Indonesia bất ngờ đặt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 sớm hơn 1 thập kỷ

0
10
Indonesia bất ngờ đặt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 sớm hơn 1 thập kỷ. (Nguồn: kompasiana.com)

Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto bày tỏ lạc quan nước này có thể đưa phát thải ròng về 0 trước năm 2050, sớm hơn 1 thập kỷ so với mục tiêu trước đó.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Brazil, Tổng thống Prabowo cho biết, nước này sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện chạy bằng than và nhiên liệu hóa thạch trong vòng 15 năm tới, sớm hơn so với mục tiêu trước đó là năm 2056.

Theo Tổng thống Prabowo, Indonesia hướng tới đạt công suất 75 Gigawatt (GW) điện tái tạo trong vòng 15 năm tới do nước này nằm dọc theo đường xích đạo, có nhiều điều kiện để tận dụng nguồn năng lượng Mặt Trời để sản xuất điện năng.

Ông Prabowo nhấn mạnh: “Chúng tôi có các nguồn năng lượng tái tạo khác và đó là lý do tại sao chúng tôi rất lạc quan rằng chúng tôi có thể đưa phát thải ròng về 0 trước năm 2050”.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu toàn cầu và đặt mục tiêu về phát thải ròng, Indonesia đã vạch ra một chiến lược toàn diện. Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc khai phá tiềm năng của Indonesia.

Theo Jakarta Post, trên thực tế, FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) của Indonesia đã đạt mức cao kỷ lục 47 tỷ USD vào năm 2023. Tính đến quý đầu tiên của năm 2024, FDI đã đạt 12,5 tỷ USD. Con số này cao hơn 15,5 % so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 51% tổng đầu tư từ các nguồn nước ngoài và trong nước.

Bộ trưởng Đầu tư Bahlil Lahadalia tiết lộ, FDI của Hàn Quốc đạt 1,3 tỷ USD trong quý 2 năm nay, vượt dòng vốn từ Mỹ và Nhật Bản lần lượt là 900 triệu USD và 800 triệu USD.

Theo Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng BCA (Bank Central Asia) David Sumual, Hàn Quốc đang trên đà trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Indonesia và có thể sánh ngang với Trung Quốc và Nhật Bản trong dài hạn. Đầu tư của Hàn Quốc khá đa dạng vì không chỉ đổ vào hệ sinh thái xe điện – trọng tâm chính của Chính phủ Indonesia, mà còn đổ vào các ngành sản xuất khác. Singapore và Trung Quốc là những nhà đầu tư lớn nhất vào Indonesia trong nửa đầu năm với số vốn lần lượt là 8,9 tỷ USD và 7,7 tỷ USD.

Indonesia được đánh giá là có cách tiếp cận đa diện bao gồm các chính sách có mục tiêu, cải cách quy định và quan hệ đối tác chiến lược nhằm giải phóng toàn bộ tiềm năng kinh tế nước này. Đặc biệt, trước đây, Indonesia đã quyết định động lực chính cho quá trình chuyển đổi sẽ tập trung vào sản xuất hạ nguồn và chuyển sang nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2060.

Các ngành công nghiệp hạ nguồn đặc biệt quan trọng vì chúng tạo thêm giá trị cho nguyên liệu thô và đưa Indonesia lên cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất. Chẳng hạn, với lộ trình đã vạch ra, Indonesia đặt mục tiêu thu hút 545,3 tỷ USD đầu tư vào năm 2040 trên 21 mặt hàng ưu tiên từ các ngành khai khoáng và lâm nghiệp. Vị thế là nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới đã thúc đẩy đầu tư vào các nhà máy luyện kim và chuỗi giá trị EV.

Bằng cách ưu tiên các điều kiện kinh tế vĩ mô này và thực hiện các chính sách hỗ trợ, Indonesia có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài bền vững cho tăng trưởng và phát triển kinh tế dài hạn. Nước này cũng vừa triển khai chương trình thị thực vàng để thu hút đầu tư kinh doanh và có ý định cấp 1.000 thị thực vàng trước cuối năm nay.

Theo Nikkei Asia, thị thực này mở ra cơ hội cho các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Indonesia trong tuyển dụng và giữ chân lao động nước ngoài. Theo giới phân tích, nếu như 20 năm trước, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đã gia nhập nhóm những nền kinh tế hàng đầu, thì giờ đây Indonesia đã sẵn sàng làm điều đó.

Indonesia là một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu than nhiệt hàng đầu, nhưng cũng là nơi có rừng nhiệt đới lớn thứ 3 thế giới. Công suất điện của quốc gia Đông Nam Á này đạt hơn 90 GW, trong đó hơn 1/2 được sản xuất từ các nhà máy than, trong khi điện năng từ năng lượng tái tạo chiếm chưa tới 15%.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here