế và điều này đã cho thấy hiệu quả cao. Cách tiếp cận từng bước ở đây được thể hiện ở chỗ, chính phủ tạo dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng trong những năm đầu; sau đó thì hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy đổi mới. Qua sự phát triển của Hàn Quốc cũng có thể thấy rằng, giáo dục và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ tương hỗ và thúc đẩy lẫn nhau. Giáo dục giúp tạo ra một lực lượng lao động có tri thức, từ đó nâng cao năng suất lao động và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, nền kinh tế càng phát triển càng đòi hỏi một đội ngũ lao động có trình độ cao có thể tiếp thu và áp dụng những tri thức mới, kỹ thuật mới, qua đó thúc đẩy giáo dục phát triển. Bài học rút ra ở đây là: Đầu tư vào giáo dục và đổi mới nên là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của chính phủ và không được chậm trễ. Chính phủ cần khuyến khích và phối hợp với khu vực tư nhân để đầu tư nhiều hơn và hiệu quả hơn vào những lĩnh vực này. Các chính sách giáo dục và khoa học công nghệ nên gắn với nhau và gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.
Thứ tư, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao cùng với sử dụng von đầu tư một cách hiệu quả đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế. Vai trò của vốn đầu tư đối với tăng trường kinh tế là không thể phủ nhận. Tuy nhiên sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất, tránh gây lãng phí nguồn lực là điều không phải quốc gia nào cũng làm được. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, việc thực hiện chính sách khắc khổ nhằm gia tăng tỷ lệ tiết kiệm, thậm chí là hy sinh phúc lợi xã hội đôi khi là cần thiết để cung cấp nguồn vốn cho phát triển trong những thời kỳ đầu. Đặc biệt là, việc đầu tư nên được thực hiện có trọng điểm, tránh tình trạng dàn trải và điều chỉnh theo chiến lược kinh tế của quốc gia. Chính phủ nên khai thác tối đa các nguồn vốn và phân bổ vào các ngành, lĩnh vực được ưu tiên, đồng thời giám sát hoạt động và thúc đẩy các doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đặt ra.
Ngoài những bài học nêu trên thì những yếu tố khác như việc theo đuổi một chiến lược tăng trưởng không cân bằng song vẫn đảm bảo sự bình đẳng trong phân phối thu nhập, một chính phủ trong sạch, vững mạnh, giảm thiểu tham nhũng hay sự kết nối tốt giữa chính phủ và khu vực tư nhân,… cũng góp phần rất lớn vào thành công của nền kinh tế Hàn Quốc./.
(Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8/2017)