The Conversation mới đây đăng tải bài viết có tựa đề “Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 tấn công, Indonesia nên ngừng chính sách ưu tiên nền kinh tế: Bài học từ các quốc gia khác”, trong đó chỉ ra những sai lầm của Chính phủ Indonesia trong việc xác định các chính sách ưu tiên trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và chưa có dấu hiệu kiểm soát tại quốc gia này. Bài viết cũng đưa ra những khuyến nghị mà Chính phủ Indonesia có thể xem xét áp dụng.
Nội dung bài viết, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – một lần nữa cho thấy quốc gia này ưu tiên phát triển kinh tế hơn là bảo vệ người dân, giữa lúc đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong một quyết định gây tranh cãi, Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia đã cho phép các nhân viên dưới 45 tuổi tiếp tục làm việc vào ngày 25/5. Cơ quan này công bố quyết định trên sau khi có nhiều báo cáo cho thấy nhóm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 có tuổi đời thấp hơn nhiều so với độ tuổi 45. Quyết định mới nhất của Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia là một phần trong kế hoạch nới lỏng cách lý xã hội quy mô lớn của chính phủ, đặc biệt là đối với lĩnh vực kinh doanh.
Giữa lúc nhiều quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á đang thận trọng cân nhắc quyết định đưa mọi hoạt động trở lại bình thường, Indonesia – quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất tại Đông Nam Á – lại vội vàng đưa mọi hoạt động kinh tế trở lại bình thường vào tháng 7/2020.
Ưu tiên phát triển nền kinh tế trong giai đoạn đại dịch sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Nước Mỹ là một ví dụ rất điển hình trong vấn đề này. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, Mỹ có xu hướng ưu tiên phát triển kinh tế và Mỹ hiện là quốc gia có số trường hợp nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như phớt lờ các nghiên cứu mới nhất của trường Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT). Nghiên cứu này đã sử dụng dữ liệu từ đại dịch cúm trong giai đoạn 1918-1919 tại Mỹ, chứng minh rằng các thành phố khi đó coi trọng vấn đề bảo vệ sức khỏe của người dân hơn vấn đề phát triển kinh tế đã ghi nhận kết quả tăng trưởng đáng kể hơn những thành phố chỉ tập trung phát triển kinh tế mà xem nhẹ vấn đề chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đến nay, rất nhiều quốc gia nhận được lời khen ngợi vì đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, như Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam. Tại các quốc gia này, dễ dàng nhận thấy rằng phát triển kinh tế không phải là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.
Indonesia nên học hỏi các quốc gia đã quản lý tốt vấn đề khống chế dịch bệnh. Những nước đó đều coi dịch bệnh nghiêm trọng hơn vấn đề phát triển kinh tế trước mắt, cũng như tập trung ưu tiên phát triển các cơ sở y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Trong khi các quốc gia như Indonesia và Mỹ ban đầu đã xem nhẹ vấn đề dịch bệnh COVID-19, một số quốc gia khác như Việt Nam và Singapore đã nhanh chóng cảnh báo về sự nguy hiểm của đại dịch và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ người dân trước sự lây lan của dịch bệnh. Những nước này sớm nhận thức được rằng đại dịch COVID-19 sẽ mang lại những rủi ro vô cùng lớn cho sức khỏe của người dân, từ đó sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế và họ phải ngay lập tức hành động.
Cuối tháng 1/2020, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các biện pháp phòng dịch cần thiết và tính tới các phương án hỗ trợ kinh tế cho người nghèo, cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trung Quốc là nơi đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán. Nhưng Trung Quốc vẫn quyết định phong tỏa các khu vực được coi là tâm dịch, đình chỉ mọi hoạt động giao thông, cấm người dân ra khỏi nhà để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Các quốc gia này thay vì lựa chọn đặt mình vào tình thế bị động, bấp bênh, họ đã khẩn trương công nhận đại dịch COVID-19 là mối đe dọa nghiêm trọng, nhanh chóng áp dụng các biện pháp khẩn cấp và nghiêm túc để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong khi đó, Indonesia – quốc gia với 270 triệu dân và có rất nhiều nguy cơ bị đại dịch tấn công – lại thể hiện sự thiếu nghiêm túc trong ứng phó với đại dịch COVID-19 ngay từ những ngày đầu khi dịch bùng phát. Thay vì triển khai các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn dịch bệnh, chính phủ nước này lại tập trung ưu tiên xử lý các vấn đề liên quan kinh tế. Tháng 2/2020, khi các quốc gia khác bắt đầu cấm các hoạt động du lịch, Indonesia lại làm ngược lại bằng cách chi 7 triệu USD để quảng bá du lịch do nước này lo ngại ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Những chính sách như vậy không chỉ cho thấy các ưu tiên của chính phủ đã sai mà còn không nhận ra mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Một vấn đề khác đáng quan tâm tại Indonesia là vấn đề ưu tiên chăm sóc sức khỏe và sự an toàn của nhân viên y tế trên tuyến đầu của trận chiến đã không được chính phủ chú ý. Nếu như tại vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, chính quyền đã cung cấp các xét nghiệm bệnh miễn phí, đồng thời chủ động tăng cường số lượng trung tâm kiểm dịch. Còn tại Indonesia, gần như không có bất kỳ động thái nào tương tự được đưa ra. Tại Việt Nam, đội ngũ bác sĩ và y tá mặc dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn được chính phủ huy động vào công cuộc chữa trị, phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, Indonesia không có dịch vụ y tế và bảo vệ phù hợp cho nhân viên y tế. Việc xét nghiệm nhanh xác định bệnh nhân lây nhiễm cũng không được tiến hành ở mức cần thiết, nếu không muốn nói là rất thấp và khiến Chính phủ Indonesia đã bị chỉ trích nặng nề. Bệnh nhân không được chẩn đoán, chữa trị trong khi nhân viên y tế cũng không quan tâm bảo đảm an toàn đúng mức. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng nhiều y, bác sỹ đã thiệt mạng do bị lây nhiễm virus, còn nhiều người khác hoảng sợ phải từ bỏ công việc ở bệnh viện để tự bảo vệ mình.
Xét trên góc độ tổng quan, hầu hết các chính sách trung tâm của Chính phủ Indonesia đều tập trung ưu tiên thúc đẩy các hoạt động kinh tế sớm trở lại bình thường. Đó là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Nếu không được giải quyết sớm, Indonesia sẽ ngày càng lún sâu vào sai lầm và khủng hoảng sẽ khó có thể tránh được.
Từ tình hình trên Conversation cho rằng, Indonesia cần nhanh chóng học hỏi từ các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh và sớm xây dựng các chính sách phù hợp với mục tiêu thỏa đáng.
Chính phủ Indonesia cần nhận thức đầy đủ về tác hại của vấn đề dịch bệnh để kịp thời hành động bảo vệ sức khỏe của người dân và cũng chính là bảo vệ nền kinh tế. Chính phủ cũng nên có chính sách ưu đãi hơn đối với đội ngũ y, bác sỹ – những người đang trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh. Vì lực lượng này một khi vững chắc sẽ hỗ trợ chính phủ hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Indonesia cần khẩn trương tiến hành xét nghiệm phát hiện bệnh trên diện rộng để kịp thời đưa ra các biện pháp cách ly, chữa trị, từ đó ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của đại dịch. Đó là những việc cần làm trong lúc này hơn là những chính sách ưu tiên phát triển kinh tế mà Chính phủ Indonesia đang tập trung thực hiện.
Hải Ngọc