Việt Nam đang trong giai đoạn đầu hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp, một trong những thách thức đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là huy động vốn cho giai đoạn ươm mầm cũng như phát triển. Do vậy, sự tham gia của Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.
Bài viết tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ về vốn của Australia, Singapore, Israel đã đạt nhiều thành công trong việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trên thế giới, từ đó rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.
Kinh nghiệm huy động vốn cho khởi nghiệp ở một số quốc gia
Australia
Trong giai đoạn 2014-2016, hoạt động khởi nghiệp nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ Australia và cả cộng đồng doanh nghiệp (DN). Tương tự như các quốc gia khác trên thế giới, Chính phủ Australia tập trung phát triển cơ sở hạ tầng mềm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) – bao gồm xây dựng các vườn ươm, các khóa tăng tốc khởi nghiệp, không gian làm việc chung và vốn đầu tư đã được đổ vào lĩnh vực này từ các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư mạo hiểm, mặc dù, các DN này cũng cần phải chứng tỏ mình có đầy đủ các yếu tố cần thiết để được hỗ trợ. Một số chương trình hỗ trợ điển hình cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Chính phủ Australia bao gồm:
– Chương trình Doanh nhân: Được hình thành vào năm 2014 nhằm giúp các DN tăng năng suất và khả năng cạnh tranh thông qua việc cấp vốn và cơ hội tiếp cận mạng lưới các chuyên gia tư vấn và hỗ trợ khu vực tư nhân qua hai quỹ (Accelerating Commercialisation fund and Business Growth Grants). Chương trình này có nhiệm vụ cung cấp các khoản đầu tư lên đến 50% tổng dự án, tương đương với 250.000 AUD cho các công ty thương mại và các đối tác hợp pháp, và tương đương với 1 triệu AUD cho các ứng viên còn lại.
Ngoài ra, Chương trình Doanh nhân cũng cung cấp hỗ trợ các chi phí liên quan đến việc đầu tư, giúp các công ty khởi nghiệp thâm nhập vào các thị trường toàn cầu. Các khoản đầu tư trong hiện tại và tương lai có thể được tài trợ lên đến 50% tổng giá trị dự án tương đương với 500.000 USD. Đối với các DN hoặc chuyên gia thuộc dự án trong nước có thể nhận được gói hỗ trợ lên đến 25.000 AUD.
– Quỹ Đổi mới CSIRO: Được thành lập vào tháng 12/2016 với mục tiêu là cầu nối giúp các DN phát triển các ý tưởng nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm của mình. Đối tượng được Quỹ Đổi mới CSIRO hướng đến đầu tư là các DNKN, các công ty spin-off và các DN vừa và nhỏ. Thông qua Quỹ Đổi mới CSIRO, các công ty khởi nghiệp có thể nhận được tới 50.000 USD tài trợ để phát triển kinh doanh nếu thỏa mãn các điều kiện do Quỹ đưa ra, ví dụ như: Công ty phải có doanh thu hiện tại hoặc trong vòng 2 năm gần nhất trong khoảng 1,5 triệu USD và đăng ký kinh doanh không quá 3 năm… Kinh phí hỗ trợ từ 10.000 – 50.000 USD được sử dụng để trang trải chi phí thực hiện dự án như trả tiền lương cho các nhà nghiên cứu và không bao gồm chi phí xây dựng các công trình hay cơ sở hạ tầng…
Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phúc lợi thì sẽ có cơ hội tiếp cận các khoản vốn hỗ trợ từ Biomedical Translation Fund (BTF). BTF do Chính phủ liên bang thành lập từ tháng 12/2016 với quy mô bao gồm 250 triệu USD vốn Commonwealth và 250 triệu USD vốn từ khu vực tư nhân. Quỹ BTF đã thực hiện đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp như: Khoản đầu tư 7,5 triệu USD vào công ty khởi nghiệp toàn cầu MedTech, 22 triệu USD vào Certa Therapeutics… Đối tượng đầu tư của Quỹ là các công ty cung cấp các sản phẩm trị liệu, y tế, dược phẩm, các quy trình, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ y tế kỹ thuật số), các công nghệ hoặc quy trình đại diện cho ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, nhằm cải thiện sức khỏe và phúc lợi.
Quỹ Phát triển thị trường xuất khẩu – EMDG được thiết lập nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ và du lịch nội địa. Đối với các DN đã chi 15.000 USD trở lên cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu, họ có thể được hoàn trả tới 50% các chi phí vượt trên mức 5.000 USD. Các DN đủ điều kiện sẽ có thu nhập dưới 50 triệu USD trong năm tài trợ.
