Ngày càng nhiều quốc gia chuyển sang mô hình thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 và đẩy mạnh nỗ lực phục hồi tăng trưởng. Cách tiếp cận theo hướng chấp nhận số ca nhiễm với tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất có thể để khôi phục kinh tế, từng bước mở cửa đi lại được nhiều nước áp dụng. Với Việt Nam, đã bắt đầu có cơ sở và điều kiện để từng bước chuyển từ mục tiêu “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội.
- Dự báo diễn biến dịch COVID-19
Sau gần hai năm bùng phát, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và khó dự đoán với sự xuất hiện các biến chủng mới có khả năng lây nhiễm mạnh hơn. Làn sóng lây lan nhanh do biến thể Delta khiến số ca nhiễm mới và tử vong tăng mạnh ở nhiều nước (chủ yếu đối với nhóm dân cư chưa tiêm vắc-xin, kể cả ở một số nước có độ phủ vắc-xin cao). Những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn còn khả năng nhiễm COVID-19 dù xác suất rất thấp, nên một số nước phát triển bắt đầu thực hiện tiêm mũi vắc-xin thứ 3 tăng cường.
Khoa học đến nay chưa xác định rõ liệu COVID-19 sẽ trở thành một dịch bệnh đặc hữu (như cúm mùa) hay dịch thông thường (có thể đẩy lùi triệt để), do đó chưa thể dự báo chính xác thời điểm kết thúc dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nhà khoa học hàng đầu nhận định dịch COVID-19 chưa thể được kiểm soát trong năm 2021-2022 mà có thể sẽ kéo dài nhiều năm, phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là tốc độ, phạm vi tiêm chủng và hiệu quả bảo vệ của các vắc-xin trước các biến chủng mới. Vì vậy, nhiều nước “mặc nhiên” xác định dịch COVID-19 kéo dài là một yếu tố phải tính đến trong hoạch định và thực thi chính sách, thay đổi cách tiếp cận theo hướng thích ứng, khôi phục từng bước các hoạt động kinh tế-xã hội và sinh hoạt trong điều kiện chưa thể đẩy lùi dịch bệnh.
- Các mô hình, biện pháp phòng chống và thích ứng với COVID-19
2.1. Mô hình “không Covid” (Zero COVID-19) hiện đang được áp dụng tại Trung Quốc, New Zealand, Australia và một số vùng lãnh thổ (Đài Loan, Hồng Công). Mục tiêu của mô hình này là loại bỏ hoàn toàn F0 trong cộng đồng thông qua xét nghiệm diện rộng, truy vết, phong tỏa, giãn cách xã hội nghiêm ngặt, kiểm soát đi lại, hạn chế tối đa các dịch vụ không thiết yếu. Điều kiện áp dụng mô hình này là: (i) Có khả năng ngăn chặn triệt để nguồn lây bệnh từ bên ngoài; (ii) Có tiềm lực lớn về tài chính, công nghệ, năng lực y tế công cộng[1]; (iii) Có thể chế, năng lực quản trị hiệu quả. Ưu điểm nổi bật của mô hình “không Covid” là duy trì số ca mắc COVID-19 và tử vong thấp[2]. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là chi phí cao, tiềm ẩn rủi ro gây đứt gãy chuỗi cung ứng, suy giảm tăng trưởng. Một số tổ chức kinh tế cảnh báo việc giãn cách kéo dài có thể khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống 2-3% trong quý III/2021, đồng thời tác động tiêu cực đến các chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Một số nước đã từng áp dụng mô hình này như Australia, Hàn Quốc, Singapore đã chuyển hướng sang thích ứng với COVID-19.
2.2. Mô hình đóng cửa sau đó chuyển sang sống chung với COVID-19: Tiêu biểu là Mỹ, Canada, Anh và phần lớn các nước EU. Mục tiêu mà mô hình này hướng đến là bảo vệ hệ thống y tế, giảm thiểu sức ép kinh tế, chính trị, xã hội; khi độ phủ vắc-xin tương đối cao (trên 50%) thì từng bước mở cửa lại nền kinh tế, trong khi duy trì các biện pháp y tế theo hướng “sống chung” với dịch. Các nước theo mô hình này thường có nguồn lực dồi dào, hệ thống y tế phát triển, có khả năng tự nghiên cứu, sản xuất và triển khai tiêm vắc-xin nhanh chóng, mật độ dân cư không dày, ý thức người dân cao. Điểm hạn chế của mô hình này là: (i) Trong giai đoạn đầu, dịch COVID-19 lây lan nhanh, gây lúng túng cho việc ứng phó; (ii) Có nhiều rủi ro với các biến chủng mới và lây lan nhanh của COVID-19 như biến chủng Delta.
