1. Chính sách điều hành và sự vận động tỷ giá giữa đồng Rupiah và Đô la Mỹ
Indonesia bắt đầu thả nổi tỷ giá từ năm 1997 và thực hiện chính sách tiền tệ theo khuôn khổ mục tiêu lạm phát (Inflation Targeting Framework – ITF) từ tháng 7/2005 đến nay. Với chính sách này, trong giai đoạn từ 2005 đến 2017, tỉ giá hối đoái (TGHĐ) giữa Rupiah (IDR) và đô la Mỹ (USD) biến động như sau(1):
– Năm 2005, đồng Rupiah giảm giá tương đối mạnh so với USD do ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần năm 2004 và đặc biệt là do các nhà đầu tư rút vốn trên thị trường trái phiếu và tài sản ở Indonesia (tháng 8-9/2005), tỷ giá IDR/USD vào tháng 9/2005 là 10.218 IDR/USD. Tuy nhiên, khi các dòng vốn quay lại Indonesia, IDR đã lên giá so với USD và đạt 8.922 IDR/USD vào tháng 4/2006. Thời gian sau đó, từ tháng 5/2006 đến tháng 8/2008, do hệ thống ngân hàng Indonesia phục hồi tốt và niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng nền kinh tế tăng lên nên giá trị IDR tương đối ổn định so với USD.
– Khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009 đã khiến IDR mất gỉá liên tục so với USD, đạt mức 11.836 IDR/USD vào tháng 11/2008. Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế của Indonesia chủ yếu dựa vào thị trường nội địa và đầu tư, tiêu dùng tư nhân hơn là dựa vào xuất khẩu như Malaysia hay Thái Lan nên IDR đã tăng giá trở lại so với USD và đạt 8.526 IDR/USD vào tháng 7/2011.
– Từ cuối năm 2011, IDR đã giảm giá liên tục với mức độ nhỏ từ tháng 9/2011 đến tháng 6/2013. Tuy nhiên, do phải đối mặt với hiện tượng “Taper tantrum”, hiện tượng tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền ở các nền kinh tế mới nổi giảm khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn khỏi quốc gia nên IDR giảm giá mạnh so với USD từ tháng 7/2013.
– Từ tháng 9/2015 đến cuối năm 2016, chính phủ Indonesia đã ban hành nhiều gói chính sách kinh tế kích cầu nhằm củng cố nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và dỡ bỏ một loạt các quy định được coi là nút thắt cổ chai trong đầu tư, cung cấp các ưu đãi về thuế, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu gửi ngoại tệ vào ngân hàng. Do đó, IDR đã tăng giá so với USD, đạt 13.017 IDR/USD vào tháng 10/2016. Từ đó đến nay, tỷ giá IDR/USD duy trì tương đối ổn định quanh mức 13.311-13.557 IDR/USD.
Tỷ giá IDR/USD ở Indonesia chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tâm lý thị trường và biến động các dòng vốn nước ngoài. Chẳng hạn, khi dòng vốn đầu tư khác của nước ngoài liên tục chảy ra khỏi Indonesia (đặc biệt trong năm 2005, vốn đầu tư khác của nước ngoài giảm hơn 10 tỷ USD) cộng với ảnh hưởng của động đất, sóng thần năm 2004 và tổng tuyển cử nên giá trị Rupiah sụt giảm trong năm 2004, 2005. Sau đó, từ năm 2007 đến 2009, các dòng vốn nước ngoài chảy vào Indonesia tương đối ổn định, dao động trong khoảng 15,82 – 19,15 tỷ USD khiến tỷ giá tương đối ổn định trong khoảng thời gian này, trừ năm 2008 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Dòng vốn nước ngoài vào Indonesia có sự tăng trưởng mạnh vào năm 2010 với giá trị gần 35 tỷ USD, trong đó lớn nhất là vốn đầu tư gián tiếp 15,7 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp 15,3 tỷ USD và vốn đầu tư khác là gần 4 tỷ USD khiến giá trị Rupiah tăng so với USD. Tổng dòng vốn nước ngoài vào Indonesia năm 2014 đạt 56,3 tỷ USD đã làm cho giá trị IDR tăng lên so vớỉ USD, Tuy nhỉên, năm 2015 và 2016, Indonesia phải đối mặt với sự sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư khác còn chảy ra khỏi Indonesia nên giá trị IDR có sự sụt giảm nhẹ so với USD trong năm 2016, 2017(2).
