Khu thương mại tự do không phải là một mô hình mới mà đã được các quốc gia trên thế giới áp dụng từ lâu. Thực tế những năm qua, mô hình Khu thương mại tự do gắn với cảng biển đã được nhiều quốc gia (như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE…) triển khai rất thành công, giúp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực logistics, thu hút đầu tư nước ngoài. Các Khu thương mại tự do cung cấp cơ chế thông thoáng, giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách miễn thuế, giảm thuế và giảm rào cản thủ tục hành chính. Khu thương mại tự do càng phát huy được vai trò khi gắn với cảng biển.
Mặc dù chưa có định nghĩa chung, thống nhất, tuy nhiên có thể hiểu Khu thương mại tự do (free trade zone -FTZ) được định nghĩa như là một vùng kinh tế đặc biệt “bên ngoài hải quan và bên trong lãnh thổ”, được phân định chính thức trong lãnh thổ quốc gia nhưng là khu vực có quan hệ mua bán với phần còn lại của nước sở tại là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa ra vào chịu sự kiểm soát của lực lượng Hải quan.
Tại các nước, các khu thương mại tự do thường được tổ chức xung quanh các cảng biển chính, sân bay quốc tế và biên giới quốc gia – những vùng có nhiều lợi thế về thương mại. Nếu một khu thương mại tự do gắn liền với một cảng thì cảng đó còn được gọi là cảng tự do (free port). Về lý thuyết, Khu thương mại tự do có thể đặt ở bất kỳ đâu, nhưng khu thương mại tự do chỉ có thể phát huy giá trị tại nơi có hàng hóa lưu chuyển, càng nhiều càng tốt. Mà với một quốc gia, nơi hàng hóa ra vào nhiều nhất chính là các cảng biển. Do đó, khu thương mại tự do không chỉ thu hút các nhà đầu tư, tạo nên những giá trị về kinh tế mà các cảng biển cũng được hưởng lợi trong việc thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu.
Cảng biển và khu thương mại tự do là sự cộng sinh, cộng hưởng lẫn nhau. Khi đầu tư vào khu thương mại tự do, các doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích như: không phải đóng thuế xuất nhập khẩu; làm bàn đạp để tiếp cận thị trường; thuận lợi về vận chuyển, tiếp cận dịch vụ logistics; kết nối với các doanh nghiệp khác trong và xung quanh Khu thương mại tự do. Khu thương mại tự do cũng giúp quốc gia sở tại hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh. Việc thành lập các khu Khu thương mại tự do giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào khu vực này làm động lực phát triển kinh tế cho các khu vực xung quanh. Nói cách khác, Khu thương mại tự do chính là một động lực tăng trưởng cho các địa phương có cảng.
Tại Trung Quốc, các Khu thương mại tự do được xây dựng muộn hơn một số nước trong khu vực, nhưng hiện Trung Quốc đã có 22 Khu thương mại tự do. Với diện tích chiếm chưa đến 0,4% diện tích đất nhưng các Khu thương mại tự do này đã đóng góp tới 18,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 17,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ở Trung Quốc vào năm 2022. Các Khu Thương mại tự do có quy mô, chức năng và mô hình phát triển không giống nhau. Khu Thương mại tự do Thượng Hải được thành lập năm 2013 với diện tích 120 km2 là Khu Thương mại tự do đầu tiên tại Trung Quốc. Năm 2018, Trung Quốc đã biến toàn bộ tỉnh Hải Nam (35.400 km2) thành một cảng thương mại tự do. Sau đó, vào năm 2019, sáu khu thương mại tự do mới của Trung Quốc đã được thành lập với trọng tâm là các lĩnh vực chính sách cụ thể hoặc để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác với một số quốc gia hoặc khu vực nhất định như Khu công nghiệp Tô Châu Trung Quốc-Singapore và Thành phố sinh thái Thiên Tân Trung Quốc – Singapore. Khu thương mại tự do Phúc Điền (Thâm Quyến) cũng được thành lập để kết nối quốc gia này với Hồng Kông thông qua tàu điện ngầm, đường cao tốc dành cho xe cá nhân và xe buýt đưa đón. Xe tải container do các công ty trong khu vực sở hữu cũng sẽ được phép ra vào khu vực này mà không bị cản trở vào Hồng Kông[1].
