Dưới sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra, việc tạo nên một khoản nợ công dài hạn của châu Âu là một bước quyết định trong tiến trình xây dựng châu Âu. Một lần nữa, châu Âu nhận ra rằng việc xây dựng những cái chung (thị trường chung, liên minh tiền tệ) quan trọng hơn việc mỗi nước chỉ biết sống cho riêng mình.
Bài trả lời phỏng vấn dưới đây của nhà thiết kế công nghiệp người Pháp Maxime Lefebvre, do nhà báo Antonin Dacos thực hiện, đăng trên trang mạng Diploweb.com, sẽ cho chúng ta cái nhìn rõ nét hơn về kế hoạch phục hồi kinh tế của châu Âu sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
Kế hoạch khôi phục kinh tế mà Liên minh châu Âu (EU) công bố bao gồm những gì?
Với tên gọi Next Generation EU, kế hoạch phục hồi kinh tế được Hội đồng châu Âu thông qua sau 4 ngày đàm phán tại Brussels (17-21/7/2020) dự kiến sẽ giải ngân 750 tỷ euro, trong đó 390 tỷ được giải ngân dưới hình thức trợ cấp chuyển qua ngân sách châu Âu, và 360 tỷ dưới hình thức các khoản vay từ Ủy ban châu Âu cho các quốc gia. Khoản giải ngân này được bổ sung vào các khoản tín dụng trong khuôn khổ tài chính nhiều năm 2021-2027, cũng do Hội đồng châu Âu phê duyệt sau 2 năm đàm phán, với số tiền gần 1.100 tỷ euro trong 7 năm (tức 150 tỷ euro mỗi năm, một số tiền ổn định so với ngân sách châu Âu hiện tại, cho dù xảy ra sự kiện Brexit). Nó cũng bổ sung vào chương trình mua lại tài sản của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), trị giá 750 tỷ euro, được quyết định vào tháng 3/2020 và các cơ chế cho vay được nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) phê duyệt hồi tháng 4/2020 (540 tỷ euro).
Chúng ta có thể nói về một kế hoạch lịch sử, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề cập hay không? Tại sao?
Trước hết, đó là kế hoạch nhằm đáp ứng một bối cảnh lịch sử đặc biệt: đại dịch COVID-19 hiện vẫn chưa kết thúc, và đã gây ra những hậu quả thảm khốc không chỉ ở khía cạnh y tế mà cả ở khía cạnh kinh tế-xã hội do các biện pháp cách ly xã hội (GDP của EU có thể sụt giảm tới 10% vào năm 2020).
Từ tháng 3 đến tháng 4/2020, EU đã ứng phó với cuộc khủng hoảng chưa từng có này bằng kế hoạch mua lại tài sản của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), trị giá 750 tỷ euro, sau đó bằng một chương trình cho vay đã được các nhà nước thành viên phê duyệt (trị giá hơn 500 tỷ euro để khắc phục tình trạng thất nghiệp bán phần, các khoản chi cho khủng hoảng và trợ giúp các doanh nghiệp thông qua Ngân hàng đầu tư châu Âu). Kế hoạch phục hồi kinh tế, một kiểu “kế hoạch Marshall” theo như cách nói của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, sẽ giúp các quốc gia thành viên phục hồi nền kinh tế và tài trợ cho quá trình chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số của họ.
Nhìn chung, EU đã cho thấy khả năng huy động hơn 10% GDP trong cuộc khủng hoảng này cho các hoạt động can thiệp ở cấp độ châu Âu. Đó là một con số đáng kể. Ngay cả sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro năm 2010, những khoản tiền như vậy cũng chưa được huy động và điều này cho thấy tầm quan trọng của nỗ lực đoàn kết chung đã được thực hiện.
Sau năm 2010, ECB đã cho thấy khả năng và mong muốn trở thành định chế cuối cùng đảm bảo sự toàn vẹn của liên minh tiền tệ, và điều này đã được khẳng định trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Nhưng các quốc gia cũng đã chứng tỏ rằng họ có thể tự huy động và hợp tác với nhau để cứu nền kinh tế châu Âu và vượt qua thử thách về tình đoàn kết. Với số tiền từ kế hoạch phục hồi, ngân sách hàng năm của châu Âu sẽ gần như tăng gấp đôi trong vòng 3 năm tới, trong khi mức trần là 1% GDP châu Âu.