2. Các công cụ điểu hành tỷ giá hối đoái
Từ năm 2005 đến năm 2017, Indonesia đã thực hiện nhất quán chính sách TGHĐ thả nổi. Tuy nhỉên, BI vẫn can thiệp vào thị trường để điều tiết TGHĐ theo mục tiêu của chính sách tiền tệ. Cụ thể như sau:
2.1. Chính sách lãi suất
Từ tháng 7/2005, khi quyết định thực hiện chính sách tiền tệ theo khuôn khổ mục tiêu lạm phát, mức lãi suất quan trọng nhất ở Indonesia chính là BI rate (lãi suất được quyết định hàng tháng trong cuộc họp của Hội đồng Thống đốc căn cứ vào độ chênh lệch giữa lạm phát hiện tại và lạm phát mục tiêu). Mức lãi suất BI chính là mức lãi suất chính sách phản ánh quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHTW Indonesia và được công bố rộng rãi cho công chúng. NHTW Indonesia sẽ tăng lãi suất BI nếu lạm phát được dự báo là lớn hơn mức mục tiêu và ngược lại. Mức thay đổi lãi suất BI được thực hiện trong phạm vi 25 điểm cơ bản (bps), trừ trường hợp đặc biệt mới thay đổi hơn 25 bps. Trong giai đoạn 2005-2017, NHTW Indonesia đã sử dụng công cụ lãi suất để ổn định giá cả và TGHĐ như sau:
Cuối năm 2005, do bị ảnh hưởng nặng nề từ cú sốc tăng giá dầu, giá cả trong nước tăng nhanh, lạm phát tăng cao, NHTW Indonesia đã tăng lãi suất BI từ mức 8,75% vào tháng 8/2005 lên 12,75% vào tháng 12/2005 và giữ mức lãi suất cao trên 10%/năm đến cuối năm 2006. Điều này đã góp phần làm tăng giá trị của IDR so với USD và giữ ổn định tỷ giá mặc dù lạm phát ở Indonesia từ tháng 10/2005 đến tháng 9/2006 là tương đối cao. Khi lạm phát được kiểm soát vào cuối năm 2006, BI đã bắt đầu hạ lãi suất dần dần. Cụ thể, BI đă giảm 350 bps lãi suất chính sách từ tháng 7/2006 đến tháng 5/2007 và mức lãi suất vào tháng 4/2008 là 8%/năm. Điều này đã giúp tỷ giá IDR/USD tiếp tục ổn định đến trước khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.
Năm 2008, lạm phát tăng nhanh do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao. Để đối phó với tình hình này và giữ ổn định tỷ giá, NHTW Indonesia đã nâng lãi suất BI từ mức 8%/năm vào tháng 4/2008 lên mức 9,5%/năm vào tháng 11/2008. Thêm vào đó ngày 9/7/2008, BI đã thay đổi cơ chế thông báo lãi suất một tháng sang lãi suất liên ngân hàng qua đêm và Ngân hàng Indonesia đã bắt đầu thực hiện thông báo mỗi ngày hai lần về điều kiện thanh khoản của ngân hàng trên trang web của Ngân hàng Indonesia, BI-SSSS và các cơ sở khác tới các thành viên thị trường và công chúng từ tháng 10/2008.
