Sáng 21/11/2023 tại Hà Nội, Khóa họp lần thứ 17 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Rumani về hợp tác kinh tế đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Rumani Stefan-Radu Oprea.
Tham dự Khóa họp về phía Việt Nam có sự tham dự của đại diện của Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Công Thương; Ngoại giao; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng đại diện Lãnh đạo các tập đoàn: Điện lực Việt Nam và Dầu khí Việt Nam.
Về phía Rumani, cùng tham dự có Đại sứ Rumani tại Việt Nam, đại diện của các Bộ: Ngoại giao; Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch; Môi trường; Năng lượng; Cơ quan An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động vật quốc gia; Ngân hàng Eximbank và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.
Điểm lại các kết quả đã đạt được trong lĩnh vực hợp tác kinh tế thương mại, hai Bộ trưởng vui mừng nhận thấy quan hệ song phương Việt Nam – Rumani đang phát triển tốt đẹp trên nhiều mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, lao động, giáo dục đào tạo, văn hóa… Đặc biệt, hai Bộ trưởng cùng nhấn mạnh, kinh tế – thương mại là trụ cột quan trọng và là động lực phát triển của quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Tuy nhiên, trong Khóa họp, hai Bộ trưởng cho rằng, hợp tác thương mại – kinh tế giữa hai nước chưa được như kỳ vọng. Giai đoạn 2019 – 2022, mặc dù thương mại song phương giữa hai nước tăng hơn 1,6 lần từ mức 261 triệu USD năm 2019 lên 425 triệu USD năm 2022, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Rumani tăng 1,6 lần từ mức gần 194 triệu USD năm 2019 tăng lên 322 triệu USD năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Rumani tăng 1,5 lần từ 68 triệu USD lên 103 triệu USD.
“Những con số trên chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ truyền thống hợp tác hữu nghị tốt đẹp của hai nước“, hai Bộ trưởng thông tin và dẫn chứng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Rumani năm 2022 cũng chỉ tương ứng 0,24% nhập khẩu của Rumani, trong khi xuất khẩu Rumani vào Việt Nam chỉ chiếm 0,03% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Tại Khóa họp, hai bên dành nhiều thời gian cùng nhau trao đổi, tìm ra các hướng ưu tiên hợp tác để thúc đẩy trong thời gian tới. Theo đó, giải pháp trước mắt được hai Bộ trưởng nhắc tới đó là việc tận dụng tối đa lợi ích từ các khung khổ hợp tác lớn là Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); cũng như thúc đẩy thực hiện các cam kết trong Khóa họp Uỷ ban hỗn hợp về kinh tế giữa hai nước để đem lại các hiệu quả tích cực cho cả hai phía trong giai đoạn tới.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chân thành cảm ơn Bộ trưởng Stefan-Radu Oprea đã quan tâm hỗ trợ thúc đẩy quá trình đàm phán, ký kết các Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA. “Bộ trưởng Stefan-Radu Oprea đã cùng Việt Nam tích cực vận động để các nước EU sớm đưa các Hiệp định này vào hiệu lực” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và cho biết, với những nỗ lực của Bộ trưởng Stefan-Radu Oprea, sau khi hoàn tất các thủ tục phê chuẩn, EVFTA đã có hiệu lực từ 1/8/2020, mở ra cánh cửa rộng lớn cho thương mại giữa Việt Nam với các nước EU nói chung và Rumani nói riêng.
Cũng trong Khóa họp lần thứ 17 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Rumani về hợp tác kinh tế lần này, hai Bộ trưởng nhất trí cần tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, mở cửa thị trường cho hàng hóa của nhau; tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Rumani có thế mạnh như cơ khí, máy móc chuyên dụng, thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông, công nghiệp sản xuất ô tô, năng lượng sạch, khai khoáng, lọc hóa dầu….
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Rumani mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là các sản phẩm dệt may, da giày, nông, thủy sản như tôm, cá, cà phê, trái cây các loại… Việt Nam cũng sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa Rumani với ASEAN và các nền kinh tế mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do.
Thay mặt Chính phủ Rumani, Bộ trưởng Stefan-Radu Oprea đánh giá cao tình cảm và mối quan hệ truyền thống giữa hai nước. Trong bối cảnh mới, Rumani quan tâm thúc đẩy hơn nữa việc tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu các nông sản hai bên có thế mạnh, dược phẩm, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ (đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số….). Phía Rumani ghi nhận quan tâm của Việt Nam trong lĩnh vực lao động, sẽ nghiên cứu tích cực đề nghị của Việt Nam về việc thành lập Tổ công tác về lao động trong khuôn khổ Uỷ ban hỗn hợp giữa hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Stefan-Radu Oprea cho biết, phía Đoàn Rumani có sự tham gia của một số ngành, doanh nghiệp; mong muốn tìm kiếm hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, truyền tải điện, nông nghiệp, công nghệ thông tin, dược phẩm, du lịch… nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận, cam kết giữa Việt Nam với EU và với Rumani; đồng thời cho biết Rumani sẵn sàng là cửa ngõ để hàng hóa của Việt Nam vào châu Âu.
Khóa họp 17 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam – Rumani tại Việt Nam lần này và Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Rumani được tổ chức bên lề Khóa họp được hai bên kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra được các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, trong đó trọng tâm là hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư, công nghiệp, năng lượng, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, lao động, du lịch…
Hai bên cũng thống nhất thúc đẩy đầu tư sang nhau, đặc biệt là các dự án hợp tác để đạt các mục tiêu cam kết về phát triển bền vững, phát triển xanh và bảo vệ môi trường…
Kết thúc Phiên họp toàn thể, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Stefan Radu Oprea đã ký Biên bản Khóa họp lần thứ 17 của Uỷ ban hỗn hợp.
Buổi chiều cùng ngày, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Rumani đã cùng phối hợp để tổ chức Tọa đàm về thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Rumani với sự tham dự của nhiều đại diện các Bộ, ngành và doanh nghiệp lớn của hai nước.