Quan hệ đối tác ASEAN – Nhật Bản thời gian qua đã nổi lên như động lực của sự thịnh vượng trong khu vực châu Á bất chấp nhiều khó khăn, thách thức.
Trong một bài viết trên trang Nikkei Asia, chuyên gia kinh tế Nobuhiro Hemmi, đồng thời là tác giả của cuốn sách “Tác động Trung Quốc-ASEAN: Siêu đô thị kinh tế ngay trước cửa Nhật Bản”, đánh giá cao hợp tác ASEAN – Nhật Bản, đặc biệt là hợp tác kinh tế.
Năm 2023 đánh dấu 5 thập kỷ hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản. Trong 50 năm kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác, mối quan hệ ASEAN – Nhật Bản đã trở nên sâu sắc và mở rộng thành một mối quan hệ kinh tế động lực cho sự thịnh vượng của châu Á.
Chương sắp tới của quan hệ đối tác ASEAN – Nhật Bản được dự báo sẽ tăng cường hơn nữa tính năng động của khu vực, bằng cách tự do hóa sự di chuyển của con người, hàng hóa và tiền tệ. Cơ hội trong khu vực cho các cá nhân và công ty rất đa dạng.
Kể từ khi ký kết hiệp định đối tác kinh tế toàn diện vào năm 2008, ASEAN và Nhật Bản đã phát triển mối quan hệ theo hướng trở thành một khu vực kinh tế có thị trường khoảng 750 triệu dân với tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và các dòng đầu tư, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Trên thực tế, tổng đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào ASEAN cao hơn gấp đôi so với đầu tư trực tiếp mà nước này đầu tư vào Trung Quốc.
Ngoài việc xây dựng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ và sở hữu trí tuệ, khu vực kinh tế ASEAN – Nhật Bản đã phát triển chuỗi cung ứng bền vững sau hậu quả của thiên tai, khủng hoảng kinh tế châu Á và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Công bằng mà nói, ASEAN-Nhật Bản đã trở thành một mô hình hợp tác khu vực và là một trong những lĩnh vực hoạt động kinh tế sôi động nhất thế giới.
Giai đoạn tiếp theo của quan hệ đối tác ASEAN – Nhật Bản sẽ chứng kiến những bước phát triển đầy tham vọng xuất phát từ nhận thức của khu vực về vai trò của mối quan hệ này trong trật tự quốc tế và niềm tin rằng các quốc gia có chủ quyền có thể có ảnh hưởng ngay cả khi họ không phải là siêu cường.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản lần thứ 25 vào tháng 11 tại Phnom Penh, các nhà lãnh đạo đã cam kết lại hợp tác kinh tế, bao gồm khai thác các cơ hội trong nền kinh tế kỹ thuật số, củng cố niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp thông qua tăng cường tính minh bạch và hiệu quả kinh tế. Các biện pháp trước mắt bao gồm tăng cường kết nối khu vực, bên cạnh sự hợp tác đang diễn ra trong các lĩnh vực như đổi mới kỹ thuật số, sở hữu trí tuệ và tạo thuận lợi cho thương mại.
Khả năng phục hồi là dấu hiệu và sức mạnh của khu vực kinh tế ASEAN – Nhật Bản. Điều này giúp khu vực phục hồi sau các thảm họa thiên nhiên và duy trì sự toàn vẹn trước các áp lực địa chính trị. Gần đây nhất, khu vực này đã cho thấy khả năng phục hồi khi đối mặt với đại dịch Covid-19, đạt được mức độ phục hồi gần như chưa từng thấy ở những nơi khác.
Một đặc điểm nổi bật khác của quan hệ đối tác ASEAN – Nhật Bản là cách nó cân bằng với các khu vực khác và trật tự thế giới khi phát triển một loạt các mối quan hệ khu vực và quốc tế.
Mối quan hệ Nhật Bản-ASEAN cũng có chức năng hữu ích như một ngã tư đường. Trong khi châu Âu và châu Á được kết nối bằng đường bộ, Nhật Bản và ASEAN liên kết với nhau thông qua các tuyến đường biển, và khối này hiện là ngã tư của nền kinh tế toàn cầu. Một phần do sự hội nhập của họ và do 1/3 vận chuyển toàn cầu đi qua Biển Đông, theo ước tính của Hội nghị Liên hợp quốc tế về thương mại và phát triển (UNCTAD).
ASEAN có thể được coi như một mô hình toàn cầu cho các khu vực đang phát triển khác. Với việc Nhật Bản mở rộng hoạt động dọc theo hành lang kinh tế, khu vực Nhật Bản – ASEAN không chỉ trở thành ngã tư kinh tế của châu Á mà còn là ngã tư kinh tế của thế giới.
Thu Trang