Sau đó, từ tháng 12/2008 đến tháng 8/2009, BI đã 8 lần liên tiếp cắt giảm lãi suất chính sách: mức lãi suất chính sách giảm 250 bps, đạt 6,75%/năm vào tháng 8/2009, lãi suất cho vay giảm 100 bps, lãi suất tiền gửi giảm 150 bps để đối phó với sự suy giảm lạm phát và nhu cầu trong nước. Tụy nhiên, đồng rupiah vẫn bị mất giá mạnh vào nửa cuối năm 2008 và đầu năm 2009. Chính sách lãi suất không đủ mạnh để giữ ổn định tỷ giá IDR/USD trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nửa cuối năm 2009, đồng Rupiah đã tăng giá mạnh so với USD và trở lại mức tỷ giá như trước khi khủng hoảng là 9.459 IDR/USD vào tháng 12/2009.
Từ tháng 8/2009 đến tháng 01/2011, lãi suất BI được giữ ổn định ở mức 6,5%/năm, đồng Rupiah tăng giá nhẹ so với USD. Tuy nhiên, bước sang tháng 02/2011, BI đã tăng lãi suất thêm 25 bps và giữ mức lãi suất này đến tháng 9/2011 để giữ cho đồng Rupiah không bị lên giá quá mức so vớỉ USD. Tỷ giá IDR/USD là 8.550 vào tháng 8/2011 và sau đó đã tăng lên dần dần đạt mức 9.075 vào tháng 12/2011. Từ quý IV năm 2011 và quý I năm 2012, NHTW Indonesia đã 3 lần cắt giảm lãi suất và giữ mức lãi suất 5,75%/năm từ tháng 3/2012 đến 5/2013, Rupiah mất giá nhẹ so với USD.
Từ quý II năm 2013 đến hết năm 2014, Indonesia một lần nữa đối mặt với lạm phát. Tuy mức lạm phát lần này không quá cao như các lần trước (khoảng 8,4%/năm) nhưng nó cũng khiến IDR mất giá mạnh so vớỉ USD, buộc BI phải nâng mức lãi suất chính sách của mình lên mức 7,5% vào cuối năm 2013. Mức lãi suất này được giữ cho đến hết năm 2015 để đối phó với sự mất giá lỉên tục của IDR so với USD mặc dù lạm phát đã được kiềm chế vào năm 2015. Sang năm 2016, đồng Rupiah bắt đầu tăng giá so với USD, BI đã hạ lãi suất để đồng Rupiah không tăng giá mạnh so vớỉ USD. Kết quả là, Rupiah không bị biến động quá manh so với USD trong năm 2016 và 2017.
Ngày 19/8/2016, NHTW Indonesia đã áp dụng mức lãi suất chính sách mới là BI 7 day(Reverse) Repo Rate thay cho lãi suất BI đồng thời yêu cầu tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng là 6,5%. Lãi suất BI 7 day(Reverse) Repo Rate có mối tương quan với lãi suất trên thị trường tiền tệ mạnh hơn và giúp phát triển độ sâu của thị trường tài chính hơn so với mức lãi suất BI. Xét trong cả giai đoạn từ 2005-2011, có thể thấy lãi suất trên thị trường tiền tệ của Indonesia biến động mạnh hơn nhiều so với lãi suất BI và có xu hướng tiệm cận với lãi suất BI. Tuy nhiên, bắt đầu sang năm 2012 thì mức lãi suất trên thị trường tiền tệ và lãi suất BI luôn cách nhau khoảng 1,5-2%. Do đó, việc sử dụng lãi suất BI 7 ngày repo tiệm cận với lãi suất trên thị trường tiền tệ hơn (xem hình 2).
Trong hai năm gần đây, NHTW Indonesia luôn thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Mức lãi suất chính sách đã giảm 150 điểm cơ bản trong cả năm 2016 và được giữ ở mức 4,75% từ tháng 10/2016 đến tháng 7/2017. Tháng 8-9/2017, Bỉ đã giảm mức lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản và đồng rupiah đã giảm 0,3% so với đồng USD trong 11 tháng đầu năm 2017.
