Trong rất nhiều cách tiếp cận, việc tìm ra động lực lớn và xem xét khả năng lan tỏa của nó ra toàn bộ nền kinh tế sẽ khả thi hơn so với cách tiếp cận dàn trải, bởi đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, việc huy động nguồn lực cho sự đầu tư dàn trải không phải là một lựa chọn tốt.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia trên thế giới đã chuyển đổi thành công và nhanh chóng từ nền kinh tế nông nghiệp, phụ thuộc sang nền kinh tế công nghiệp hàng đầu, với GDP và mức tăng thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng cao. Quá trình công nghiệp hóa với sự thành công của các ngành công nghiệp hỗ trợ đã thúc đẩy mô hình tăng trưởng và quá trình hội nhập quốc tế thành công của quốc gia này.
Chính sách công nghiệp của Hàn Quốc mà trọng tâm là nỗ lực làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp hỗ trợ từ cuối những năm 1970 đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên một nền kinh tế Hàn Quốc hiện đại. Câu hỏi đặt ra là chính sách công nghiệp hỗ trợ có thể thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp ở các nước đang phát triển hiện nay? Và kinh nghiệm cho Việt Nam là gì?
Trong rất nhiều cách tiếp cận, việc tìm ra một động lực lớn và xem xét khả năng lan tỏa của nó ra toàn bộ nền kinh tế sẽ khả thi hơn so với cách tiếp cận dàn trải, bởi đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, việc huy động nguồn lực cho sự đầu tư dàn trải không phải là một lựa chọn tốt.
Lựa chọn đúng các ưu tiên
Từ cách tiếp cận đó, cần xem xét cách thức những ngành công nghiệp non trẻ của Hàn Quốc một thời đã được lựa chọn đầu tư và kết nối trong toàn bộ ngành công nghiệp như thế nào. Có thể nói, cơ khí chế tạo và ngành công nghiệp hóa chất là hai lựa chọn ưu tiên của Hàn Quốc để tạo nền tảng cho việc phát triển một cách chủ động các ngành công nghiệp khác. Sản phẩm của hai ngành này là đầu vào quan trọng cho một loạt các ngành từ điện tử, ô tô, máy móc thiết bị đến thực phẩm và hóa mĩ phẩm – những ngành mà Hàn Quốc đã gây dựng thành công tên tuổi trên thị trường quốc tế.
Môi trường chính trị và kinh tế ở châu Á ổn định hơn vào cuối thập niên 70, đó cũng là giai đoạn Hàn Quốc chuyển từ xúc tiến xuất khẩu chung sang nhắm mục tiêu vào “các lĩnh vực chiến lược”. Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tạo ra năng lực công nghiệp trong nước thay vì lệ thuộc vào nước ngoài, thông qua kết hợp các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu, phát triển giáo dục và kỹ năng nghề nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý thị trường vốn một cách chủ động.
Các công cụ chính sách được thể hiện rất rõ trong các Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (sau đây gọi là kế hoạch 5 năm). Từ năm 1962 đến năm 1992, chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập 7 kế hoạch 5 năm với mục tiêu rõ ràng, xác định các hành động và các nguồn lực để đạt được mục tiêu và điểm đặc biệt là các kế hoạch hàng năm được nâng cấp dần với các mục tiêu cao hơn, qua đó tạo động lực nối tiếp nhau. Các hoạt động trong các nhóm chính sách chính cũng được sắp xếp theo trình tự và kết hợp với nhau để sử dụng tốt nhất nguồn lực.
Hàn Quốc ưu tiên các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức ngày càng tăng. Ngoài hỗ trợ về chính sách thương mại và tỷ giá, công tác đào tạo và nghiên cứu cũng tập trung đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cao của các ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển (không đào tạo và nghiên cứu dàn trải).
3 đòn bẩy lớn
Từ thực tiễn kiểm nghiệm hiệu quả của các chính sách này, có thể thấy 3 đòn bẩy lớn là: chính sách thương mại, ưu đãi tín dụng và R&D. Mục tiêu là thúc đẩy nhanh chóng khả năng làm chủ và tạo thế mạnh về ngành công nghiệp hỗ trợ, chẳng hạn như thép, kim loại màu và xử lý hóa dầu – đầu vào quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp khác.
Chính phủ hỗ trợ hiện đại hóa và nâng cấp công nghệ cho các ngành công nghiệp trong nước bằng các chính sách hỗ trợ sáng tạo và làm chủ khoa học, công nghệ. Trong giai đoạn đầu, chính phủ tập trung vào việc áp dụng các công nghệ tốt nhất từ nước ngoài; kể từ những năm 1970, họ đã đầu tư lập các viện nghiên cứu để tạo ra khả năng sáng tạo vô hạn của Hàn Quốc.
Từ những năm 1980, Hàn Quốc đầu tư mạnh cho công tác R&D và khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng. Vào những năm 1990, các cheabol của Hàn Quốc đã cam kết ưu tiên cho hoạt động R&D và chính phủ mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân cho công tác này
(baocongthuong.com.vn)