Kinh nghiệm thế giới: Cách Singapore trở thành “Trạm” trung chuyển hàng hóa toàn cầu

0
456
Singapore là trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế quan trọng và là cửa ngõ quan trọng của châu Á. (Nguồn: Onlinetraveltraining)

Đóng vai trò trung tâm thương mại toàn cầu, Singapore không chỉ là nơi tập trung nhiều công ty đa quốc gia về thương mại, tài chính, logistics lớn của khu vực và toàn cầu, mà còn là trung tâm trung chuyển hàng hóa với ngành dịch vụ logistics, vận tải biển hàng đầu thế giới.

Singapore là trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế quan trọng và là cửa ngõ quan trọng của châu Á. (Nguồn: Onlinetraveltraining)

Dù là một thị trường tương đối nhỏ, với dân số dưới 10 triệu người nhưng các đối tác thương mại của Singapore lại đa dạng nhất trên thế giới với khoảng 220 đối tác. Đáng chú ý, hệ thống cảng biển Singapore hiện được kết nối với 600 cảng tại 123 quốc gia và vùng lãnh thổ, thông qua hơn 200 tuyến vận tải biển. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ hàng hóa được tiêu thụ ngay tại Singapore, có tới 95% hàng hóa còn lại sẽ tiếp tục được vận chuyển đến nhiều địa điểm trên thế giới thông qua chuỗi cung ứng.

Đơn giản, dễ dàng và chặt chẽ

Singapore thuộc nhóm các nền kinh tế có thu nhập cao, có môi trường pháp lý “thân thiện” với hoạt động kinh doanh. Đảm nhận vai trò một thương cảng tự do lớn, hàng hóa xuất nhập khẩu qua nước này theo chính sách mở cửa tối đa, gần như không có hạn chế nào.

Các quy trình chuẩn bị cho việc nhập khẩu khá đơn giản, được thực hiện thông qua internet và cho phép thương nhân nhận giấy phép nhập khẩu trong vòng 24 giờ. Hệ thống TradeNet cho phép đẩy nhanh tốc độ xử lý, thương nhân có thể gửi đơn xin Giấy phép nhập khẩu trực tuyến.

Ngoài một số ít loại hàng hóa bị cấm nhập vào Singapore theo quy định, một số loại hàng hóa nhất định phải xin giấy phép nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành cấp và phải nộp cùng giấy phép từ TradeNet.

Khi giấy phép đã được cấp và hàng hóa đã ở trong nội địa Singapore để chờ phân phối sẽ phải chịu một số loại thuế tùy theo đích đến của loại hàng đó. 99,9% hàng hóa không phải chịu thuế nhập khẩu. Nhưng vì những lý do xã hội và/hoặc môi trường, Singapore áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao đối với các mặt hàng đồ uống có cồn, các sản phẩm thuốc lá, phương tiện giao thông và các sản phẩm hóa dầu. Và tất cả hàng hóa tiêu thụ tại Singapore phải chịu Thuế Hàng hóa và dịch vụ (GST). Kể từ 1/1/2023, mức thuế GST tăng từ 7% lên 8% giá CIF, đến 1/1/2024 sẽ tăng lên 9%.

Nếu hàng hóa không nhằm mục đích phân phối ngay khi cập cảng, hoặc được quá cảnh hoặc tái xuất thì có thể lưu kho. Khu Miễn thuế (Duty Free) được sử dụng để lưu kho, đóng gói lại, phân loại hoặc sửa chữa. Kho ngoại quan (bonded warehouse) là nơi lưu giữ hàng miễn thuế. Các kho này không nhất thiết phải do chính phủ sở hữu, bất kỳ ai là chủ hàng hoặc người cung cấp dịch vụ đều có thể mở kho ngoại quan sau khi xin phép.

Các loại hàng tạm nhập sẽ không phải đóng thuế thông thường và thuế GST nếu hàng được tái xuất trong vòng 3 tháng kể từ ngày cập cảng. Tuy nhiên, phải cần có giấy phép và bảo đảm của ngân hàng về việc đóng thuế GST nếu không đáp ứng các yêu cầu trên. Trong một số trường hợp, hàng hóa cũng có thể phải đóng GST, nhưng sẽ được hoàn lại đối với đối tượng không phải chịu thuế.