Khu thương mại tự do Thượng Hải: Gắn liền với sự phát triển của cảng Thượng Hải, Khu thương mại tự do Thượng Hải là Khu thương mại tự do đầu tiên tại Trung Quốc. Mục đích trọng tâm của Khu thương mại tự do Thượng Hải hướng đến việc mở cửa thị trường và cải cách, thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, khuyến khích mức độ tham gia cao hơn từ các công ty nước ngoài và thu hút nhân tài. Đây là khu thương mại tự do điển hình thành công cho các Khu thương mại tự do trên khắp Trung Quốc. Sau khi mở cửa, nhiều chính sách, quy định mới được thực hiện tại đây như: (i) nới lỏng các yêu cầu thành lập doanh nghiệp, áp dụng Danh sách tiêu cực cho các thủ tục phê duyệt trước[2] và triển khai quy trình nộp đơn một cửa; (ii) giảm thuế doanh nghiệp từ 15% đến 9%; (iii) miễn thuế nhập khẩu cho đến khi hàng hóa được chuyển ra khỏi SEZ (ra khỏi kho); (iv) thủ tục hải quan nhanh chóng; (v) một trung tâm cung cấp dịch vụ vận chuyển, đóng gói và hậu cần để lựa chọn[3]…
Các ngành nghề chính tại các phân khu bao gồm logistics, thương mại điện tử, dịch vụ pháp lý, dịch vụ tài chính, kinh tế trụ sở chính,… Đặc khu Lâm Cảng thuộc Khu thương mại tự do Thượng Hải được thành lập vào ngày 20/8/2019 với diện tích 873 km2 (87.300 ha) với mục tiêu trở thành nơi thể hiện vị thế rõ ràng của Trung Quốc để mở cửa toàn diện trong thời đại mới và vai trò chủ động của Trung Quốc trong việc dẫn dắt sự phát triển lành mạnh của toàn cầu hóa kinh tế. Đặc khu Lâm Cảng chủ yếu tập trung các ngành nghề công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, vi mạch điện tử, công nghệ y sinh, ô tô thông minh, hàng không dân dụng, năng lượng hydrogen. Nơi đây cũng tích hợp không gian sống và nghỉ dưỡng, giải trí đẳng cấp thế giới, tạo thành một khu đô thị phức hợp đẳng cấp thế giới.
Khu Thương mại tự do Hải Nam: Là Khu thương mại tự do lớn nhất thế giới với 11 khu chức năng được quy hoạch. Chỉ sau 5 năm thành lập, Khu Thương mại tự do này đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 9%, đứng hàng đầu Trung Quốc; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023 đạt 230 tỷ USD. Trọng tâm triển khai là du lịch miễn thuế, chăm sóc y tế và là điểm đến cho các doanh nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao và tài chính. Bên cạnh đó, Khu thương mại tự do Hải Nam thực hiện một số chính sách ưu đãi về thuế như: (i) miễn thuế hải quan đối với hàng hóa tạm thời nhập khẩu để sửa chữa và sau đó tái xuất, nếu những hàng hóa này được bán trong nước thay vì tái xuất, thuế hải quan sẽ được áp dụng theo quy định; (ii) miễn thuế hải quan đối với máy bay và tàu tạm thời xuất khẩu để sửa chữa và sau đó được đưa trở lại trong Khu thương mại tự do Hải Nam[4]…
Khu thương mại tự do cảng Kaohsiung (Đài Loan, Trung Quốc) có tổng diện tích 669,53 ha. Khu thương mại tự do cảng Kaohsiung cho phép thực hiện 19 dịch vụ các loại, bao gồm thương mại, kho bãi, logistics, phân phối container, trung chuyển, ủy thác, vận chuyển theo hợp đồng, dịch vụ thông quan, dịch vụ hợp nhất, gom hàng, đóng gói, sửa chữa, lắp đặt, chế biến, chế tạo, kiểm tra, thử nghiệm, hàng phục vụ triển lãm, và các dịch vụ kỹ thuật. Khi hàng hóa nước ngoài đi vào hoặc được lưu trữ trong khu thương mại tự do và khi hàng hóa được xuất khẩu ra nước ngoài từ khu thương mại tự do hoặc chuyển sang khu thương mại tự do khác, chỉ phải lập báo cáo và việc di chuyển được miễn kiểm tra và điều tra. Các công ty trong các khu thương mại tự do có thể tham gia vào nhiều loại hình kinh doanh, chẳng hạn như lưu trữ và trung chuyển, vận tải đa phương thức đường biển và đường hàng không, thương mại điện tử xuyên biên giới, kho bãi và phân phối ở nước ngoài. Các công ty cũng có thể sử dụng mô hình hoạt động “kho chứa phía trước, nhà máy phía sau” để tham gia hợp tác với các công ty bên ngoài khu vực thương mại tự do, điều này sẽ giúp lan tỏa lợi thế của các khu vực thương mại tự do cho những đơn vị khác.
