Ngày 16/1, IMF đã hạ mức dự đoán tăng trưởng kinh tế Ấn Độ cho giai đoạn 2016-2017 xuống 6,6% (mức dự báo trước đó là 7,6%) do lo ngại về tác động từ quyết định đổi tiền của Chính phủ Modi hồi tháng 11/2016.
Theo dự đoán này, Ấn Độ sẽ không còn giữ vị trí là “nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất” nữa. IMF cũng dự đoán kinh tế Ấn Độ sẽ hồi phục và đạt mức tăng trưởng khoảng 7,2% cho giai đoạn 2017-2018 (thấp hơn mức dự đoán trước đó là 7,6%) và khoảng 7,7% cho giai đoạn 2018-2019.
IMF giải thích lý do hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ là do những ảnh hưởng tiêu cực trong tiêu thụ hàng hóa do thiếu tiền mặt và gián đoạn giao dịch do chính sách rút tiền mặt khỏi lưu thông và thay đổi trên thị trường chứng khoán. Một số tổ chức tài chính khác như WB cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ xuống còn 7% cho giai đoạn 2016-2017 (thay mức dự báo trước đó là 7,6%). Cục Thống kê Trung ương Ấn Độ cũng hạ mức dự báo từ 7,6% xuống còn 7,1%. Một số nhà kinh tế cho rằng mức tăng trưởng có thể xuống dưới 7% do ảnh hưởng của thiếu tiền mặt đối với một số lĩnh vực như bất động sản, nông nghiệp, tiêu thụ bán lẻ và các doanh nghiệp nhỏ.
IMF vẫn giữ quan điểm lạc quan về kinh tế Ấn Độ, coi Ấn Độ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Tuy nhiên, với dự báo này, IMF cũng như một số tổ chức quốc tế cho rằng kinh tế Ấn Độ sẽ còn có thể bị ảnh hưởng sâu hơn từ quyết định đổi tiền của chính quyền Modi.
Theo Times of India
(Nguồn: TLSQVN tại Mumbai)