Ngày 29/12, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2023.
Tại Họp báo, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng Trần Văn Vũ thông tin, năm 2023, theo đó thành phố Đà Nẵng vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, nhưng thiếu ổn định qua các quý. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 tăng 2,58% so với năm ngoái, Đà Nẵng xếp thứ 54/63 địa phương cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Quy mô nền kinh tế thành phố Đà Nẵng năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt hơn 134.247 tỷ đồng, mở rộng 9.728 tỷ đồng so với năm 2022. Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,95%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,50%; khu vực dịch vụ chiếm 70,34%; thuế sản phẩm chiếm 9,21% trong tổng GRDP.
Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng liên tục sụt giảm do sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao, các quy định về một nền sản xuất công nghiệp xanh, bền vững ngày càng thắt chặt buộc các doanh nghiệp cần có thời gian, năng lực để thích nghi.
Ước tính giá trị tăng thêm (VA) toàn khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2023 giảm 2,05% so với năm trước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp tăng nhẹ 0,33%; lĩnh vực xây dựng giảm 8,36% so với năm trước.
Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tiếp tục là bệ đỡ cho kinh tế của thành phố, một số ngành dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá cao, cầu tiêu dùng trong dân duy trì xu hướng phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số ngành dịch vụ thị trường có dấu hiệu chững lại, đặc biệt thị trường bất động sản vẫn chưa được cải thiện; tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Ông Vũ dự báo, tăng trưởng GRDP năm 2024 của thành phố Đà Nẵng chưa bứt phá được như giai đoạn trước dịch Covid-19 và có thể sẽ tiệm cận ở mức 6-6,5%.
Để đạt được mức tăng trưởng đó, thành phố phải thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trên nhiều lĩnh vực.
Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, tạo sự đột phá và lấy lại đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế, biến chế tạo phải đạt mức tăng trên 3% so với năm 2023. Đà Nẵng cần có giải pháp để duy trì nhịp độ tăng trưởng của một số ngành sản xuất đang có mức tăng cao như: sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất phụ tùng của xe có động cơ.
Đặc biệt, thành phố tập trung nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho những ngành đang trên đà giảm sâu như: chế biến gỗ; sản xuất kim loại đúc sẵn; sản xuất sản phẩm cao su và plastic; sản xuất da; đồ chơi trẻ em…
Ông Trần Văn Vũ thông tin, trong cơ cấu nền kinh tế thành phố Đà Nẵng hiện nay, khu vực dịch vụ chiếm 70,4% trong GRDP, do đó năm 2024 rất khó để tạo sự bức phá ngoạn mục.
Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho rằng, cần giữ vững tăng trưởng một số ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực dịch vụ như: dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ hành chính và hỗ trợ; hoạt động thông tin và truyền thông; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Theo ông Trần Văn Vũ, thành phố tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành lợi thế cạnh tranh cao. Trong đó, cần tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như dịch vụ du lịch chất lượng cao, dịch vụ logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp…
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tiếp tục rà soát, đánh giá tính hiệu quả của các dự án đầu tư trên địa bàn và có những cam kết, biện pháp xử lý phù hợp đối với những dự án ngưng thi công nhiều năm. Đồng thời khắc phục tình trạng tiêu cực, lãng phí, thất thoát trong đầu tư; tăng cường công tác giám sát đầu tư, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về quản lý đầu tư.
Mai Hương