Tổng Lãnh sự Vương quốc Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh Sok Dareth bày tỏ lạc quan về triển vọng hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Campuchia, khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực để vượt qua mọi trở ngại do các yếu tố bên trong và bên ngoài gây ra, cùng nắm chặt tay nhau, chung tay bảo vệ mọi thành quả hợp tác của hai nước.
Xin ông cho biết kết quả hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh của Campuchia trong thời gian qua?
Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Phnom Penh được thiết lập từ năm 1999 không ngừng được củng cố và phát triển với nhiều dự án thiết thực, hiệu quả mang lại lợi ích cho nhân dân hai địa phương. Trên thực tế, một số thành tựu quan trọng đạt được trong thời gian qua gồm có:
Thứ nhất, trao đổi đoàn diễn ra sôi nổi, bao gồm các chuyến thăm của các đoàn của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Quân khu 7, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh đến Campuchia, các đoàn của Thủ đô Phnom Penh và các tỉnh thành Campuchia đến Thành phố Hồ Chí Minh… Quả thực, đây là những hoạt động đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ anh em giữa hai nước trên tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” ngày càng đi vào chiều sâu, mạnh mẽ và nâng lên một tầm cao mới.
Thứ hai, hợp tác kinh tế liên tục phát triển, ổn định, kim ngạch thương mại song phương Campuchia – Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 9,53 tỷ USD, tăng gần 80% so với năm 2020. Kim ngạch thương mại song phương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia tính đến tháng 10/2021 đạt hơn 230 triệu USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhập khẩu từ Campuchia đạt hơn 35,7 triệu USD, tăng 25,6 % so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến tháng Tư năm nay, Campuchia có 12 dự án đầu tư với tổng vốn 3,04 triệu USD, đứng thứ 53/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các hội chợ thương mại – dịch vụ – du lịch Việt Nam – Campuchia tại Thủ đô Phnom Penh và các khu vực khác. Hàng năm, Bộ Du lịch Campuchia tổ chức chương trình “Đêm Campuchia” tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch. “Đêm Campuchia” năm 2022 được tổ chức vào ngày 8/9 vừa qua tại khách sạn REX.
Cho đến nay, Việt Nam có 198 dự án đầu tư sang Campuchia được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 2,92 tỷ USD. Năm 2021, đầu tư của Việt Nam vào Campuchia đạt 89,4 triệu USD.
Thứ ba, lĩnh vực du lịch có nhiều khởi sắc. Trong nhiều năm qua, Việt Nam là quốc gia có lượng du khách đến Campuchia nhiều nhất. Trong quý I năm nay, du khách Việt Nam đứng đầu thị trường du lịch Campuchia với 46.303 lượt người.
Thứ tư, trong lĩnh vực y tế, việc khai trương Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnom Penh vào năm 2014 là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai thành phố. Đồng thời, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng chăm sóc điều trị cho bệnh nhân Campuchia với mức phí điều trị giống như người Việt Nam, không phân biệt đối xử, có lúc, có người hoàn cảnh bệnh nhân quá khó khăn, một số bệnh viện theo yêu cầu của gia đình hoặc thông qua Tổng Lãnh sự quán Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm, giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân Campuchia, đó là tình cảm quý giá không gì sánh được.
Thứ năm, về giáo dục và đào tạo, hàng nghìn sinh viên, học viên cảnh sát và quân đội Hoàng gia Campuchia đã và đang học tập và nghiên cứu tại Việt Nam nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Trong khi đó, hàng trăm sinh viên Việt Nam đã và đang học tập tại Campuchia thông qua các chương trình hợp tác giáo dục giữa hai Chính phủ. Những sinh viên, học viên tốt nghiệp của mỗi nước đã và đang góp phần tích cực vào việc gìn giữ, bảo vệ, vun đắp và trở thành cầu nối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc ngày càng bền vững.
Thứ sáu, trong lĩnh vực giao thông và cơ sở hạ tầng, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có các chuyến bay thẳng với Phnom Penh, Siem Reap và Preah Sihanouk. Đường bộ và đường thủy cũng được kết nối, hợp tác và đang hoạt động tích cực tạo điều kiện đi lại cho người dân hai nước cũng như khách quốc tế.
