JETRO: 62,6% chi nhánh công ty Nhật Bản ở nước ngoài có lãi

0
114

Theo kết quả khảo sát trực tuyến mới đây của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), có tới 62,6% số chi nhánh ở nước ngoài của các công ty Nhật Bản dự kiến báo có lãi trong năm 2021, phục hồi từ mức thấp kỷ lục 48% trong năm ngoái, dù vẫn là mức thấp thứ hai trong 10 năm trở lại đây.

Tỷ lệ này cho thấy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài, vốn giảm đáng kể trong năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19, đã “tăng lên trên phạm vi toàn cầu nhưng đà phục hồi còn thiếu sự mạnh mẽ”.

Tính theo khu vực, 57,1% số doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ở 10 nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự báo có lãi, trong khi lợi nhuận của những doanh nghiệp Nhật Bản ở châu Âu và Bắc Mỹ chưa thể phục hồi về mức của năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Cũng theo khảo sát, 85% số doanh nghiệp Nhật Bản ở Hàn Quốc dự kiến báo lãi, xếp sau là các tỷ lệ 72,2% tại Trung Quốc, 66,3% tại Đức, 63,4% tại Indonesia, 62,6% tại Thái Lan, 59,2% tại Mỹ và 54,3% tại Việt Nam.

Theo quốc gia, 63,7% số doanh nghiệp được khảo sát ở Mexico dự báo lợi nhuận của họ sẽ tăng, tiếp theo là các tỷ lệ 60,2% ở Indonesia, 56,2% ở Việt Nam, 51,3% ở Mỹ, 46,6% ở Thái Lan, 44,6% ở Anh và 43% ở Trung Quốc.

Theo lĩnh vực, 82% số doanh nghiệp được hỏi làm việc trong ngành ngân hàng và 79% trong ngành máy móc chính xác bày tỏ tin tưởng thu được lợi nhuận, trong khi 85,1% những ý kiến trong các doanh nghiệp khách sạn và du lịch có dự báo khác.

Đánh giá về triển vọng trong tương lai gần, 48,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát trên khắp thế giới tin tưởng khoản lợi nhuận của họ sẽ tăng vào năm 2022 so với năm nay, trong khi 42,1% cho rằng lợi nhuận không thay đổi và 9,6% có ý kiến là lợi nhuận sẽ giảm.
JETRO thực hiện cuộc khảo sát trên từ ngày 24/8-30/9 năm nay, trước khi biến thể Omicron được công bố vào cuối tháng 11 vừa qua.

Cuộc khảo sát có sự tham gia của tổng cộng 18.932 công ty con của các công ty Nhật Bản cũng như các chi nhánh và văn phòng của các công ty Nhật Bản tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong lần khảo sát tại các doanh nghiệp FDI của Nhật hồi cuối năm ngoái, Việt Nam đứng sau Trung Quốc và trước Thái Lan về độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Sau khi phân tích bảng khảo sát, kết quả cho thấy nhà đầu tư rất không hài lòng về cơ sở hạ tầng (đặc biệt là giao thông đường bộ và logistics) của Việt Nam, trong khi ở điểm này, tỉ lệ không hài lòng ở Trung Quốc chỉ là 2-5% tổng số doanh nghiệp được hỏi, ở Việt Nam lên tới 20% (và có xu hướng tăng) và ở Thái Lan cũng tương đương.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp có ý định đầu tư sản xuất ở ĐBSCL lo lắng khi muốn xuất khẩu phải vận chuyển hàng lên các cảng ở TPHCM, tốn kém cả thời gian vận chuyển (3-6 tiếng) lẫn chi phí. Vậy nên tôi trông chờ sự cải thiện cơ sở hạ tầng trong 3-5 năm tới.

Về mặt cung ứng (nguyên phụ liệu, linh kiện…), doanh nghiệp Việt Nam cũng khá yếu, với mức độ cung ứng nội địa ở mức 37% so với Trung Quốc (67,6%) lẫn Thái Lan (59.9%). Do vậy, yếu tố này cũng cần phải cải thiện nhiều.

Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh cũng nhận xét, Chính phủ Việt Nam đã rất năng động và chủ động tham gia các FTA, và các công ty Nhật tại Việt Nam đang tranh thủ tận dụng tối đa cơ hội này, như nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường ASEAN hay các thị trường đã có FTA từ các nước lân cận để sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tăng tốc cải thiện khả năng cạnh tranh của mình.

“Tôi nghĩ với việc nền kinh tế Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu thông qua các FTA thì cả doanh nghiệp Nhật bản và Việt Nam đều đang hưởng lợi từ những điều này”, ông Hirai Shinji nói.

Phương Hồ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here