Kenya đề nghị đàm phán lại các khoản nợ với Trung Quốc về dự án đường sắt Mombasa-Naivasha trong khuôn khổ Vành đai và Con đường

0
64
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Chính phủ Kenya đã đề nghị Trung Quốc đàm phán lại các khoản nợ và phí liên quan đến dự án đường sắt Mombasa-Naivasha dài 580 km sử dụng vốn vay của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), được thực hiện bởi Tập đoàn xây dựng viễn thông Trung Quốc (CCCC). Theo các nhà phân tích và chuyên gia luật thương mại, doanh thu yếu kém của dự án ngày càng sụt giảm nghiêm trọng bởi đại dịch. Chính phủ Kenya cho biết là lý do chính buộc chính phủ nước này đưa ra đề nghị trên, không liên quan đến việc CCCC bị Mỹ liệt vào danh sách đen. Vấn đề nợ liên quan đến dự án đường sắt Mombasa-Naivasha góp phần làm nổi bật vấn đề của các dự án BRI quy mô lớn: các dự án đều có quy mô lớn, cấu thành chủ yếu bởi các khoản vay ưu đãi từ phía Trung Quốc, cuối cùng trở thành các khoản nợ khổng lồ do quản lý kém của chính quyền bên tiếp nhận.

Dự án đường sắt Mombasa-Naivasha hoàn thành năm 2017. Tuy nhiên, căn cứ kết quả triển khai khi đưa vào vận hành, Ủy ban giao thông vận tải Kenya buộc phải đề nghị Chính phủ đàm phán lại các khoản nợ với Trung Quốc, đồng thời đề nghị phía Trung Quốc cắt giảm 50% phí quản lý hàng tháng hiện ở mức 10 triệu USD. Việc đàm phán các điều khoản của khoản vay được đưa ra trong bối cảnh nguồn thu ngân sách của chính phủ Kenya sụt giảm mạnh do kinh tế suy thoái vì tác động của đại dịch.

Kenya có hai khoản nợ phải trả lãi suất đối với Trung Quốc với kỳ hạn 20 năm, trong đó một khoản nợ trị giá 1,6 tỷ USD với lãi suất thương mại và một khoản nợ khác trị giá 1,6 tỷ với lãi suất ưu đãi. Năm 2019, tổng thu của tuyến đường sắt là 130 triệu USD, nhưng chi phí vận hành là 170 triệu USD, khiến chính phủ phải chịu một khoản thâm hụt lên đến 40 triệu USD. Dự án cũng đang đối mặt với khoản nợ quá hạn 380 triệu USD phí quản lý của Công ty quản lý Africa Star Railway (Trung Quốc). Để có đủ ngân sách trả nợ, Chính phủ Kenya đã buộc các doanh nghiệp nhập khẩu sử dụng tuyến đường sắt này, giúp giảm một nửa thời gian vận chuyển từ Nairobi đi Mombasa, nhưng chi phí vận chuyển lại cao hơn nhiều. Điều này khiến Chính phủ Kenya hiện không thể thanh toán kỳ trả nợ tiếp theo của dự án do hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Theo nhiều đánh giá, Chính phủ Trung Quốc có trách nhiệm chính trong việc làm gia tăng nợ xấu trong các dự án BRI do hiệu quả thấp xuất phát từ công tác thẩm định và đánh giá rủi ro dự án của các công ty, tổ chức Trung Quốc. Về bản chất, Sáng kiến BRI hay các chương tình, sáng kiến tương tự được triển khai để “xuất khẩu” các sản phẩm “dư thừa” của các ngành công nghiệp Trung Quốc. Vì vậy, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp Trung Quốc (phần lớn là doanh nghiệp nhà nước) có xu hướng “cẩu thả” trong khâu thẩm định để thúc đẩy giải ngân, triển khai dự án. Điều này dẫn đến thực trạng phần lớn các khoản nợ liên quan đến Sáng kiến BRI hiện nay đều đứng trước nguy cơphải đàm phán lại.

Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here