Từ những phân tích trên có thể thấy, chính sách lãi suất đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định giá trị của Rupiah so với USD trong giai đoạn 2000-2017. Tuy nhiên, trong các thời kỳ bất ổn, khi phải đối mặt với sự gia tăng lạm phát quá mức thì chỉ mình chính sách lãi suất là không đủ để giữ ổn định tỷ giá.
2.2. Can thiệp vào dự trữ ngoại hối
Bên cạnh chính sách lãi suất, NHTW Indonesia đã khéo léo sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường nhằm giữ cho tỷ giá không bị biến động quá mức. Trong năm 2004 và 2005, khi đồng Rupiah bị mất giá so với USD, NHTW Indonesia đã can thiệp vào dự trữ ngoại hối bằng cách bán USD, mua IDR để giảm bớt biến động mạnh của tỷ giá. Tổng dự trữ ngoại hối trong hai năm này giảm hơn 1,3 tỷ USD.
Năm 2007, khi Rupiah áp lực tăng giá do các dòng vốn nước ngoài đổ vào Indonesia tăng, BI đã can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối vào tháng 4- 5/2007 nhằm hạn chế biến động của tỷ giá. Khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 không ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế Indonesia, tuy nhiên khi đồng Rupiah mất giá liên tục trong khoảng thời gian này thì dự trữ ngoại hối của Indonesia cũng không tăng nhanh như giai đoạn trước đó. Mức dự trữ năm 2008 giảm hơn 5 tỷ USD so với năm 2007.
Năm 2009, khi dòng vốn nước ngoài vào Indonesia tăng lên, BI đã để cho IDR lên gỉá so với USD một cách linh hoạt để giảm bớt được tác động tiêu cực của các dòng vốn nước ngoài vào. Tuy nhiên, khi đồng Rupiah bị lên giá quá mức thì NHTW đã can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách tăng dự trữ kèm theo đó là các nghiệp vụ thị trường mở. Sự kết hợp chính sách này đã giúp duy trì dòng vốn ổn định và giảm thiểu rủi ro, chuyển đổi thành phần đầu tư và mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dự trữ ngoại hối do đó, tăng liên tục từ năm 2010 và giữ ở mức 112,8 tỷ USD cho đến năm 2012.
Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2012, cán cân vãng lai của Indonesia bị thâm hụt mạnh (24,4 tỷ USD năm 2012, 29,1 tỷ năm 2013 và 27,5 tỷ năm 2014) đã khiến IDR mất giá. Do đó, NHTW Indonesia phải can thiệp vào dự trữ nhằm giảm bớt tác động mất giá của IDR, dự trữ ngoại hối của Indonesia giảm xuống 99,39 tỷ USD năm 2013.
Năm 2014, khỉ mức thâm hụt cán cân vãng lai được tài trợ bởi thặng dư trong cán cân tài khoản tài chính, dự trữ ngoại hối của Indonesia tăng lên 111,86 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng dòng vốn nước ngoài vào Indonesia năm 2015 lại sụt giảm hơn 17 tỷ USD so với năm 2014 nên dự trữ ngoại hối cũng giảm theo năm 2015. Tỷ giá sau giai đoạn tăng lên đã giảm xuống từ tháng 9/2015. BI bắt đầu thực hiện việc thắt chặt tiền tệ. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng đồng Rupiah đã giảm xuống 50 điểm cơ bản còn 7,25%.
Năm 2016, 2017, BI tiếp tục tăng lượng dự trữ ngoại hối lớn để giảm thiểu tính dễ bị tổn thương đối với các cú sốc bên ngoài và sự bán tháo đồng nội tệ. Ngoài ra, BI cũng củng cố các giao dịch hiện tại và kiểm soát sự tham gia của các tổ chức trong nước vớỉ các giao dịch đồng Rupiah ở nước ngoài. Năm 2016, để khuyến khích người tham gia thị trường, BI đã chuyển từ các phiên đấu giá lãi suất cố định sang các phiên đấu giá lãi suất thay đổi đối vớỉ các kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng và loại bỏ trần lãi suất cho các ngân hàng lớn và mức lãi suất huy động có đảm bảo tối đa đồng thời mở rộng việc phát hành trái phiếu kho bạc ngắn hạn. Dự trữ ngoại hối của Indonesia đã tăng vào năm 2016 và tiếp tục tăng vào năm 2017 (đạt 130,22 tỷ USD, tương đương 8 tháng nhập khẩu). Theo nhận định của BI và đánh giá của IMF thì đây là mức dự trữ ngoại hối phù hợp với Indonesia.
