Kinh nghiệm khử Carbon của kinh tế Pháp

0
53

Pháp là một trong những nền kinh tế ít carbon nhất thế giới! Trong nhóm G20, Pháp là thành viên đạt được nhiều tiến bộ nhất.

Pháp là một trong những nền kinh tế ít carbon nhất thế giới!

Tờ Le Point mới đây đã có viết cảnh báo tốc độ khử carbon của các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vẫn thấp hơn nhiều so với mức cần thiết, để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), tổ chức tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập Thống Nhất – UAE) từ ngày 30/11 đến hết 12/12, sẽ là COP tổng kết về Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015. Tại hội nghị COP năm nay, thế giới lần đầu tiên có một đánh giá toàn diện về những tiến bộ đã đạt được trong các mục tiêu ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.

Nhưng nhìn chung, theo cảnh báo được nêu vào giữa tháng 11/2023 của Liên Hợp Quốc (LHQ), vẫn chưa có nhiều tiến triển phù hợp với đích đến của Thỏa thuận Paris, đặc biệt là khi các cam kết khí hậu của các quốc gia cho thấy mức giảm phát thải toàn cầu vào năm 2030 ước tính chỉ đạt ngưỡng 2% so với năm 2019, thay vì mức 43% như các nhà khí hậu học khuyến cáo để có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C. Trước thềm COP28, LHQ đã không chỉ đích danh những quốc gia “thủ phạm”, những nước được xác định là có cam kết và thực thi về khí hậu kém nhất.

Thông thường tại các COP, mọi tuyên bố và lời kêu gọi nỗ lực vì khí hậu đều “phải mang tính tập thể”. Nhưng trên thực tế, những con số chênh lệch trong bảng tổng kết quá trình thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vẫn được bàn thảo và tranh luận gay gắt ở hậu trường, vì mục đích tích cực. Ông Olivier Muller, phụ trách bộ phận biến đổi khí hậu của công ty tư vấn và kiểm toán PWC có trụ sở tại London, nhận xét: “Một số chính sách quốc gia được thực hiện đã chứng minh là có hiệu quả, cho phép rút ra những bài học tập thể để áp dụng cho thế giới”.

Tuy nhiên, chỉ số khử carbon của các nền kinh tế lớn, được công bố trước thềm COP28, cho thấy còn một khoảng cách lớn cần vượt qua. Trong năm 2022, tỷ lệ khử carbon hàng năm trên toàn cầu chỉ đạt 2,5% ở các nước G20, trong khi lẽ ra phải là 17,2% theo nội dung Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và 6,5% mỗi năm cho đến năm 2030 nếu xét mục tiêu 2°C. Nói tóm lại, tốc độ khử carbon lẽ ra sẽ phải nhanh hơn gấp 7 lần so với mức thực tế. Chưa có quốc gia nào đạt được tỷ lệ 17,2%, nhưng một số nước đã tiến gần đến mục tiêu này. Mọi phân tích chi tiết về các chỉ số sẽ dẫn đến những đánh giá nghiêm túc, từ đó giúp các nhà đàm phán COP xác định được hướng đi tiếp theo.

Năm 2022, tốc độ khử carbon mà các nền kinh tế lớn đạt được có sự chênh lệch đáng kể. Brazil đã giảm lượng khí thải carbon xuống 6% và Pháp, “quốc gia có thành tích tốt thứ hai”, đạt được mức 4,2%. Nước này là nền kinh tế khử carbon nhiều nhất trong G20, với 74 tấn CO2 thải ra trên một triệu GDP (tCO2/$mGDP) được tạo ra.

Để so sánh, UAE – chủ nhà của COP28, đã thải ra 396 tCO2/$mGDP, lớn hơn nhiều mức độ ô nhiễm mà Pháp tạo ra. Nhưng lượng khí thải ở một số nền kinh tế lớn lại tăng vọt. Ví dụ, mức độ carbon của Indonesia đã tăng 20% trong năm 2022, của Mexico tăng 7%, trong khi Mỹ chỉ giảm 0,4%… Ông Antoine Gillod, giám đốc Trung tâm quan sát hành động khí hậu toàn cầu, cho biết: “Tầng lớp trung lưu tại các nước đang phát triển đang điều chỉnh mức sống của mình theo mức sống của các nước phương Tây. Indonesia đã xây dựng hàng chục nhà máy điện than phục vụ các nhà máy luyện niken và sản xuất ô tô điện được bán ở châu Âu”. Theo tổ chức phi chính phủ Climate Chance, mặc dù Indonesia ngày nay là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 6 trên thế giới, nhưng 70% mức tăng phát thải kể từ năm 2000 lại được ghi nhận tại Trung Quốc.

Tuy nhiên PWC đánh giá Trung Quốc đã có sự tiến bộ đáng kể trong nỗ lực chống phát thải. Mức carbon thải ra tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 3,6% trong năm 2022, tốt hơn mức trung bình của các nước G20, đặc biệt là nhờ những khoản đầu tư khổng lồ cho năng lượng tái tạo. Những tiến bộ ấn tượng được ghi nhận trong những năm qua tại Pháp và Anh cũng đang mang lại những tia hy vọng. Cho đến nay, không quốc gia thành viên nào của G20, vốn chiếm tổng cộng 85% lượng khí thải liên quan đến năng lượng toàn cầu, đạt được mức giảm phát thải carbon cao hơn 11% trong một năm. Kể từ năm 2000, mức cao nhất đạt được thuộc về Anh, với mức giảm 10,9% trong năm 2014.

Tiến bộ đáng kể được ghi nhận ở việc đóng cửa hàng loạt các nhà máy điện than, thay vào đó là sự phát triển của các nhà máy điện chạy bằng khí đốt, dẫn đến lượng phát thải chỉ bằng một nửa. Nhưng theo chuyên gia Olivier Muller, than vẫn là đòn bẩy năng lượng được sử dụng ở nhiều quốc gia.

Khi Pháp xây dựng hàng loạt nhà máy điện hạt nhân và đóng cửa các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tỷ lệ này đã được cải thiện từ 5 – 10% mỗi năm trong vài năm. Với tốc độ giảm cường độ carbon – 2,69% mỗi năm trong giai đoạn 2000 – 2022, Pháp đã trở thành một trong những nền kinh tế ít carbon nhất trên thế giới. Đó là một “thông điệp về hy vọng thực sự để tiếp tục các nỗ lực cần thiết trong những năm tới”.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong chặng đường tiếp theo, bởi để đạt được mục tiêu mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đặt ra, các nền kinh tế G20 sẽ phải giảm 78% mức thải carbon của nhóm này trong vòng 7 năm tới./.

Nguyễn Tuyên 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here