Năm nay là năm kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Campuchia – Việt Nam và là Năm Hữu nghị Campuchia – Việt Nam 2022. Hai nước, cũng như Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Phnom Penh, đã và đang phối hợp chặt chẽ, trao đổi đoàn các cấp, tổ chức nhiều chương trình, sự kiện chào mừng sự kiện lịch sử quan trọng này, nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân hai nước, cũng như cộng đồng quốc tế về mối quan hệ bền chặt, tốt đẹp giữa hai nước để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn và sâu sắc hơn.
Hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh của Campuchia sẽ được thúc đẩy như thế nào trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch?
Trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết, anh em, láng giềng tốt đẹp và hợp tác toàn diện giữa hai nước, đặc biệt là giữa Thủ đô Phnom Penh và Thành phố Hồ Chí Minh, sự giúp đỡ lẫn nhau, kịp thời là cần thiết và là ưu tiên trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta đã cùng kề vai, sát cánh, chung tay vượt qua mọi trở ngại và khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố của Campuchia đã bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh phục hồi sau Covid-19, sang trạng thái bình thường mới, linh hoạt, mạnh mẽ và đầy tự tin.
Thủ đô Phnom Penh và Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu phát triển kinh tế trọng điểm của mỗi quốc gia. Thông qua đó, Chính phủ mỗi nước đã đề ra các chính sách hỗ trợ, chiến lược khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 theo hướng bình thường mới.
Việc nối lại các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch… đặc biệt là kết nối lại với các nước láng giềng, khu vực và trên thế giới là hết sức cần thiết và rất quan trọng. Chúng tôi thấy rằng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh của Campuchia đã hợp tác rất tốt trong việc cùng nhau phục hồi.
Trong bối cảnh đó, quan hệ hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành của Campuchia cần nhận được sự quan tâm hơn nữa từ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các nhà lãnh đạo trực tiếp tại các tỉnh, thành phố của hai nước.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính và công nghệ hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, có thể xem xét tính khả thi của việc xây dựng các chính sách ưu tiên, chuẩn bị và cung cấp cho người Campuchia có nhu cầu đến khám chữa bệnh với gói dịch vụ tốt, chuyên nghiệp, phù hợp và nhận được sự quan tâm cao, góp phần quan trọng vào việc gắn kết tình cảm giữa nhân dân với nhân dân, thúc đẩy tinh thần hữu nghị, đoàn kết anh em giữa hai dân tộc Campuchia – Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của việc thúc đẩy hợp tác địa phương giữa hai nước, đặc biệt là hợp tác giữa các tỉnh biên giới?
Sự hợp tác bền chặt và tin cậy lẫn nhau giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã mang lại hòa bình, ổn định và phát triển cho hai dân tộc Campuchia và Việt Nam, cùng với sự phát triển về hợp tác quốc phòng, an ninh, giáo dục, văn hóa và du lịch, cũng như các lĩnh vực khác ngày càng mở rộng, thiết thực và đạt được những thành tựu đáng mừng, qua đó đã tạo cơ hội vàng cho các địa phương của hai nước, nhất là các tỉnh giáp biên giới có điều kiện giao lưu, hợp tác, gắn bó với nhau như anh em một nhà, như một gia đình.
Thành phố hai nước cũng vui mừng chào đón ngày càng nhiều doanh nhân, nhà đầu tư và khách du lịch mỗi nước. Đặc biệt, chúng ta đã cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Trong đó, công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền đạt khoảng 84% với các hiệp ước mà hai bên đã ký kết. Đối với khoảng 16% còn lại, cả hai bên đang đàm phán và tin rằng sẽ sớm hoàn thành.
Ngoài ra, trước sự lây lan của Covid-19, chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan chức năng dọc biên giới hai nước đã và đang phối hợp chặt chẽ để cung cấp thông tin kịp thời và hiệu quả nhằm ngăn chặn và chống lại sự lây lan của Covid- 19. Hai bên cũng cung cấp hỗ trợ lẫn nhau các trang thiết bị y tế cần thiết. Trong khi đó, các tỉnh giáp biên giới hai nước đã và đang đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, mua bán người, buôn lậu, ma túy, ngăn chặn và làm thất bại mọi kích động, âm mưu chống phá, chia rẽ tình anh em Campuchia – Việt Nam…
Phương Hằng