2.3. Nghiệp vụ thị trường mở và các biện pháp khác
Trong giai đoạn 2000-2017, bên cạnh việc can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối, BI còn thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở và các biện pháp khác để điều tiết thanh khoản rupiah trên thị trường và giữ cho TGHĐ không bị biến động quá mức. Cụ thể:
Khi đối phó với biến động tỷ giá năm 2008 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, NHTW Indonesia đã liên tục gia tăng lãi suất Chứng chỉ Ngân hàng Indonesia hay Trái phiếu NHTW (SBI), mức lãi suất SBI cao nhất là 12,25% vào tháng 11/2008 đối với kỳ hạn 6 tháng. Sau đó, bước sang năm 2009, BI đã liên tục cắt giảm lãi suất SBI và giữ mức lãi suất khoảng 6,7% từ cuối năm 2009 đến cuối năm 2010. Điều này đã khiến dư nợ SBI giảm từ mức hơn 3 nghìn tỷ IDR nám 2007 xuống còn hơn 2,2 nghìn tỷ IDR năm 2008. Mức dư nợ SBI sau đó đã tăng lên đến hơn 3,2 nghìn tỷ IDR vào năm 2010 bắt đầu giảm xuống vào các năm tiếp theo(3).
Thêm vào đó, NHTW Indonesia còn khuyến khích hoạt động cho vay nên dư nợ hỗ trợ cho vay (Outstanding Lending Facility) năm 2008 và 2009 là 809 tỷ IDR và 1.299 tỷ IDR tương ứng. Bên cạnh việc tăng lãi suất SBI, BI còn tiến hành các hoạt động repo, giá trị repo từ năm 2008 đến 2010 là hơn 19 nghìn tỷ Rupiah trong đó năm 2008 là 7,57 nghìn tỷ Rupiah, năm 2009 là 9,65 nghìn tỷ Rupiah và năm 2010 là 1,78 nghìn tỷ Rupiah(4).
Ngoài ra, để đối phó với sự tăng giá IDR do các dòng vốn nước ngoài vào năm 2009, NHTW Indonesia đã kéo dài thời hạn SBI và giới thiệu các công cụ tiền tệ phi thương mại để hấp thụ thanh khoản dư thừa. Những công cụ này không thể chuyển nhượng, do đó làm giảm khả năng giao dịch tài sản tài chính của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể:
– Tháng 6/2010, yêu cầu nắm giữ SBI tối thiểu 1 tháng, giới thiệu SBI 9 tháng và 12 tháng; tăng lãi suất cho vay qua đêm và tiền gửỉ tại NHTW thêm 100 bps; hỗ trợ các khoản tiền gửi kỳ hạn; giới thiệu các quy định mới về vị trí mở ngoại hối ròng của ngân hàng.
– Tháng 01/2011, tái áp dụng việc giám sát các khoản vay ngắn hạn của các ngân hàng, đồng thời vẫn yêu cầu tỷ lệ dự trữ ngoại hối lớn.
– Tháng 52011, kéo dài thời gian nắm giữ SBI một tháng lên sáu tháng.
– Tháng 7/2011, hạn chế các ngân hàng đầu tư bằng trái phiếu ngoại tệ phát hành tại thị trường trong nước
Tháng 5/2013, để đối phó vớỉ sự bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát do hiện tượng “Taper tantrum” và duy trì ổn định tài chính và việc làm, ngoài việc tăng lãi suất, NHTW Indonesia đã cho phép coi các khoản tiền gửi Rupiah NHTW có kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng như là dự trữ bắt buộc của các ngân hàng vào tháng 9/2013, đồng thời rút ngắn thời gian nắm giữ Trái phiếu NHTW tối thiểu từ 6 tháng xuống 1 tháng từ giữa tháng 9/2013 để tăng thanh khoản.