2.3. Mô hình kết hợp linh hoạt “giãn cách/phong tỏa – thả lỏng – giãn cách/phong tỏa”: Được áp dụng ở nhiều nước đang phát triển với tiềm lực kinh tế hạn chế và độ phủ vắc-xin chưa cao (như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines…). Về tổng thể, mục tiêu chính của mô hình này là làm chậm tốc độ lây nhiễm, cố gắng giữ số ca nhiễm ở mức có thể “chịu đựng” được để bảo vệ hệ thống y tế, duy trì sinh hoạt và hoạt động kinh tế – xã hội. Nếu vận dụng linh hoạt, khéo léo mô hình này, các quốc gia có thể cầm cự lâu dài với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tranh thủ thời gian khi dịch chậm lại để đẩy nhanh tiêm chủng, từ đó từng bước ngăn chặn và kéo các ca nhiễm xuống thấp. Tuy nhiên, mô hình này cũng có một số nhược điểm như: (i) Rủi ro dịch bùng phát trở lại, có thể vượt tầm kiểm soát và “quá tải” hệ thống y tế khi nới lỏng (như Ấn Độ, Indonesia…). (ii) Do lúc “đóng”, lúc “mở”, nên phục hồi kinh tế – xã hội bấp bênh, dễ bị hiểu lầm là chống dịch thiếu nhất quán, giật cục.
2.4. Mô hình miễn dịch cộng đồng (trên cơ sở tổng số người đã tiêm vắc-xin đủ liều và số người từng nhiễm bệnh có kháng thể tự nhiên) áp dụng tại một số ít nước như Thụy Điển và Nga. Đặc trưng của mô hình này là duy trì các hoạt động kinh tế – xã hội ở mức bình thường tối đa, trong khi thực thi các biện pháp kiểm soát dịch ở mức cần thiết. Mô hình này khó áp dụng đại trà do đòi hỏi trình độ dân trí và kỷ luật, kỷ cương xã hội cao, hệ thống y tế có “sức tải” lượng lớn ca nhiễm. Các nước áp dụng mô hình này chấp nhận rủi ro số lượng ca nhiễm và tử vong lớn ở những thời điểm nhất định[3].
2.5. Mô hình thích ứng, sống chung với dịch COVID-19: Đây là mô hình được ngày càng nhiều nước chuyển sang áp dụng trong thời gian gần đây. Theo đó, cách tiếp cận chuyển từ ngăn ngừa xuất hiện ca nhiễm mới sang chấp nhận ca nhiễm và tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất có thể[4]. Các quốc gia đi đầu áp dụng mô hình này với các lộ trình cụ thể là Mỹ, Canada, Anh, Đức, Ý, Israel, Singapore, Thái Lan… Với cách tiếp cận mới, chống dịch COVID-19 chuyển từ trạng thái “phòng thủ là chính” (đóng cửa biên giới, giãn cách, truy vết…), sang “vừa phòng thủ, vừa tấn công”, cụ thể là tăng nhanh độ phủ vắc-xin, giảm tỷ lệ tử vong thay vì giảm ca nhiễm; sẽ quay lại giãn cách nếu ca nhiễm tăng vượt ngưỡng an toàn hệ thống y tế.
Tuy nhiên, hầu hết các nước chuyển sang mô hình thích ứng sống chung với dịch bệnh đều có một số đặc điểm chung gồm: (i) Tỷ lệ tiêm chủng khá cao, khoảng từ trên 60-70% trở lên; (ii) Hệ thống y tế tương đối phát triển; (iii) Ý thức chấp hành của người dân khá tốt, được Chính phủ quan tâm đề cao và có chế tài bảo đảm sự tuân thủ; (iv) Xác định lộ trình triển khai tương đối cụ thể theo từng giai đoạn. Ví dụ, Singapore đang thực hiện lộ trình sống chung với dịch COVID-19 với 04 giai đoạn: (i) Giai đoạn chuẩn bị (từ ngày 10/8 –tháng 9/2021): Cho phép những người đã tiêm đủ mũi được tập trung tối đa 05 người ở nơi công cộng; mở cửa lại một số dịch vụ nhà hàng, rạp chiếu phim, thể thao với điều kiện tiêm đủ vắc-xin (nếu chưa tiêm thì phải có giấy chứng nhận âm tính và khống chế số lượng); khu du lịch, bảo tàng được hoạt động tối đa 50% công suất; tổ chức/doanh nghiệp có trên 50% lao động, nhân viên tiêm đủ vắc-xin được hoạt động bình thường song phải giữ khoảng cách…; (ii) Giai đoạn chuyển tiếp thứ nhất (từ tháng 9/2021 nếu trên 80% dân số được tiêm đủ): Đẩy mạnh mở cửa nền kinh tế và nối lại các hoạt động xã hội, đi lại; tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa (xét nghiệm khách du lịch, xét nghiệm hai lần/tuần đối với lao động thuộc một số ngành nghề rủi ro cao như vệ sinh môi trường, môi giới…); (iii) Giai đoạn chuyển tiếp thứ 2: Đẩy mạnh mở cửa nền kinh tế nhưng tiếp tục duy trì một số quy định phòng ngừa rủi ro dựa trên tình hình tiêm chủng; (iv) Giai đoạn hoàn toàn thích ứng với COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.
