Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, ông Harsh Modi, trưởng bộ phận nghiên cứu tài chính khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản thuộc JPMorgan Chase, nói việc các ngân hàng Việt Nam vừa tăng trưởng nhanh vừa có mức lợi nhuận khá là một sự kết hợp hiếm thấy. Với sự kết hợp như vậy, ông Modi cho rằng các ngân hàng của Việt Nam có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao mà không cần quá nhiều vốn trong thời gian dài.
“Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (RoE) mà các ngân hàng Việt Nam tạo ra ở mức khá cao. Mức lãi này cao hơn cả tốc độ tăng trưởng bảng cân đối kế toán”, ông Modi nói. Theo giải thích của nhà nghiên cứu này, điều đó đồng nghĩa với việc trên phương diện lý thuyết, các ngân hàng Việt Nam không cần huy động vốn để phục vụ cho sự tăng trưởng hiện nay, nhưng việc huy động vốn vẫn diễn ra vì một số mục đích như tăng tỷ lệ vốn và đáp ứng các yêu cầu của cơ quan chức năng.
Nhờ đó, cho dù không không có nhiều vốn được rót vào, giới đầu tư vẫn có thể chứng kiến tăng trưởng bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Việt Nam được duy trì, và cổ phiếu của các ngân hàng sẽ có hệ số giá/thu nhập (P/E) ở mức cao.
Trong một báo cáo xuất bản tháng 11/2019, do ông Modi là đồng tác giả, các nhà phân tích của JPMorgan Chase kỳ vọng các ngân hàng Việt Nam sẽ đạt RoE từ 15-21% trong vòng 2 năm tới, rằng các ngân hàng “đã bắt đầu kiếm được tiền ở cả hai đầu của bảng cân đối kế toán”.
Các ngân hàng Việt Nam được JPMorgan Chase đánh giá “overweight” (tăng tỷ trọng) là Vietcombank, Techcombank và ACB.
Theo ông Modi, các yếu tố kinh tế vĩ mô tốt lên là nền tảng cho sự lạc quan về các ngân hàng Việt Nam. Năng suất tăng trong các ngành hướng giá ra xuất khẩu đang giúp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhờ đó, triển vọng về kim ngạch xuất khẩu và thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam trong vài năm tới được cải thiện, đồng thời đảm bảo đủ lượng thanh khoản trong nước.
(Nguồn: vneconomy.com/Anh Huy)