Các nguồn tin cho biết Indonesia có thể biến Quần đảo Natuna ở Biển Đông thành đặc khu kinh tế (SEZ) nhằm củng cố an ninh hàng hải, cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực đánh bắt cá và du lịch.
Tờ Nikkei Asia nhận định rằng, động thái này của Indonesia có thể kéo theo các hành động phản đối của Trung Quốc nhằm mục đích ngăn Bắc Kinh gia tăng hoạt động gần Quần đảo này.
Một nhóm công tác của chính phủ Indonesia được thành lập vào đầu năm 2022 đã tiến hành các nghiên cứu để biến nhóm đảo này thành SEZ theo yêu cầu của Văn phòng huyện Natuna – cơ quan giữ quyền tài phán đối với Quần đảo. Văn phòng này đang thúc giục chính quyền trung ương chuyển đổi Quần đảo Natuna thành SEZ trước khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10/2024.
Hiện Indonesia đang có tổng cộng 18 SEZ, trong đó 6 SEZ vẫn đang được xây dựng nhằm thu hút đầu tư thông qua miễn giảm thuế. Bằng cách biến Quần đảo Natuna thành một SEZ, chính phủ và Văn phòng huyện Natuna hy vọng sẽ thu hút đầu tư chủ yếu từ các công ty nước ngoài nhằm cải thiện các cơ sở hạ tầng cơ bản như tàu đánh cá, cảng biển và các dịch vụ hậu cần.
Vùng biển xung quanh Quần đảo Natuna có nhiều cá ngừ, cá thu, tôm, mực và các loại hải sản khác. Ngành đánh bắt cá địa phương hy vọng việc biến Natuna thành SEZ sẽ giúp tăng thu hút đầu tư, từ đó cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng năng suất. Ngoài ra, Indonesia cũng có ý định củng cố quốc phòng và an ninh xung quanh Quần đảo này.
Trong khi vùng biển ngoài khơi Quần đảo Natuna nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia chồng lấn với “đường chín đoạn” tự xưng của Trung Quốc, Indonesia có ý định tăng cường an ninh trong khu vực mà các tàu đánh cá Trung Quốc đang gia tăng hoạt động dưới sự hộ tống của các tàu hải cảnh. Các tàu cá Việt Nam cũng đang hoạt động tại đây.
Giữa tháng 3/2022, Tổng thống Widodo đã ký một sắc lệnh tổng thống phân chia khu vực biển Natuna thành nhiều vùng nhằm khuyến khích phát triển kinh tế. Theo sắc lệnh được công bố trên trang web của Phủ Tổng thống hồi tháng Tư, khu vực biển Natuna sẽ được chia thành ít nhất 6 vùng riêng biệt, bao gồm vùng du lịch, vùng thăm dò dầu khí, vùng đánh cá, vùng quốc phòng và an ninh.
Việc thành lập vùng quốc phòng và an ninh sẽ cho phép Indonesia tiến hành các cuộc diễn tập quân sự và tuần duyên trong khu vực. Indonesia cũng có kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự và các cơ sở quốc phòng trọng yếu khác. Một quan chức cấp cao của Phủ tổng thống cho biết Sắc lệnh trên cho thấy quyết tâm của Jakarta trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và các quyền của mình.
Quân đội Indonesia đang có kế hoạch tiến hành cuộc tập trận “Lá chắn Đại bàng” thường niên với Mỹ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay vào cuối năm nay. Cuộc tập trận đã được lên kế hoạch này bao gồm các cuộc diễn tập đổ bộ lên Quần đảo Natuna. Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim đến thăm Quần đảo này vào cuối tháng 3/2022 và tuyên bố tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế.
Trung Quốc có thể thách thức các động thái của Indonesia nhằm biến Natuna thành SEZ bằng cách tăng cường quốc phòng và an ninh ở các vùng biển xung quanh, trong bối cảnh Bắc Kinh dường như đang lo lắng về ý định của Jakarta.
Thu Hằng