Tại Hàn Quốc, các Khu thương mại tự do và Khu kinh tế tự do (FEZ) được ưu tiên thúc đẩy thành lập gắn liền với hệ thống cảng biển, trong đó Khu thương mại tự do là 1 bộ phận trong khu kinh tế tự do với các ngành nghề chủ yếu là hoạt động sản xuất, logistics, phân phối và thương mại. Khu kinh tế Busan Jinhae (BJFEZ) có diện tích 50,7 km2 (5.070 ha) tại thành phố Busan và tỉnh Gyeongnam, được xây dựng để trở thành Trung tâm toàn cầu về kinh doanh quốc tế và hậu cần. Các lĩnh vực chính tại BJFEZ bao gồm phát triển lĩnh vực vận tải biển, logistics, đóng tàu, thiết bị vận tải thông minh, công nghệ sinh học, y tế, vật liệu/linh kiện/thiết bị công nghệ cao. Khu kinh tế tự do Incheon là một trung tâm kinh tế tại Đông Bắc Á về logistics, kinh doanh quốc tế, giải trí và du lịch.
Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình Khu thương mại tự do gắn với cảng biển trên, có thể rút ra một số bài học trong phát triển thí điểm khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại một số địa phương của Việt Nam:
Thứ nhất, không nên giới hạn hoạt động của khu thương mại tự do trong lĩnh vực thương mại như tên gọi của nó mà mở rộng ra các lĩnh vực khác như dịch vụ tài chính, kinh tế trụ sở chính, logistics, vận tải biển, công nghệ thông tin, nghiên cứu phát triển, v.v.
Thứ hai, mô hình khu thương mại tự do gắn với cảng biển có tích hợp đô thị giúp hình thành các cụm công nghiệp với các tiện ích xã hội, văn hóa, giáo dục, công nghệ, kinh doanh, cả về du lịch và các tiện ích liên quan, phù hợp với xu hướng hiện đại về phát triển đô thị thông minh và khu thương mại tự do với trọng tâm là dịch vụ thương mại. Khu thương mại tự do không nhất thiết phải là một khu vực tập trung mà có thể bao gồm nhiều phân khu chức năng với mỗi phân khu có một chức năng khác nhau.
Thứ ba, ban hành chính sách tạo điều kiện thuận lợi về thương mại, đầu tư, tài chính như chính sách hải quan, thuế, thủ tục đầu tư, thành lập doanh nghiệp, quản lý ngoại hối…
Thứ tư, bộ máy quản lý hành chính tại khu thương mại tự do cần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thủ tục hành chính đơn giản, công khai, minh bạch. Chính quyền địa phương phải được trao quyền nhất định trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Thứ năm, xây dựng chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Khu thương mại tự do muốn tạo ra được đột phá thì việc thu hút nhà đầu tư chiến lược là rất quan trọng. Do đó, các địa phương cần tập trung xây dựng hạ tầng như các trung tâm logistics cảng biển thì mới thu hút được các hãng tàu lớn trên thế giới tăng tần suất khai thác các tuyến hàng hải nhiều hơn./.
Phương Hoa
[1] https://www.tetraconsultants.com/
[2] Danh sách tiêu cực là mô hình quản lý đầu tư nước ngoài được thành lập tại Trung Quốc và được hợp pháp hóa theo Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Danh sách này đề cập đến các biện pháp hành chính đặc biệt để tiếp cận đầu tư nước ngoài vào một số ngành hoặc lĩnh vực nhất định. Chính phủ Trung Quốc dành đối xử quốc gia cho đầu tư nước ngoài vượt ra ngoài danh sách tiêu cực, do chính quyền trung ương Trung Quốc, Hội đồng Nhà nước ban hành hoặc phê duyệt. Các ngành không có trong danh sách được mở cửa cho tất cả các doanh nghiệp đầu tư và sẽ không yêu cầu chính phủ Trung Quốc phê duyệt trước.
[3] https://fdichina.com/
[4] https://www.china-briefing.com/