- Một số bài học cho Việt Nam
Cách thức phòng chống và thích ứng với dịch COVID-19 của các nước đến nay khá đa dạng, tùy thuộc trình độ phát triển khoa học – công nghệ, năng lực kinh tế và y tế, thể chế chính trị, xã hội và văn hóa. Thích ứng với COVID-19 mới bắt đầu triển khai ở một số nước gần đây, nên cần có thời gian đánh giá tác động và hiệu quả của phương thức, biện pháp mà các nước đang áp dụng. Nhìn chung, một số điểm có thể tham khảo vận dụng trong phòng chống và thích ứng với COVID-19 ở Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất, dù phương thức, cách làm có thể khác nhau, song mục tiêu xuyên suốt của các nước là bảo vệ sức khỏe người dân, bao gồm sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời cố gắng duy trì sinh hoạt, hoạt động kinh tế-xã hội ở mức tối đa có thể trong điều kiện có dịch bệnh. Thích ứng với dịch COVID-19 ở nhiều nước thực chất là tìm điểm cân bằng tối ưu giữa y tế và kinh tế-xã hội trong trạng thái “bình thường mới”, tức là trạng thái sinh hoạt và sản xuất trong điều kiện có dịch bệnh nhưng vẫn bảo đảm y tế ở mức chấp nhận được phù hợp với năng lực kinh tế và y tế, thể chế chính trị, xã hội và văn hóa của mỗi nước. Mô hình này được áp dụng linh hoạt theo từng điểm, không nhất thiết trên diện rộng và thực hiện theo lộ trình.
Thứ hai, cơ sở và điều kiện tiên quyết để thích ứng với dịch COVID-19 là: (i) Ý thức, đặc biệt là ý thức tự bảo vệ sức khỏe, và đồng thuận của người dân; (ii) Tiêm chủng vắc-xin và năng lực y tế. Thực tiễn các nước cho thấy hiệu quả của các chính sách, biện pháp phòng chống dịch phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và sự ủng hộ, hưởng ứng của người dân. Ở một số nước (như Mỹ, Nga…), nhiều người dân từ chối tiêm do còn tâm lý e ngại vắc-xin, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả thực hiện chiến lược vắc-xin và thích ứng với COVID-19. Một số nước phát triển lựa chọn mô hình “miễn dịch cộng đồng” để tiến tới thích ứng với COVID-19 bởi người dân có trình độ dân trí cao và hạ tầng y tế phát triển (như Thụy Điển, Anh…). Hàn Quốc đến nay vẫn chưa áp dụng phong tỏa, thay vào đó dựa vào ý thức tự giác giãn cách của người dân.
Dù chưa có tiêu chí thống nhất về tỷ lệ tiêm vắc-xin để quyết định chuyển sang “bình thường mới”, nhưng các nước đều xác định tiêm vắc-xin cùng với xét nghiệm là điều kiện tiên quyết để thích ứng lâu dài với COVID-19. Hầu hết các nước nới lỏng giãn cách hiện có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao như Anh (71%), Singapore (78%), Mỹ (61%), Israel (68%), UAE (87%)… Một số nước có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao (Ấn Độ, Thái Lan…) cũng tìm cách thích ứng với “bình thường mới”. Ngay cả những nước theo mô hình “không Covid” (như Trung Quốc, New Zealand…) cũng đẩy mạnh tiêm chủng cho toàn dân để bảo vệ vững chắc thành quả chống COVID-19.
