Italy gia nhập “Vành đai và Con đường”, hé lộ căng thẳng giữa các đồng minh

0
142
Italy đã trở thành thành viên đầu tiên của nhóm G7 và là thành viên đầu tiên của Liên minh Châu Âu (EU) tham gia dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Ngày 23/3, Italy đã trở thành thành viên đầu tiên của nhóm G7 và là thành viên đầu tiên của Liên minh Châu Âu (EU) tham gia dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, bất chấp những cảnh báo từ phía Mỹ và Liên minh kinh tế – chính trị nói trên.

Italy đã trở thành thành viên đầu tiên của nhóm G7 và là thành viên đầu tiên của Liên minh Châu Âu (EU) tham gia dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Lễ ký kết đã diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Italy. Bất chấp những “lời ra tiếng vào” và bỏ ngoài tai dư luận tranh cãi về thỏa thuận về sáng kiến cơ sở hạ tầng và thương mại của Bắc Kinh, sau cuộc hội kiến với người đồng cấp Italy Mattarella, ông Tập tuyên bố, “Bắc Kinh và Rome là đối tác ở cấp độ chiến lược. Hai nước có sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Bắc Kinh hy vọng Rome có thể đóng vai trò thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc với EU”.

Như vậy, đối với Trung Quốc, sáng kiến ​​Vành đai và Con đường là trọng tâm chính sách đối ngoại của Trung Quốc, phản ánh mong muốn của ông Tập Cận Bình về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh. Gắn kết được với Rome, Bắc Kinh muốn nhằm tăng cường các mối quan hệ song phương trong bối cảnh đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh thương mại với Washington. Đồng thời như giới phân tích đánh giá, điều quan trọng hơn cả là ý nghĩa biểu tượng của văn kiện này. Nó đã đánh dấu tầm ảnh hưởng sụt giảm của Mỹ, cho thấy một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và hé lộ căng thẳng giữa các đồng minh sáng lập của Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, đối với Italy, đây là động thái nhằm vực dậy nền kinh tế đang đối mặt với suy thoái của Italy, dù phải hứng chịu chỉ trích từ phía Mỹ và một số nước châu Âu. Tổng thống Italy Mattarella cho biết, thành Rome đã cố gắng giải quyết những lo ngại rằng Trung Quốc sẽ là người được hưởng lợi duy nhất từ sự tham gia của Italy vào sáng kiến. “Đường tơ lụa mới phải là con đường hai chiều để Trung Quốc và Italy trao đổi không chỉ riêng hàng hóa, mà còn cả tài năng, ý tưởng, kiến thức, giải pháp hướng tới tương lai cho các vấn đề và dự án chung trong thời gian tới”, Tổng thống Matt Mattarella khẳng định.

Bên cạnh sự kiện gây tranh cãi trên, các doanh nghiệp Italy và Trung Quốc cũng đã ký kết khoảng 10 thỏa thuận trong các lĩnh vực, bao gồm quản lý cảng, khoa học và công nghệ, thương mại điện tử, nông nghiệp, nhập khẩu thịt bò và thịt lợn, truyền thông, văn hóa, ngân hàng, khí đốt tự nhiên và thép. Toàn bộ nội dung cụ thể của các hợp đồng vẫn chưa được tiết lộ, song một nguồn tin từ Chính phủ Italy cho biết, tổng giá trị của các bản hợp đồng này có thể lên đến 20 tỷ Euro (khoảng 22,62 tỷ USD). Tuy nhiên, truyền thông Italy cho biết tổng giá trị của các bản hợp đồng này vào khoảng 5 tỷ Euro.

Bước đi này của Italy đã khiến Washington tức giận và báo động một số đồng minh của Liên minh châu Âu, số này lo ngại Bắc Kinh sẽ được tiếp cận với các công nghệ nhạy cảm và các trung tâm giao thông quan trọng. Trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Italy, Washington đã tìm cách để ngăn Italy ký gia nhập Vành đai và Con đường, song rốt cuộc vẫn thất bại. Washington cũng đã nỗ lực để ngăn Italy sử dụng bất kỳ mạng lưới 5G không dây nào do Huawei, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, phát triển. Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ 5G để tiến hành hoạt động do thám.

Việt Hưng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here