1. Chính sách của các nền kinh tế phát triển, làm chủ công nghệ bán dẫn
1.1. Mỹ
Mỹ là nước phát minh và đi đầu về công nghệ bán dẫn trong lịch sử và hiện vẫn dẫn đầu về quy mô thị trường (gần 50% thị trường toàn cầu)[1], Bán dẫn là ngành xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ, đóng góp vào GDP Mỹ khoảng 277 tỷ USD/năm, tạo 277.000 việc làm trong nhiều lĩnh vực tham gia chuỗi. Các công ty có trụ sở tại Mỹ chiếm khoảng gần 50% lực lượng lao động của ngành bán dẫn toàn cầu.
Trong một thời gian dài, Mỹ để ngành bán dẫn phát triển tự do (không có can thiệp của Chính phủ do chưa có các lo ngại về an ninh), nhiều công ty Mỹ theo đuổi mô hình bán dẫn không sản xuất (fabless)[2], nhìn chung giúp tận dụng ưu thế công nghệ, không phải đầu tư lớn và tận dụng các ưu đãi của Chính phủ nước ngoài[3] trong thu hút FDI. Tuy nhiên, mô hình này khiến Mỹ bị tụt hậu so với Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc về năng lực sản xuất chip, chiếm ngày càng ít thị phần về chế tạo[4] và đi sau về công nghệ sản xuất[5].
Hiện nay, Mỹ nhìn nhận bán dẫn đóng vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế thế giới vào kỷ nguyên chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ 5G.
Tháng 8/2022, Mỹ đã ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học[6] hướng tới các mục tiêu: (i) Khuyến khích xây dựng và tăng cường đầu tư vào các cơ sở sản xuất chip tại Mỹ, nâng cao năng lực tự cường của ngành bán dẫn trong nước; (ii) Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và bảo vệ sở hữu trí tuệ công nghệ cao; (iii) Duy trì và đảm bảo vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ về khoa học công nghệ và các ngành công nghiệp tương lai; (iv) Bảo vệ và củng cố an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của Mỹ; (v) Xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Ở trong nước, Mỹ đã thành lập Hội đồng chỉ đạo thực hiện Đạo luật CHIPS (vào tháng 10/2022) gồm 50 thành viên[7] để triển khai các biện pháp đã đề ra. Đạo luật CHIPS và Khoa học nhận được sự hưởng ứng cao của các công ty bán dẫn trong nước.[8] Hiệp hội bán dẫn Mỹ (SIA) ước tính, dưới tác động của Đạo luật CHIPS, các công ty đã đề xuất 46 dự án bán dẫn mới, trong đó lập 15 nhà máy sản xuất bán dẫn mới, với tổng đầu tư hơn 180 tỷ USD.[9]
Về liên kết chuỗi cung, Chính quyền Mỹ đã: (i) Thành lập Quỹ CHIPS cho sáng tạo và an ninh công nghệ quốc tế (500 triệu USD) nhằm hỗ trợ các nước tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn (hiện Bộ Ngoại giao Mỹ đang xây dựng kế hoạch sử dụng Quỹ này và sẽ sớm đệ trình Tổng thống Mỹ); (ii) Đạt thỏa thuận thúc đẩy 05 sáng kiến với Canada và Mexico nhằm cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng Bắc Mỹ và phát triển các ngành công nghiệp như xe điện và sản xuất chất bán dẫn; (iii) Hợp tác với Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc hình thành Liên minh CHIP 4; (iv) Ký thỏa thuận với Ấn Độ để hợp tác phát triển bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và viễn thông.[10]
Với Trung Quốc, Chính quyền Mỹ áp đặt các biện pháp cấm xuất khẩu chip bán dẫn công nghệ cao đối với Trung Quốc; cấm người Mỹ làm việc cho các công ty bán dẫn Trung Quốc; phối hợp với EU trong triển khai Đạo luật CHIPS của EU; thúc đẩy Nhật Bản và Hà Lan cùng hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc.
1.2. Trung Quốc
Trung Quốc là một trong các thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới với tổng doanh thu cả năm 2022 đạt 180,3 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2021, chiếm 32,5% thị phần toàn cầu.[11] Quy mô thị trường mạch tích hợp của Trung Quốc dự kiến đạt 1.203 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2023 (trung bình mỗi năm tăng 19,3% từ năm 2016).[12] Đồng thời, cho đến nay Trung Quốc đã cơ bản xây dựng được một hệ sinh thái sản xuất chip bán dẫn tương đối hoàn thiện ở trong nước.
