Indonesia tăng mạnh nhập khẩu hàng may mặc từ Việt Nam, tại sao?

0
294

Trong những năm gần đây, Indonesia là nước nhập khẩu ròng dệt may từ Việt Nam.

Việt Nam hiện là một trong năm quốc gia sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Tính trong tháng 1-9/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam sang Indonesia đạt 41,394 triệu USD. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng may mặc của Indonesia sang Việt Nam đạt 12,873 triệu USD trong giai đoạn tháng 1-9/2022 và 14,455 triệu USD trong cả năm 2021.

Truyền thông Indonesia vừa cho biết, nhập khẩu hàng may mặc từ Việt Nam đã đạt 10,057 triệu USD vào tháng 9/2022 so với mức 2,354 triệu USD vào tháng trước đó.

Theo Công cụ phân tích thị trường thông minh TexPro, trước đó, nhập khẩu hàng may mặc từ Việt Nam đã đạt 5,257 triệu USD trong tháng Bảy, 3,801 triệu USD trong tháng Sáu, 1,232 triệu USD trong tháng Năm và 2,719 triệu USD trong tháng Tư.

Xu hướng gia tăng nhập khẩu hàng may mặc từ Việt Nam đã được ghi nhận trong quý III/2022 khi kim ngạch nhập khẩu đạt 17,669 triệu USD, tăng so với mức 7,753 triệu USD trong quý II, 15,972 triệu USD trong quý I.

Con số này năm ngoái là 13,308 triệu USD trong quý IV/2021, 51 triệu USD trong quý III/2021 và 12 triệu USD trong quý II/2021.

Nhập khẩu hàng may mặc của Indonesia từ Việt Nam đã đạt 53,543 triệu USD vào năm 2021, so với 41,611 triệu USD vào năm 2020.

Trước đó, ngành dệt may Indonesia đối mặt tình trạng xuất khẩu giảm mạnh. Hàng chục nghìn công nhân dệt may Indonesia đang gặp khó khăn trong bối cảnh ngành công nghiệp này đối mặt với sự sụt giảm mạnh xuất khẩu, trong khi hàng nhập khẩu ngày càng chiếm thị phần nội địa.

Số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho thấy ngành dệt may sử dụng khoảng 1,1 triệu lao động vào năm 2020, chiếm hơn 18% tổng số việc làm của các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn trên cả nước.

Các công ty dệt may Indonesia đổ lỗi khó khăn này là do xuất khẩu giảm mạnh khi nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài lao đốc, tương ứng với sự sụt giảm chi tiêu tiêu dùng tại các thị trường.

Các vấn đề này phù hợp với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu trong năm 2022 và 2023 và lạm phát cao kỷ lục ở nhiều quốc gia, khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu cho quần áo để trang trải chi phí nhà ở, năng lượng và thực phẩm.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Indonesia (API) Jemmy Kartiwa cho biết, nhiều khách hàng nước ngoài đã yêu cầu hoãn giao hàng từ hai tháng trở lên, song cho hay hiện chưa có đơn hàng nào bị hủy hoàn toàn. Một số khách hàng cho biết hàng hóa của họ đang chất đống nên không thể nhận thêm.

Ông Jemmy cho hay đơn hàng của các công ty dệt may Indonesia đã giảm 30% trong quý III/2022 và tình hình có thể tồi tệ hơn trong năm tới khi nhiều nhà máy cắt giảm hoạt động từ 7 ngày/tuần xuống còn 5 ngày.

Trong khi Indonesia được coi là “điểm sáng” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, các nhà sản xuất dệt may nước này cho biết thị trường nội địa không thể bù đắp được cho sự sụt giảm nhu cầu xuất khẩu.

Thị trường nội địa đã tràn ngập hàng dệt may nhập khẩu trong bối cảnh các nước sản xuất hàng dệt may lớn khác – chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ, và Bangladesh – tranh giành thị phần trong thị trường toàn cầu đang thu hẹp, trong đó có tại Indonesia.

Ông Nandi, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Quần áo May sẵn ở Bandung, cho biết các nhà máy dệt địa phương quy mô nhỏ và phụ thuộc vào nhu cầu trong nước cũng đang gặp khó khăn.

Ông Nandi cho hay các nhà bán lẻ đã tạm ngừng mua hàng của họ do triển vọng tiêu thụ ảm đạm trong năm tới và giá quần áo nhập khẩu rẻ hơn. Nhiều xưởng đã bán hết máy may và một số chủ xưởng buộc phải đóng cửa.

Các nhà sản xuất dệt may cũng đang đối mặt với khó khăn tương tự. Hiệp hội các nhà sản xuất sợi tổng hợp Indonesia (APSYFI) cho biết hàng nghìn công nhân đã bị cho nghỉ việc không lương.

Các nhà sản xuất dệt may đã kêu gọi chính phủ hạn chế lượng quần áo nhập khẩu từ nước ngoài thông qua các biện pháp kiểm soát nhập khẩu. Chủ tịch APYSFI, ông Redma Gita Wirawasta nhấn mạnh: “Điều cấp thiết nhất mà chính phủ cần làm là cứu thị trường nội địa khỏi hàng hóa nhập khẩu. Mặc dù đã nhận được một số chính sách khuyến khích, nhưng khi thị trường không có, chúng tôi vẫn sẽ gặp khó khăn”.

Về quan hệ kinh tế Việt Nam-Indonesia, mới đây, tại cuộc tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Indonesia (KADIN) Arsjad Rasjid trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Việt Nam và Indonesia đều có dân số đông, thị trường lớn và cùng đặt ưu tiên hợp tác nội khối ASEAN, như vậy con số kim ngạch thương mại hai chiều mới 13 tỷ USD là còn thấp. Điểm mấu chốt là các doanh nghiệp hai nước cần hiểu rõ nhu cầu thị trường của nhau.

Chủ tịch nước hoan nghênh Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) cùng các doanh nghiệp Indonesia có nhiều hoạt động hợp tác với Việt Nam về đầu tư, thương mại và cho rằng, điều đó góp phần quan trọng vào kết quả hợp tác hai nước, nhất là vào năm 2023, hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược.

Đánh giá cao Indonesia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư thành công nhất trên thế giới và mong muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia thúc đẩy các doanh nghiệp Indoneisa tiếp tục đầu tư mới, mở rộng đầu tư vào Việt Nam để tương xứng mối quan hệ Đối tác chiến lược. Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, là cơ hội cho các doanh nghiệp Indonesia. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo chính sách thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực là thế mạnh của hai nước như nông nghiệp, thủy sản, Chủ tịch nước cũng đề nghị KADIN và cá nhân ngài Chủ tịch tiếp tục đề xuất chính sách thúc đẩy đầu tư và thương mại, hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD vào trước năm 2028 theo hướng cân bằng, như thống nhất của lãnh đạo hai nước; đặc biệt, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại nội khối ASEAN trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các quốc gia, tuân thủ các quy định, thông lệ quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các hiệp định thương mại tự do ASEAN+.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here