Cơ chế cho vay của châu Âu, một điều không được nhắc tới từ lâu, đã ra đời: Có thể nhắc tới các khoản cho vay từ Ủy ban châu Âu – sau cú sốc dầu mỏ đầu tiên, các vụ mua lại tài sản của BCE, các khoản cho vay từ Ngân hàng đầu tư châu Âu, Cơ chế ổn định châu Âu để giúp các quốc gia gặp khó khăn. Các cơ chế này đã xây dựng các điều kiện tài chính tương hỗ: các thể chế châu Âu cung cấp cho người vay (các quốc gia, công ty) những điều kiện thuận lợi hơn, và tạo ra một lá chắn bảo vệ lợi ích của các quốc gia dễ bị tổn thương.
Thuế châu Âu có thể là bước tiếp theo?
Lần này, châu Âu tiến một bước xa hơn. Ủy ban châu Âu vay nợ một số tiền đáng kể (750 tỷ euro) để trợ cấp hoặc cho các nước thành viên vay. Một phần của khoản nợ này sẽ được hoàn trả kể từ năm 2028, trong một thời gian rất dài (30 năm). Chúng ta hiện đang tạo nên một khoản nợ công dài hạn của châu Âu và đây là một bước mang tính quyết định.
Thuế châu Âu có thể là bước tiếp theo. Phải thừa nhận rằng thỏa thuận tại Hội đồng châu Âu không làm thay đổi nguồn thu của ngân sách châu Âu. EU đã có các nguồn lực riêng, chẳng hạn như thuế hải quan hoặc thuế nhập khẩu nông sản, nhưng phần lớn nguồn thu ngân sách châu Âu dựa trên đóng góp của các nước tùy theo GDP của họ.
Ông có thấy những quan niệm sai lầm xung quanh kế hoạch phục hồi châu Âu hay không?
Không có những quan niệm sai lầm, nhưng có những chỉ trích. Đã có những thất vọng trong đàm phán: Giảm các khoản trợ cấp (dự kiến ban đầu là 500 tỷ euro), cắt giảm ngân sách cho nhiều chương trình quan trọng châu Âu (nghiên cứu, y tế…). Mỗi năm, ngân sách châu Âu sẽ tăng lên mức 2% GDP trong ba năm, sau đó sẽ giảm trở lại mức 1%. Nợ của châu Âu sẽ lên tới khoảng 5% GDP của châu Âu nhưng trên thực tế phần lớn là những khoản cho vay mà các nước thành viên phải hoàn trả. Nỗ lực của châu Âu nói chung phù hợp với những bối cảnh và thể hiện mức độ đoàn kết cần thiết giữa các quốc gia thành viên.
Không nghi ngờ gì nữa, việc hình thành nợ công châu Âu là một bước tiến mang tính quyết định kéo dài sự can thiệp của Ngân hàng trung ương châu Âu sau cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Có đồng tiền chung, có ngân hàng trung ương, ngân sách, cơ quan hành chính, một khoản nợ công, và các khoản thuế châu Âu: Chúng ta nhận thấy nhà nước liên bang châu Âu đang hình thành và có thể so sánh, về hình thức, với nhà nước liên bang Mỹ.
Ngân sách châu Âu không thể bị thâm hụt. Khoản nợ công do Ủy ban châu Âu tăng lên, có thể lên tới 6% hoặc 7% GDP của EU, sẽ được hoàn trả, một phần bởi các nước thành viên vay tiền, một phần được hoàn trả tập thể dựa trên các khoản thu mới. Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài EU mới có thể trở thành một quốc gia có khả năng quyết định một cách dân chủ (nghĩa là theo đa số của Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu) về việc đánh thuế và phân bổ nguồn thu từ thuế cho các hoạt động chi tiêu và các chính sách công. Chỉ có Ngân hàng trung ương châu Âu là một tổ chức hoạt động theo chế độ liên bang thực sự, nhưng còn bị chỉ trích là thiếu dân chủ. Không chắc chắn rằng việc trở lại trạng thái bình thường, một khi cuộc khủng hoảng này được khắc phục, sẽ cho phép thay đổi bản chất của dự án châu Âu.