Trung Quốc ngày càng coi trọng nâng cao năng lực tự chủ về bán dẫn, đã đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn trong nước.[13] Trung Quốc xác định “mạch bán dẫn tích hợp”, “nguyên liệu nền tảng” là một trong những lĩnh vực khoa học – công nghệ (KHCN) cốt lõi cần tập trung nguồn lực để làm chủ,[14] đề ra một số giải pháp cụ thể để tạo đột phá về công nghệ gồm: (i) Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng KHCN trọng yếu quốc gia; (ii) Đẩy mạnh thu hút nhân tài xuất sắc trong và ngoài nước, tạo điều kiện khuyến khích các nhà khoa học nước ngoài, các tổ chức KHCN quốc tế làm việc, thành lập trụ sở tại Trung Quốc; (iii) Cải cách thể chế quản lý KHCN, hạn chế sự can dự trực tiếp, trao quyền tự chủ lớn hơn về định hướng nghiên cứu và sử dụng kinh phí cho các nhà khoa học, ưu tiên ngân sách cho các lĩnh vực công nghệ then chốt, chiến lược; (iv) Thực hiện nghiêm chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cải cách chế độ sở hữu và cơ chế phân bổ quyền lợi đối với quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu tài sản và quyền thụ hưởng lợi ích từ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Trung Quốc cũng định hướng nâng cao năng lực tự chủ, phát triển các doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ phải được định hướng theo vấn đề và tập trung vào những nội dung cấp bách nhất; xác định các công nghệ cốt lõi quan trọng và các dự án chiến lược cần được giải quyết toàn diện, bao gồm chip cao cấp và mạch tích hợp.[15]
Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế quy mô thị trường nội địa khổng lồ của mình để thúc đẩy đổi mới nhanh chóng công nghệ bán dẫn trong nước, từ đó đẩy nhanh quá trình nội địa hóa và phát triển công nghệ chip bán dẫn cao cấp.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số bước như sau: (i) Thiết lập cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo do chính phủ hỗ trợ và định hướng thị trường cho ngành chip bán dẫn; (ii) Cải thiện và tối ưu hóa môi trường đổi mới công nghệ và cơ chế khuyến khích thông qua đổi mới thể chế hiệu quả; (iii) Xây dựng cộng đồng đổi mới công nghệ bán dẫn để giúp các doanh nhân khởi nghiệp và cải thiện hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn cao cấp; (iv) Liên kết “Chính phủ – doanh nghiệp công nghiệp – trường đại học/viện nghiên cứu – vốn tài chính – người dùng hạ nguồn” với các hiệp hội ngành và các doanh nghiệp hàng đầu ở thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn của chuỗi công nghiệp bán dẫn; (v) Thiết lập một hệ thống đầu tư mạo hiểm hiệu quả để hỗ trợ các chủ thể kinh tế khác nhau thực hiện hoạt động khởi nghiệp, đổi mới công nghệ chíp.
Về cơ chế tài chính, từ năm 2014, để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch tích hợp, Trung Quốc đã thành lập “Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc”,[16] đầu tư vào một loạt công ty bao gồm các nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc[17] (Tuy nhiên đến ngày 31/01/2023, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố tạm dừng hoạt động của Quỹ này, nguyên nhân tạm dừng có thể do công tác quản lý Quỹ bộc lộ nhiều vấn đề như tham nhũng, hoạt động chưa hiệu quả). Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia cùng với 04 bộ ngành khác đã ban hành “Thông báo về làm tốt công tác xây dựng danh mục các doanh nghiệp hoặc dự án bán dẫn và doanh nghiệp phần mềm được hưởng chính sách ưu đãi thuế năm 2022” (14/3/2022).
Ở cấp độ địa phương, Trung Quốc xây dựng 04 cụm công nghiệp bán dẫn[18], trong đó đặc biệt chú trọng đồng bằng sông Dương Tử[19] với quy mô ngành bán dẫn chiếm một nửa cả nước, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phân khúc cao cấp của ngành công nghiệp bán dẫn; là khu vực có nền tảng vững chắc nhất, chuỗi công nghiệp hoàn thiện nhất và công nghệ tiên tiến nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trung Quốc đã bước đầu hình thành trung tâm của toàn bộ chuỗi công nghiệp ở Thượng Hải, đóng gói và thử nghiệm ở Giang Tô, sản xuất ở An Huy và thiết kế ở Chiết Giang.
