Dù được đánh giá là một trong những điểm sáng thành công, hiệu quả khi thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), song tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Canada vẫn còn lớn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang- Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI)- cho hay, hiện nay, hàng hóa của Việt Nam vào Canada mới chiếm 1,16% tổng nhập khẩu của Canada; chiều nhập khẩu từ Canada vào Việt Nam, hàng hóa chỉ chiếm 0,34% thị phần nhập khẩu vào nước ta.
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều thuận lợi đưa hàng hóa vào thị trường Canada, khi người Việt Nam sang định cư tại đây ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm có thế mạnh mà người tiêu dùng Canada có nhu cầu cao hoặc đang gia tăng nhu cầu như: Điện thoại, đồ gỗ, dệt may, giày dép, trà, cà phê, rau, quả nhiệt đới… Đặc biệt, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã chinh phục được các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, nên cũng có thể đáp ứng được các yêu cầu cao của thị trường Canada.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong số ít các nước châu Á đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Canada, do đó hàng hóa Việt Nam có lợi thế về thuế quan hơn các đối thủ cạnh tranh từ nhiều nước khác như Trung Quốc, các nước ASEAN… Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thu nhập của người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng, do vậy giá cả hàng hóa có thể là một yếu tố được quan tâm nhiều hơn trong lựa chọn của người tiêu dùng. Với CPTPP, hàng hóa Việt Nam sẽ có thêm lợi thế về giá so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác chưa có FTA với thị trường này.
Tuy nhiên, dư địa lớn không có nghĩa là hàng Việt dễ dàng xuất khẩu vào Canada. Hệ thống pháp luật về thương mại của Canada khá phức tạp, bao gồm luật liên bang và nội bang. Vì vậy, hàng hóa nhập khẩu vào Canada phải tuân thủ đồng thời cả 2 loại luật này, trong khi trình độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt về pháp luật có hạn.
Để thực sự tiếp cận được thị trường này, ông Bùi Tuấn Hoàn – Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) – cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật nội địa của Canada và bảo đảm tuân thủ đầy đủ. Nghiên cứu kỹ thị trường Canada, đặc biệt là các thị trường ngách; tìm hiểu thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng bởi người tiêu dùng Canada không quá bảo thủ, họ sẵn sàng thử sử dụng sản phẩm mới nếu giá cả cạnh tranh.
Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu cơ chế, cách thức tiếp cận các kênh, nhà phân phối hàng hóa ở Canada, đặc biệt là kênh thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng Canada. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nghiên cứu, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm Việt Nam.
(Thu Phương/congthuong.vn)