HSBC hạ dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam xuống 3,5%

0
99
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia của HSBC cho rằng, trong một năm vừa qua, khác với nhiều khu vực trên thế giới, lạm phát chưa phải vấn đề đáng lo ngại với châu Á. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ở các nước thuộc khối ASEAN, rủi ro lạm phát đã có chiều hướng tăng từ đầu năm 2022 khiến cả lạm phát cơ bản lẫn toàn phần đều tăng cao hơn so với mức trước đại dịch.

Mặc dù vậy, tác động ở mỗi nước là khác nhau. Cụ thể, áp lực lạm phát với Singapore, Thái Lan và Phillipines có phần nặng nề hơn trong khi ở Việt Nam, Malaysia và Indonesia thì lạm phát vẫn tương đối trong tầm kiểm soát.

“ASEAN sẽ không tránh được tác động của giá cả tăng lên. Sau khi xem xét mọi khía cạnh, chúng tôi đã có một vài thay đổi trong dự báo lạm phát, nâng mức dự báo năm 2022 với Thái Lan, Singapore, Indonesia và Philippines. Chúng tôi giảm nhẹ mức dự báo năm 2022 với Việt Nam về mức 3,5%, thay vì mức 3,7% trong dự báo trước đó, do giá thực phẩm trong nước ổn định, nhiều khả năng sẽ giúp kiềm chế lạm phát toàn phần”, báo cáo của HSBC nêu rõ.

Nói chi tiết về Việt Nam, chuyên gia HSBC phân tích lạm phát giá năng lượng cũng đã kéo dài được một thời gian. Giá vận tải tăng cao kỷ lục, vượt qua lạm phát thực phẩm để trở thành động lực chính thúc đẩy lạm phát toàn phần của Việt Nam.

Bên cạnh giá dầu thế giới tăng, nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt càng khiến tình trạng khan hiếm năng lượng của Việt Nam nghiêm trọng. Bất chấp giá năng lượng tăng lên, lạm phát thực phẩm ở mức vừa phải, vốn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong rổ CPI đã giúp kiểm soát mức tăng chung của lạm phát toàn phần tính tới thời điểm này.

Thời điểm hiện tại, HSBC cho rằng, rủi ro lớn hơn lại xuất phát từ giá thực phẩm tăng tại các thị trường khác trên thế giới. Điều may mắn là mặt hàng gạo – thực phẩm chính của các nước thuộc khối ASEAN – chỉ mới tăng nhẹ từ đầu năm 2022 và vẫn duy trì thấp hơn mức đỉnh của năm 2021.

Mặc dù vậy, điều này cũng không đủ bù đắp cho những tác động trên diện rộng do giá tăng ở các mặt hàng thực phẩm khác. Với việc thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI ở nhiều nền kinh tế, đặc biệt như Philippines và Việt Nam, lạm phát toàn phần chắc chắn sẽ tăng lên nữa.

Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC cũng cho rằng, với các ngân hàng trung ương, vấn đề đáng quan tâm là mức độ ảnh hưởng của nhóm hàng năng lượng và thực phẩm lên nhóm hàng cơ bản.

Theo ước tính, mức độ ảnh hưởng ở các nước ASEAN là không đồng đều; trong đó, Philippines là chịu ảnh hưởng nhiều nhất, sau đó tới Malaysia và Indonesia, còn ở Việt Nam và Thái Lan thì ảnh hưởng lại hạn chế.

Sau khi xem xét cả hai vấn đề lạm phát và tăng trưởng, HSBC cũng điều chỉnh dự báo lãi suất điều hành của Việt Nam trong năm 2022.

“Trong khi lạm phát hiện tại vẫn ở dưới mục tiêu 4%, chúng tôi dự báo tình trạng giá năng lượng cao còn kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả nói chung lên. Nhiều khả năng lạm phát sẽ có lúc vượt qua trần 4% của Ngân hàng Nhà nước trong nửa sau của năm 2022 nhưng chỉ là tạm thời. Tình hình đó có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý 3/2022 trước khi tăng lãi suất 3 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2023”, báo cáo của HSBC nhận định.

(Vũ Phong/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here