Liên minh chuỗi công nghiệp vùng đồng bằng sông Dương Tử tập trung vào 5 khía cạnh: (i) Thực hiện khái niệm phát triển mới, dựa vào lợi thế về nguồn lực đổi mới khoa học công nghệ và nguồn nhân lực trong khu vực, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho ngành chip bán dẫn là “chính phủ – công nghiệp – đại học – nghiên cứu – tài trợ”; (ii) Lấy các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn làm nòng cốt, xây dựng Liên minh đổi mới công nghệ chip, tăng cường hợp tác chuỗi ngành và đổi mới hợp tác, rút ngắn thời gian học tập, đẩy nhanh quy trình cao cấp của ngành chip và thu hẹp khoảng cách với trình độ tiên tiến quốc tế; (iii) Thiết lập nền tảng hợp tác mở để đổi mới công nghệ chip bán dẫn hướng ra thế giới. Tăng cường nghiên cứu về công nghệ chip bán dẫn thế hệ mới, xây dựng hệ sinh thái chuỗi toàn ngành, tạo ra cụm công nghiệp chip bán dẫn chuyên biệt hơn; (iv) Thúc đẩy nâng cấp đều đặn quy trình cao cấp của ngành công nghiệp chip bán dẫn, phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn của vùng có ảnh hưởng và khả năng cạnh tranh toàn cầu; (v) Vượt qua nút thắt cổ chai của các công nghệ cốt lõi quan trọng và bù đắp những thiếu sót của chuỗi công nghiệp chip bán dẫn trong nước.
Về tổng thể, ngành công nghệ bán dẫn của Trung Quốc vẫn còn có những hạn chế, được coi là “điểm nghẽn” hướng tới sự phát triển chất lượng cao của Trung Quốc. Các sản phẩm công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các phân khúc thấp[20], tỷ lệ nội địa hóa thấp[21].
1.3. Đài Loan
Ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan được phát triển từ những năm 1970. Đến nay, Đài Loan là số ít các quốc gia/vùng lãnh thổ (cùng với Hàn Quốc và Mỹ) vẫn duy trì cả chuỗi sản xuất chíp bán dẫn[22]. Ngành công nghiệp chíp bán dẫn được xếp ưu tiên trong công nghiệp mũi nhọn đặc biệt quan trọng tập trung đầu tư tại Đài Loan, nhờ vào quá trình phát triển hơn 40 năm với nguồn lực tài chính vô cùng to lớn, đội ngũ nhân sự kỹ thuật hùng hậu cùng chiến lược phát triển đúng hướng.
Ngành chíp bán dẫn được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ưu đãi cao nhất lên tới 10% trong suốt đời dự án[23]. Đài Loan về cơ bản không ban hành chính sách phủ toàn bộ hệ sinh thái sản xuất mà tập trung hỗ trợ cho một vài doanh nghiệp có tiềm năng bằng nhiều chính sách đặc thù về vốn ưu đãi và đào tạo nhân lực; duy trì việc quản lý đầu tư ra nước ngoài và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Đài Loan tại nước ngoài².
TSMC là tập đoàn sản xuất chíp bán dẫn lớn nhất thế giới, công nghệ tiên tiến nhất; Đài Loan dành cho TSMC các sự ưu ái tuyệt đối về các chính sách do đóng góp lớn vào ngân sách[24]. Tuy nhiên, TSMC chịu sự quản lý chặt chẽ về đầu tư ra nước ngoài. Do vậy, doanh nghiệp Đài Loan phải liên tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất trong nước để phục vụ nhu cầu sử dụng các loại chíp bán dẫn công nghệ cao hơn (dưới 10nm). Với vai trò quan trọng trong ngành bán dẫn toàn cầu, Đài Loan chịu tác động của xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng/sản xuất toàn cầu do các tác động của cạnh tranh chiến lược nước lớn và yêu cầu đa dạng hóa nguồn cung sau đại dịch.
