Kinh nghiệm triển khai thuế điện tử tại một số quốc gia và bài học cho Việt Nam

0
135
  1. Đặt vấn đề

Thuế điện tử đang được triển khai tại Việt Nam với những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Kết quả triển khai từ năm 2010 đến nay cho thấy, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào cung cấp các dịch vụ công về thu thuế, đặc biệt là dịch vụ khai thuế qua mạng và thanh toán thuế điện tử. Để duy trì một cách bền vững các thành tựu này, cơ quan quản lý thuế cần có những chính sách hợp lý nhằm thúc đẩy và tăng cường động lực sử dụng dịch vụ của người nộp thuế. Vì vậy, mục tiêu của bài báo này là khảo sát kinh nghiệm của Nhật Bản, Chile (hai nước rất thành công) và Malaysia (một nước đang trong quá trình tìm kiếm các sáng kiến cải thiện về thuế điện tử) để rút ra những bài học cho Việt Nam trong duy trì và phát triển thuế điện tử. Bài báo tập trung vào nghiên cứu các chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thuế, cụ thể là ban hành các chính sách và triển khai các chính sách phát triển thuế điện tử.

  1. Kinh nghiệm của Nhật Bản

Năm 2003, cơ quan thuế Nhật Bản (NTA) đã ban hành một kế hoạch liên quan đến các tiêu chuẩn, hướng dẫn về công việc hành chính thuế và đánh giá hiệu suất (NTA 2004). Mục tiêu của NTA là tạo ra “môi trường thuận lợi cho người nộp thuế” nhằm thúc đẩy quản lý thuế hiệu lực và hiệu quả. Năm 2004, thuế điện tử ra đời nhằm đạt được mục tiêu nói trên. Từ đó đến nay, thuế điện tử là một công cụ giúp NTA nâng cao hiệu quả quản lý thuế cả ở chức năng quản lý hồ sơ thuế và tư vấn trước khai thuế, đồng thời làm giảm đáng kể chi phí tuân thủ thuế của công chúng tại Nhật Bản (National Tax Agency, 2004).

Theo khảo sát của Liên Hiệp quốc về chính phủ điện tử chính phủ, từ năm 2008, Nhật Bản đã đứng thứ 11 trong toàn cầu “mức độ sẵn sàng về điện tử” trong tổng số 192 quốc gia thành viên. Trong đó, thuế điện tử là một trong những thành công của Chính phủ. Với dịch vụ thuế điện tử, người nộp thuế có thể truy cập vào trang chủ NTA từ cổng thông tin điện tử. Trang chủ sẽ cung cấp cho người truy cập các thông tin về thanh tra thuế, báo cáo thuế, luật thuế, luật chính phủ điện tử và những trao đổi cộng đồng. Khi truy cập vào trang “e-Tax” từ trang chủ NTA, người nộp thuế có thể sử dụng chức năng giao dịch trực tuyến: Đăng ký sử dụng thuế điện tử, chuẩn bị khai thuế trực tuyến, thông tin định giá bất động sản dựa trên bản đồ trực tuyến thông qua một hệ thống thông tin địa lý (GIS) và trả tất cả loại thuế trực tuyến thông qua các liên kết trực tiếp với các ngân hàng trực tuyến. Với chức năng cao cấp của “e-Tax”, người nộp thuế có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của họ ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào thuận tiện mà không cần chờ đợi mất thời gian tại văn phòng địa phương của NTA. Đối với những người không có máy tính riêng của họ, NTA cung cấp máy tính và màn hình cảm ứng tại cơ quan thuế địa phương.

Về khai thuế điện tử, theo số liệu của OECD (2015), Nhật Bản đã đạt được 31% bản khai thuế cá nhân được khai theo phương thức điện tử vào năm 2009, tăng lên 44% năm 2011 và 50% năm 2013. Số bản khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức điện tử là 38% vào năm 2009, 58% vào năm 2011 và đạt 64 % vào 2013. Số bản khai thuế giá trị gia tăng theo phương thức điện tử là 29% vào năm 2009, 40% vào năm 2011 và 63% vào năm 2013 (OECD, 2015).

Về thanh toán thuế, vào năm 2013, thanh toán thuế tại Nhật Bản hoàn toàn bỏ phương thức thanh toán phi điện tử, có 75% cá nhân và tổ chức sử dụng phương thức thanh toán bán điện tử (đại lý thanh toán và điện thoại ngân hàng) và 17% cá nhân và tổ chức sử dụng thanh toán điện tử (2% bằng công cụ internet và 17% bằng thẻ ghi nợ) (OECD, 2015).

