IMF: tăng trưởng kinh tế thế giới đạt mức cao nhất kể từ năm 2010

0
103

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 17/4, Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF dự báo tăng trưởng thế giới năm 2018 và năm 2019 sẽ đạt 3,9%, tăng gần 0,2% so với năm 2017 và là mức cao nhất kể từ năm 2010. Nguyên nhân chính ở đây là nhờ sự phục hồi của đầu tư và thương mại thế giới. Khu vực đồng euro được dự báo tiếp tục đạt tăng trưởng khá với 2,4% năm 2018 và  2% năm 2019, trong đó Đức đạt mức cao nhất (2,5% năm 2018 và 2% năm 2019). Pháp đạt tăng trưởng 2,1% năm 2018 và 2% năm 2019. Tại Mỹ, nhờ chính sách cải cách thuế khóa, tăng trưởng GDP rất năng động với dự báo đạt 2,9% năm 2018 và 2,7% năm 2019.

Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ vẫn là động lực chính của kinh tế thế giới với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,5% năm 2018 và 2019, trong đó Ấn Độ đạt mức cao nhất (7,4% năm 2018 và 7,8% năm 2019). Tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao (6,6% năm 2018 và 6,4% năm 2019). Tăng trưởng bình quân của 5 nước thuộc ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam dự báo đạt 6,3% năm 2018 và 6,4% năm 2019. Trong khi đưa ra những dự báo lạc quan nói trên, IMF cũng cảnh báo về những nguy cơ có thể làm « trật đường ray » sự phục hồi kinh tế. Đó là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, các hàng rào thương mại và một cuộc chiến thương mại quy mô lớn.

Về lâu về dài, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chững lại sau năm 2019 do đa số các nền kinh tế phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng thấp hơn mức trước cuộc khủng hoảng vì sự già nua của dân số và năng suất lao động thấp. Ngoài ra, chính sách cải cách thuế khóa của Mỹ cũng sẽ ngừng phát huy tác dụng thúc đẩy sau năm 2020. Cuối cùng là do các điều kiện tài chính sẽ trở nên thắt chặt hơn khi các ngân hàng trung ương thực hiện bình thường hóa chính sách tiền tệ, ngừng các điều kiện ưu đãi. Đối với các nền kinh tế mới nổi, Trung Quốc tiếp tục có đà tăng trưởng chậm lại khi phải ngừng vay tín dụng và hãm lại các chương trình hỗ trợ tài chính. Trriển vọng có thuận lợi hơn tại châu Á nhưng không chắc chắn tại châu Mỹ Latinh, Trung Đông và khu vực châu Phi nam Sahara.

(ĐSQVN tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here