1.4. Hàn Quốc
Bán dẫn là lĩnh vực công nghiệp chiến lược gắn với an ninh, lợi thế cạnh tranh quốc gia và luôn là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Hàn Quốc[25]. Ngành bán dẫn Hàn Quốc được dẫn dắt bởi các tập đoàn đa quốc gia[26] với đầu tư trung bình khoảng 40 – 50 tỷ USD cho lĩnh vực bán dẫn, trong đó trên 80% do 02 công ty Samsung Electronics và SK Hynix thực hiện, chủ yếu chi cho R&D và mua sắm thiết bị. Hàn Quốc chỉ có 3 doanh nghiệp bán dẫn trong TOP 100 công ty có doanh thu lớn nhất toàn cầu năm 2022; 7 doanh nghiệp bán đẫn có doanh số trên 900 triệu USD[27]. Xét về tính tự chủ trong chuỗi giá trị bán dẫn, Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào nguồn cung, công nghệ nước ngoài từ thiết kế, chip[28], trang thiết bị[29], vật liệu[30]. Tính phụ thuộc cao dẫn tới Hàn Quốc bị nhập siêu cao (kéo dài hàng thập kỷ) và đặt áp lực Hàn Quốc tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các dòng chip phục vụ nền công nghiệp xanh và số như ô tô, AI, chip tiết kiệm năng lượng…
Trước tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, trong đó: (i) Giảm thuế đối với hạng mục “công nghệ chiến lược cốt lõi”; giảm 40-50% thuế cho nghiên cứu và phát triển chíp bán dẫn; giảm 10-20% đầu tư cơ sở hạ tầng chíp bán dẫn[31]; (ii) Thành lập quỹ đầu tư cơ sở chíp bán dẫn đặc biệt 887,8 triệu USD, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất với lãi suất ưu đãi, giảm 1% lãi suất cho vay với doanh nghiệp bán dẫn; (iii) Thông qua đạo luật đặc biệt bảo vệ năng lực cạnh tranh quốc gia trong ngành công nghiệp công nghệ cao; (iv) Ban hành chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn quốc gia và xây dựng vành đai bán dẫn Hàn Quốc (K-belt), theo đó đầu tư 510 nghìn tỷ Won (450 tỷ USD) cho R&D, sản xuất, phát triển nhân lực đến 2030[32]. Chính phủ cam kết thu hút FDI vào lĩnh vực vật liệu, fabless, công nghệ nguồn EUV để hoàn thiện và tự chủ chuỗi cung ứng trong nước; cải thiện môi trường đầu tư, nới lỏng, rút ngắn thời gian phê duyệt dự án đầu tư, giảm thủ tục kiểm định, nới lỏng các điều kiện quản lý hóa chất; giảm 50% thời gian cấp giấy phép, miễn thử nghiệm trên các hàng nhập khẩu; (v) Công bố chiến lược “Siêu cường bán dẫn” (7/2022) đưa ra các chính sách mới nhằm thúc đẩy công nghiệp bán dẫn trong nước phát triển, mục tiêu thu hút 270 tỷ USD vốn đầu tư trong 5 năm (2022-2026), nâng thị phần của Hàn Quốc từ 3% lên 10%, nâng tỷ lệ nội địa hóa với vật liệu – linh kiện – thiết bị bán dẫn lên 50% vào năm 2030; huy động sự phối hợp tổng thể của các Bộ, ngành của Hàn Quốc để phát triển ngành bán dẫn[33].
Hàn Quốc có cơ chế cấp phép nhanh đối với các dự án bán dẫn[34]; nâng tỷ lệ khấu trừ thuế (tax credit) đối với doanh nghiệp lớn lên 12%, tương đương với tỷ lệ đang áp dụng đối với doanh nghiệp SME[35]; xây dựng cơ chế chia sẻ/bù đắp lợi ích giữa các địa phương; nới lỏng quy định tuyển dụng kỹ sư nước ngoài làm việc trong lĩnh vực bán dẫn kèm theo nâng thời gian giảm 50% thuế thu nhập từ 5 năm lên 10 năm; hỗ trợ khoảng 2 tỷ USD chi phí R&D đối với các lĩnh vực chip ô tô, AI, năng lượng xanh.
2. Kinh nghiệm của một số nền kinh tế thu hút đầu tư
2.1. Malaysia
Malaysia chủ yếu tập trung vào khâu thử nghiệm và đóng gói chip bán dẫn (back-end), tuy nhiên chiếm tới 13% thị phần toàn cầu trong các lĩnh vực này. Malaysia có các nhà máy sản xuất chip nhưng công nghệ còn hạn chế; ngoài ra, một số công ty Malaysia cũng đã tham gia vào khâu thiết kế chip. Những thành tựu phát triển trong lĩnh vực chip bán dẫn của Malaysia chủ yếu bắt nguồn từ bề dày 50 năm kinh nghiệm tham gia chuỗi bán dẫn, lợi thế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực có trình độ, lực lượng lao động có khả năng nói tiếng Anh, tiếng Trung. Chính phủ cũng có nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp, giúp thu hút thành công một số dự án FDI lớn vào ngành công nghiệp bán dẫn từ các tập đoàn nước ngoài (Đức, Mỹ, Hà Lan, Đài Loan…).