Có được những thành công trên là do các chính sách mạnh mẽ của NTA trong triển khai thuế điện tử. NTA từ năm 2007 đã ban hành chính sách phấn đấu đạt mục đích trở thành một quốc gia có CNTT phát triển nhất thế giới. Trong đó, mục tiêu đảm bảo sự ổn định và độ tin cậy của hệ thống CNTT và an ninh thông tin là mục tiêu ưu tiên của NTA. Vì các hoạt động về thuế điện tử liên quan chặt chẽ đến quyền và nghĩa vụ công dân, sự thất bại của hệ thống CNTT có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến công dân và làm giảm uy tín của quản lý thuế, do đó, NTA thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động ổn định của hệ thống CNTT thông qua thường xuyên cập nhật thiết bị CNTT. Kể từ khi NTA lưu trữ một lượng lớn thông tin của người nộp thuế, cơ quan thuế này đã hết sức quan tâm để ngăn ngừa việc sử dụng không đúng và rò rỉ thông tin. NTA cho phép các công chức thuế chỉ sử dụng các thông tin cần thiết cho công việc và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an ninh thông tin. Tại trung tâm máy tính lưu trữ dữ liệu về thuế điện tử, NTA đã xây dựng một hệ thống quản lý an ninh thông tin tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và trong năm 2007 đã nhận được giấy chứng nhận tiêu chuẩn hệ thống quản lý an ninh thông tin (tiêu chuẩn ISO/IEC27001: 2005 và JISQ27001: 2006).

Mặt khác, chính sách thúc đẩy áp dụng thuế điện tử tại Nhật Bản được thể hiện trong Kế hoạch hành động cải thiện được ban hành bởi Bộ Tài chính Nhật Bản năm 2014 (NTA, 2014). Kế hoạch này nhằm nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế đối với dịch vụ thuế điện tử, là kế hoạch để triển khai Chương trình nâng cao sự thuận tiện của dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ Nhật Bản. Kế hoạch bao gồm các hành động sau:

(1) Từ tháng 1/2017, cùng với phương pháp nhận dạng thông thường, một phương pháp nhận dạng mới không yêu cầu giấy chứng nhận số được đưa vào triển khai.

(2) Nộp các tài liệu kèm theo dưới dạng dữ liệu hình ảnh trong e-Tax. Theo quy định trước đây, khi khai thuế hoặc nộp đơn qua “e-Tax”, các tài liệu kèm theo như giấy xác nhận sở hữu, sơ đồ quan hệ vốn và bản sao quyết định thành lập doanh nghiệp cần phải được gửi riêng bằng đường bưu điện hoặc bằng các phương tiện khác. Tuy nhiên từ tháng 4/2016, NTA có kế hoạch tuần tự cho phép nộp các tài liệu đính kèm dưới dạng dữ liệu hình ảnh.

(3) Cung cấp phần mềm có chức năng chuyển đổi dữ liệu thành một định dạng chấp nhận được đối với thuế điện tử. Trước đây, khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bằng thuế điện tử, trong số các báo cáo tài chính và các tài liệu kế toán có những tài liệu không được chuẩn bị ở định dạng dữ liệu phù hợp với thuế điện tử, doanh nghiệp đã phải gửi riêng bằng đường bưu điện hoặc các phương tiện khác. Tuy nhiên, từ tháng 4/2016, NTA có kế hoạch cung cấp một chức năng để chuyển đổi các tài liệu này sang dữ liệu ở định dạng phù hợp với e-Tax.

Nhờ các chính sách tích cực ở trên, Nhật Bản đã trở thành một trong số các quốc gia có tỷ lệ cá nhân và doanh nghiệp áp dụng thuế điện tử ở mức tương đối cao trong khối OECD.

  1. Kinh nghiệm của Chile

Cơ quan Dịch vụ Doanh thu nội địa của Chile (SSI) là cơ quan công quyền đầu tiên của nước này áp dụng công nghệ trực tuyến so với hầu hết các dịch vụ công khác. Tại Chile, sự phổ biến thuế điện tử của SSI đã thúc đẩy nhu cầu thay đổi khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao thông tin giữa SSI và người nộp thuế. Chính phủ đã phản ứng bằng cách thúc đẩy Luật về chính phủ điện tử được thông qua nghị viện. Việc sửa đổi Điều 30 về mã số thuế cho phép người nộp thuế trình báo cáo, tài khoản hàng năm và các tờ khai thuế trên các phương tiện khác ngoài giấy. Thuế điện tử tại Chile được triển khai nhằm tạo điều kiện cho việc tuân thủ thuế và giảm tương tác trực tiếp của cán bộ thuế với người nộp thuế. Khai thuế trực tuyến đã được triển khai lần đầu tiên vào năm 1998 ở Chile. Hiện nay, Chile là một trong số ít nền kinh tế gần đạt mục tiêu 100% người nộp thế sử dụng hệ thống thuế điện tử.