Sở dĩ Đức đã thể hiện sự gắn bó với châu Âu, và đã đưa ra được những quyết định cho phép giải quyết cuộc khủng hoảng khủng khiếp này, đó là vì những lập trường cơ bản của nước này không thay đổi. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, nợ công của Đức đã trở lại mức ban đầu (60% GDP) trong khi nợ công của Pháp tăng từ 60% lên 100% GDP!
Cùng với các khoản tín dụng của khuôn khổ tài chính nhiều năm, kế hoạch phục hồi châu Âu trước hết sẽ mang lại lợi ích cho các nước Nam Âu bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch COVID-19, chẳng hạn như Italy, Tây Ban Nha, cả các nước Trung và Đông Âu – những nước không giàu bằng các nước Tây và Bắc Âu. Việc tái cân bằng tình đoàn kết đối với Nam Âu đã trở thành cần thiết sau cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro và bây giờ là cuộc khủng hoảng COVID-19. Italy đặc biệt trở thành một nguy cơ mang tính hệ thống vì quy mô của nước này (nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng euro), khoản nợ khổng lồ (vượt quá 150% GDP) và sức ép của chủ nghĩa dân túy: kế hoạch phục hồi châu Âu, theo như mong muốn của Paris và Berlin, để đối phó với thách thức mang tính hệ thống đối với dự án châu Âu.
Theo những dự báo ngân sách, trước hết là Đức đang thực hiện một nỗ lực đoàn kết đáng kể vì lợi ích của cả Đức lẫn châu Âu. Pháp là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng này. Khoản tiền mà Pháp sẽ nhận được từ kế hoạch phục hồi châu Âu – ước tính 40 tỷ euro, bằng một nửa so với Italy, nhưng chiếm 40% ngân sách của kế hoạch phục hồi quốc gia của Pháp – chắc chắn chỉ là bước khởi đầu. Đối với 390 tỷ trợ cấp, nếu cuối cùng chúng được khấu hao bởi các loại thuế mới của châu Âu như thuế nhựa, thuế carbon, thuế kỹ thuật số, thuế giao dịch tài chính, thì người đóng thuế châu Âu sẽ không phải trả trực tiếp.
– Kế hoạch phục hồi châu Âu cho chúng ta biết điều gì về các điều kiện vận hành của EU? Những điều kiện đó có hiệu quả và bền vững không? Kế hoạch đó có chứng tỏ EU có khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng hay không?
+ Trước hết, cuộc đàm phán này khẳng định tính chất liên chính phủ của các cuộc đàm phán về ngân sách châu Âu. Liên quan tới các vấn đề ngân sách và tài khóa, cần có một phương thức ra quyết định dựa trên đa số, với một Nghị viện châu Âu thể hiện một nền dân chủ thực sự. Nhưng điều đó dường như còn xa vời, và tôi không chắc rằng Đức, cho dù đã có một động thái quan trọng đối với châu Âu, thực sự muốn từ bỏ quyền kiểm soát của mình.
Qua mỗi cuộc khủng hoảng, cộng đồng châu Âu lại phát triển mạnh mẽ hơn. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, sau đó là cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro đã dẫn đến việc xây dựng các cơ chế và hành động đoàn kết tài chính và tiền tệ mới. Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 đã dẫn đến việc tăng cường quản lý chung các biên giới bên ngoài châu Âu và các đơn xin tị nạn trong khu vực Schengen. Giờ đây, trong cuộc khủng hoảng COVID-19, sau phản ứng bộc phát ban đầu của các nước thành viên (đóng cửa biên giới, kế hoạch viện trợ quốc gia), châu Âu đã có một phản ứng chung cả về y tế lẫn kinh tế. Động lực phụ thuộc lẫn nhau và hội nhập đã chiếm ưu thế hơn so với tính ích kỷ quốc gia. Điều này dẫn đến những bước tiến mới (đoàn kết hơn, một khoản nợ chung và có lẽ sẽ sớm áp dụng các khoản thuế châu Âu) và những công cụ mới được thiết lập đã tạo ra một hiệu ứng, giống như việc tạo ra đồng tiền chung châu Âu và các cơ chế được đưa ra sau cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro.