Bên cạnh đó, từ tháng 7/2013, NHTW Indonesia còn tổ chức đấu giá hoán đổi ngoại hối 2 tuần một lần với các ngân hàng cư trú trong nước. Các khoản tiền gửi kỳ hạn bằng USD giữa các ngân hàng và NHTW Indonesia cũng được phép mở rộng kỳ hạn từ tháng 8/2013. Bên cạnh đó, NHTW Indonesia tăng yêu cầu dự trữ thứ cấp trong tháng 9/2013 (đối với các ngân hàng nắm giữ Trái phiếu kho bạc và trái phiếu NHTW) từ mức 2,5% lên mức 4%; và thắt chặt tỷ lệ cho vay trên tiền gửi từ mức 100% xuống 92% và giữ mức tỷ lệ an toàn vốn dưới 14%. Tháng 7/2017, NHTW Indonesia giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trung bình của các ngân hàng xuống còn 5% (giảm 1,5% so với yêu cầu trước đó), nâng tính thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ.
Ngoài ra, NHTW Indonesia còn nới lỏng các quy định cho phép các nhà xuất khẩu được mua ngoại hối, nới lỏng các quy định về vay nước ngoài ngắn hạn (hiện chiếm 30% vốn) bằng cách miễn yêu cầu về tiền gửi đối với những người không cư trú khí thực hiện đầu tư tại Indonesia hoặc có quỹ thoái vốn (divestment funds) vào tháng 8/2013. Ngoài ra, để ổn định thỉ trường ngoại hối, NKTW Indonesia còn thắt chặt giới hạn cho vay định giá (loan-to-valuation -LTV) đối với các khoản thế chấp tài sản thứ hai và thứ ba từ tháng 9/2013 và tăng hạn mức LTV đối với các khoản vay phương tiện cơ giới.
Một công cụ nữa cũng được BI thực hiện khi điều hành TGHĐ là phát hành trái phiếu chính phủ. Giá trị dư nợ trái phiếu chính phủ đã tăng liên tục từ năm 2012 (8,819 triệu tỷ Rupiah) đến 2015 (14,593 triệu tỷ Rupiah) sau đó sụt giảm mạnh vào năm 2016 (còn 6,878 triệu tỷ Rupiah)(5).
3. Hiệu quả điều hành chính sách
3.1. Lạm phát
Trong những năm 2000, những nỗ lực phục hồi kỉnh tế sau khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998-1999 của Indonesia đã thu được thành công nhất định. Tỷ lệ lạm phát đã liên tục giảm và tỷ lệ lạm phát thực tế của Indonesia nằm trong mục tiêu đặt ra vào năm 2004. Tuy nhiên, do thiên tai, điều kiện chính trị và cú sốc giá dầu năm 2005 nên lạm phát ở Indonesia đã tăng vọt lên mức 17,11%. Điều này đã buộc NHTW Indonesia phải sử dụng các biện pháp cam thiệp để ổn định tỷ giá và lạm phát. Mức lạm phát sau đó đã được kiểm soát trong khuôn khổ mục tiêu nhưng sang đến năm 2008, một lần nữa lạm phát ở Indonesia lại vượt ngưỡng mục tiêu do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và cú sốc tăng giá nhiên liệu.
Các biện pháp can thiệp vào thị trường của Indonesia, đặc biệt là việc thả nổi tỷ giá trong khuôn khổ mục tiêu lạm phát đã giúp nền kinh tế này kiểm soát được lạm phát vào năm 2009. Tuy nhiên, đến năm 2013, 2014, lạm phát của Indonesia một lần nữa lại vượt ngưỡng mục tiêu do biến động dòng vốn nước ngoài. Tuy nhiên, lần vượt ngưỡng này không quá lớn như các lần biến động trước và lạm phát đã được Indonesia kiểm soát tốt trong những năm sau. Như vậy, có thể thấy, sau 20 năm kể từ khủng hoảng kinh tế Đông Nam Á, chính sách TGHĐ trong khuôn khổ lạm phát mục tiêu của Indonesia đã có tác động rõ rệt tới lạm phát.