Malaysia đã cam kết tham gia thực hiện thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% từ năm 2023, tuy nhiên chỉ áp dụng cho các tập đoàn đa quốc gia lớn hay các tập đoàn của Malaysia có doanh thu toàn cầu hàng năm vượt quá 3,4 tỷ RM (khoảng 800 triệu USD). Để nâng cao năng lực tự chủ, phát triển các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn, Malaysia tập trung triển khai: (i) Ban hành các chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là lắp ráp và thử nghiệm chip; (ii) Ban hành các chính sách ưu đãi gián tiếp (về tự động hóa, phát triển nhân tài, chuỗi cung ứng) nhằm tăng cường thu hút các dự án FDI, đặc biệt là các dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip; (iii) Tận dụng cơ hội và ưu tiên phát triển năng lực đóng gói và thử nghiệm chip trong nước[36].
2.2. Indonesia
Indonesia có kế hoạch phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó xây dựng một nhà máy polysilicon và thiết kế chip – bán dẫn ở miền Trung.[37] Indonesia công khai kêu gọi các tập đoàn của Mỹ đầu tư vào ngành bán dẫn của Indonesia để “bổ trợ hiệu quả cho chuỗi cung ứng từ Trung Quốc”[38]. Nhà máy bán dẫn lớn nhất của Indonesia hiện nay là nhà máy back-end của Infineon (Đức) ở Batam (hoạt động từ năm 1996), hiện có khoảng 2.000 lao động. Tháng 4/2022, Infineon đầu tư thêm 2,4 tỷ euro để mở rộng nhà máy, tăng năng suất sản xuất lên gấp đôi, tập trung mảng thử nghiệm cho chip ô tô.
Indonesia ưu tiên cao phát triển ngành bán dẫn nội địa vì 03 nguyên nhân: (i) Ngành bán dẫn nội địa sẽ bổ trợ trực tiếp cho các ngành sản xuất chiến lược của Indonesia như lắp ráp ô-tô, sản xuất xe điện, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược gia tăng[39], gây rủi ro làm đứt gãy chuỗi cung ứng chip – bán dẫn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động các nhà máy lắp ráp ô-tô; (ii) Indonesia có lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực về nguyên liệu thô như cát silica, lực lượng lao động đông đảo có chi phí thấp, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện (nhờ Đạo luật tạo việc làm năm 2020), có chính sách đối ngoại ôn hòa, chính trị ổn định, là cơ sở tốt để nắm bắt xu thế chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc; (iii) Tự chủ về chip bán dẫn góp phần bảo đảm tự chủ về công nghệ và đối ngoại, không bị lệ thuộc vào các nước nắm các khâu then chốt trong chuỗi cung ứng bán dẫn như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan…
Indonesia hiện xây dựng Lộ trình tổng thể về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 tập trung vào 05 nội dung: (i) Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; (ii) Coi ngành công nghiệp bán dẫn là ngành chiến lược tương đương với ngành sản xuất xe điện và pin xe điện; tăng tính bổ trợ lẫn nhau giữa ngành bán dẫn và ngành sản xuất xe điện; (iii) Áp dụng các ưu đãi về thuế, xuất nhập khẩu cho các tập đoàn lớn, tăng cường quảng bá qua các kênh song phương[40]; (iv) Quy hoạch các nhà máy bán dẫn vào các khu công nghiệp có cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh; (v) Tăng đầu tư ngân sách vào nghiên cứu và phát triển, khuyến khích kết nối giữa các trường Đại học và các tập đoàn sản xuất chip bán dẫn.