Singapore
Singapore là một quốc gia có nhiều chính sách hấp dẫn cho các doanh nhân thành lập DN. Bên cạnh mức thuế thấp và điều kiện kinh doanh dễ dàng, một yếu tố quan trọng khác thu hút các doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới đến nước này là sự đa dạng của các nguồn tài chính cho khởi nghiệp. Theo đó, Chính phủ Singapore sẽ cung cấp một số khoản tài trợ tiền mặt và chương trình tài trợ hấp dẫn giúp DN phát triển qua các giai đoạn đầu tiên, đồng thời rất chú trọng việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp giúp các DN phát triển với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan…
Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, còn có nhiều mạng lưới đầu tư thiên thần, công ty đầu tư mạo hiểm, công ty cổ phần tư nhân, vườn ươm khởi nghiệp và các chương trình tăng tốc hỗ trợ các doanh nhân huy động vốn. Xuất phát từ những thách thức toàn cầu phát sinh từ thực tế như tình hình dân số già, mật độ đô thị, vấn đề sức khỏe, phương tiện giao thông… các ý tưởng mới sáng tạo có thể được thử nghiệm tại Singapore như là phòng thí nghiệm “sống” của các DNKN.
Singapore đã triển khai các chương trình tài trợ để giúp các công ty khởi nghiệp trong các giai đoạn tăng trưởng khác nhau. Quỹ Tài trợ khởi nghiệp của ACE (ACE Satrt-up Grant) với số tiền 50.000 đô la Singapore; Quỹ Tài trợ khởi nghiệp i.JAM với số tiền từ 50.000 – 200.000 đô la Singapore, Chương trình thương mại hóa DN công nghệ – Technology Enterprise Commercialisation Scheme (số tiền từ 250.000 – 500.000 USD Singapore) tài trợ cho các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu.
Bên cạnh đó, Quỹ Khởi nghiệp iPACT cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp, để phát triển và định vị vị thế là một nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn và giành quyền tiếp cận thị trường trong quá trình này. Chương trình ươm tạo tiếp cận thị trường, Hỗ trợ sẵn sàng thị trường – Chương trình ươm tạo tiếp cận thị trường cung cấp kinh phí cho các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu và giai đoạn phát triển mở rộng ra thị trường nước ngoài. Để nhận được các khoản tài trợ và các chương trình này phải đủ các điều kiện và tiêu chí cho Chính phủ đặt ra.
Ngoài ra, Chính phủ Singapore chủ động tham gia vào khu vực tư nhân, đặc biệt là hình thức hợp tác đầu tư để thành lập các công ty khởi nghiệp tiếp cận với công nghiệp và khai thác khu vực tư nhân để dẫn đầu về đầu tư.
Israel
Israel là quốc gia có mật độ các DNKN lớn nhất trên thế giới – cứ 1.844 người dân Israel thì có 1 công ty khởi nghiệp. Với dân số là 7,1 triệu người, Israel có nhiều công ty niêm yết trên Sàn Chứng khoán Nasdaq Mỹ – hơn con số ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc hay toàn bộ cả lục địa châu Âu. Quốc gia này cũng là quê hương của các công ty khởi nghiệp thành công như: Houzz, Mobileye, Waze, Wix… Những thành quả này xuất phát từ những chính sách đi đầu trong việc đầu tư và nuôi dưỡng một hệ sinh thái khởi nghiệp thịnh vượng bằng cách phân bổ thời gian và nguồn lực để hỗ trợ hệ sinh thái của Chính phủ Israel. Quốc gia này đầu tư nhiều vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để tạo điều kiện cho sự đổi mới, sáng tạo, tiến bộ công nghệ và phát triển văn hóa khởi nghiệp. Israel cũng quản lý các chương trình vườn ươm khởi nghiệp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo trở thành sản phẩm thật sự và có thể phổ biến rộng rãi.
Từ những năm 1980, Chính phủ Israel đã tích cực khám phá tiềm năng của khu vực tư nhân. Đầu những năm 1990, Israel không có một quỹ đầu tư mạo hiểm nào và khi đó, Chính phủ đã phải hành động bằng hình thức thành lập các quỹ đầu tư, nhưng phối hợp hoạt động với khu vực tư nhân. Để hỗ trợ các DNKN, Chính phủ Israel đứng ra thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng để cho tư nhân quản lý hoạt động, bộ phận tư nhân sẽ giám sát và điều phối việc đầu tư các quỹ này. Trong trường hợp hoạt động đầu tư có hiệu quả, tư nhân sẽ mua lại các quỹ đầu tư này còn nếu thua lỗ, Nhà nước sẽ gánh phần rủi ro. Như vậy, với thành phần tư nhân khi tham gia các quỹ đầu tư đã được Nhà nước nhận trách nhiệm về kinh tế do hoạt động đầu tư vào DNKN có tỷ lệ thành công rất thấp.
