Khoảng 122 tập đoàn FDI sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu

0
46
(minh họa)
(minh họa)
Ngày 10/11/2023, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, ngày 08/10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số.
VÌ SAO CẦN ÁP DỤNG THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU?
Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trước bối cảnh nêu trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Theo hướng dẫn của OECD về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp…
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết các quy định về việc áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 (áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15% tính trên toàn cầu cho các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh số năm trên 750 triệu EUR).
Nội dung thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu này đã đạt được sự thoả thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nhiều nước đã nội luật hoá các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Nếu Việt Nam không nội luật hoá các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế dưới 15%”.
Vì vậy, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024, đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chỉnh Ngân sách cho rằng, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ.
Mặt khác, theo ông Mạnh, “việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam”.
Trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để quy định vào Luật các nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí cần tạm thời ban hành Nghị quyết (thí điểm) của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD trước khi tiến hành sửa Luật để bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam, phù hợp với xu thế và chuẩn mực quốc tế trong quản lý thuế.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong Luật.
Cũng có ý kiến trong Uỷ ban không đồng tình với việc ban hành Nghị quyết này một cách đơn lẻ. Có ý kiến đề nghị sớm ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ bổ sung, để giữ chân các nhà đầu tư cũ và tránh các hệ luỵ rất lớn nếu các nhà đầu tư này rời khỏi Việt Nam.
ĐÁNH GIÁ ĐẦY ĐỦ TÁC ĐỘNG DO VIỆC THỰC HIỆN THUẾ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí rằng cần sớm nội luật hoá việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm quyền đánh thuế của Việt Nam, phù hợp với thông lệ và xu thế thuế quốc tế đang được các nước triển khai.
Bên cạnh đó, phù hợp với các định hướng và chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách thu và hội nhập quốc tế; thể hiện sự rõ ràng về môi trường đầu tư tại Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của một số tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn đang hoạt động và muốn được kê khai nộp thuế tối thiểu toàn cầu bổ sung tại Việt Nam, bắt đầu từ kỳ tính thuế 2024.
Trong tờ trình, cơ quan soạn thảo cũng thể hiện quan điểm tiếp tục “giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu”. Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhất trí với quan điểm này, song đề nghị cần xác định đây chỉ là cách xử lý trong thời gian áp dụng tạm thời, trước khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong bối cảnh và xu thế mới về thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, việc tiếp tục duy trì hệ thống ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành là không phù hợp và không còn có tác dụng trên thực tế, trong khi chi phí về miễn giảm thuế làm giảm thu ngân sách nhà nước hàng năm hàng chục nghìn tỷ đồng.
Các chuyên gia đều cho rằng việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu mở ra cơ hội để Việt Nam tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả của hệ thống ưu đãi thuế hiện hành.
Vì vậy, Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ tác động với môi trường đầu tư do việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, để khi tiến hành sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoài việc đưa vào Luật các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ cần nghiên cứu, cải cách hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế một cách tổng thể và phù hợp, để có hướng xử lý về chính sách với các nhà đầu tư mới và bảo đảm hiệu quả thực tế của các ưu đãi thuế.
Theo đó, cần nghiên cứu thay thế chính sách ưu đãi hiện hành dựa trên lợi nhuận (thông qua việc miễn, giảm thuế) bằng các biện pháp ưu đãi dựa trên chi phí một cách phù hợp.
Ông Mạnh cho biết, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ đã tính toán dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 và dự kiến có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp bổ sung là 14.600 tỷ đồng.
Với các tập đoàn trong nước, báo cáo của Chính phủ dự kiến có 6 tập đoàn sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết và số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (IIR) có thể thu từ các khoản đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn này khoảng 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu).
Tuy nhiên, theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, ngay cả đối với phần thu nhập trong nước của các tập đoàn này đang có thuế suất thực tế dưới 15% sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa để tránh việc các nước thứ 3 sẽ được quyền thu khoản thuế này của Việt Nam từ năm 2025. Đây sẽ có thể là ảnh hưởng đáng kể đối với các tập đoàn trong nước.
Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ hiện chưa đánh giá hết những tác động này, bao gồm cả khả năng số tập đoàn trong nước bị ảnh hưởng sẽ thay đổi hàng năm và có thể nhiều hơn số lượng đang dự kiến. Vì vậy, Chính phủ cần tính đến các tác động này để chuẩn bị phương án, quan điểm xử lý phù hợp…
Thảo luận tại tổ, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, các doanh nghiệp FDI lớn hiện đang rất quan tâm tới việc Quốc hội thảo luận về việc áp dụng thuế này vì liên quan trực tiếp tới quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Nhiều Doanh nghiệp FDI đang được hưởng những ưu đãi nhất định về thuế thu nhập doanh nghiệp trong suốt cả vòng đời dự án, kể cả khi đã hết thời hạn về ưu đãi thuế. Nếu áp dụng chính sách mới này, nhiều doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh kế hoạch tài chính, lợi nhuận, thời gian hoàn vốn của dự án … mà trước đây đã được ưu đãi như đã ghi trong giấy phép đầu tư.
Đại biểu cho rằng nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.
Còn đại biểu Nguyễn Thành Trung, đoàn Yên Bái băn khoăn về tính khả thi trong việc thu phần thuế tối thiếu toàn cầu do Luật Đầu tư và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đưa ra các quy định về bảo đảm đầu tư và ổn định chính sách, trong trường hợp doanh nghiệp không thống nhất với quy định này thì có thể áp dụng Điều 13 Luật Đầu tư quy định về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật.
Do đó, doanh nghiệp chỉ phải nộp phần thuế thu nhập doanh nghiệp đang được ưu đãi tại Việt Nam, phần thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được nộp bổ sung tại nước mẹ. Vì vậy, việc giành quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 là khó khả thi.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ tác động đến môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam trong trường hợp áp dụng thuế. Ngoài yếu tố ổn định chính trị, nguồn lao động dồi dào, thì ưu đãi về thuế, tiền thuê đất là những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
(Đỗ Phong/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here