2.3. Mexico
Mexico xác định các yếu tố thuận lợi trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chíp bán dẫn nhờ lợi thế về vị trí địa lý[41], cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động phong phú, mức lương cạnh tranh, mạng lưới 14 FTA đa tầng nấc với 50 nước. Mexico tích cực tận dụng lợi thế trong xu hướng “khu vực hóa”, “liên minh hóa” trong xây dựng các chuỗi cung ứng bán dẫn hiện nay, trong đó: (i) Đẩy mạnh tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực của Mỹ trong việc tham gia kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Bắc Mỹ[42] và các cơ hội do Đạo luật CHIPS và Khoa học mang lại, thông qua các hoạt động đối ngoại cấp cao[43]. (ii) Có kế hoạch tổ chức diễn đàn bán dẫn 03 bên lần đầu tiên trong năm 2023 với sự tham gia ở cấp nội các của các nước Mỹ, Canada và Mexico; (iii) Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là các vấn đề liên quan cơ sở hạ tầng, điện, nước nhằm đảm bảo nguồn năng lượng bền vững, phù hợp với đặc thù của ngành công nghiệp bán dẫn (cần nhiều điện, nước); xoa dịu lo ngại của các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài về cung cấp điện[44]; (iv) Đào tạo nguồn nhân lực trong nước chuẩn bị cho chuyển đổi sang lắp ráp, đóng gói, thử nghiệm chất bán dẫn[45]…; hỗ trợ các nhà đầu tư trong các quá trình nghiên cứu về khả năng cạnh tranh của các thiết bị bán dẫn dự kiến đưa ra thị trường để có thể ứng dụng thương mại. Đồng thời, tiến hành ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn nước ngoài về đào tạo nguồn nhân lực. Đáng chú ý, tháng 4/2022, Bộ trưởng Kinh tế Mexico đã ký Thỏa thuận hợp tác với tập đoàn Intel với nội dung chính là cam kết tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn, thúc đẩy đổi mới cũng như đào tạo dài hạn nhân tài (talent) người Mexico.
Về lĩnh vực ưu tiên đầu tư, một mặt Mexico tranh thủ các nguồn đầu tư cho việc tham gia sản xuất chip cho các ngành công nghiệp chủ chốt hiện tại của Mexico, đặc biệt là công nghiệp ô tô qua đó giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, từng bước tạo ra sức mạnh cho chính ngành công nghiệp trong nước; đông thời sẽ tham gia các chuỗi cung ứng ở khu vực. Mexico nhắm đến các phần dễ tiếp cận hơn trong chuỗi cung ứng như thiết kế, đóng gói, thử nghiệm.
Về các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, trên cấp độ liên bang, cho đến nay Mexico chưa chính thức công bố các biện pháp cụ thể tuy nhiên đang xem xét và sẽ đưa ra các chính sách và cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cần thiết nhằm thu hút đầu tư vào Mexico trong lĩnh vực này[46]. Tại cấp độ địa phương, một số bang có cơ sở của các tập đoàn lớn đang đưa ra các ưu đãi riêng như giảm thuế và giá cho thuê đất nhằm khuyến khích mở rộng đầu tư của các tập đoàn này tại địa phương./.
(Sỹ Dũng)
[1] Trong chuỗi giá trị gia tăng của ngành bán dẫn, Mỹ dẫn đầu thị phần toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và lõi sở hữu trí tuệ (core IP), thiết kế chip, công nghệ quy trình sản xuất và thiết bị sản xuất.
[2] Tập trung vào mảng thiết kế và bán hàng.
[3] Theo một số nghiên cứu, tổng chi phí sở hữu trong 10 năm của một fab tại Mỹ cao hơn 20 – 50% so với tại Singapore, Hàn Quốc hay Trung Quốc.
[4] Hiện chỉ có 09 nhà máy sản xuất chip và chỉ chiếm 12% năng lực sản xuất toàn cầu so với 37% vào năm 1990. Trong khi đó, Đài Loan nổi lên chiếm hơn 60% thị trường sản xuất chip; riêng công ty TSMC của Đài Loan chiếm khoảng 54% thị phần chế tạo chip toàn cầu.
[5] Các công ty Mỹ (như Intel) mới chỉ sản xuất chip 07 nm và đang bắt đầu sản xuất chip 04 nm;
trong khi Tập đoàn TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc đã sản xuất được chip 03 nm.
[6] Một số biện pháp chính bao gồm: (i) Cấp 52,7 tỷ USD phục vụ nghiên cứu và phát triển, sản xuất và phát triển đội ngũ nhân công cho ngành bán dẫn Mỹ; (ii) Ủy quyền chi 170 tỷ USD (có thể bổ sung 82,5 tỷ USD) dành cho nghiên cứu và phát triển về trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, truyền thông không dây và nông nghiệp chính xác của một số cơ quan liên bang trong vòng 05 năm tới; (iii) Chi 50 tỷ USD để xây dựng và triển khai một chiến lược thúc đẩy đầu tư vào công nghệ tiên tiển, cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ.