Chile đã phải đối mặt với nhiều rào cản khi bắt đầu kê khai điện tử. Người nộp thuế ít truy cập Internet, người hỗ trợ khai thuế miễn cưỡng sử dụng hệ thống mới vì họ không quen với công nghệ và coi đó là mối đe dọa đối với nghề nghiệp của họ. Ngoài ra, hệ thống công nghệ thông tin của Cơ quan thu nội địa không thể xử lý được tình trạng tắc nghẽn trong nộp bản khai thuế, đặc biệt trong vài ngày ngay trước thời hạn. Vì vậy, Chi Lê liên tục nâng cấp hệ thống điện tử của mình và thay thế các mẫu điện tử được điền trước để đơn giản hóa quá trình cho người nộp thuế. Cơ quan thuế cũng đưa ra các sáng kiến đầy tham vọng để khắc phục tình trạng giới hạn kết nối bằng cách tạo ra một mạng lưới hợp tác công tư gồm hơn 880 trung tâm khai thuế điện tử, cung cấp hơn 30.000 điểm kết nối. Ngoài ra, Cơ quan thuế cũng đã phối hợp với các quán cà phê Internet để người nộp thuế có thể sử dụng thiết bị miễn phí và được hỗ trợ khai thuế tại các điểm truy cập. Thậm chí, cơ quan thuế còn xây dựng một đơn vị đào tạo di động di chuyển tới các vùng khác nhau của đất nước để hỗ trợ mọi người nộp thuế trực tuyến (Doing Business, 2013).

Một trong những thách thức lớn nhất đối với SSI là tạo ra một nền tảng công nghệ giúp hợp lý hóa quá trình nộp thuế và thông tin với tiêu chuẩn cần đạt là duy trì độ tin cậy tuyệt đối. Chuyển từ mô hình máy tính lớn truyền thống, SSI đã chọn một kiến trúc Internet ba tầng có khả năng xử lý số lượng lớn người dùng đồng thời (trên 500 người trong bất kỳ khoảng thời gian 15 phút) với khối lượng dữ liệu khổng lồ. Kiến trúc này cho phép giảm thời gian xử lý và thông tin cung cấp có thể được thẩm tra nhanh chóng ở mọi cấp. An ninh và độ tin cậy là những tiêu chí cân nhắc quan trọng mà SSI quan tâm khi xem xét việc mở rộng hệ thống để đáp ứng sự tăng trưởng dự kiến về nhu cầu sử dụng thuế điện tử (http://unpan1.un.org).

Để làm lan tỏa những lợi ích của thuế điện tử tới nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, SSI đã ký thỏa thuận với một công ty tư nhân CTC-Internet để cung cấp truy cập Internet chi phí thấp trên khắp đất nước. Dịch vụ này nhằm vào những người có ít hoặc không có kinh nghiệm với Internet.

  1. Kinh nghiệm của Malaysia

Vào năm 2004, Cơ quan thu thuế nội địa của Malaysia (IRB) đã tiến hành một sáng kiến về hệ thống khai thuế và nộp thuế điện tử, không cần giấy tờ. Mục đích của IRB là đi tiên phong trong quản lý thuế. Đổi mới của IRB là nhằm cải thiện kết quả thu thuế thông qua cải thiện dịch vụ cho người nộp thuế, từ đó đạt được sự tín nhiệm và lòng tin của công chúng. Mục tiêu của IRB là cắt giảm thời gian và chi phí và để cho phép người nộp thuế tuân thủ các nghĩa vụ thuế dễ dàng hơn, cho phép IRB thúc đẩy thái độ của người nộp thuế, duy trì danh tiếng tốt với người đóng thuế ngay cả khi mở rộng cơ sở thuế (Doing Business, 2013).

