Thị trường Á – Âu (Eurasia) là thị trường truyền thống của Việt Nam trước đây và hiện nay được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng với rất nhiều dư địa hợp tác.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định như vậy tại Diễn đàn thương mại Việt Nam – Á Âu với chủ đề “Thích ứng bối cảnh – Khai phá tiềm năng”.
Theo ông, Eurasia là liên khu vực rộng lớn gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á, với tổng diện tích khoảng 23,5 triệu km2, dân số hơn 400 triệu người và tổng GDP gần 4.500 tỷ USD. Đây là khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt, kim loại màu, than đá, ngũ cốc…
Về hợp tác thương mại, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2022, do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine, thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á- Âu đạt 13,3 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD giảm 13,1%, nhập khẩu đạt 4,67 tỷ USD, giảm 2,9%.
Trong 9 tháng năm 2023, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và các nước khu vực Á- Âu đạt 9 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này là 6,3 tỷ USD, giảm 1,2%; nhập khẩu đạt 2,7 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.
“Mặc dù giao thương hàng hóa giữa hai bên sụt giảm trong thời gian vừa qua, tuy nhiên khu vực Á – Âu vẫn là một thị trường giàu tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực chỉ chiếm khoảng 2,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và khoảng 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực này. Các dự án đầu tư từ khu vực Á – Âu hiện chỉ chiếm khoảng 0,3% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam”, ông Linh nhấn mạnh.
Ông Tạ Hoàng Linh ghi nhận, giữa hai bên đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương, bao gồm hai hiệp định thương mại tự do là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á – Âu (gồm Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) hay Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA)….
“Những cơ chế hợp tác nêu trên đã và đang được triển khai hiệu quả, làm cơ sở vững chắc để doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước khu vực Á – Âu tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư”, ông Linh khẳng định.
Đánh giá cơ hội thị trường khu vực Á – Âu, dưới góc nhìn chiến lược từ một tập đoàn đa ngành, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hàng không Vietjet kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico cho hay, Sovico, Vietjet tin tưởng khu vực Á – Âu với thị trường rộng lớn khoảng hơn 400 triệu người, tổng GDP gần 4.500 tỷ USD là một thị trường truyền thống với Việt Nam trước đây sẽ là một thị trường tiềm năng với nhiều dư địa để mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
“Việt Nam và khu vực Á – Âu có rất nhiều điểm chung, nhiều doanh nhân thành công tại Việt Nam hiện nay từng có thời gian học tập, sinh sống tại khu vực Đông Âu hay Trung Á, Sovico – Vietjet tin rằng với sự hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường, văn hoá, con người tại các quốc gia này thì điều quan trọng là có các chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện để biến những tiềm năng sẵn có trở thành các hợp tác, các khoản đầu tư”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Khánh Ly