Kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia – dự án mang tính bước ngoặt cho nền kinh tế

0
356
Dự án kênh đào Phù Nam - Techo. Ảnh: CDC

Một trong những dự án đầy tham vọng và mang tính bước ngoặt nhất ở Campuchia là kênh đào Phù Nam Techo, một nỗ lực to lớn có thể định hình lại tương lai của đất nước.

Về mặt chiến lược, dự án kênh đào Phù Nam Techo thể hiện tham vọng của chính quyền Campuchia, định vị quốc gia này là một điểm sáng đang lên trong thị trường vận tải khu vực. Bằng cách tập trung vào phát triển đường thủy và cảng, Campuchia muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện cơ sở hạ tầng nội địa.

Dự án kênh đào Phù Nam – Techo. (Nguồn: CDC)

Bài viết với tiêu đề “Kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia – nhân tố thay đổi cuộc chơi?” của tác giả Chheang Vannarith, Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) cho biết, đây là dự án cơ sở hạ tầng lớn đầu tiên của Campuchia kết nối sông Mekong với đường biển, nhằm mở rộng tiềm năng vận tải biển của đất nước chùa tháp.

Theo bài viết, Campuchia – một quốc gia với lịch sử lâu đời, giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, từ lâu đã là vùng đất của những cơ hội và tiềm năng chưa được khai thác. Trong 3 thập kỷ qua, sau khi giành được hòa bình hoàn toàn vào năm 1999, đất nước này đã có những bước tiến dài hướng tới tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Phù Nam, một quốc gia cổ xưa chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và nằm ở vùng châu thổ sông Mekong, phát triển hưng thịnh từ thế kỷ I đến thế kỷ VI sau Công nguyên. Nước này có một mạng lưới kênh rạch phức tạp nối liền vùng lõi kinh tế với các vùng ven biển, cùng nhau hình thành nên khu vực chính của Phù Nam. Angkor Borey là trung tâm của các hoạt động kinh tế và văn hóa trong thời kỳ này. Như vậy, Phù Nam là một ví dụ về sự kết nối kinh tế và văn hóa.

Khmer Times nhận định, Phù Nam Techo có thể coi là nỗ lực của Campuchia trong việc biến mình thành cửa ngõ kinh tế và văn hóa của sông Mekong. Dự án đã được phê duyệt tại phiên họp toàn thể Quốc hội vào ngày 19/5/2023. Ngày 7/6/2023, chính phủ quyết định thành lập Ủy ban liên bộ để thực hiện dự án. Vào ngày 17/10/2023, Campuchia đã ký một thỏa thuận cho phép Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) tiến hành nghiên cứu tính khả thi của dự án.

Trải dài 180 km từ kênh Takeo của sông Mekong đến tỉnh ven biển Kep, kênh đào Phù Nam Techo sẽ đi qua 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot và Kep. Tuyến đường thủy này được coi là yếu tố thay đổi cuộc chơi ở Campuchia và đây là lý do.

Kênh đào Phù Nam Techo được thiết kế để trở thành một kỳ công kỹ thuật công trình đáng chú ý. Với chiều rộng 100 mét về phía thượng lưu và 80 mét về phía hạ lưu, độ sâu 5,4 mét, kênh đào sẽ đáp ứng lưu thông hai chiều và có thể chở tàu có trọng tải lên tới 3000 DWT. Kênh được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, ưu tiên an toàn và chất lượng trong quá trình xây dựng.

Một trong những khía cạnh đáng chú ý của dự án này là tính kỹ lưỡng trong quy hoạch và cân nhắc về môi trường. Một nghiên cứu nghiêm túc đã được chính phủ thực hiện trước khi phê duyệt dự án, kéo dài hơn 2 năm để nghiên cứu kỹ thuật, pháp lý, kinh tế, môi trường và xã hội cũng như tham vấn liên bộ. Cách tiếp cận toàn diện này đảm bảo rằng kênh đào sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế mà còn giúp bảo tồn sự cân bằng sinh thái và môi trường của khu vực. Mặc dù được công nhận rằng có thể xảy ra một số tác động môi trường trong quá trình xây dựng, nhưng các biện pháp sẽ được thực hiện để giảm thiểu tác động.

Kênh đào Phù Nam Techo không chỉ là một dự án cơ sở hạ tầng lớn, đây là huyết mạch cho khoảng 1,6 triệu người sống dọc theo tuyến đường thủy này. Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và thương mại hiệu quả, kênh đào hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội kinh tế cho những cộng đồng này. Dự án phù hợp với Điều 5 của Hiệp định Mekong năm 1995, trong đó quy định các dự án trên các nhánh của sông Mekong, bao gồm cả kênh Phù Nam Techo, phải thông báo cho Ủy ban Hỗn hợp. Campuchia đã tuân thủ đúng yêu cầu này, thể hiện cam kết hợp tác khu vực và phát triển bền vững.

Chi phí ước tính để xây dựng kênh đào lên tới 1,7 tỷ USD, một khoản đầu tư đáng kể cho tương lai của Campuchia. Tuy nhiên, khoản đầu tư này dự kiến mang lại lợi nhuận đáng kể. Dự kiến, kênh đào sẽ cắt giảm đáng kể chi phí vận tải, tiết kiệm khoảng 170 USD cho container 20 feet và 223 USD cho container 40 feet, giảm chi phí vận chuyển khoảng 16%. Điều này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn cho cả người tiêu dùng, vì chi phí vận chuyển thấp hơn có thể khiến hàng hóa có giá cả phải chăng hơn.

Kênh đào Phù Nam Techo dự kiến sẽ thúc đẩy trung tâm kinh tế lớn thứ 4 của Campuchia. Sự phát triển mới này sẽ góp phần cùng với 3 vùng kinh tế trọng điểm hiện có. Đầu tiên là Phnom Penh và các khu vực lân cận, được biết đến với nền kinh tế đô thị sôi động. Thứ hai là Sihanoukville cùng với các khu vực lân cận, nổi tiếng với các hoạt động kinh tế ven biển chiến lược. Và thứ ba là Siem Reap và các địa phương xung quanh, nổi tiếng về nền kinh tế dựa vào văn hóa và du lịch.

Theo nghiên cứu của chính phủ, tỷ suất hoàn vốn nội bộ của nền kinh tế được tính toán là từ 20% đến 31%, cho thấy tiềm năng sinh lời và tăng trưởng kinh tế của kênh đào Phù Nam Techo. Tác động của kênh đào sẽ vượt ra ngoài vùng lân cận.

Dự án sẽ thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp, hình thành các dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, kênh đào sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa dọc theo tuyến đường thủy, góp phần phát triển nơi được coi là vùng kinh tế trọng điểm thứ 4.

Rõ ràng, dự án sẽ cải thiện mạng lưới giao thông và mang lại cơ hội mới cho các cộng đồng dọc theo tuyến đường thủy. Về vấn đề này, các bên liên quan, bao gồm chính phủ, khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương, phải hợp tác để đảm bảo kênh đào Phù Nam Techo trở thành hình mẫu về hội nhập, kết nối kinh tế quốc gia và khu vực, cũng như thúc đẩy phát triển toàn diện, bền vững và có khả năng phục hồi.

Quang Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here