Khi Trung Quốc củng cố quan hệ thương mại toàn cầu, Mỹ có nguy cơ tụt lại phía sau

0
91
(Internet)
(Internet)diê

Ông Frederick Kempe, nhà báo từng đoạt giải thưởng và chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Đại Tây Dương, một trong những tổ chức tư vấn có ảnh hưởng nhất của Mỹ về các vấn đề toàn cầu, có bài phân tích trên CNBC cho rằng: Lỗ hổng lớn nhất trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm cạnh tranh với Trung Quốc là thiếu một chiến lược thương mại quốc tế.

Trong khi Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng tốc nỗ lực đàm phán các thỏa thuận thương mại và đầu tư đa phương và song phương trên khắp thế giới, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Mỹ đều tỏ ra dị ứng với những thỏa thuận như vậy. Stephen Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống George W. Bush, cho biết: “Người Trung Quốc tin rằng tương quan lực lượng đang có lợi cho họ. Nếu không thay đổi được niềm tin đó của Trung Quốc, Mỹ sẽ không lấy lại được vị thế cần thiết để đối phó với Bắc Kinh. “Yếu tố quan trọng nhất còn thiếu để thay đổi tính toán của Trung Quốc là một chiến lược thương mại”, một chiến lược có thể tập hợp các đồng minh toàn cầu, cung cấp việc làm và tăng trưởng cho Mỹ, đồng thời chống lại nỗ lực leo thang của Trung Quốc nhằm định hình lại kinh tế thế giới.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright từng gọi Mỹ là “quốc gia không thể thiếu” của thế giới, nhưng ông Tập hiện đang định vị Trung Quốc là “nền kinh tế không thể thiếu” của thế giới. Đến năm 2018, 90 quốc gia trên thế giới giao dịch thương mại với Trung Quốc nhiều gấp đôi so với Mỹ. Năm 2019, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ với tư cách là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất toàn cầu. Bức tranh cơ bản hiện nay là thị trường của Trung Quốc quá lớn, tính thanh khoản quá sâu và sự phục hồi sau Covid-19 rất ấn tượng (tăng 18% trong quý đầu tiên), hiện khó có quốc gia nào có thể cưỡng lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong diễn đàn Bác Ngao về châu Á tuần vừa qua, Chủ tịch Tập đã phát biểu “Trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế, mở cửa và hội nhập là xu hướng lịch sử không thể ngăn cản”, Không nhắc tên Washington, ông nói rằng “những nỗ lực dựng lên các bức tường hoặc tách rời, đi ngược lại quy luật kinh tế và các nguyên tắc thị trường sẽ làm tổn hại đến lợi ích của người khác đồng thời không mang lại lợi ích cho chính mình”. Hiện Trung Quốc vẫn áp dụng tràn lan các biện pháp bảo vệ thị trường và sự can thiệp của nhà nước ở trong và ngoài nước đang gia tăng. Hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và tội phạm mạng vẫn tiếp diễn.

Nếu không có một chiến lược thương mại hiện đại, hướng tới tương lai, Mỹ bước vào trận so găng toàn cầu này với một cánh tay bị trói sau lưng. “Mỹ và Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh chiến lược mang tính quyết định đối với chính trị toàn cầu trong thế kỷ này”, Hank Paulson Jr., cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, viết trên The Wall Street Journal. “Nhưng khi nói đến thương mại, một khía cạnh quan trọng của sự cạnh tranh đó, Mỹ đang nhường sân chơi này”.

