Với việc kinh tế Mỹ tránh được nguy cơ “hạ cánh cứng” năm 2024, có những kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ duy trì mức tăng trưởng khả quan năm 2025 trong bối cảnh điều chỉnh chính sách kinh tế – thương mại. Theo các chuyên gia kinh tế, một số điều chỉnh chính sách kinh tế Mỹ có thể bao gồm:
Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng thông qua giảm thuế, giảm điều tiết và cắt giảm lãi suất. Mức thuế doanh nghiệp cho các công ty sản xuất tại Mỹ có thể giảm từ 21% xuống 15% nhằm khuyến khích các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Mỹ. Các biện pháp giảm điều tiết có thể được áp dụng, bao gồm dỡ bỏ các hạn chế đối với trí tuệ nhân tạo (AI) và tiền số. Tuy nhiên, khả năng cắt giảm lãi suất sẽ do Cục dự trữ liên bang (Fed) quyết định trên cơ sở xem xét thực tế tình trạng lạm phát và tác động của các biện pháp giảm thuế và thúc đẩy tăng trưởng đối với giá cả.
Thứ hai, điều chỉnh chính sách thương mại, bao gồm để ngỏ khả năng áp thuế quan từ mức 10 – 20% đối với hàng nhập khẩu. Theo ước tính của Tax Foundation, việc áp thuế quan ở mức 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu sẽ đem lại nguồn thu khoảng 2.000 tỷ USD trong 10 năm tới.
Thứ ba, điều chỉnh chính sách năng lượng theo hướng giảm các biện pháp khuyến khích năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió ngoài khơi, và nối lại các dự án khai thác dầu khí quy mô lớn.
Về tác động tới kinh tế Mỹ, theo dự báo mới nhất của Goldman Sachs, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,5% năm 2025, cao hơn các nền kinh tế phát triển khác như Eurozone (0,8%), Nhật Bản (1,2%), Anh (1,3%), Canada (1,9%) do một số nguyên nhân. Một là, lạm phát cơ bản tại Mỹ dự kiến giảm xuống 2,4% cuối năm 2025, tạo điều kiện để Fed giảm lãi suất xuống bình quân 3,25 – 3,5%. Hai là, năng suất lao động tại Mỹ liên tục tăng ấn tượng 1,9% từ năm 2019 đến nay, cao hơn so với mức 1,3% trước đại dịch Covid-19. Ba là, chính sách thuế quan mới của Mỹ được dự báo khiến GDP giảm 0,2%, song sẽ được bù đắp bởi các biện pháp cắt giảm thuế, cải thiện môi trường kinh doanh và tâm lý lạc quan hơn về triển vọng kinh tế.
Goldman Sachs nhận định chính sách thuế quan mới tại Mỹ có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,4% năm 2025 song có thể được bù đắp bởi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng tại các nền kinh tế. Theo đó, Goldman Sachs dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 đạt 2,7%, tương đương năm 2024. Tuy nhiên, Goldman Sachs và các tổ chức quốc tế không loại trừ các kịch bản tác động lớn hơn, tùy thuộc mức độ và phạm vi áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Đối với các nước Đông Nam Á, triển vọng kinh tế năm 2025 đến nay vẫn được nhận định khá tích cực bất chấp diễn biến khó lường của kinh tế toàn cầu thời gian tới. Thái Lan đặt mục tiêu tăng trưởng 3,5% năm 2025 so với mức 2,7% năm 2024 trên cơ sở đẩy mạnh các biện pháp kích cầu, bao gồm giải ngân giai đoạn 2 khoản tiền trợ cấp 14 tỷ USD cho người dân. Tại Philippines, Fitch Group dự báo GDP tăng trưởng 6,3% năm 2025, cao hơn năm 2024, nhờ lạm phát giảm và tiêu dùng gia tăng. Theo dự báo mới nhất của Nomura Connects, GDP Indonesia năm 2025 sẽ tăng 5%, tương đương năm 2024; Malaysia và Singapore tăng trưởng lần lượt 4,5% và 2,5% năm 2025.
Bên cạnh những nhận định lạc quan, các cơ quan nghiên cứu cảnh báo những rủi ro đối với kinh tế khu vực, nhất là khả năng điều chỉnh chính sách kinh tế từ phía các đối tác chủ chốt.
Về triển vọng hợp tác kinh tế – thương mại giữa Đông Nam Á và Mỹ, trong thông điệp chúc mừng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Singapore Laurence Wong nhấn mạnh Singapore đã giúp tạo ra 270.000 việc làm tại Mỹ và là cửa ngõ cho hơn 6.000 công ty Mỹ tại Đông Nam Á. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chia sẻ Mỹ là đối tác đầu tư lớn nhất vào Malaysia và Malaysia sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Mỹ trên tinh thần lạc quan và chia sẻ nhằm tận dụng những cơ hội mới trong nhiệm kỳ tới của Tổng thống Donald Trump.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)