Kết quả thực hiện chiến lược cải cách thuế Việt Nam và giải pháp

0
194

Nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn bước vào cuộc cách mạng 4.0, cần thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới tài chính công, mà ngân sách nhà nước (NSNN) là trụ cột. Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và xu hướng tăng nợ công, hệ thống thuế cần phải tiếp tục có những điều chỉnh quan trọng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và hoàn thành mục tiêu Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 – 2020. Nội dung bài viết tập trung vào kết quả thực hiện chiến lược cải cách thuế của Việt Nam và đề xuất một số giải pháp

  1. Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam

Ngày 17/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 732/2011/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 – 2020, với mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực của Đảng và Nhà nước. Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao”.

Về cải cách chính sách thuế, những nội dung cơ bản được đề ra là:

+ Xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư nhất là đầu tư áp dụng công nghệ cao, vào vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết hợp lý của ngân sách nhà nước.

+ Hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí được sửa đổi bổ sung phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; góp phần chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia; khuyến khích thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; bảo hộ hợp lý, có chọn lọc, có thời hạn các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế.

+ Hệ thống chính sách thuế được xây dựng, hoàn thiện bảo đảm minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2015 đạt trên 70% tổng thu ngân sách nhà nước và đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách nhà nước.

+ Tỷ lệ huy động thu NSNN giai đoạn 2011-2015 khoảng 23-24% GDP, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí khoảng 22-23% GDP; tốc độ tăng trưởng số thu thuế, phí và lệ phí bình quân hàng năm đạt từ 16-18%/năm.

Giai đoạn 2016-2020: Tỷ lệ huy động thu NSNN và tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí trên GDP ở mức hợp lý theo hướng giảm mức động viên về thuế trên một đơn vị hàng hóa, dịch vụ để khuyến khích cạnh tranh, tích tụ vốn cho sản xuất kinh doanh.

+ Hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2011-2020 bao gồm các sắc thuế, phí và lệ phí chủ yếu sau đây:

(1) Thuế giá trị gia tăng;

(2) Thuế tiêu thụ đặc biệt;

(3) Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

(4) Thuế thu nhập doanh nghiệp;

(5) Thuế thu nhập cá nhân;

(6) Thuế tài nguyên;

(7) Thuế sử dụng đất nông nghiệp;

(8) Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;

(9) Thuế bảo vệ môi trường;

(10) Các khoản phí và lệ phí.

Thuế môn bài sẽ được chuyển thành một khoản thu lệ phí quản lý hoạt động kinh doanh hàng năm; đồng thời hoàn thiện các chế độ chính sách thu ngân sách nhà nước từ tài nguyên, khoáng sản quốc gia, như: thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thu đấu giá quyền khai thác khoáng sản và thu từ dầu khí.

  1. Kết quả thực hiện chiến lược cải cách thuế

Thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành và đưa vào thực hiện Luật Thuế Bảo vệ môi trường (2010), Luật Thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp (2011), Nghị quyết về Biểu khung thuế suất thuế tài nguyên (2013, 2015), Luật Phí và lệ phí (2015). Những năm gần đây, Chính phủ đã nhiều lần trình Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung các luật thuế trụ cột của hệ thống nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế được diễn ra trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động không thuận lợi. Chế độ thu tiền sử dụng đất (SDĐ), tiền thuê đất theo khung khổ Luật Đất đai và Chiến lược thuế đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 45 và 46/2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016.

Năm 2013, Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung của hai luật thuế quan trọng là Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 và Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12.

Ngày 26/11/2014, Quốc hội ban hành Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12. Cùng ngày, Quốc hội han hành Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 đạo luật về chính sách và quản lý thuế, hải quan.

Việc đề xuất ban hành một luật sửa đổi nội dung nhiều luật là cách làm mới trong những năm gần đây bởi tính kịp thời khắc phục những bất cập của luật pháp trước đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. Việc này không chỉ tiết kiệm thời gian và kinh phí cho đất nước mà còn bảo đảm tính đồng bộ giữa chính sách với quản lý thuế, tạo thuận lợi cho cả người dân và cơ quan quản lý thuế, hải quan.

Tuy nhiên, việc sửa đổi cùng một lúc nhiều đạo luật về thuế cũng đặt ra yêu cầu rất cao cho cơ quan soạn thảo, các cơ quan tham gia đóng góp ý kiến, phản biện, cơ quan thẩm tra dự luật và cơ quan chịu trách nhiệm chính trong tổ chức thực hiện. Công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành, công tác triển khai thực hiện luật và việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản,… vì thế cũng phải thay đổi cách làm. Các ý kiến phản biện xã hội cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn, tiếp thu đầy đủ hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn để có được những quy định cụ thể và các nội dung hướng dẫn phù hợp với thực tiễn.

  1. Đề xuất hoàn thiện Luật Thuế

Nghiên cứu dự thảo nội dung các văn kiện của Dự án cho thấy, lý do và mục tiêu đặt ra cho sửa đổi lần này là nhằm thực hiện cơ cấu lại NSNN theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô như Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Theo đó, cần tập trung cơ cấu lại nguồn thu, hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý. Sửa đổi, bổ sung các đạo luật về thuế lần này cũng chính là thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.

Để thực hiện được mục tiêu trên, yêu cầu đặt ra cho việc trình sửa đổi, bổ sung các luật thuế cần phải bám sát các nội dung của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020, đồng thời quán triệt các quan điểm sau đây:

Một là, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14:  “Thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng; rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế; nghiên cứu bổ sung thuế tài sản cho phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các luật về thuế. Rà soát các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước”. Trên cơ sở đó mở rộng cơ sở thu như: (i) Giảm nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế; nâng mức thuế suất thuế GTGT 10% lên mức 11%, 12% theo lộ trình; (ii) Tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, bia, rượu và xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng; (iii) Sửa đổi, bỏ những ưu đãi thuế TNDN theo lĩnh vực và địa bàn bất hợp lý, không phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển; (iv) Sửa đổi thuế tài nguyên theo hướng góp phần quản lý, bảo vệ và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, nhất là đối với tài nguyên không tái tạo; thúc đẩy khai thác tài nguyên gắn liền với chế biến sâu và góp phần hạn chế tối đa xuất khẩu tài nguyên chưa qua chế biến.

Hai là, bảo đảm sự tương thích, đồng bộ và phù hợp với nội dung của các luật mới được Quốc hội ban hành như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản… để góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích người nộp thuế mở rộng sản xuất – kinh doanh theo chính sách phát triển của Nhà nước trong giai đoạn sắp tới. Trên cơ sở đó thực hiện mở rộng cơ sở thuế, cơ cấu lại nguồn thu và các sắc thuế trong cả hệ thống thuế để góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế.

Ba là, việc sửa đổi, bổ sung cần tôn trọng bản chất, mục tiêu điều chỉnh và sự vận động của từng sắc thuế, đảm bảo nguyên tắc nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế; tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bốn là, đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển; phù hợp với các cam kết quốc tế, với cam kết tại các thỏa thuận và Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc đang trong quá trình đàm phán để tham gia, qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và tăng việc làm cho người lao động, chống thất thu NSNN, chống gian lận thương mại, chống chuyển giá./.

ThS. NGUYỄN NGỌC MINH

(Khoa Kinh tế cơ sở – Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here