Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng 2 năm tới.
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) vừa công bố kết quả Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam năm tài chính 2023.
Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) đã khảo sát 14.018 doanh nghiệp Nhật Bản có đầu tư vào Việt Nam, trong đó hơn 4.982 doanh nghiệp trả lời hợp lệ, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo kết quả từ khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2023, do Jetro thực hiện, có 56,7% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Trong khi đó, có 50,4% nói kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2024 cải thiện.
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh, kết quả cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo có lãi trong năm 2023 trong hoạt động kinh doanh là 54,3%, tỷ lệ này thấp hơn 6,6 điểm so với mức trung bình của ASEAN. Sự phục hồi kinh tế có dấu hiệu đình trệ với độ suy giảm ở mức tương tự như năm 2021 trong thời kỳ đại dịch Covid-19 (là 2 năm tệ nhất trong 10 năm trở lại đây).
Các doanh nghiệp Nhật Bản (doanh nghiệp có tỷ lệ đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp từ phía Nhật Bản trên 10% và các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp Nhật Bản) đang đầu tư tại 20 quốc gia/khu vực, bao gồm 5 quốc gia/khu vực tại Đông Bắc Á, 9 quốc gia ASEAN, 4 quốc gia Tây Nam Á, 2 quốc gia châu Đại Dương.
Dự báo về lợi nhuận kinh doanh năm 2024, 50,4% doanh nghiệp kỳ vọng sẽ cải thiện và 8,3% doanh nghiệp cho rằng sẽ xấu đi so với dự báo lợi nhuận kinh doanh của năm 2023. Nhiều công ty đang hy vọng vào sự cải thiện nhờ sự phục hồi của năm 2023.
Về kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023 (so với năm 2022), tỷ lệ doanh nghiệp trả lời cải thiện là 32,0% (giảm 15,6 điểm so với năm trước) và tỷ lệ dự báo xấu đi là 35,7% (tăng 13,1 điểm so với năm trước).
Lý do cải thiện về kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023, ngành chế tạo nhu cầu tại thị trường xuất khẩu tăng, ngành phi chế tạo nhu cầu tại thị trường nội địa tăng được doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất. Một lần nữa, con số này lại giảm xuống mức tương tự năm 2021 thời kỳ trong dịch Covid-19 với tỷ lệ cải thiện là 31,4% và tỷ lệ xấu đi là 36,6%.
Ngoài ra, sự nỗ lực của doanh nghiệp trong cải thiện năng suất, cắt giảm chi phí cũng đươc xếp ở thứ hạng cao. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, lý do kinh doanh xấu đi là do sự sụt giảm nhu cầu trong và ngoài nước điều này còn vượt xa sự gia tăng chi phí nhân công và mua nguyên vật liệu.
Về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1-2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời mở rộng tại Việt Nam là 56,7% (giảm 3,3 điểm so với năm trước). Tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng chức năng bán hàng do mở rộng nhu cầu thị trường trong nước là 62%. Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời thu hẹp hoặc rút lui hay di chuyển sang nước (khu vực) thứ 3 là 2,5% (tăng 1,4 điểm so với năm trước).
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh – tâm lý kinh doanh chỉ số DI (Việt Nam): Chỉ số DI năm 2023 âm ở 10/20 quốc gia/khu vực, trong đó Việt Nam ở mức -3,7, giảm đáng kể so với mức 28,7 điểm năm trước. Chỉ xếp thứ hai sau Singapore (giảm 31,4 điểm) tại khu vực châu Á – châu Đại Dương. Chỉ số DI dự kiến sẽ hồi phục lên 42,1 điểm trong năm 2024.
Về phát triển kinh doanh trong tương lai trong 1-2 năm tới (theo ngành nghề Việt Nam), tỷ lệ doanh nghiệp ngành chế tạo trả lời mở rộng là 47,1% (giảm 7,3 điểm so với năm trước), ngành phi chế tạo là 65,5% (giảm 0,4 điểm). Cao su, gốm sứ, đất đá và dệt may là những ngành có tham vọng mở rộng giảm mạnh. Lý do mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới cả ngành chế tạo và phi chế tạo đều lựa chọn mở rộng nhu cầu thị trường nội địa và tăng xuất khẩu.
Đối với chức năng mở rộng, cả ngành chế tạo và phi chế tạo đều lựa chọn chức năng bán hàng nhiều nhất (ngành chế tạo tăng 11,5 điểm và ngành phi chế tạo tăng 0,6 điểm so với năm trước). Việc mở rộng sản xuất trong ngành chế tạo cả sản phẩm đa năng và sản phẩm có giá trị gia tăng cao đều có tỷ lệ gần ngang nhau.
Hoàng Nam