Khai thuế trực tuyến đã được chính thức cung cấp từ năm 2006, bắt đầu với thông tin cơ bản của người đóng thuế và sau đó được mở rộng sang các thông tin thu nhập và các khoản cứu trợ. Với hệ thống mới này, người nộp thuế ở Malaysia có thể điền đầy đủ các mẫu đơn và cung cấp chi tiết thanh toán cần thiết trực tuyến thay vì gửi bằng bưu điện hoặc phải đến cơ quan thuế. Hệ thống trực tuyến được phát triển bởi Bộ phận công nghệ thông tin của IRB. IRB đã triển khai một hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng có khả năng chuyển vùng cho phép người dùng truy cập vào các thông tin riêng tư từ bất kỳ vị trí nào mà không cần phải mang theo nhận dạng số. Hệ thống điện tử tích hợp khai thuế và thanh toán thuế trên một máy chủ tạo ra ở Malaysia đã tạo ra lợi thế lớn hơn nhiều so với thủ tục thủ công về thuế. Đối với mỗi lần nộp thuế, người nộp thuế đăng nhập, chọn và điền các mẫu đơn thích hợp, sử dụng chữ ký điện tử và gửi tờ khai điện tử theo công nghệ số. Người nộp thuế ngay lập tức sẽ nhận được thông báo. Hệ thống khai điện tử tự động chi tiết thanh toán thuế cần thiết, tính toán các khoản khấu trừ mà người đóng thuế được hưởng dựa trên các quy tắc khấu trừ, tất cả những thủ tục này cho phép người nộp thuế tránh những sai lầm có thể dẫn đến hình phạt về thuế.

Năm 2012, IRB đã tăng cường hệ thống khai thuế điện tử qua điện thoại thông minh cho người nộp thuế. Cùng năm đó, IRB đã giới thiệu khai thuế điện tử cho các giám đốc điều hành công ty, cho phép các công ty sử dụng chứng thực số của họ để khai thuế điện tử (trước đây, giám đốc phải sử dụng chứng thực cá nhân). Mặt khác, IRB đã áp dụng hoàn thuế tự động. Do số lượng lớn hoàn lại tiền thuế lớn, tiền hoàn lại được ghi trực tiếp vào tài khoản của người đóng thuế thông qua chuyển tiền điện tử – làm giảm số lượng các khoản nợ không có người nhận.

IRB gặp phải một số thách thức trong việc áp dụng khai thuế và thanh toán thuế điện tử, trong đó sự sẵn sàng sử dụng của công chúng là một thách thức. Khi hệ thống này được đưa ra vào năm 2004, cả công dân Malaysia và không phải công dân Malaysia có thể chọn nộp bản khai thuế theo cách thủ công hoặc bằng điện tử. Khu vực tư nhân không tham gia vào việc phát triển các dịch vụ thuế điện tử. Sau hai năm triển khai, số lượng công dân Malaysia sử dụng khai thuế điện tử rất ít. Mặc dù người nộp thuế và người khai thuế thừa nhận lợi ích của nó, nhưng số người nộp thuế sử dụng hệ thống nộp khai thuế điện tử vẫn thấp hơn nhiều so với mong đợi, số cá nhân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện tử chỉ chiếm 5% số người nộp thuế năm 2006. Có thể có nhiều lý do sự thiếu nhiệt tình này. Khi hệ thống thuế thay đổi, người nộp thuế và cơ quan thuế mất nhiều thời gian và phải chịu nhiều chi phí thích ứng và áp dụng chúng.

Việc sử dụng hệ thống điện tử ở mức thấp chủ yếu do sự miễn cưỡng ban đầu của người nộp thuế Malaysia khi phải từ bỏ các quy trình thủ công. Các nghiên cứu được tiến hành để phân tích thái độ, ý định và sự sẵn sàng của người nộp thuế trong áp dụng thuế điện tử cho thấy một số lý do. Sự không chắc chắn về bảo mật thông tin và sự riêng tư về thông tin được truyền trực tuyến là một trong những lý do cho việc sử dụng hệ thống này ở mức thấp. Hệ thống mới cũng tạo ra lo lắng cho người sử dụng, sự không thoải mái với công nghệ mới khi người dùng hoàn thành bản khai một cách trực tuyến mà không thể hoàn thành bản mềm của họ theo hình thức ngoại tuyến, sau đó tải chúng lên mạng của IRB.

Mặt khác, nghiên cứu về việc áp dụng thuế điện tử tại Malaysia của tác giả Santhanamery và Ramayah (2012) cho thấy, ở Malaysia, người nộp thuế có xu hướng tiếp tục và tăng cường sử dụng thuế điện tử trong tương lai một cách bền vững hay không là yếu tố cần quan tâm nhất hơn chứ không phải là những lần sử dụng đầu tiên. Nhiều người Malaysia không có được những định hướng lạc quan trong sử dụng thuế điện tử, không an tâm về tính năng của thuế điện tử cũng như vấn đề bảo mật thông tin và các thông tin nhạy cảm khác. Điều này cũng đã dẫn đến việc một số doanh nghiệp từ bỏ việc sử dụng trong tâm trạng thất vọng.

