Hưng Yên chủ động, tích cực triển khai ngoại giao kinh tế trong tình hình mới

0
342
Tỉnh Hưng Yên làm việc với đoàn công tác của Bộ Ngoại giao, 19/8/2022. (Ảnh: Baoquocte)

Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ, tỉnh Hưng Yên xác định “Phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao đến năm 2025.

Tỉnh Hưng Yên làm việc với đoàn công tác của Bộ Ngoại giao, 19/8/2022. (Ảnh: Baoquocte)

Đến năm 2030, xây dựng Hưng Yên giàu, đẹp, văn minh, có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; có các khu đô thị lớn, nông thôn mới kiểu mẫu; nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững; cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2045, Hưng Yên là thành phố thông minh; phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Vượt thách thức, gặt “trái ngọt”

Cùng với thành tích trong công tác ngoại giao cả nước, công tác đối ngoại của tỉnh Hưng Yên đã thu được kết quả nhất định, ngày càng thể hiện rõ tính chủ động, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của tỉnh.

Năm 2022, tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại trong tình hình mới, ngoại vụ Hưng Yên đã sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng linh hoạt, bảo đảm vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của tỉnh luôn được đặc biệt quan tâm nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh.

Cùng với sự hỗ trợ quý báu từ các bộ, ban, ngành có liên quan, Hưng Yên nỗ lực triển khai công tác xúc tiến đầu tư ở nước ngoài và đón tiếp các đoàn quốc tế đến thăm, làm việc với tỉnh. Các chương trình xúc tiến đầu tư đều đạt kết quả tốt đẹp và thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hưng Yên, tỉnh đã chủ động xử lý kịp thời những đề xuất, vướng mắc của doanh nghiệp gặp khó khăn, đồng thời sớm lập các đầu mối tiếp nhận thông tin và ban hành văn bản giải quyết hợp lý các vấn đề mới phát sinh đổi với các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong tình hình mới. Trong đó, Ngày hội việc làm nhằm thu hút nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nước ngoài được tổ chức thường xuyên; đồng thời giới thiệu quảng bá hình ảnh và phổ biến chính sách ưu đãi đầu tư vào các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhưng tình hình kinh tế – xã hội Hưng Yên năm 2022 vẫn là điểm sáng phục hồi và tăng trưởng khá. HĐND tỉnh Hưng Yên vừa thông qua Nghị quyết tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 13,4%, cao nhất trong 12 năm gần đây. Chỉ số công nghiệp tăng 10,5%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,3 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 57 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút được 44 dự án đầu tư mới (39 trong nước, 5 nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 15,8 nghìn tỷ đồng và 44,78 triệu USD; nâng tổng số dự án còn hiệu lực lên 2.100 (trong và ngoài nước) với tổng vốn đầu tư hơn 256 nghìn tỷ đồng và gần 6 tỷ USD, đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thêm 2 khu công nghiệp với tổng diện tích 396,5 ha đưa tổng số khu công nghiệp của tỉnh lên 15 khu công nghiệp với diện tích 3.887,23 ha, tạo mặt bằng sạch với hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư lớn.

Tỉnh cũng thường xuyên tham gia kết nối chuỗi cung ứng các sản phẩm nông sản xuất khẩu. Nhờ đó, trái nhãn lồng Hưng Yên đã lần đầu tiên có mặt trên các chuyến bay Vietnam Airlines, được đưa vào hệ thống phân phối, vận chuyển sang thị trường châu Âu, Singapore….; được tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam thông qua “chợ ảo” – sàn thương mại điện tử…

Từ năm 2018 đến nay, Hưng Yên có hơn 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với các ngành, nghề khác nhau từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật cao, tập trung chủ yếu tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia…

Đẩy mạnh phối hợp Bộ Ngoại giao để tận dụng tốt các cơ hội

Năm 2023, tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9%; tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) đạt 112 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 63.500 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 22.921 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.700 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,6%…

Với các mục tiêu trên, Hưng Yên tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là các dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, các tập đoàn đa quốc gia và các nhà đầu tư lớn để đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Hưng Yên xác định 3 đột phá chiến lược là: Lập và quản trị phát triển theo quy hoạch tỉnh; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số…; Phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông và Xây dựng đội ngũ cán bộ năng lực, trình độ tốt và lực lượng lao động chất lượng cao.

Với vị trí địa lý thuận lợi, giáp với tất cả các trung tâm kinh tế lớn, hệ thống giao thông kết nối thuận tiện, thời gian tới Hưng Yên quyết tâm giải quyết phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có đường vành đai 4, đường kết nối giữa hai đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với Pháp Vân-Cầu Giẽ… làm cơ sở cho phát triển khu công nghiệp lớn, khu đô thị lớn…

Công nhân Công ty CP Daikin Việt Nam, KCN Thăng Long II (Hưng Yên) lắp ráp máy điều hòa. (Nguồn: Nhandan)

Để thực hiện có hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu trên, Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã đề xuất với Bộ Ngoại giao hỗ trợ tỉnh trong việc xúc tiến đầu tư, thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư FDI của các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn.

Trong đó, tỉnh mong muốn thu hút các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, linh kiện, vật liệu mới, công nghiệp số, cơ khí chính xác, trung tâm nghiên cứu và phát triển, logistics, giáo dục, đào tạo chất lượng cao, y tế, chăm sóc sức khỏe,…

Hưng Yên cũng mong muốn Bộ Ngoại giao đề xuất, lựa chọn tỉnh là địa điểm tổ chức các sự kiện đối ngoại của quốc gia; thiết lập kênh trao đổi, chia sẻ thông tin hữu hiệu với các địa phương, nhà đầu tư, đối tác nước ngoài. Quảng bá hình ảnh, sản phẩm chủ lực và giới thiệu các tiềm năng, cơ hội của Hưng Yên tới các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài, nhất là các nước ASEAN, Đông Bắc Á, châu Âu, châu Mỹ-Latinh..

Lãnh đạo Tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Ngoại giao tạo điều kiện giúp đỡ địa phương vận động, thu hút các nguồn vốn ODA của các tổ chức đa phương, tổ chức chính phủ và tổ chức phi chính phủ cho các dự án phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo dục, giảm nghèo, khoa học, công nghệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đào tạo nhân lực, tạo việc làm, khởi nghiệp; công tác kiều bào; bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại…

Bên cạnh hợp tác quốc tế về đầu tư, tỉnh Hưng Yên cũng đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, du lịch… thông qua các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều thứ tiếng, các chương trình hội đàm, hội thảo khách quốc tế đến thăm và làm việc với tỉnh; lãnh đạo tỉnh ra nước ngoài tham gia các hội chợ quốc tế, các hội nghị xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa, góp phần quảng bá, giới thiệu lịch sử văn hóa vùng đất Phố Hiến và tiềm năng, lợi thế của Hưng Yên đến bạn bè quốc tế.

Chu Văn

BOX

  • Nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng quy hoạch xây dựng Thủ đô, tỉnh Hưng Yên được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, đất đai trù phú do phù sa sông Hồng bồi đắp, là địa phương sở hữu nhiều sản vật đặc trưng.
  • Hưng Yên hiện có khoảng 1,3 triệu người và gần 50% dân số của tỉnh đang trong độ tuổi lao động và được đánh giá là nguồn lao động chất lượng cao.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here