[7] Trong đó có nhiều quan chức cấp cao trong bộ máy nội các như Cố vấn an ninh quốc gia Jack Sullivan, Bộ trưởng Tài chính Yellen, Bộ trưởng Thương mại Raimondo…
[8] Trong giai đoạn Đạo luật còn đang được thương lượng, nhiều công ty Mỹ đã công bố kế hoạch mở các fabs mới tại Mỹ (như Intel, Texas Instruments, Skywater….), sau khi đạo luật được ban hành, Intel tỏ quyết tâm đưa Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo về công nghệ bán dẫn; Wolfspeed công bố đầu tư 05 tỷ USD; Micron công bố xây dựng một fabs mới trị giá 20 tỷ USD và có thể tăng lên 100 tỷ USD trong 20 năm. TSMC của Đài Loan công bố xây một nhà máy sản xuất chip thứ hai tại Arizona và tăng mức đầu tư lên 40 tỷ USD.
[9] Nếu không có trợ cấp của Chính phủ, tổng chi phí sở hữu (total cost of ownership) của 01 fab tại Mỹ về analog trong 10 năm khoảng 11 – 15 tỷ USD và cho các fabs về chip logic và chip nhớ khoảng 30 – 40 tỷ USD.
[10] Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) và Hiệp hội Điện tử và Bán dẫn Ấn Độ (IESA) nhất trí thành lâp nhóm làm việc khu vực tư nhân để tăng cường hợp tác giữa hai nước trong hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu.
[11] Báo cáo tháng 02/2023 của Hiệp hội bán dẫn Mỹ (SIA).
[12] Thông tin của hiệp hội ngành nghề bán dẫn Trung Quốc.
[13] Trong đó: (i) “Quy hoạch phát triển ngành nghể mới nổi chiến lược quốc gia giai đoạn 5 năm lần thứ 13” do Quốc vụ viện Trung Quốc (2016) ban hành đã khẳng định việc nâng cao năng lực cung cấp phần cứng nền tảng cốt lõi; (ii) “Thông báo do Tổng cục thuế, Bộ Tài chính TQ ban hành về chính sách thuế thu nhập đối với doanh nghiệp lĩnh vực thiết kế bản mạch tích hợp và phần mềm” (2019) nhấn mạnh việc miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp sản xuất bán dẫn; (iii) “Chính sách thúc đẩy ngành thiết kế bản mạch tích hợp và ngành phần mềm phát triển chất lượng cao trong thời kỳ mới” do Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành (2020) đã xác định các chính sách hỗ trợ về thuế và chi phí cho doanh nghiệp sản xuất chip và mạch tích hợp.
[14] “Cương yếu Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 về phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035” được Kỳ họp lần thứ 4 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 13 thông qua (11/3/2021).
[15] Phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ 10 của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ngày 28/5/2021
[16] Thường được gọi là “Quỹ lớn”. Giai đoạn đầu tiên của Quỹ lớn được thành lập vào tháng 9/2014, với quy mô hơn 130 tỷ nhân dân tệ; giai đoạn thứ hai được triển khai vào tháng 10/2019, với quy mô hơn 200 tỷ nhân dân tệ.
[17] Gồm các tập đoàn chủ chốt như: Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) và Yangtze Memory Technologies Co (YMTC)
[18] Gồm: Đồng bằng sông Dương Tử (Trường Giang) có trung tâm là Thượng Hải, Vành đai Bột Hải có trung tâm là Bắc Kinh, Đồng bằng sông Châu Giang có trung tâm là Thâm Quyến, khu vực trung tâm và phía Tây gồm Vũ Hán và Thành Đô.
[19] Gồm: Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải và An Huy
[20] Sự thiếu hụt về công nghệ khiến Trung Quốc cần phải nhập khẩu lượng lớn các sản phẩm chíp bán dẫn ở phân khúc cao.
[21] Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị bán dẫn của
Trung Quốc chưa đến 20%.
[22] Gồm: Thiết kế – IC Design (ICD), sản xuất – IC Manufacturing (ICM), đóng gói và kiểm tra – IC Packaging and Testing (ICP).
[23] Mức thuế TNDN thông thường tại Đài Loan là 20%.
[24] Năm 2021, tổng số tiền TSMC nộp thuế là 66,1 tỷ Đài tệ (khoảng 2,3 tỷ USD), chiếm khoảng 10,1% thuế doanh nghiệp ngành bán dẫn tại Đài Loan và đứng đầu trong các doanh nghiệp nộp thuế.
[25] Là lĩnh vực duy nhất có giá trị xuất khẩu hàng năm trên 100 tỷ USD, chiếm khoảng 15-20% giá trị xuất khẩu từ năm 2018, đóng góp khoảng 6% GDP, 25% tổng đầu tư thiết bị quốc gia, đóng góp nhiều giá trị gia tăng và lợi nhuận cho nền kinh tế.
