Hoạt động đầu tư vốn của chính phủ Singapore được thực hiện qua Tập đoàn Temasek thuộc sở hữu Nhà nước, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính.
Temasek Holdings (Temasek) thành lập năm 1974 với cổ đông duy nhất đến nay là Bộ Tài chính Singapore, với mục đích ban đầu là nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp thuộc nhà nước, nhưng sau đó đã được phát triển thành một công ty đầu tư toàn cầu.
Đến nay, không chỉ nổi tiếng là một công ty đầu tư thuộc hàng “top” trên thế giới, mức độ quan trọng của Temasek với chính phủ Singapore cũng ngày một gia tăng, đóng góp đáng kể vào ngân sách của quốc đảo này.
Đi đầu trong việc xây dựng mô hình quản lý nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN), hoạt động đầu tư vốn tại Temasek đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo các mục tiêu quan trọng về bảo toàn vốn nhà nước, điều tiết nền kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ công ích.
Hình mẫu về quản lý vốn quốc gia
Trong báo cáo thường niên được công bố năm 2022, Temasek cho biết lợi nhuận của cổ đông trong một năm là 5,81% tính theo đồng đô la Singapore; lợi nhuận bình quân trong 20 năm và 10 năm lần lượt là 8% và 7% gộp hàng năm.
Tính đến tháng 12/2022, Temasek sở hữu và quản lý tổng tài sản trị giá 496,59 tỷ USD. Temasek được đánh giá là một trong những công ty đầu tư thành công hiện nay, thậm chí vượt qua cả những quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Kết quả này được xem là “kỳ tích” khi Temasek thực tế là một doanh nghiệp Nhà nước.
Tại thời điểm thành lập, với giá trị thị trường là 70 tỷ đô la Singapore (SGD), tập trung đầu tư nắm giữ cổ phần trong các công ty nhà nước Singapore, Temasek có vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế, trải đều trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, hàng không, viễn thông.
Năm 2011, hoạt động đầu tư của Temasek vươn ra ngoài lãnh thổ Singapore, với danh mục đầu tư tại nhiều quốc gia, nổi bật như Trung Quốc, khu vực Bắc Mỹ và châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tính tới 31/3/2022, giá trị ròng danh mục đầu tư của Temasek đạt 403 tỷ SGD (286,48 tỷ USD), dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư của Temasek, tiếp sau đó là giao thông và công nghiệp, viễn thông, công nghệ, bất động sản, khoa học đời sống và thực phẩm nông nghiệp.
Tại Việt Nam, Temasek đã đầu tư từ năm 2004 và đến 2021 đã giải ngân trực tiếp hơn 1 tỷ USD, sở hữu cổ phần trong một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam như VNG, Scommerce, Golden Gate và Vietcombank.
Từ mô hình quản lý vốn này, cho thấy, chính phủ Singapore đã tin tưởng trao toàn quyền cho Temasek. Và trên thực tế, phạm vi và quy mô đầu tư không ngừng được mở rộng của Tập đoàn đã chứng minh cho tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn Nhà nước tại đây.
Mục tiêu cao nhất là lợi nhuận
Temasek được chính phủ Singapore cấp vốn để đầu tư vào các DN khác, có chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và quản lý phần vốn thuộc sở hữu của chính phủ đầu tư tại các DN. Các DN này được gọi với tên Công ty liên kết của chính phủ (GLCs) hoặc Công ty liên kết Temasek (TLCs), là các DN được quy định tại Luật Công ty với tư cách pháp nhân và thuộc sở hữu toàn bộ hoặc trên 20% vốn của Temasek.
Tùy thuộc tỷ lệ đầu tư nắm giữ vốn, Temasek thực hiện các quyền của chủ sở hữu trong quản trị và giám sát hoạt động DN, quyết định nhân sự chủ chốt, phê duyệt phương án đầu tư hoặc kinh doanh khác nhau với tư cách là một cổ động hoặc người góp vốn vào công ty.
