Theo Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới có tiêu đề “Kết nối để phát triển mạnh mẽ: Thách thức và cơ hội hội nhập giao thông vận tải phía đông của Nam Á” được đưa ra hôm 09/3/2021, kết nối giao thông liền mạch giữa Ấn Độ và Bangladesh có khả năng tăng thu nhập quốc dân lên tới 17% đối với Bangladesh và 8% đối với Ấn Độ.
Báo cáo phân tích Thỏa thuận về giao thông cơ giới Bangladesh-Bhutan-Ấn Độ-Nepal (BBIN) (MVA), so sánh với các thỏa thuận quốc tế tốt nhất, và xác định những điểm mạnh cũng như những hạn chế của nó trong kết nối khu vực. Ngoài ra, báo cáo cũng phân tích về các hành động chính sách trong khu vực mà các quốc gia có thể thực hiện để tăng cường MVA và đề xuất các ưu tiên cho đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ giúp các quốc gia tối đa hóa lợi ích của nó. Theo báo cáo này, trong khi thương mại giữa Ấn Độ và Bangladesh đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, nhưng ước tính vẫn thấp hơn 10 tỷ USD so với tiềm năng.
Mercy Tembon, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Bangladesh và Bhutan cho biết trong buổi ra mắt bản Báo cáo: “Về mặt địa lý, vị trí của Bangladesh khiến nước này trở thành cửa ngõ chiến lược của Ấn Độ, Nepal, Bhutan và các nước Đông Á khác. Bangladesh cũng có thể trở thành cường quốc kinh tế bằng cách cải thiện mạng lưới thương mại, vận chuyển và hậu cần trong khu vực”.
Junaid Ahmad, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Ấn Độ cho biết: “Ngân hàng Thế giới hoàn toàn ủng hộ Hành động Hướng Đông và Chính sách láng giềng đầu tiên của Chính phủ Ấn Độ. MVA là một bước khởi đầu tuyệt vời. Nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để phát triển kết nối liền mạch trong tiểu vùng, đặc biệt là khi Ấn Độ bắt đầu phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19”. “Các bang giáp biên giới với Bangladesh như Assam, Meghalaya, Mizoram và Tripura ở phía đông bắc, và Tây Bengal ở phía tây, và các bang xa Bangladesh như Uttar Pradesh và Maharashtra sẽ thu được lợi ích kinh tế to lớn từ kết nối thông suốt”.
Tuy nhiên, Báo cáo cho rằng, để giải phóng toàn bộ tiềm năng hội nhập trong khu vực đòi hỏi phải tăng cường thỏa thuận đã ký vào năm 2015. Các quốc gia cần giải quyết một số thách thức như thiếu hạ tầng cơ sở, đặc biệt là trang thiết bị tại các cửa khẩu quốc tế, hài hòa hóa các quy định và thủ tục hải quan.
Matias Herrera Dappe, nhà kinh tế cao cấp và Charles Kunaka, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tư nhân là tác giả Báo cáo, cho biết: “Các hiệp định hội nhập vận tải ở phía đông Nam Á thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc hình thành một thị trường vận tải tích hợp xuyên biên giới trong tiểu vùng, với MVA là nền tảng của sự hội nhập đó”. Theo ông, thỏa thuận có thể phát huy hết tiềm năng bằng cách áp dụng các thực tiễn tốt; giải quyết những hạn chế và sự thiếu nhất quán trong cơ sở hạ tầng và những kinh nghiệm thị trường trong dịch vụ vận tải; và có thêm các chính sách bổ sung nhằm loại bỏ các ràng buộc, rào cản phát sinh từ sự không hoàn hảo của thị trường.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)