Cùng với việc cải thiện môi trường đầu kinh doanh, Kiên Giang còn tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, năm 2024, tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp mời gọi đầu tư, đặt mục tiêu thu hút đầu tư 10 dự án trên mọi lĩnh vực chủ lực, trọng tâm về nông nghiệp, công nghiệp, môi trường… với tổng vốn đăng ký 21.424 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt việc thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung xử lý, giải quyết những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc gây bất lợi. Tỉnh rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính, thực hiện tốt chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện thứ hạng PCI và PAPI bền vững.
Tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị. Cụ thể như phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, thẩm định thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy, quyết định phê duyệt đơn giá giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tiến độ giao đất, ký hợp đồng thuê đất cho nhà đầu tư để sớm triển khai đầu tư thực hiện dự án.
Đặc biệt, tỉnh đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án, nhất là Khu kinh tế Phú Quốc; mở rộng hình thức, tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; theo dõi, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp, nhà đầu tư duy trì hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh, huy động tốt mọi nguồn lực.
Cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát huy tốt cơ hội thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh còn tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư, nhất là trong khu kinh tế, khu và cụm công nghiệp trên địa bàn.
Năm 2023, tỉnh cấp mới quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án với quy mô hơn 18 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.173 tỷ đồng, giảm 60,37% so với cùng kỳ năm 2022; cấp điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư 126 dự án, tổng vốn điều chỉnh tăng hơn 41.456 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tỉnh đã thu hút 749 dự án, với tổng diện tích hơn 31.667 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 602.100 tỷ đồng; trong đó, có 371 dự án đã đi vào hoạt động với quy mô khoảng 14.850 ha, tổng vốn đầu tư hơn 111.000 tỷ đồng.
Trong số này, tỉnh có 54 dự án đầu tư rực tiếp nước ngoài (FDI) của các nhà đầu tư đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới còn hiệu lực được cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 2,7 tỷ USD. Lũy kế tổng vốn thực hiện đến nay 811 triệu USD. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, dịch vụ, vận chuyển dầu khí…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, năm 2023, việc thu hút đầu tư, triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn chưa đạt so với nhu cầu đầu tư. Giá trị giải ngân đạt thấp so với cùng kỳ, chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng, sẵn có của tỉnh. Trong năm, toàn tỉnh có 113 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, chủ yếu là dự án chuyển tiếp đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư khoảng 18.723 tỷ đồng, giảm gần 10% so với năm 2022.
Tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc như thời gian thực hiện quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư, nhất là khâu lấy ý kiến thẩm định, phản hồi ý kiến của một số sở, ngành còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng hợp báo cáo thẩm định, trình chấp thuận chủ trương đầu tư.
Mặc dù đã thu hút được nhà đầu tư nhưng đa số nhà đầu tư nhỏ, chưa thu hút được nhà đầu tư là các tập đoàn lớn, chưa khai thác tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Địa bàn thu hút đầu tư chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở 3 thành phố là Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc nhưng các địa phương khác chưa thật sự thu hút nhà đầu tư lớn, thiếu dự án trọng điểm, tạo động lực lan tỏa…
Mặt khác, các nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phát triển dịch vụ du lịch, đô thị chú chưa chú trọng vào những lĩnh vực khác mà tỉnh rất có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, điện năng lượng mặt trời, nuôi trồng thủy sản trên biển… Một số dự án còn chậm khởi công xây dựng, giá trị giải ngân thấp, chậm hoàn thành đưa dự án vào khai thác; trong đó, có một số dự án do nhà đầu tư chậm triển khai hoặc do chậm được bàn giao đất để thực hiện dự án, nhất là những dự án trên địa bàn thành phố Phú Quốc.
Kiên Giang nằm cách xa trung tâm kinh tế lớn, cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là hạ tầng giao thông nên các tuyến đường kết nối, liên kết vùng như Cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi đầu tư chưa đúng mức; đường hành lang ven biển phía Nam, tuyến đường ven biển… chưa được đầu tư hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu và thu hút đầu tư. Đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn còn chậm, vướng mắc về cơ chế đầu tư.
Theo điều chỉnh quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 -2020 và có xét đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt thì Kiên Giang có 14 CCN, với diện tích 607,97 ha. Tuy nhiên, theo Quy hoạch tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 139/2023, đang hoàn chỉnh trình Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2030 toàn tỉnh quy hoạch tổng số là 12 CCN, với tổng diện tích là 595,21ha.
Hoàng Nam