Đến cuối thập niên 1990, Chính phủ Israel đã không phải làm gì vì toàn bộ các hoạt động đầu tư mạo hiểm đã được các tổ chức bên ngoài vận hành đầy đủ. Mọi quỹ đầu tư mạo hiểm hiện nay tại Israel đều của tư nhân hoặc của các tổ chức đa quốc gia. Chính phủ không quyết định sẽ đầu tư vào dự án nào và cũng không can thiệp vào hoạt động của các dự án này mà để các cấp quản lý tư nhân quyết định dựa vào nhu cầu của thị trường…
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, số thương vụ được nhận đầu tư ngày càng tăng, các lĩnh vực khởi nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm từ nhiều bên. Chính phủ Việt Nam cũng đã có sự quan tâm, đầu tư xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nhằm khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng DN phát triển hướng đến mục tiêu Việt Nam có một triệu DN hoạt động vào năm 2020. Xuất phát từ kinh nghiệm của các quốc gia khởi nghiệp thành công, bài viết rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp. Để làm được điều này, Việt Nam cần tập trung xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp có sự tham gia hỗ trợ của Chính phủ và một mạng lưới liên kết chặt chẽ để phát triển các DNKN bao gồm: Các DN khoa học và công nghệ mới khởi nghiệp, các DN khoa học và công nghệ đã thành công, các nhà đầu tư thiên thần, các viện nghiên cứu, trường đại học, các quỹ đầu tư, các cơ sở ươm tạo, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác. Nhà nước sẽ nắm vai trò kết nối các chủ thể và điều phối, thường xuyên hỗ trợ cho các chủ thể trong mạng lưới này để hệ thống sinh thái khởi nghiệp có thể hoạt động và phát triển một cách bền vững.
Thứ hai, phát huy vai trò tích cực của khu vực kinh tế tư nhân. Kinh nghiệm từ Israel cho thấy, khu vực tư nhân hoạt động rất hiệu quả và có khả năng giúp Chính phủ giải quyết rất nhiều vấn đề xã hội và việc làm cho nền kinh tế. Bản thân các DNKN khi mới khởi nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ về chuyên môn, kinh nghiệm và nguồn lực để tiến hành sản xuất kinh doanh hiệu quả; đồng thời những người làm chủ các DN tư nhân cũng chính là những người khởi nghiệp thành công. Do vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và tư nhân thông qua hình thức hợp tác đầu tư, để cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, phát huy lợi thế, năng lực của mỗi bên để thành lập và phát triển các công ty khởi nghiệp.
Thứ ba, phát triển các chương trình hỗ trợ và vườn ươm khởi nghiệp. Chính phủ Australia đã xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp dành cho các đối tượng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Công nghệ, chăm sóc sức khỏe, xuất khẩu… đồng thời, thành lập các quỹ thúc đẩy giáo dục, khuyến khích đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán, nhằm khởi động một văn hóa đổi mới trong giới trẻ tại các trường đại học.
Việt Nam cũng cần phát triển các chương trình hỗ trợ khởi ngiệp và các trung tâm nghiên cứu và hợp tác nhằm thúc đẩy các công trình nghiên cứu ở các trường đại học, các viện nghiên cứu và đào tạo các sinh viên tốt nghiệp có kinh nghiệm làm việc thực tiễn, tăng cường liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước để học hỏi, trao đổi chuyên môn, mời các chuyên gia về khởi nghiệp đến chia sẻ kinh nghiệm DNKN.
Thứ tư, áp dụng các chính sách hỗ trợ về pháp lý, thủ tục hành chính và thuế cho hoạt động liên quan đến khởi nghiệp. Các điều kiện, chính sách của Nhà nước cần được cải cách theo hướng giảm bớt các rào cản về vốn, rút ngắn thời gian để hình thành DN, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng trong cơ chế và chính sách đầu tư; Áp dụng chính sách ưu đãi về thuế cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhằm khuyến khích sự đổi mới hoạt động của các DN. Chính phủ Việt Nam cần xây dựng các chính sách để giảm bớt các rào cản vốn, có các cơ chế thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các quỹ đầu tư rót vốn vào các dự án khởi nghiệp tạo điều kiện cho các DNKN được tiếp cận vốn đầu tư./.
TS. Lê Thị Minh Ngọc