Kinh nghiệm từ Malaysia cho thấy để người nộp thuế duy trì mức độ sử dụng thuế điện tử cần có những giải pháp tạo niềm tin cho người nộp thuế về cách thức mà cơ quan thuế lưu giữ thông tin và chuyển tải thông tin. Chính vì vậy, từ năm 2008, IRB đã mở rộng các chương trình quảng bá, tài trợ cho các buổi hội thảo, quảng cáo truyền hình và phát tờ rơi. IRB cũng đã thành lập các gian hàng tại các hội nghị và tổ chức các buổi giới thiệu để quảng bá hệ thống điện tử và nâng cao nhận thức của cộng đồng bằng cách sử dụng khẩu hiệu “dễ như 1, 2, 3”. IRB cũng nhận ra tầm quan trọng của việc liên quan đến khu vực tư nhân và yêu cầu các tổ chức chuyên nghiệp như các đại lý thuế và kế toán thuế chia sẻ những ý tưởng về làm thế nào để củng cố hệ thống trực tuyến. IRB cũng thu thập phản hồi từ người nộp thuế thông qua các trung tâm chăm sóc khách hàng và các chi nhánh. Khi một số người nộp thuế và người khai thuế phản hồi việc máy chủ thường chậm hoặc không thể kết nối, các nhà chức trách đã thực hiện nâng cấp nhằm đảm bảo sự thích ứng với các trình duyệt khác nhau. IRB cũng đã cài đặt các máy tính trong các công sở thuế để người nộp thuế có thể nộp đơn điện tử và thuê các chuyên gia đào tạo người nộp thuế về cách sử dụng hệ thống. Đồng thời, IRB cũng có một chương trình để giúp người nộp thuế trong thời gian cao điểm thông qua tổ chức các quầy đặc biệt với giờ làm việc mở rộng ở tất cả các chi nhánh để hỗ trợ nộp bản khai thuế điện tử.

Cơ quan thuế IRB thu được nhiều lợi ích nhất từ việc nộp đơn điện tử khi đạt được 100% việc sử dụng hệ thống trực tuyến để nộp bản khai và nộp thuế. Theo đó, IRB cung cấp các ưu đãi nộp đơn điện tử. IRB có thời gian ân hạn là 15 ngày kể từ ngày chính thức nếu các bản khai được nộp bằng điện tử. Ngoài ra, nếu bản khai thuế được nộp muộn, hình phạt IRB sẽ thấp hơn 5% nếu nộp bản khai bằng hình thức điện tử. Quy định cho khách hàng của IRB đã được thiết kế lại trong đó có cam kết hoàn trả bất kỳ khoản thuế vượt quá trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được chứng từ nếu kê khai thuế theo hình thức điện tử (Doing Business, 2013).

  1. Bài học cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy Việt Nam có thể học tập được nhiều bài học trong việc thúc đẩy áp dụng thuế điện tử:

– Đổi mới quan điểm trong cách thức áp dụng, triển khai thuế điện tử tại Việt Nam với những chính sách thúc đẩy, khuyến khích như gia hạn khai thuế, giảm mức phạt do nộp chậm bản khai thuế khi áp dụng khai thuế điện tử để doanh nghiệp và cá nhân có động lực sử dụng thuế điện tử một cách bền vững. Đây cũng là quan điểm mà Malaysia nêu ra trong những sáng kiến về thuế điện tử.

– Có những chính sách tốt thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho triển khai các dịch vụ thuế điện tử, mạnh dạn huy động sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ thuế điện tử như trường hợp của Malaysia.

– Đảm bản an toàn thông tin cho người nộp thuế là tiêu chuẩn quan trọng nhất để xây dựng niềm tin, Việt Nam có thể nghiên cứu và tiến tới xây dựng một hệ thống quản lý an ninh thông tin tu5ân thủ các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo giảm thiểu rủi ro của thuế điện tử đối với người nộp thuế. Đây là những kinh nghiệm có giá trị từ nghiên cứu trường hợp của Nhật Bản và Chi Lê.

– Có các kế hoạch hàng năm để khảo sát sự hài lòng của người dân về sử dụng dịch vụ thuế điện tử như trường hợp của Nhật Bản. Khảo sát nhằm có được những phản hồi cần thiết cho cải thiện và nâng cấp chất lượng dịch vụ, xây dựng thái độ tích cực của người nộp thuế đối với áp dụng thuế điện tử./.

NGUYỄN THỊ LỆ THÚY – MẠC THỊ HẢI YẾN

 

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here