Thứ ba, linh hoạt, không cứng nhắc, luôn tìm cách điều chỉnh để có thể thích ứng với COVID-19 do: (i) Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu chưa từng có tiền lệ, khoa học đến nay chưa hiểu hết COVID-19 và các biến thể. Ở nhiều nước, việc phòng chống biến thể Delta đã khác nhiều so với khi COVID-19 bắt đầu khởi phát đầu năm 2020. Hàn Quốc trước đây theo đuổi mô hình “không Covid”, nhưng nay đã điều chỉnh sang tầm soát diện rộng, kiểm soát ca nhiễm mới ở mức chấp nhận được để thích ứng; (ii) Các chính sách, biện pháp chống dịch COVID-19 đều có tính hai mặt, nên phải tính kỹ bài toán “lợi ích – chi phí”, liên tục cập nhật, điều chỉnh để bảo đảm “tổng chi phí” không vượt quá “tổng lợi ích” (lợi ích y tế, kinh tế – xã hội, chính trị…). Do đó, nhiều nước áp dụng giãn cách, phong tỏa và nới lỏng xen kẽ nhau để vẫn duy trì sinh hoạt, tránh đứt gãy sản xuất, đồng thời cố gắng khống chế số ca nhiễm không vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Thứ tư, đặc biệt coi trọng vai trò của công nghệ và dữ liệu khoa học trong xây dựng, triển khai các biện pháp phòng chống và thích ứng với COVID-19. Các tiêu chí và quyết định giãn cách, phong tỏa hay nới lỏng ở nhiều nước đều dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu khoa học, đặc biệt là dịch tễ học. Mỹ trong giai đoạn đầu dịch COVID-19 chỉ đơn thuần coi COVID-19 như một dạng cúm mùa, không chú trọng ý kiến chuyên gia khoa học trong đánh giá dịch bệnh nên đã phải “trả giá” với số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới. Nhiều nước có trình độ khoa học-công nghệ cao (Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Israel…) tăng cường ứng dụng công nghệ trong xét nghiệm, truy vết, theo dõi, giám sát, nghiên cứu – sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị, thậm chí tranh thủ COVID-19 như một động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ mới trong y học.
Thứ năm, thích ứng với COVID-19 có lộ trình căn cứ vào mức độ tiêm vắc-xin cùng với việc xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm. Hầu hết các nước đều sử dụng chứng nhận tiêm vắc-xin là căn cứ cho phép cá nhân, tổ chức nối lại sinh hoạt, hoạt động trong điều kiện “bình thường mới”; không mở cửa ồ ạt, đồng thời có điều kiện và quy định cho từng ngành, lĩnh vực và đối tượng cá nhân, doanh nghiệp.
Thứ sáu, bên cạnh khía cạnh sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế, các nước hết sức chú trọng đến khía cạnh xã hội và tâm lý người dân, nới lỏng có chọn lọc một số hoạt động xã hội để hạn chế sức ép xã hội (cho phép thăm thân, hoạt động thể thao…).
Việc Việt Nam sớm chuyển từ mục tiêu “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội được dư luận quốc tế và trong nước đánh giá là rất kịp thời, phù hợp với xu hướng chung của đa số các nước, tạo niềm tin và “khí thế” mới cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kiểm soát dịch bệnh và khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, góp phần duy trì vị thế của Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài./.
Phương Thúy
[1]Trung Quốc có thể hoàn thành xét nghiệm trong 02 ngày đối với các thành phố có quy mô dân số số từ 5 triệu dân trở xuống và từ 5-7 ngày đối với các thành phố từ 5 triệu dân trở lên.
[2]Từ tháng 5/2020 đến nay, Trung Quốc hầu như không có ca tử vong vì COVID-19; New Zealand có 27 ca tử vong (tỷ lệ 0,71% so với số ca nhiễm); Đài Loan có tỷ lệ ca tử vong rất thấp, tuy nhiên từ tháng 6/2021 đến nay tăng lên khoảng 35 ca/1 triệu dân.
[3]Tỷ lệ ca tử vong của Nga khoảng 2,6% trên tổng số ca nhiễm. Thụy Điển có 1,13 triệu ca nhiễm và 14 nghìn ca tử vong, tỷ lệ tử vong là khoảng 1% thấp hơn mức bình quân 2,1% của thế giới song cao hơn các nước Bắc Âu khác như Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch.
[4] Ví dụ việc cúm mùa hàng năm làm khoảng 10.000-60.000 người Mỹ thiệt mạng được xã hội Mỹ chấp nhận và coi là con số “bình thường”.