Liên minh châu Âu đã xác nhận trong cuộc khủng hoảng này nhiều nguyên tắc cơ bản. Chính trị gia người Pháp Jean Monnet đã có câu châm ngôn: “Châu Âu sẽ được xây dựng trong các cuộc khủng hoảng và sẽ là tổng số của các giải pháp mang lại cho các cuộc khủng hoảng này”, còn chính trị gia Jacques Delors lại có câu nói: “Châu Âu là sự cạnh tranh có vai trò thúc đẩy, là sự hợp tác giúp tăng cường sức mạnh, là sự đoàn kết hội tụ chúng ta lại”.
Ông đánh giá như thế nào về hợp tác Pháp-Đức trong các cuộc đàm phán?
Kể từ khi đắc cử, Emmanuel Macron đã đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ đối tác với Đức, bởi ông biết rằng quan hệ đối tác này là trọng tâm của bất kỳ tham vọng nào của châu Âu. Ông đã có bài “Diễn văn Sorbonne”, vào ngày 26/9/2017, sau khi Merkel thắng cử và tiếp tục duy trì ghế thủ tướng cho nhiệm kỳ thứ tư, và ông đề xuất một “hiệp ước Élysée” mới, dẫn đến việc ký kết Hiệp ước Aix-la-Chapelle ngày 22/1/2019.
Người ta có cảm giác rằng trước đây Đức hài lòng với sự nguyên trạng, không muốn triển khai những đề xuất của Pháp. Cuộc khủng hoảng hiện tại, cùng với cách tiếp cận của Đức trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu, đã “đánh thức” Berlin và thôi thúc Đức thực hiện trách nhiệm lịch sử của mình trong việc phụng sự châu Âu.
Đề xuất Pháp-Đức ngày 18/5/2020, với kế hoạch phục hồi trị giá 500 tỷ euro, gắn liền với những động lực lớn của Đức trong quá khứ, chẳng hạn vào năm 2002 khi, dưới thời Jacques Chirac và Gerhard Schröder, hai nước ký kết một thỏa thuận lịch sử để chuẩn bị tài chính cho việc mở rộng EU và cứu vãn chính sách nông nghiệp chung. Đề xuất nói trên nhìn chung rất được các đối tác của hai nước đón nhận, bất chấp sự mặc cảm của một số nước nhỏ như Áo, không muốn phải theo quyết định của các nước lớn. Cuối cùng, một cuộc đàm phán liên chính phủ trên cơ sở những đề xuất của Ủy ban châu Âu đã được bắt đầu giữa các nhà nước thành viên, và đã dẫn tới thỏa thuận lịch sử ngày 21/7/2020.
Liệu có khả năng Pháp chống lại các nước theo chính sách thắt lưng buộc bụng?
Pháp không chống lại các nước theo chính sách thắt lưng buộc bụng, mà Pháp hành động vì châu Âu, cứu vãn nền kinh tế châu Âu và dự án châu Âu. Những nước theo chính sách thắt lưng buộc cũng có lôgích của họ. Cũng giống như Đức, họ muốn châu Âu theo hướng cạnh tranh, hiện đại hóa, cải cách cơ cấu, quản lý tài chính công.
Vấn đề điều kiện của các khoản viện trợ đã được đặt ra. Các cuộc đàm phán về vấn đề này đã đạt được kết quả như thế nào? Liệu chúng có tạo nên sự thay đổi?
Vấn đề điều kiện viện trợ không phải là mới. Nó được đặt ra kể từ khi các thủ tục pháp lý được đưa ra đối với Hungary và Ba Lan về các vấn đề pháp quyền, do họ chống lại tự do truyền thông, và bây giờ là chống lại nữ quyền, và quyền của những người đồng tính. Điều hoàn toàn nghịch lý, và thậm chí không thể hiểu nổi, là các quốc gia được hỗ trợ ồ ạt từ ngân sách châu Âu lại không ủng hộ các giá trị thiết yếu của châu Âu.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất một cơ chế cho phép tạm ngưng viện trợ, và vấp phải sự phản đối của Hungary và Ba Lan. Nhưng vấn đề này không bị chôn vùi, mà sẽ được thảo luận trở lại tại Hội đồng châu Âu cũng như trong cuộc đàm phán với Nghị viện châu Âu, bởi Nghị viện châu Âu cần đưa ra sự chấp thuận đối với gói ngân sách, để các quỹ có thể bắt đầu được giải ngân vào năm 2021.
Trần Quyên