Temasek hướng dẫn quy tắc quản trị DN chung đối với các GLCs/TLCs, tuy nhiên các GLCs/TLCs được phép quyết định các quy tắc quản trị DN riêng trong khuôn khổ quy định chung do Tập đoàn quy định.
Đằng sau thành công của họ là đặc thù trong mô hình và định hướng hoạt động. Là doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính Singapore nhưng Temasek được quyền hoạt động như một tập đoàn độc lập và tự chủ trong các quyết định đầu tư, không bị ảnh hưởng hay chi phối từ nhóm chính trị gia hoặc chính phủ. Mục tiêu cao nhất là tối đa hóa lợi nhuận, đề cao nguyên tắc thị trường.
Đây cũng là lý do Temasek hiện diện ở nhiều quốc gia, nắm giữ cổ phần từ những tập đoàn lớn, định chế tài chính cho tới những startup đơn lẻ, những chuỗi cà phê… Theo Nikkei Asia Review, Temasek Holdings và GIC – quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các startup của châu Á những năm gần đây.
Không chỉ chủ động trong việc giám sát, đánh giá và thực hiện quyết định đầu tư, sự độc lập còn thể hiện trong định hướng hoạt động của Temasek. Với đội ngũ lãnh đạo đến từ những tập đoàn, ngân hàng đầu tư lớn, Temasek tỏ ra “thức thời” với dòng chảy vốn toàn cầu. Công ty này đang gia tăng đầu tư vào các startup, các doanh nghiệp chưa niêm yết tại khu vực châu Á.
Thời gian gần đây, Temasek có bị ảnh hưởng chút danh tiếng khi đầu tư thất bại vào nền tảng giao dịch về tiền điện tử FTX – hiện đã sụp đổ. Tuy nhiên, Lãnh đạo cấp cao Temasek cho biết, dù có những rủi ro từ các khoản đầu tư, song Tập đoàn sẽ vẫn tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực mới và công nghệ mới nổi “để hiểu những lĩnh vực này có thể tác động như thế nào đến các mô hình kinh doanh và tài chính trong danh mục đầu tư hiện tại của mình và liệu chúng có phải là động lực tạo ra giá trị trong tương lai trong một thế giới luôn thay đổi hay không. Đó là lý do vì sao Temasek luôn đầu tư vào giai đoạn đầu của một xu thế mới.
Temasek là một trong số ít công ty quản lý vốn nhà nước công bố báo cáo tài chính và minh bạch hoạt động đầu tư dù được quyền miễn trừ. Hàng năm, tập đoàn này công bố kết quả kinh doanh được kiểm toán cũng như danh mục đầu tư, lợi nhuận cổ đông, cơ chế đầu tư, quản trị điều hành, định hướng và mục tiêu đầu tư kinh doanh, danh mục tài sản đầu tư và nhiều thông tin khác.
Một trong những điểm mấu chốt làm nên thành công của kinh tế Singapore và những mô hình kiểu “siêu ủy ban” quản lý vốn như Temasek là hệ thống pháp luật hiệu quả, minh bạch, công bằng và vô tư.
Thừa hưởng hệ thống pháp luật từ Anh và phát triển thành bản sắc riêng, hệ thống luật pháp của Singapore đến nay được đánh giá cao nhờ tính hiệu quả và nhất quán. Cơ sở pháp lí liên tục được cập nhật và đổi mới để phù hợp với môi trường văn hóa, kinh tế và thương mại hiện hành. Các doanh nghiệp ở Singapore không phải chứng kiến quá trình thủ tục pháp lí chậm chạp, làm giảm sút hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Chính phủ Singapore coi việc tiếp cận với pháp luật là một giá trị kinh tế nền tảng, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, được khai thác nhằm nâng cao uy tín của nền kinh tế như là một trung tâm thương mại và pháp lý hàng đầu ở châu Á và thế giới.
Minh Anh