[26] Hai tập đoàn Samsung và SK Hynik hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp cỡ vừa và lớn với khoảng 200 nghìn nhân lực làm việc liên quan đến lĩnh vực bán dẫn tại Hàn Quốc.
[27] Bằng 1/3 so với Đài Loan (21), 1/4 so với Mỹ (32), chưa bằng một nửa Trung Quốc (17).
[28] Về chip, Hàn Quốc phụ thuộc 65% chip hệ thống từ Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản; 80% chip nhớ vào Trung Quốc và Đài Loan, 75% DAO vào Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
[29] Về thiết bị bán dẫn, Hàn Quốc phu thuộc vào Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản lần lượt là 37%, 26% và 24%.
[30] Về vật liệu bán dẫn, Hàn Quốc phụ thuộc vào Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ lần lượt là 40%, 17% và 9,3%.
[31] Cao hơn hẳn mức khấu trừ 3% hiện hành đối với các công ty lớn đầu tư về chíp bán dẫn.
[32] Huy động sự đóng góp của các tập đoàn lớn: Samsung góp 155 tỷ USD, SK Hynix góp 205 tỷ USD.
[33] Yêu cầu Bộ Giáo dục đào tạo 150 nghìn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn trong 10 năm; Bộ Xây dựng hướng dẫn nâng hệ số sử dụng đất đối với các nhà máy bán dẫn 1,4 lần lên tối đa 490%.
[34] Quốc hội Hàn Quốc thông qua một số điều khoản của Luật thúc đẩy bán dẫn, trong đó có quy định cơ chế Fast track về cấp phép cho các dự án bán dẫn trọng điểm giảm từ 30 ngày còn 15 ngày (và không quá 60 ngày) kể từ khi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) có yêu cầu.
[35] Thông qua các điều khoản sửa đổi Luật Ưu đãi đặc biệt về thuế, nâng tỷ lệ khấu trừ thuế đối với các doanh nghiệp lớn từ mức 6% hiện hành lên 8% (thấp hơn so với tỷ lệ khấu trừ thuế của Mỹ (cao nhất 25%), Đài Loan (cao nhất 25%), Trung Quốc (cao nhất 100%)).
[36] Vì cho rằng năng lực hiện tại trong lĩnh vực này sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu khỉ các nhà máy sản xuất chip mới tại Mỹ đi vào hoạt động.
[37] Trước mắt, nhà máy sẽ tập trung phục vụ sản xuất pin mặt trời và sẽ được chuyển sang sản xuất chip bán dẫn trong một vài năm tới.
[38] Phát biểu của Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, tháng 10/2022
[39] Cạnh tranh Mỹ – Trung trong ngành bán dẫn gia tăng, vấn đề eo biển Đài Loan diễn biến khó lường
[40] Từ năm 2022, Chính phủ Indonesia đã nhiều lần thăm Mỹ và Đức để vận động các tập đoàn chip – bán dẫn đầu tư vào Indonesia; nhiều đoàn công tác đến Nhật Bản để thuyết phục các tập đoàn sản xuất ô-tô lớn như Toyota, Mitsubishi… ưu tiên cấp chip – bán dẫn cho các nhà máy lắp ráp ô-tô ở Indonesia thay vì tại các thị trường khác.
[41] Nằm sát Mỹ, tiếp cận với Thái Bình Dương và Đại Tây Dương
[42] Lập kế hoạch phát triển bang Sorona (tiếp giáp với Mỹ) có nhiều tập đoàn sản xuất chất bán dẫn thành nơi dẫn đầu về sản xuất lithium, xe điện và năng lượng mặt trời trong những năm tới.
[43] Tổng thống Mexico nêu vấn đề sử dụng Quỹ Chip của Mỹ với Tổng thống Mỹ trong các cuộc gặp và Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Mỹ; các Bộ trưởng Ngoại giao, Kinh tế của Mexico nêu với Mỹ tại Đối thoại Cấp cao về kinh tế Mỹ – Mexico. Mexico cam kết phối hợp và tạo thuận lợi cho các tập đoàn của Mỹ cũng như nước ngoài trong đầu tư về bán dẫn tại Mexico.
[44] Chính sách của Mexico dành quyền kiểm soát về năng lượng cho các doanh nghiệp.
[45] Tập trung vào đào tạo kỹ sư cho các ngành công nghiệp chủ chốt như ô tô, điện tử, hàng không.
[46] Tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Mexico.