3.2. Cán cân thương mại hàng hoá
Indonesia là nước có độ mở cửa thương mại thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia này tương đối phát triển với giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ hơn 145 tỷ USD năm 2005 lên đến gần 320 tỷ USD năm 2017, trong đó cao nhất là vào năm 2011 với giá trị gần 350 tỷ USD. Xuất khẩu của Indonesia chủ yếu là các nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn như dầu mỏ, khí tự nhiên, thiếc, đồng và vàng. Các mặt hàng nhập khẩu thì tập trung vào máy móc, thiết bị, hóa chất, nhiên liệu và các mặt hàng thực phẩm.
Chính sách TGHĐ thả nổi trong khuôn khổ lạm phát mục tiêu đã hỗ trợ tốt cho cân bằng hàng hóa của Indonesia trong giai đoạn từ 2005-2017. Khi đồng Rupiah tăng giá và gây áp lực lên cán cân thương mại, NHTW Indonesia đã áp dụng mộ loạt các biện pháp và chính sách để ổn định lại tỷ giá. Nhờ đó, xuất khẩu của Indonesia liên tục tăng từ năm 2004 đến 2011 (trừ năm 2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng giảm 18,9 tỷ USD so với năm 2007). Bắt đầu từ năm 2012, xuất khẩu của Indonesia có xu hướng giảm nhẹ và chỉ được khôi phục vào năm 2017 do ảnh hưởng tiêu cực của bất ổn chính trị trong nước, ảnh hưởng từ các cường quốc thế giới (tăng trưởng thấp tại Mỹ và châu Âu cùng với suy thoái kinh tế Nhật Bản), sự linh hoạt trong nguồn vốn cổ phiếu và trái phiếu trong khu vực.
Nhập khẩu của Indonesia cũng vận động tương tự như xuất khẩu nhưng với giá trị thấp hơn. Do đó, cán cân thương mại hàng hóa của Indonesia liên tục thặng dư từ năm 2005 đến năm 2017, nhưng mức độ thặng dư có sự biến động tương ứng với các thời kỳ biến động kinh tế vĩ mô của Indonesia. Cụ thể vào các năm 2005, 2008, 2012, 2013, 2014 khi Indonesia phải đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế, giá nhiên liệu và biến động dòng vốn nước ngoài thì mức thăng dư cán cân hàng hóa của Indonesia đều giảm và dao động trong khoảng 6 – 18 tỷ USD. Từ năm 2015 đến 2017, lãi suất đồng Rupiah giảm cùng với sự mất giá của đồng Rupiah, đặc biệt là sự phát triển của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), mức thặng dư cán cân thương mại hàng hóa của Indonesia đã liên tục tăng và đạt 18,9 tỷ USD vào năm 2017.
3.3 Tốc độ tăng trưởng GDP
Indonesia là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, là quốc gia có dân số đứng thứ 4 trên thế giới. Những thay đổi chính sách của Indonesia có thể ảnh hưởng tới một số nước khác trong khu vực. Từ 2001 – 2005, tăng trưởng GDP của Indonesia liên tục tăng từ mức 3,63% năm 2001 lên 5,7% năm 2005 do Indonesia đã ổn định hơn về chính trị, đã bầu được Tổng thống và Phó Tổng thống và thiết lập các chính sách chung quản lý nhà nước. Sang năm 2006, tăng trưởng GDP có chững lại nhưng đã được phục hồi và đạt được 7,44% vào năm 2008.
Trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu (cuối năm 2008 và năm 2009), tỷ lệ tăng trưởng GDP sụt giảm còn 4,7% năm 2009. Nguyên nhân là do chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị trong nước (cuộc bầu cử dân chủ diễn ra trong năm 2009). Ngay sau thời điểm đó, đồng IDR mất giá đã thúc đẩy tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng GDP của Indonesia đã được phục hồi và giữ ổn định từ mức 5% – 6%. Để có được sự tăng trưởng này, một trong những yếu tố chính là thành công trong điều hành TGĐH của Indonesia.
4. Một số bài học cho Việt Nam
Nghiên cứu chính sách TGHĐ và quá trình điều hành TGHĐ ở Indonesia có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:
Một là, cần xác định rõ mục tiêu điều hành chính sách TGHĐ. Indonesia đã rất nhất quán trong việc xác định mục tiêu điều hành tỷ giá, đó là giữ ổn định giá trị đồng Rupiah mặc dù áp dụng chế độ TGHĐ thả nổi. Mục tiêu này là rất phù hợp khi Indonesia thực hiện chính sách tiền tệ trong khuôn khổ lạm phát mục tiêu. Ổn định tỷ giá ở Indonesia không có nghĩa là cố định giá trị đồng rupiah mà có nghĩa là để tỷ giá vận động theo quan hệ cung cầu trên thị trường và NHTW chỉ can thiệp để tránh cho tỷ giá bị biến động quá mức, gây bất ổn cho nền kinh tế. rong các điều kiện nhất định có thể để cho Rupiah lên giá hoặc giảm giá để giảm bớt áp lực lên các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.
Hai là, có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau để tránh cho tỷ giá biến động quá mức như điều chỉnh lãi suất, can thiệp vào dự trữ ngoại hối, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ hành chính khác. Indonesia đã rất thành công trong việc sử dụng các công cụ này để tránh cho tỷ giá biến động quá mức, đặc biệt, là trong các giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô và khủng hoảng. Điều này đã khiến cho TGHĐ giữa IDR và USD không bị biến động quá mức khi nền kinh tế gặp phải các cú sốc bên trong và bên ngoài do khủng hoảng.
Cuối cùng, cần minh bạch hóa thông tin điều hành chính sách tiền tệ quốc gia trong đó có chính sách tỷ giá. Khảo cứu sự biến động TGHĐ ở Indonesia có thể thấy, tỷ giá IDR/USD chịu tác động rất lớn từ tâm lý thị trường. Do đó, việc minh bạch hóa thông tin đến các thành viên tham gia thị trường là rất cần thiết và Indonesia đã rất thành công trong việc này. Cơ quan tiền tệ Indonesia đã thường xuyên cung cấp thông tin và thực hiện đúng theo kế hoạch đặt ra kể cả khi chuyển sang áp dụng chính sách tiền tệ trong khuôn khổ lạm phát mục tiêu năm 2005, NHTW Indonesia đã thông báo và chuẩn bị trước đó nhiều thời gian. Điều này góp phần tạo dựng niềm tin cho các thành viên tham gia thị trường và giữ ổn định giá trị Rupiah đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng./.
Nguyễn Thị Vũ Hà
Trường ĐHKT, ĐHQG Hà Nội
CHÚ THÍCH
1. Số liệu về TGHĐ giữa IDR và USD được lấy từ IFS tại trang web http://data-mif.or g/?s k – 4 c 514 D 48 – B 6 B A – 49ED-8AB9- 52B0ClA0179B&sId=1390030341854 truy cập ngày 10/7/2018
2. Nguồn: IFS
3. Nguồn: https://www.bi.go.id/en/moneter/o perasi/suku-bunga-sbi/Default.aspx
4. Nguồn: https://www.bi.go.id/en/moneter/o perasi/suku-bunga-sbi/Default.aspx
5. Nguồn: https://www.bi.go.id/en/moneter/o perasi/suku-bung a-sbi/Default. aspx
1. Sengupta, R., & Gupta, A. s. (2016). Capital Flows and Capital Account Management in Selected Asian Countries. Global Financial Governance Confronts the Rising Powers: Emerging Perspectives on the New G20, 29.