Đối với Chương trình Tạm nhập, hàng hóa có thể được xách tay vào Singapore hoặc nhập vào dưới dạng hàng hóa ký gửi. Phải có Giấy phép Hải quan đối với việc tạm nhập, thanh toán thuế/GST và tái xuất hàng hóa. Phải có bảo lãnh ngân hàng trị giá 30% số thuế/GST dự kiến phải đóng.

Do đó, có thể thấy, nhập khẩu hàng hóa vào Singapore không liên quan đến những thủ tục kéo dài và mệt mỏi. Giấy phép rất dễ dàng, kho hàng có sẵn và rất ít hạn chế đối với hàng hóa được nhập khẩu.

Nhưng ngược lại với sự đơn giản của thủ tục nhập khẩu, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ rằng, Singapore có luật lệ rất chặt chẽ và không thể can thiệp được. Đặc biệt không khoan nhượng đối với các hành vi vi phạm, các hình phạt nặng sẽ được áp dụng với những người vi phạm luật, quy định.

Như vậy, việc đầu tiên phải làm để nhập khẩu vào Singapore là cần phải có một đối tác là công ty có trụ sở tại Singapore đóng vai trò là nhà nhập khẩu hoặc phân phối. Các công ty nhập khẩu này sẽ phải thực hiện tất cả các thủ tục nhập khẩu như khai báo hải quan… Việc làm này rất tiện lợi vì tất cả các biểu mẫu có thể khai trực tuyến và đối tác nhập khẩu này đã được đăng ký.

Và ở công đoạn cuối cùng, chỉ chứng thực của Hải quan Singapore đối với các tài liệu xuất khẩu mới được chấp nhận là bằng chứng của việc xuất khẩu.

Trách nhiệm đảm bảo xuất trình các giấy phép lên Hải quan để chứng thực tại điểm đi thuộc về người khai báo giấy phép tạm nhập hải quan hoặc bên nộp giấy bảo lãnh ngân hàng với Hải quan cho lô hàng liên quan. Nếu người tham dự triển lãm nước ngoài xuất hàng bằng đường không qua sân bay Changi, người tham gia triển lãm hoặc đại lý khai báo hải quan nội địa cần xuất trình giấy phép cùng với hàng hoá để hải quan xác nhận và chứng thực tại 1 trong 2 quầy hoàn thuế GST đặt tại sảnh đi của sân bay chậm nhất 1 giờ trước giờ xuất cảnh.

Đích đến tiềm năng cho hàng Việt

Với Việt Nam, Singapore hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 (2022) trong ASEAN và đối tác thương mại thứ 15 của Việt Nam trên thế giới. Thương mại giữa hai nước tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua, đạt 26,9 tỷ SGD (khoảng 20 tỷ USD) vào năm 2021, tăng 18,7% so với năm 2020.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 9,1 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt 4,3 tỷ USD, tăng 9,4%; nhập khẩu từ Singapore đạt 4,8 tỷ USD, tăng 13,5%.

Tận dụng vị trí địa lý thuận lợi, Singapore đã gây dựng thành công thành một trong những trung tâm vận chuyển hàng hóa đường biển và hàng không hàng đầu thế giới. Là cửa ngõ quan trọng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, Singapore cũng là đích đến tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam. Chẳng hạn, dù Singapore không có nền nông nghiệp, nhưng thực phẩm chế biến lại là một trong Top 10 sản phẩm có tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu. Hàng năm, Singapore xuất khẩu ra thế giới trung bình khoảng 8 tỷ USD giá trị hàng thực phẩm chế biến.

Tiếp xúc với thị trường Singapore chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam không chỉ xuất khẩu để phục vụ người tiêu dùng bản địa, mà từ đó có thể tiếp cận được những đối tác mới, người mua, khách hàng quốc tế đang hiện diện tại quốc gia sắc tộc này.

Chu văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here