Điều đó làm suy yếu những chiến thắng ban đầu trong cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với Trung Quốc. Thứ nhất, ông Biden đã được hưởng lợi từ sự đồng thuận của lưỡng đảng, hiếm có tại Quốc hội về mức độ cấp bách của việc đưa nước Mỹ vươn lên trước thách thức Trung Quốc. Thứ hai, ông Biden đã bắt đầu tập hợp bạn bè và đồng minh ở châu Á và châu Âu, những nước cùng chia sẻ mối quan tâm về Trung Quốc. Vào tháng 3, Biden đã triệu tập cuộc họp các nhà lãnh đạo đầu tiên của “Bộ tứ”, gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản, nhằm đối phó với ảnh hưởng Trung Quốc ở khu vực. Để đối phó kế hoạch ngoại giao vắc xin rộng lớn của Trung Quốc, các nước đã đồng ý phân phối một tỷ liều vắc xin vào năm 2022. Tuần trước, ông Biden đã chào đón Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga với tư cách là người đứng đầu chính phủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Washington sau khi ông nhậm chức. Tuyên bố chung không đề cập đến Trung Quốc, nhưng đã cam kết “các quốc gia tự do và dân chủ, hợp tác cùng nhau” hành động để chống lại “những thách thức đối với trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật lệ”. Họ cũng đề cập về việc đảm bảo hòa bình trên eo biển Đài Loan, đây là lần đầu tiên thủ tướng Nhật Bản đề cập đến Đài Loan trong một tuyên bố chung với tổng thống Mỹ kể từ năm 1969. Và lần đầu tiên, EU hành động cùng với Mỹ, Canada và Vương quốc Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc do vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương,

Thứ ba, kế hoạch kích thích Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của chính quyền Biden và 2,3 nghìn tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ thông qua các khoản đầu tư vào nhân lực, cơ sở hạ tầng vật chất và công nghệ tiên tiến. Vấn đề là sự đồng thuận của lưỡng đảng trong Quốc hội liên quan đến thách thức của Trung Quốc lại đi kèm với sự dị ứng của lưỡng đảng đối với các thỏa thuận thương mại đa phương và song phương và các kế hoạch đầu tư cần thiết để đối phó đà tăng trưởng của Bắc Kinh.

Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc là một trong 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, chiếm 30% GDP toàn cầu, đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, hay còn gọi là RCEP. Đây là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên của Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, tạo ra khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. Trung Quốc cũng bày tỏ quan tâm đến việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, CPTPP. Nếu hiệp định RCEP có hiệu lực, có khả năng là trước tháng 1/2022 và nếu Trung Quốc có thể tham gia CPTPP, cuộc chơi thương mại quốc tế ở châu Á sẽ cơ bản kết thúc và Trung Quốc sẽ giành phần thắng. Đồng thời, Trung Quốc đang tiến lên trên các mặt trận khác. Tháng 1/2021, EU và Trung Quốc đã hoàn tất Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI). Năm 2020, lần đầu tiên Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU.

Vấn đề thực sự nằm ở việc Washington thiếu các lựa chọn thay thế – được thúc đẩy bởi nhận định sai lầm trong cả hai đảng rằng toàn cầu hóa đã đi ngược lại lợi ích và việc làm của Mỹ. Khi đảng Cộng hòa chuyển thành đảng Trump, đảng này đã từ bỏ chính sách thương mại tự do mà Tổng thống Ronald Reagan coi là “một trong những yếu tố quan trọng đằng sau sự thịnh vượng vĩ đại của quốc gia chúng ta”. Tổng thống Barack Obama đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton vào năm 2016 đã phản đối thỏa thuận này dù trước đó vẫn coi thỏa thuận là “tiêu chuẩn vàng”.

Chuyên gia Adam Posen của Viện Kinh tế Peterson cho rằng “Washington nên ký kết các thỏa thuận làm tăng cạnh tranh của Mỹ và nâng cao các tiêu chuẩn về thuế, lao động và môi trường. Chính việc việc rút lui khỏi nền kinh tế quốc tế trong 20 năm qua đã khiến người lao động Mỹ gặp thất bại, chứ không phải xu hướng toàn cầu hóa”. Trong khi chính quyền Biden tạm dừng chương trình nghị sự về thương mại, thì Trung Quốc vẫn tiến về phía trước – hoàn tất các thỏa thuận và đặt ra các tiêu chuẩn để định hình tương lai.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here